Dán decal ô tô không đúng luật: Bị từ chối đăng kiểm
Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ánh, thắc mắc việc những chiếc “xe cưng” (chủ yếu loại từ dưới chín chỗ) của mình được dán decal toàn thân hoặc dán một phần thân xe bị cơ quan đăng kiểm từ chối việc đăng kiểm.
Dán decal xanh, đỏ, tím, vàng: Bị từ chối đăng kiểm
Anh Minh Hùng (nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) có “con xe” Vios màu trắng. Nhưng vợ anh bảo màu trắng vừa dơ vừa không hợp với tuổi vợ chồng. Anh Hùng đem đi dán decal màu xám lông chuột toàn thân xe và sau đó bị bên đăng kiểm từ chối xét xe theo chu kỳ.
Theo ông Ngô Ngọc Sơn, đăng kiểm viên cao cấp, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam tại khu vực phía Nam, việc dán decal toàn thân xe là làm thay đổi màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe do cơ quan công an cấp. Theo Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT, việc dán decal làm thay đổi màu sơn được coi là dạng thay đổi, khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (MiD). Nghĩa là không gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường khi chiếc xe đó tham gia giao thông. “Do đó các loại xe dán decal nói chung chỉ phải nhắc nhở và vẫn được xét, cấp giấy chứng nhận kiểm định” – ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, với từng trường hợp cụ thể, đăng kiểm viên có quyền từ chối xét xe. Như có xe sau khi dán decal, bằng quan sát và chụp ảnh để lưu trong hồ sơ đăng kiểm mà màu sắc mới làm cho hình dáng có sự thay đổi lớn (từ các góc nhìn khác nhau ở một loại màu của decal sẽ làm “lệch” đi hình dáng chuẩn của xe nhà thiết kế) thì cơ quan đăng kiểm có quyền từ chối xét, cấp giấy chứng nhận. “Đặc biệt, có nhiều xe dán decal đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng… làm cho việc quan sát của đăng kiểm viên, chụp ảnh nhận dạng trở nên khó khăn thì vẫn bị từ chối xét, cấp giấy. Chưa kể các loại xe dán đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng này còn gây ra hiệu ứng phản chiếu, loạn màu sắc nhận diện cho người đi đường, dễ dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn giao thông thì cơ quan đăng kiểm cũng có quyền từ chối” – ông Sơn cho biết.
Các họa tiết, hình ảnh, logo dán trên xe, các bộ phận (như kính chiếu hậu, phải) không gây cản trở tầm nhìn, gây mất an toàn cho xe và người lái. Ảnh: LƯU ĐỨC
Dán decal che kính: Không xét đăng kiểm
Lâu nay khái niệm sơn hoặc dán decal thân xe được hiểu là sơn/dán ở hai bên thân xe, tập trung nhất là ở hai bên của bốn cánh cửa lên xuống. Gần đây, nhiều người tự hiểu thân xe một cách mở hơn là toàn thân, bên ngoài xe. Chỗ nào sơn, dán được là làm. Vì thế có người tự dán decal, các họa tiết hoặc logo ở kính trước dẫn đến hạn chế tầm nhìn của người lái. Hoặc có người dán decal phủ toàn bộ kính sau của xe, che cả ô kính mà người lái có thể nhìn kính chiếu hậu bên trong xe để thấy, quan sát tình huống của xe, người đi sau. “Đối với các xe này, chúng tôi từ chối đăng kiểm ngay vì nó ẩn chứa nguy cơ gây mất an toàn. Do đó buộc lái, chủ xe phải gỡ miếng decal, họa tiết, logo ở kính trước, kính sau để trả lại tầm nhìn, quan sát an toàn cho người lái” – ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 5-02S, Sở GTVT TP.HCM, cho biết.
Ông Hùng cho biết thêm có nhiều xe sau khi va quẹt, gây tai nạn giao thông đang chờ làm bảo hiểm hoặc trong vòng truy tìm tung tích xe của cơ quan điều tra đã cố tình giấu đi dấu tích bằng cách dán decal. Với các xe này, đăng kiểm viên phải quan sát kỹ, thậm chí dùng tay kiểm tra thân xe, các điểm lồi lõm của tôn để phát hiện ra vết va quẹt, điểm hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn.
Tự dán phải đúng luật
Ngoài việc dán decal để trang trí, có nhiều chủ xe lại muốn dán các logo, hình ảnh, họa tiết quảng bá tên tuổi công ty, sản phẩm của chính công ty, đơn vị của mình.
Theo một cán bộ Sở GTVT, với các xe tự quảng cáo thì có thể tham chiếu các quy định hiện hành áp dụng cho việc quảng cáo ở taxi, xe kinh doanh vận tải. Cụ thể, theo Luật Quảng cáo 2012, diện tích quảng cáo cho phép hợp lệ không được vượt quá 50% diện tích bề mặt phương tiện. Nếu vượt quá sẽ dẫn đến vi phạm các quy định của luật giao thông là có thể làm thay đổi màu sơn xe đã ghi trong đăng ký phương tiện do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Từ đó có thể bị CSGT hoặc thanh tra giao thông xử phạt. Nếu các xe này vi phạm những lỗi trong Luật Giao thông đường bộ 2008, khi kiểm tra giấy tờ, CSGT hoặc thanh tra giao thông phát hiện thêm việc dán decal quảng cáo sai luật thì sẽ “phạt kèm” với các lỗi đã vi phạm trước đó.
Cạnh đó, với các loại ô tô thông thường thì khi dán decal tự quảng cáo, không được dán trên nóc, cả mặt trước lẫn mặt sau xe (gồm cả phần kính trước, sau và phần tôn capô, cửa/nắp cốp sau xe).
Ngoài ra, khi dán tên, điện thoại, địa chỉ hoặc hình ảnh quảng bá cho chính đơn vị mình, chủ xe phải chú ý là không được dán các hình ảnh quảng cáo tên, sản phẩm bị cấm theo quy định của pháp luật hoặc “dán hộ”, dán trùng tên, sản phẩm nằm trong diện kinh doanh, dịch vụ quảng cáo.
Dán decal làm thay đổi màu sơn sẽ bị xử phạt
Theo khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008:“Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo (nhà sản xuất) hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Theo một sĩ quan Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), việc dán decal cho xe, làm thay đổi màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe do cơ quan công an cấp, nghĩa là thay đổi màu sắc của xe, thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.
Theo điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định 46/2016 về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ ô tô tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với giấy đăng ký xe.
LƯU ĐỨC – HOÀNG TUYÊN