Hai câu chuyện văn hóa

azXGpmZk.jpgPhóng to

Cô tiếp viên Hàn Quốc quỳ gối xin lỗi khách – Ảnh: Mai Vũ

Từ một lời xin lỗi

Trên chuyến bay từ Seoul đến TP.HCM vào cuối tháng 5 vừa rồi, cô tiếp viên của Hãng hàng không Hàn Quốc (Korean Airlines) khi phục vụ bữa ăn tối đã không may làm vương nước xuống quần của một ông khách nước ngoài. Cô tiếp viên vừa nhẹ nhàng xin lỗi vị khách, vừa dùng khăn bông lau chỗ ướt.

Xui xẻo cho cô tiếp viên xinh đẹp gặp phải một ông khách khó tính. Ông ta giận dữ, không chấp nhận lời xin lỗi của cô tiếp viên và buộc cô này phải gọi tiếp viên trưởng đến để “nói chuyện phải quấy”. Cô tiếp viên một lần nữa năn nỉ xin lỗi ông khách, nhưng lần này là trong tư thế… quỳ gối với vẻ mặt thật sự ăn năn. Chứng kiến cảnh này, nhiều hành khách trong khoang máy bay, trong đó có cả tôi, ban đầu tỏ ý trách cô tiếp viên sơ suất, nhưng cuối cùng đã chuyển sang cảm thông và trân trọng bởi cách ứng xử chân thành của cô.

Lỗi có thể xảy ra bất kỳ ở đâu, mọi lúc trong cuộc sống. Có lỗi và xin lỗi là một ứng xử văn minh trong xã hội, không ngoại trừ bất cứ ai – dân đen hay quan chức. Lỗi dù lớn, nhưng có một sự hối lỗi chân thành sẽ khiến người ta có thiện cảm, dễ tha thứ hơn.

Từ câu chuyện của cô tiếp viên, chợt nghĩ chuyện xứ mình. Chuyện nhỏ như bán sản phẩm không đạt chất lượng, đụng xe giữa đường… cũng hiếm có những lời xin lỗi chân tình. Chuyện lớn: một nhà máy xử lý nước thải tập trung xả nước thải ra môi trường không qua xử lý, vừa vi phạm pháp luật, vừa hủy hoại môi trường lại khiến hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản ven sông thiệt hại, người dân chờ hoài cũng chưa thấy lãnh đạo doanh nghiệp có một lời xin lỗi. Rồi chuyện một số tổng công ty nhà nước sử dụng tiền thuế của dân đầu tư vô tội vạ gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, đến khi bị phanh phui cũng chẳng thấy người có trách nhiệm nói một câu tạ lỗi với những người đóng thuế. Có khi nào “văn hóa xin lỗi” của người mình đã bị mai một?

Văn hóa nơi cầu thang

Giống như nhiều cơ quan khác, nơi tôi làm việc là nhà cao tầng. Tuy nhiên, nhiều lần lên xuống cầu thang tôi phải chứng kiến những cảnh đáng lẽ ra không nên có.

Khi thiết kế trụ sở, việc xây dựng cầu thang đã tính bề rộng đủ cho mọi người lên xuống. Song thực tế vẫn còn những chuyện đáng buồn. Buổi sáng đi làm nhiều người phải tranh thủ đưa con đi học rồi mới đến cơ quan. Cho nên thời gian vào vị trí làm việc là vừa đúng quy định. Ai xui xẻo bị kẹt xe thì đi làm trễ là cái chắc. Ấy vậy mà có khi ở ngoài đường không bị kẹt nhưng đến cơ quan lại kẹt tại cầu thang. Lúc thì gặp một tốp ba, bốn bạn trẻ vô tư vừa đi hàng ngang choán hết cầu thang, vừa lê bước chậm rãi như không còn chút sinh khí nào nữa (chắc chắn là họ trở thành chướng ngại vật mà người đi sau khó vượt qua). Khi thì gặp một phòng làm việc ngay đầu cầu thang đang tranh thủ quét rác từ trong phòng ra (công việc mà đúng ra phải làm từ chiều hôm trước). Lẽ đương nhiên là tất cả phải dừng lại chờ cho xong rồi mới có thể đi tiếp.

Tội nghiệp cái cầu thang vốn được làm thật đẹp, vậy mà giờ phải “gánh” trên mình nào là tàn thuốc lá, vài tờ vé số bỏ đi, đôi khi còn có cả bã kẹo cao su nữa. Vì một số người có thói quen tiện tay thả rác, mặc dù ở những bậc nghỉ của cầu thang luôn có những chú chim cánh cụt (thùng rác) chờ sẵn.

Càng đáng buồn hơn khi những chuyện này xảy ra trong một cơ quan vốn được xem là chuẩn mực của văn hóa, là nơi phát ra những phong trào, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh cho người dân. Phải chăng vì mải làm những chuyện lớn lao nên người ta quên rằng văn hóa không chỉ nói bằng khẩu hiệu, cũng không phải chỉ áp dụng cho các tầng lớp nhân dân, mà trước hết phải bắt đầu từ những con người “sản xuất” ra hình ảnh, ngôn từ dùng để cổ động. Nếu cái cầu thang ở cơ quan tôi mà biết nói, chắc câu đầu tiên nó sẽ đòi trở thành cầu thang có văn hóa.

Xổ số miền Bắc