336. Hình tượng Rồng trong văn hoá Việt

Dân gian phương Đông dùng thuyết “tam đình cửu tự” (thân 3 khúc: đầu, thân, đuôi, kết hợp từ 9 nét khác nhau của 9 loài vật có thật gồm “cửu tự” là chín nét giống, gồm: sừng giống nai, đầu giống đà, mắt giống thỏ, thân giống rắn, bụng giống trai, vảy giống cá, ngón chân giống chim, chân giống hổ, tai giống bò) để nói lên đặc trưng tổng hợp ấy, và để lý giải vị trí bá chủ vạn vật của rồng.

1. Nguồn gốc Bách Việt của rồng

Nghiên cứu cho thấy rồng Đông Á mang nguồn gốc Bách Việt cổ (cộng đồng cư dân cổ thuộc ngữ hệ Austro-asiatic cư trú từ hạ lưu Dương Tử đến Bắc Đông Dương, trong đó có tổ tiên Lạc Việt) trên cơ sở của sự kết hợp rắn, cá sấu và nhiều loại vật khác. Rồng mang một số đặc trưng quan trọng liên quan đến văn hóa Bách Việt như

(1) nguyên mẫu chính từ rắn hoặc cá sấu, tức các loài động vật phổ biến của phương Nam (Rồng có các nguyên mẫu chính gồm rắn, cá sấu, cá, lợn, trâu, ngựa, hổ, chó, tia chớp, sinh thực khí nam – xem Nguyễn Ngọc Thơ: “Về vấn đề nguyên mẫu của Rồng Trung Hoa”, Tập san KHXH&NV, 2007),

(2) tính cách thích nước và sinh sống ở môi trường sông nước; và

(3) rồng là sản phẩm tổng hợp của tư duy âm dương phương Nam.

Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn (2000), tên gọi Rồng vốn xuất hiện trong tiếng Việt và một số ngôn ngữ thuộc tiểu chi Proto Việt-Chứt; từ Thìn trong thập nhị địa chi là tên gọi do người Hán vay mượn từ ngôn ngữ Bách Việt cổ. Người Bách Việt, mà cụ thể là Lạc Việt, với truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, tự xem mình là “con Rồng cháu Tiên”. Nhiều nhà nghiên cứu Trung Hoa cũng đồng nhất quan điểm này. Tác giả Văn Nhất Đa trong chuyên khảo “Đoan ngọ khảo” (1993) gắn nguồn gốc xuất hiện của rồng với tết Đoan ngọ và tục đua thuyền rồng của cư dân Ngô Việt vùng hạ lưu Dương Tử. Ngày nay, các vùng đất Nam Trung Hoa, Việt Nam, Đài Loan, Okinawa vẫn còn tục đua thuyền rồng trong các dịp đón năm mới, tết Đoan ngọ hay lễ hội truyền thống (Trịnh Tiểu Lô 1997). Tác giả Trung Hoa Nghê Nông Thủy (2010) chứng minh nguồn gốc Bách Việt của tết Đoan ngọ cùng tục đua thuyền rồng, sau được người Trung Hoa tiếp nhận và gắn thêm chức năng cứu Khuất Nguyên để giáo dục cội nguồn. Nhà dân tộc học người Nga D.V. Deopik (1993) từng viết “Rồng là con vật đặc thù chung cho tất cả các dân tộc Việt và chính từ đây nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa”. Còn nhà Việt Nam học người Nga N. I. Niculin cũng nhận xét: “Trong văn hoá truyền thống của người Việt, hình tượng con Rồng – một con vật tưởng tượng – trở thành biểu tượng quan trọng nhất… Chính người Việt từ ngàn xưa đã biết trồng lúa nước và đánh cá… Hoàn toàn có cơ sở để cho rằng hình tượng con rồng trong văn hoá Trung Hoa có nguồn gốc từ phương Nam, từ vùng Đông Nam Á, từ Việt Nam và các quốc gia láng giềng….” (Xem Xem Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Ngọc Thơ: “Nguồn gốc con rồng nhìn từ văn hóa học”,Tập san KHXH&NV, 2011).

Từ chiếc nôi Bách Việt, rồng lan truyền ra xung quanh, tại mỗi địa phương rồng khoác lên sắc thái văn hóa của riêng địa phương mình. Chính vì vậy, rồng đã trở nên đa dạng về chủng loại và hình dáng, tạo nên một “Gia tộc họ rồng” cực kỳ đa dạng về hình thức lẫn chức năng.

2. Gia tộc họ rồng

Lấy giới tính làm tiêu chí phân loại thì có hai loại rồng đực đuôi có hạt châu hoặc chỉ có chiếc đuôi đơn thuần và rồng cái đuôi phân nhánh thành hoa văn hoa cỏ.

cvth20131126c6945137-83a7-46ac-abfc-1221ea627895.jpg

Thứ hai là tiêu chí nguyên mẫu. Rồng hình thành từ sự kết hợp đa loài, dù vậy vẫn có thể nhận diện loài vật đặc trưng nhất. Tiêu biểu có rồng rắn, rồng cá sấu, rồng cá, rồng ngựa, rồng hổ, rồng chó, rồng chim, rồng thuồng luồng (giao long), rồng kỳ đà, rồng cáo…

cvth2013112631a851e5-959d-40d8-af23-afff7d6e4983cvth20131126d1dc6c7f-2507-4342-955e-8c3b48593fc5cvth201311260aae16e5-2e9e-4b19-9998-190716de5ef4

Còn nếu dựa vào tứ chi của rồng để phân thì có các loại rồng 5 móng, 4 móng, 3 móng; không chân và rồng có tứ chi là hoa văn cây cỏ. Rồng 5 móng là loại rồng chuẩn, từ đầu Công nguyên trở đi đã trở thành biểu tượng của vua chúa, thường xuyên bị hoàng gia lũng đoạn, dân gian bị cấm dùng. Quan lại chỉ được phép dùng rồng 4 móng, có thời kì bị bắt buộc dùng hình mãng xà (như thời Minh ở Hồng Kông). Rồng không chân thường được hiểu là thuồng luồng, xuất hiện nhiều trong truyền thuyết dân gian. Rồng có tứ chi phát triển thành hoa văn hoa cỏ thường được dùng nhiều trong nghệ thuật trang trí kiến trúc hay hội họa truyền thống.

Quỳ long

– Trong truyền thuyết phương Đông, rồng có chín con với hình dáng và sở thích hoàn toàn khác nhau, bao gồm bị hí, xi vẫn, bồ lao, bệ ngạn, thao thiết, công phúc, nhai xế, toan ngê, tiêu đồ; bên cạnh là một số linh vật họ rồng khác nữa như tù ngưu, phụ hý, trào phong, tỳ hưu, hải trãi v.v. [Nguyễn Ngọc Thơ: Rồng Trung Hoa, Luận văn thạc sỹ, 2003].

cvth20131126fa65fcaa-a673-4193-8c92-0b3d40da435acvth20131126de2cc405-286d-42ec-8462-40842b03390ccvth20131126abf807fb-26e9-4495-a385-68b15f1ba427

3. Rồng qua các thời kỳ

Con rồng đã từng là một tô tem trong tín ngưỡng sơ khai của người Việt Nam. Dân Việt cổ có tục xăm mình, phổ biến trong số ấy là họa tiết rồng (giao long). Theo ghi chép trong Hoài Nam Tử và Sơn Hải Kinh, rồng được người Việt xưa xăm lên đùi để khi xuống nước “tránh bị giao long làm hại”. Đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm mình. Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Hình tượng rồng thời đại Hùng Vương là một linh vật thân dài có vẩy như cá sấu được chạm trên các đồ đồng, đặc biệt là trên trống đồng.

cvth2013112605a279f7-c66f-44be-8418-6ab0b62973b0

Qua thời kỳ Bắc thuộc, con rồng Việt Nam dần xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Thủ đô Thăng Long được đặt tên theo thế “rồng bay”. Rồng thời Lý là con vật mình dài như rắn, thường thân trơn, lưng có vây, thân uống cong nhiều vòng uyển chuyển theo hình sin mềm mại và thoải nhỏ dần về phía đuôi, tạo cảm giác dòng văn hóa dân gian mượt mà dài vô tận. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, há miệng rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi thoát ra mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ “S”, tượng trưng cho sấm sét, mây mưa [Xem Mỹ thuật thời Lý, 1973]. Trên đại thể, rồng thời Lý là rồng văn, rồng Phật giáo.

cvth20131126b475df6c-271d-495f-b4da-dc8258da747f

Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Đây là thời kì người Việt Nam ba lần đánh bại quân thiện chiến Nguyên Mông, do vậy triều Trần được cho là triều đại trọng võ. Dấu ấn ấy có thể nhìn thấy rất rõ qua hình tượng rồng. Đầu rồng xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay, chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng, có khi là những nửa hình nụ hoa tròn, có khi chỉ là những nét cong thanh thoát [Xem Mỹ thuật thời Trần, 1977].

Rồng thời Lê (thế kỷ XV) hoàn toàn khác biệt với rồng thời Lý-Trần. Thân rồng có xu hướng ngắn lại, tư thế đa dạng phong phú. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến [Xem Mỹ thuật thời Lê Sơ, 1978].

Rồng thời Lê Trung hưng nhìn chung ít thay đổi so với thời Lê Sơ, điểm nổi bật là hình tượng rồng dần dà đi vào đời sống thường dân, đặc biệt là các mô típ bầy rồng con quây quần bên rồng mẹ, rồng đuổi bắt mồi, rồng vui cảnh lứa đôi v.v..

cvth20131126538d73b4-e18f-452b-96b5-f6b5f1aafb9b

Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi vương quyền. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc rồng hàm thọ, lưỡng long triều nhật, lưỡng long chầu hoa cúc, lưỡng long chầu chữ thọ v.v.. Thân rồng không dài ngoằn, uốn lượn với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu có nhánh phụ cùng chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi giống mũi lân hoặc sư tử, miệng há to để lộ hàm răng răng nanh chắc khỏe. Vây trên lưng rồng có tia, thân cuộn hoa văn lửa hoặc mây, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua chân có năm móng mạnh mẽ, còn quan và tầng lớp quý tộc chỉ được pháp dùng rồng bốn hoặc ba móng, đuôi không có bờm lông, các chi tiết hoa văn lờ mờ hơn rồng cung đình. Rồng trên mái đình chùa miếu mạo thường cũng chỉ có bốn móng([1]).

cvth201311263b1688a0-75af-4177-be23-e800dfd9a3e7

Kể từ khi triều Nguyễn kết thúc, tính phân tầng xã hội trong quy cách sử dụng mô típ rồng không còn nữa, chính vì vậy người ta có thể chạm khắc rồng với muôn hình vạn trạng, từ vân long, đoàn long, quỳ long, ứng long, li long, giao long, rồng 5 ngón, 5 ngón, 3 ngón v.v.. Hình tượng con rồng cũng không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng như xưa, thay vào đó dân gian vẫn đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật với những ý nghĩa dân gian, bình dị.

4. Rồng trong tâm thức người Việt

Như vậy, tổ tiên Bách Việt đã từng có tô tem rồng. Sau quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa với Trung Hoa, người Việt Nam tiếp nhận trở lại hình ảnh và ý nghĩa của mẫu rồng Á Đông đã hoàn thiện hóa từ người Trung Hoa. Từ đó trở đi, rồng ngự trị trong tâm thức người Việt như một linh vật đặc biệt, là “vạn vật chi đế”, là biểu tượng cộng gộp tất cả các ước vọng tốt đẹp nhất của cuộc sống nhân sinh.

Trước nhất, rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loại vật có thật trong tự nhiên, do vậy rồng mang trong mình hết thảy các ưu thế vượt trội của các loài, trong đó sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa là hai đặc tính quan trọng. Rồng được cho là biểu trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, là uy lực bất bại trước kẻ thù.

Từ đặc tính tạo thành từ giới tự nhiên, rồng được người Việt Nam và Đông Á nói chung vay mượn để thực hành hoặc chuyển tải các thông điệp tâm lý – xã hội. Với tính năng siêu việt, rồng được tin là linh vật mang lại điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng, sự thông thái; đồng thời còn là sứ giả để gửi gắm những ước vọng trong đời: cầu mưa, cầu phồn thực. Chính từ đó, trong dân gian xuất hiện các mô-típ rồng hút nước biển Đông để tưới vào đất liền, cá chép vượt vũ môn hóa rồng, rồng trừng trị kẻ ác để bảo vệ chúng dân; thế đất rồng trong phong thủy mang đến cuộc sống phồn vinh (long mạch, long hổ hội, Dinh Độc Lập = phủ đầu rồng); hiện tượng rồng “cù dậy” (cù lao); rồng là một trong 12 con vật đại diện trong dãy Thập nhị Địa chi; mượn tên gọi Long, Rồng để đặt tên đất (Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long, Long Hải, Hàm Rồng v.v.), tên người, tên các loài động thực vật hay dụng cụ khác giống rồng (địa long = giun đất, cá mắt rồng; long nhãn, rau long tu, cây long huyết, cỏ long đảm; đầu rồng = vòi nước v.v.); múa lân-sư-rồng v.v..

Tương tự, rồng được khắc, họa trong nhiều công trình kiến trúc quan trọng từ kinh đô đến nhà dân, từ đình chùa miếu mạo đến các cơ quan công quyền (truyền thống) như một thể hiện sống động của rồng trong tâm thức người Việt. Lấy hoa văn trang trí trên đình chùa miếu mạo làm ví dụ, người Việt Nam có xu hướng quy tụ vào nhóm Tứ linh (long-lân-quy-phụng) hơn là xu hướng đa dạng hóa các mô típ trang trí của người Trung Hoa (rồng-phụng, bát vật, bát bảo, bát tiên quá hải, các nhân vật truyền thuyết-thần thoại, các linh vật họ rồng v.v.. – có thể xem ở miếu Thiên Hậu Tuệ Thành số 710 đường Nguyễn Trãi, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh). Các mô típ thường thấy nhất là “lưỡng long tranh châu”, “lưỡng long triều nhật”, “tứ linh hội tụ”, “dây lá hóa long” v.v.. Ở đất Nam Bộ, rồng còn gắn liền với cá chép, cả hai đều là loài vật thích nước, đều là vật biểu trưng của vùng đất phương Nam đầy sông nước, như ở Tổ đình chùa Giác Lâm (Tp. Hồ Chí Minh) chẳng hạn.

Trong ca dao tục ngữ, phần đông rồng được dùng để chuyển tải ý nghĩa cao quý, thánh thiện, nhấn mạnh chức năng tâm lý:

– Một ngày dựa mạn thuyền rồng
 Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài

– Bao giờ cá chép hoá long
 Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.

– Thế gian được vợ hỏng chồng
Có đâu như rồng mà được cả đôi.

– Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng
 Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư

– Trứng rồng lại nở ra rồng
 Liu điu lại nở ra dòng liu điu

Đôi khi còn dùng rồng để chuyển tại thông điệp tình yêu:

– Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
 Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây

– Tình cờ anh gặp mình đây
 Như cá gặp nước, như mây gặp rồng

– Trăm năm ghi tạc chữ đồng
 Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai

– Có chồng thì phải theo chồng
 Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo..

Hay kinh nghiệm sống:

– Rồng đen lấy nước thì nắng;

Rồng trắng lấy nước thì mưa

– Rồng đen lấy nước được mùa;

Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày..

Dùng làm câu đố:

Đầu rồng đuôi phụng le te,
 Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con
(Cây cau – xem Phan Thuận An: cuasomoi.com)

Hoặc dùng rồng như một thứ để giễu cợt, mỉa mai, trách móc:

– Rồng nằm bể bắc phơi râu,
 Đến khi nước cạn hở đầu hở đuôi

– Ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa v.v..

(Phùng Thành Chủng: newvietart.com)

Với thuyết Hồng Bàng thị, người Việt Nam còn coi rồng là một biểu trưng của nguồn cội, của ý thức giống nòi và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Ý thức “Con rồng cháu tiên” sớm ngấm ngầm vào da thịt từng người con đất Việt từ thuở lọt lòng mẹ.

cvth20131126f41e50a8-1ecb-46a7-a772-82be3ab4f70f

Cũng ở chức năng này, rồng sớm bị các bậc đế vương phong kiến lũng đoạn, bắt đầu từ nhà Hán ở Trung Hoa([2]), sau ảnh hưởng đến Việt Nam và các quốc gia Đông Á khác. Từ đó rồng được phân loại mạnh mẽ: rồng 5 móng là rồng chuẩn mực, là biểu tượng của vua chúa, hoàng gia nên dần dà trở thành vật sở hữu của họ([3]). Dân gian từ thời Lê trở về sau bị hạn chế dùng rồng trong trang trí, nhất là rồng 5 móng. Trong tâm thức dân gian Nam Bộ, rồng là biểu hiện của văn hóa cung đình, do vậy ca dao có câu “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai..”. Tại các đình chùa miếu mạo do dân gian xây dựng, mô típ rồng thường thấy là rồng 4 móng hoặc 3 móng, tức chưa là rồng chuẩn. Như một sự phản kháng, dân chúng đã tạo ra các kiểu rồng không mọc chân mà thay vào đó là các kiểu hoa văn hoa cỏ sinh động để thể hiện ước vọng thăng hoa của nội tâm, đặc biệt là chạm khắc trên các công trình kiến trúc (quỳ long, li long, cù long v.v..).

cvth2013112683d10d54-7787-4949-ade0-60651dede2cb

Ở chức năng tâm linh, rồng được hiểu là thần thánh, phần nhiều là thiện thần. Hai trong những nguyên do biến rồng thành thần gồm (1) linh vật tổng hợp từ sự vượt trội của nhiều loài; (2) rồng có thể thiên biến vạn hóa và thông thiên kết nối nhân gian và thế giới thần tiên. Chính vì vậy, người Việt sớm nhận thức rằng rồng là hiện thân của thần linh để trị ác cứu dân, là vật cưỡi của thần tiên (như mô típ tiên cưỡi rồng trong kiến trúc đình Bắc Bộ) hay chư Phật (trong kiến trúc chùa), là linh vật chầu phục Đức Thái Thượng Lão Quân trong Đạo giáo. Sự ngự trị tối cao của rồng so với các loài vật khác còn có thể thấy trong quần thể tòa thánh Cao Đài ở Nam Bộ (trần mái Cửu Trùng Đài, cột rồng v.v.). Ở chùa An Phước (Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh), người ta đúc thuyền hình rồng trên có năm thầy trò Đường Tăng đầu quay về Thiên Trúc với ý nghĩa rồng hộ tống, đưa Phật tử và chúng sinh thánh thiện về đất Phật.

Long ấn thời Nguyễn

Tuy nhiên, chức năng tâm linh này của rồng thường được hiểu là gắn liền với chức năng ổn định tâm lý và giáo dục con người (tu tâm dưỡng tính, gửi gắm niềm mong mỏi một cuộc sống tốt đẹp hơn v.v.) là chính. Trong xã hội đương đại vẫn còn dấu vết của hiện tượng mê tín hóa biểu tượng rồng, chẳng hạn chuyện chọn năm Thìn để sinh con, hoặc chọn ngày giờ phù hợp sinh con để được quẻ Thuần Rồng (trong Tử vi); chuyện dùng nước “giếng rồng” để chữa bệnh; quan niệm ăn thịt rồng (thực chất là thịt rắn), trứng rồng (trứng đà điểu) để trường sinh bất lão; chuyện cúng tế “cù long” (rồng cù dậy) trong những ngôi nhà nền đất mặt sần sùi giống vảy rồng do đi lại lâu ngày tạo nên v.v..

°°°

Vậy đó, tổ tiên đã tạo ra biểu tượng rồng như là một biểu hiện của khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên và chinh phục chính mình. Cùng với thời gian, con người đã “thiên biến vạn hóa” biểu tượng rồng và sử dụng chúng theo những mục đích khác nhau, song chính những giá trị tốt đẹp của rồng trong tâm thức con người đã đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nó.

TS. Nguyễn Ngọc Thơ
Đặc san Khoa học Xã hội số 42

Chú thích:

[1] Xem B.A.V.H 1915: Những người bạn cố đô Huế (tập 2), Đặng Như Tùng dịch, NXB Thuận Hóa.

[2] Hán Cao Tổ Lưu Bang sinh thời da vẻ sần sùi, tự xưng là giống rồng và ngụy tạo chuyện rồng cha truyền giống để lý giải quyền Thiên tử của mình. Tương truyền, mẹ là Lưu Ôn trong lần ra vườn Thượng uyển thấy bàn chân to trên đá, bá ướm thử, bỗng giông tố nổi lên, bà ngất xỉu. Trong lúc hôn mê, bà thấy một con rồng xanh từ trên trời bay xuống thụ tinh cho bà, bà có mang, sau sinh ra Lưu Bang.

[3]Ở Trung Hoa, thời Minh Gia Khánh rồng bị lũng đoạn nghiêm trọng, chỉ có vua mới được dùng rồng, hoàng tử, quan lại chỉ dùng mãng xà, dân chỉ dùng rắn. Hoàng hậu đương triều trong một lần nhớ chồng mân mê chiếc long bào có hình rồng lập tức bị xử tội (xem Rồng Trung Hoa, luận văn thạc sỹ, 2003).

Chia sẻ với bạn bè:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…

Xổ số miền Bắc