9 tháng, doanh thu ngành du lịch Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD
Mục lục bài viết
9 tháng, doanh thu ngành du lịch Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL cho biết, trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng doanh thu khoảng 16,5 tỷ USD.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL cho biết, trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng doanh thu khoảng 16,5 tỷ USD.
Sáng 12/10, tại Quảng Nam, Bộ VH-TT&DL Việt Nam chủ trì tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 (MTF) với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch – Kiên cường phục hồi du lịch”.
Hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu từ đầu năm 2020 đã đẩy ngành du lịch vào giai đoạn khủng hoảng mang lại hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc tế, chấm dứt chuỗi mười năm tăng trưởng bền vững.
Ngành du lịch thế giới chịu nhiều thiệt hại và rơi vào tình trạng đình trệ trong khoảng thời gian hơn hai năm. Dự kiến tới năm 2024 ngành du lịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương mới có thể để lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.
Theo ông Khánh, đối mặt trước những thách thức và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã chủ động, tích cực thích ứng để triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch, vượt qua gần hai năm biến động. Đặc biệt, quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm.
“Trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu khoảng 16,5 tỷ USD. Những con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL phát biểu tại diễn đàn.
Theo ông Khánh, du lịch là một lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), nhận được nhiều quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Những năm gần đây, hợp tác du lịch Tiểu vùng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ các nước, thu hút sự tham gia hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp du lịch và đối tác liên quan.
“Du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Và trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực tiểu vùng Mê Công lần lượt mở cửa, chúng ta đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế và tôi tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kể cho cả năm nay”, ông Khánh khẳng định.
9 tháng 2022, hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Thành Vân.
Xây dựng 6 quốc gia, một điểm đến
Nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS trước những khó khăn, thách thức bởi tác động lâu dài của COVID-19 và sự cạnh tranh gắt gao hơn từ các quốc gia, khu vực khác ngoài tiểu vùng sau đại dịch, ông Khánh đề nghị 6 nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch từ nhiều phân khúc.
“Để làm được điều đó, không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực nhà nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển”, ông Khánh nói.
Trong thời gian tới, ông Khánh đề nghị các nước thành viên tiếp tục chung tay triển khai hiệu quả Chiến lược Du lịch Mê Công 2016-2025. Trong đó, các kế hoạch hành động, dự án du lịch trong khu vực Tiểu vùng cần đảm bảo hiệu quả, khoa học và đem lại những kết quả cao nhất.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thành Vân.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả của các hoạt động hợp tác công – tư và thu hút nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các bên liên quan trong ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp, mở rộng kết nối trong ngành du lịch và cả liên ngành để khám phá các cách thức mới phát triển du lịch theo định hướng bao trùm.
Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch điểm đến Mê Công để quảng bá 6 quốc gia, một điểm đến; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là cơ hội vàng để tỉnh Quảng Nam thể hiện hình ảnh là điểm đến và tăng cường liên kết du lịch với các nước thành viên GMS và đặc biệt hơn khi Quảng Nam cũng là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện du lịch quốc gia lớn nhất trong năm “Du lịch Việt Nam 2022” với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh”.
“Quảng Nam đang tăng cường nỗ lực để giúp ngành du lịch phục hồi do tầm quan trọng về kinh tế, cũng như các giá trị xã hội và môi trường mà du lịch mang lại. Tỉnh cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên”, ông Tân khẳng định.
Bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Thành Vân.
Nói tại diễn đàn, bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) cho rằng, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Cuộc khủng hoảng này đặt ra yêu cầu cần phải tư duy và định hình lại du lịch theo hướng phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn và có khả năng phục hồi. Dự báo sau năm 2022, ngành du lịch sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, trong có giá nhiên liệu; chi phí du lịch về khách sạn, ăn uống; đặc biệt ngành hàng không gặp nhiều khó khăn…
Tuy nhiên, bà Liz Ortiguera cũng lạc quan về ngành du lịch châu Á, khi thị trường này đang trở lại mạnh mẽ. Đặc biệt là nhu cầu của khách ngày càng tăng cao, các tour du lịch bùng nổ…
“Tôi cảm thấy lạc quan khi ngành du lịch đang tái hoạt động trở lại. Sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch đang được thay hàng ngày. Các du khách đều cân nhắc điểm đến của mình, du khách muốn đồng tiền của họ đóng góp vào địa phương. Do đó, chúng ta những người làm du lịch ở địa phương cần tạo ra những sản phẩm mới, làm sao để hấp dẫn du khách”, bà Liz Ortiguera nói.