Hàn Quốc tiếp thị cá nhân bằng… tiếng Anh

Tiếng Anh, đó là cách tiếp thị cá nhân, thể hiện trí thông minh và sự giỏi giang – “tấm hộ chiếu” bước vào các trường đại học hàng đầu và những công việc được trả lương cao…

Từ những năm 1990, khi chủ trương toàn cầu hóa của chính phủ gây được tiếng vang khắp đất nước, tiếng Anh đã trở thành một phương tiện quan trọng về sự tồn tại trong xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc. “Tiếng Anh từ lâu đã là phần quan trọng trong các kỳ thi vào đại học. Một phần lớn là do mối quan hệ chặt chẽ của Hàn Quốc với nước Mỹ, niềm say mê với tiếng Anh đã trở thành một hiện tượng văn hóa xã hội”, theo ông Cha Kyung-whan, hiệu trưởng của trường Sư phạm tại Đại học tổng hợp Chung-Ang. “Sự thành thạo tiếng Anh, được đo bằng những điểm số cụ thể, có ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống con người và trong nhiều trường hợp, mối tương quan giữa các kỹ năng tiếng Anh với thành công xã hội của người đó đã được chứng thực”.


Gánh nặng tài chính

Thật vậy, ảnh hưởng của tiếng Anh rất sâu sắc đến nỗi các bậc cha mẹ Hàn Quốc nhiệt tình quá mức về ngoại ngữ và dạy cho con cái mình ngay cả khi chúng chưa thành thạo tiếng mẹ đẻ. Theo cuộc khảo sát 5.470 cha mẹ vào năm ngoái do nhóm công dân chống giáo dục tư nhân thực hiện, gần 70% trẻ em được giáo dục mầm non tiếng Anh, trong đó nhiều bé bắt đầu học thêm từ năm ba tuổi.

Nỗi ám ảnh tiếng Anh khiến trường mẫu giáo tiếng Anh đã trở nên rất phổ biến dù học phí hàng tháng vượt quá 1 triệu won (946 USD). Riêng ở Seoul hiện có hơn 200 trường mẫu giáo tiếng Anh.

Năm 2012, theo số liệu của chính phủ, chi phí đào tạo tiếng Anh cho học sinh là khoảng 6,5 nghìn tỷ won, vượt qua chi phí cho bất kỳ hạng mục nào khác. Chi phí sẽ cao hơn nếu tính đến những người ra nước ngoài để học. Riêng năm 2012 có đến 14.340 sinh viên theo học ở nước ngoài.

“Quả là một gánh nặng tài chính lớn khi tôi phải gửi hai đứa sinh đôi học mẫu giáo tiếng Anh. Nhưng khi gần như mọi người đều cố gắng mang đến cho trẻ em một sự khởi đầu vững chắc, tôi không muốn để cho các con tôi tụt lại phía sau”, Chang Min-soo, nhân viên văn phòng 42 tuổi ở Seoul nói. “Trong thời đại toàn cầu hóa, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng đối với các thế hệ trẻ. Tôi chắc chắn rằng sự đầu tư vô giá này cuối cùng sẽ được đáp trả hết và chúng sẽ có một tương lai tươi sáng”.

“Sự phân chia tiếng Anh”

Nhiệt tình của các bậc phụ huynh đối với việc học tiếng Anh là như nhau song mức độ chi tiêu của họ rất khác nhau tùy theo mức thu nhập. Điều này đã tạo ra một vấn đề xã hội ngày càng đáng lo ngại mà các nhà quan sát gọi là “sự phân chia tiếng Anh”.

“Gửi bọn trẻ đến trường mẫu giáo tiếng Anh và trại hè tiếng Anh trong các kỳ nghỉ – đều phải có tiền. Học sinh thuộc các gia đình có thu nhập cao gần như hoàn tất việc học tiếng Anh cơ bản trước khi vào trường trung học”, ông Won Kyu-wang, giáo viên tiếng Anh tại trường phổ thông Goyang Global ở tỉnh Gyeonggi cho biết.

“Tuy nhiên, những em không nhận được sự giáo dục sớm bắt đầu nhận ra rằng tiếng Anh của mình thiếu lưu loát, ngần ngại nói tiếng Anh, luôn cố tránh né những tình huống có sử dụng tiếng Anh và đánh mất cơ hội giao tiếp. Vì vậy, sự thăng tiến xã hội của những em này có thể bị hạn chế phần nào”.

Theo một cuộc khảo sát năm 2012 do Viện Phát triển Hàn Quốc tiến hành, 20% số học sinh có cha mẹ thu nhập dưới 1 triệu won mỗi tháng học tiếng Anh ở trường tư, trong khi gần 70% những em có cha mẹ kiếm được hơn 5 triệu won đi học thêm.


Thước đo của hội nhập

Ngoài độ tuổi đi học, tiếng Anh còn có tác động đáng kể đến cuộc sống của người Hàn Quốc bởi năng lực tiếng Anh được xem như thước đo cốt lõi của sự hòa nhập vào xã hội thông tin mà kết nối dễ dàng với thế giới bên ngoài thông qua mạng internet.

“Trong công ty của chúng tôi, tiếng Anh là điều bắt buộc vì bạn phải giao tiếp với các đối tác kinh doanh ở nước ngoài. Có chuyên môn kỹ thuật đặc biệt nhưng nếu không có tiếng Anh, bạn không thể thực hiện công việc của mình”, theo Cho Sang-il, nhân viên của một tập đoàn địa phương. “Khi làm việc ở một công ty toàn cầu như chúng tôi, truyền thông hết sức quan trọng. Đó là lý do công ty hỗ trợ tài chính cho các lớp học tiếng Anh và nhiều nhân viên ở đây đã tham gia lớp học, kể cả trực tuyến hoặc bên ngoài mạng”.

Sự quan tâm đến tiếng Anh cũng ảnh hưởng đến những người không cần ngoại ngữ trong cuộc sống làm việc hàng ngày. Từ lĩnh vực tiếp dân đến các công ty tiếp thị địa phương và dịch vụ bệnh viện, kỹ năng tiếng Anh được cho là giúp làm đẹp hồ sơ của các ứng viên.

“Tôi không thể hiểu tại sao các trường đào tạo về điều dưỡng lại muốn các ứng viên phải thể hiện trình độ tiếng Anh”, Kim Ah-young, y tá 27 tuổi ở Bucheon, tỉnh Gyeonggi cho biết. “Khi một giáo sư của trường nói rằng tôi không đáp ứng tiêu chí về trình độ tiếng Anh, tôi gần như chết lặng”.

Song Seung-cheol, giảng viên văn học Anh tại Đại học Hallym, bày tỏ quan ngại rằng người Hàn Quốc phát triển thiên hướng mạnh mẽ với tiếng Anh mà dường như quên mất ý nghĩa thực sự của việc học ngoại ngữ. “Bạn học tiếng Anh để hiểu rõ hơn văn học Anh hay thế giới bên ngoài, hoặc để giao tiếp tốt hơn với bạn bè nước ngoài. Đó là mục đích ban đầu của việc học tiếng Anh”, ông nói. “Nhưng nếu bạn học tiếng Anh để trở thành một nhân viên phục vụ cộng đồng (như yêu cầu trong việc nộp hồ sơ), điều đó thật là vô lý. Nên dừng lại thì hơn”.

Triển vọng tươi sáng

Năm nay đánh dấu năm thứ 130 từ khi khởi đầu chương trình giáo dục tiếng Anh của Hàn Quốc. Chương trình đã được chính thức ra mắt với việc thành lập một học viện đặc biệt tên là Dongmunhak, mục đích là đào tạo phiên dịch viên và dịch giả cho chính phủ.

Mặc dù có một lịch sử lâu dài về giáo dục tiếng Anh và nhiệt thành làm chủ ngôn ngữ của người dân, sự đánh giá từ bên ngoài về kỹ năng tiếng Anh của người Hàn Quốc vẫn chưa đạt đến mức độ hài lòng. Năm ngoái, Hàn Quốc xếp hạng thứ 24 trong số 60 quốc gia có tiếng Anh không phải là ngôn ngữ đầu tiên, theo chỉ số trình độ tiếng Anh (English Proficiency Index) của tổ chức giáo dục quốc tế EF (Education First), trụ sở ở Thụy Sỹ. Hàn Quốc xếp cao hơn Nhật Bản (thứ 26) nhưng thấp hơn nhiều so các nước châu Á khác như Malaysia (thứ 11) và Singapore (thứ 12).

EF chỉ ra các phương pháp giáo dục của Hàn Quốc là một phần nguyên nhân của sự thiếu cải thiện trên bảng xếp hạng. “Trong số bốn kỹ năng (nghe, nói, viết và đọc) người Hàn Quốc tập trung chủ yếu vào các khía cạnh thụ động tiếng Anh là nghe và đọc. Nhưng nếu muốn giao tiếp, bạn nên tập trung vào các khía cạnh chủ động như nói và viết”, theo Kim Hae-yoon, phiên dịch viên 38 tuổi đã sống ở Mỹ khoảng mười năm.

“Thay vì chỉ tập trung vào các đầu vào, Hàn Quốc cần phải đặt trọng tâm hơn cho phần tích cực của ngôn ngữ. Điều đó sẽ giúp họ nâng cao năng lực tiếng Anh”.

Giáo sư Cha của Đại học Chung-Ang vẽ ra triển vọng tươi sáng về trình độ tiếng Anh của người Hàn Quốc: “Nếu bạn nhìn vào giáo dục tiếng Anh của Hàn Quốc thông qua kính hiển vi, sẽ có những vấn đề bạn muốn chỉ ra. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, đã có nhiều cải tiến trong phương pháp giảng dạy, trình độ của giáo viên”. Theo ông, với việc học tiếng Anh từ sớm, việc đổi mới giáo dục cộng đồng và sự gia tăng các kỹ năng ngôn ngữ nói chung của giáo viên và kinh nghiệm của họ trong môi trường nói tiếng Anh, giáo dục của Hàn Quốc sẽ có sự cải thiện lớn hơn trong thập kỷ tới.

Xổ số miền Bắc