Tết Nguyên Đán là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục trong ngày Tết Quý Mão 2023 – Hộp Quà Rượu Vang Nhập Khẩu
Tết Nguyên Đán từ lâu đã là một dịp có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với người dân Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là dịp lễ truyền thống lâu đời, đại diện cho nhiều nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt. Hãy cùng The Wine Box tìm hiểu những thông tin xoay quanh chủ đề Tết Nguyên Đán – Tết cổ truyền trong bài viết Tết Nguyên Đán là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục trong ngày Tết Quý Mão 2023 dưới đây nhé.
1. Tết Nguyên Đán là gì
1.1 Thế nào là Tết Nguyên Đán (Tết Cổ truyền)?
“Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á như Trung Quốc, Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản (hiện nay đã bỏ) và các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.” – Trích dẫn Tết Nguyên Đán – Wikipedia
Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất năm của người Việt Nam, gắn liền với những phong tục tốt đẹp. Tết cổ truyền vẫn là một dịp quan trọng, mang nhiều truyền thống để lưu truyền từ đời này sang đời khác.
1.2 Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ đâu?
Tết cổ truyền là một tập tục có từ thời cha ông chúng ta đến nay, nhưng mà để tìm hiểu ra nguồn gốc xuất xứ của nó thì vẫn đang là một vấn đề làm khó rất nhiều nhà sử học.
Theo các nguồn sử học trong và ngoài nước thì Tết Nguyên Đán ở nước ta bắt nguồn từ Trung Hoa và du nhập vào nước ta vào thời kỳ chúng ta bị đô hộ ngàn năm bắc thuộc.
Còn theo như những câu truyện dân gian được ông cha ta truyền miệng (sự tích bánh chưng, bánh dày) thì sự kiện Tết cổ truyền đã xuất hiện ở nước ta từ thời các vua Hùng. Hoặc theo như những gì Khổng Tử viết lại “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó” thì Tết cổ truyền cũng có thể bắt nguồn từ Việt Nam.
2. Thời gian của Tết Nguyên Đán tính như thế nào?
Tết Nguyên Đán được bắt đầu vào ngày đầu tiên (ngày 1 tháng 1) của năm âm lịch, thông thường lịch diễn ra Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết dương lịch (Tết tây) từ 1 đến 2 tháng và thời điểm bắt đầu Tết Nguyên Đán sẽ rơi vào khoảng từ ngày 21/01 đến ngày 09/02 dương lịch.
Bao nhiêu ngày nữa Tết Nguyên Đán 2023 diễn ra? là câu hỏi mà nhiều người muốn tìm hiểu khi dịp Tết đang cận kề.
Năm 2023 này, Tết Nguyên Đán sẽ rơi vào ngày 22/01/2023, chính xác là 38 ngày nữa thì Tết Nguyên Đán sẽ diễn ra. Hãy cùng The Wine Box đếm ngược Tết Nguyên Đán 2023 để biết được thông tin chính xác nhất nhé:
3. Ý nghĩa của tập tục Tết cổ truyền
3.1 Tết là thời điểm trời đất giao thoa
Tết Nguyên Đán theo truyền thống là thời điểm đại diện cho sự giao thoa giữa đất trời, thần linh, con người. Từ Tết trong “Tết Nguyên Đán” có ý nghĩa nghĩa là tiết (thời tiết) vận hành theo 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông trong năm, điều này có ý nghĩa đặc biệt với việc sản xuất nông nghiệp, sự thuận hòa của đất trời đang tạo điều kiện cho con người.
3.2 Tết Nguyên Đán là thời điểm con cháu tưởng nhớ ông bà
Tết Nguyên Đán là dịp quan trọng nhất trong năm và là kỳ nghỉ lễ dài nhất đối với người Việt nên con cháu mà trong nhà sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để tập trung lại, chuẩn bị và dâng lên bàn thờ ông bà những mâm cơm hay mâm ngũ quả đủ đầy, trang trọng nhất.
Theo quan niệm xưa, vào dịp lễ Tết Nguyên Đán này ông bà tổ tiên sẽ về gia đình mình đoàn tụ, ăn Tết cùng con cháu phù hộ cho sức khỏe, bình an, hòa thuận trong cuộc sống.
3.3 Tết là thời điểm để mọi người cầu tài lộc cho một năm mới
Ngày Tết, ngày năm mới tượng trưng cho nhiều sự khởi đầu mới, vì vậy mỗi dịp Tết đến cũng là dịp mọi người cầu chúc tài lộc đến với bản thân, gia đình, người thân của mình cho năm mới sắp đến được thành công và suôn sẻ hơn.
Truyền thống cho rằng Tết Nguyên Đán đến sẽ đuổi đi những điều không may mắn của năm cũ để làm mới và đón nhận những niềm hy vọng cho năm mới tới. Vì vậy, đây là thời điểm để mọi người cầu tài lộc và đón vận khí cho một năm mới.
3.4 Là thời gian để gia đình sum họp, quây quần bên nhau
Không phải mọi gia đình đều có thời gian để ở gần và chăm sóc nhau mỗi ngày, vì vậy Tết Nguyên Đán cũng chính là thời điểm mà mọi người người mong ngóng để được cùng đoàn tụ, gần gũi bên những người yêu thương. Được cùng nhau quây quần bên người thân thưởng thức nhiều món ăn truyền thống, cùng đón giao thừa thì đây là điều mà mọi người đều mơ ước.
4. Những phong tục tập quán trong Tết Nguyên Đán
Theo dòng chảy thời gian, Tết cổ truyền đã gắn liền với với nhiều tập tục của người dân Việt. Nhiều nét văn hóa được truyền đến đời sau với mong muốn giữ được nét đẹp truyền thống và đón được nhiều điều may mắn trong năm mới như tặng quà Tết đầu năm, đi tảo mộ, đi thăm người thân, bạn bè,….
4.1 Cúng ông công, ông táo ngày Tết
Vào những ngày trước Tết Nguyên Đán, cụ thể là vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm thì hầu hết mỗi gia đình Việt sẽ dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp, chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất và phóng sinh một hoặc ba con cá chép vàng. Việc cho ông Công, ông Táo lên thiên đình là tập tục lâu đời để chuẩn bị cho một năm mới tươm tất, gọn gàng và đón được nhiều may mắn hơn trong ngày Tết cổ truyền.
4.2 Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ
Với người dân Việt nói riêng việc dọn dẹp nhà cửa thật sạch đẹp mỗi dịp cuối năm mang ý nghĩa loại bỏ đi những điều cũ kỹ, không tốt của năm cũ để chuẩn bị đón những điều may mắn trong năm mới. Ngoài ra, để trang trí nhà đón Tết người Việt chuẩn bị nhiều đồ dùng màu đỏ và những loại hoa đặc trưng như: Hoa mai, đào, cúc, quất,… để không khí Tết trở nên tươi vui hơn.
4.3 Gói bánh chưng, bánh Tết truyền thống
Vào dịp Tết đến là hình ảnh người người tất bật chuẩn bị bánh chưng, bánh Tết truyền thống lại hiện lên rất rộn ràng. Đây chính là 2 loại bánh truyền thống đặc biệt nằm trong danh sách món ăn ngày Tết cổ truyền không thể thiếu. Ở nhiều nơi, người dân vẫn còn duy trì truyền thống tập trung cùng gia đình, họ hàng để gói bánh chưng, bánh Tết. Thật ý nghĩa khi truyền thống cùng gia đình gói bánh chưng, bánh Tết quây quần bên nhau ngày Tết vẫn còn được duy trì và truyền lại cho con cháu sau này.
4.4 Cúng Tất Niên cuối năm
Cúng tất niên là bữa tiệc cuối năm mang đậm nét truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đây là nghi lễ rất quan trọng thường được mọi gia đình tổ chức vào ngày 30 Tết âm lịch để mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết cùng gia đình. Đồng thời đây cũng là cột mốc đánh dấu để chuẩn bị chào đón một năm mới thịnh vượng hơn.
4.5 Đón giao thừa vào năm mới
Thời khắc 00h00 chuyển giao giữa năm cũ với năm mới cũng là khoảng thời gian người người, nhà nhà đón giao thừa. Đây là một nét văn hóa của người Việt để tạm biệt năm cũ và cùng gia đình những giây phút đầu tiên chuyển giao qua năm mới.
4.6 Xông đất và xuất hành thăm người thân
Sau thời khắc giao thừa đón năm mới đến thì xông đất là một tập tục được nhiều gia đình Việt giữ gìn. Theo quan niệm từ xưa người đầu tiên vào nhà sẽ là người xông đất, người xông đất sẽ được lựa chọn là người hợp tuổi với gia chủ để mang đến phúc khí, tài lộc trong năm mới cho gia đình.
4.7 Chúc Tết và mừng tuổi
Những lời chúc Tết may mắn, tài lộc cùng với những bao lì xì đỏ gửi đến cho các em nhỏ, cụ già là nét truyền thống đẹp và cũng góp phần mang lại không khí Tết Nguyên Đán vui tươi cho mọi người. Chúc Tết và mừng tuổi đem đến những điều may mắn, thành công và nhiều ý nghĩa tốt đẹp hơn trong năm mới.
4.8 Đi lễ đầu năm cầu may mắn, sức khỏe và tài lộc
Đây cũng là một tập tục đã có từ lâu đời để ngày Tết cổ truyền trở nên đẹp hơn, vui tươi hơn trong lòng những người con Việt. Ngày đầu năm cùng gia đình đi cầu những điều may mắn, bình an, sức khỏe hay tài lộc là việc khiến gia đình trở nên khăng khít hơn, ngày Tết Nguyên Đán trở nên ý nghĩa hơn.
4.9 Đi tảo mộ ông bà
Những ngày cận Tết Nguyên Đán, người Việt ta thường có tục lệ đi tảo mộ, thăm mộ ông bà, người thân thể hiện sự kính trọng, tấm lòng tri ân và đạo hiếu của mỗi người con cháu trong gia đình đối với ông bà và tổ tiên đã khuất.
5. Những kiêng kị không nên làm trong ngày Tết Nguyên Đán
Bên cạnh những phong tục truyền thống mang đến những ngày Tết cổ truyền vui tươi, ý nghĩa thì ngày Tết Nguyên Đán cũng là dịp mà mọi người cần chú ý để tránh những điều xui rủi được xem là đem đến nhiều việc không may mắn cho năm mới.
5.1 Không nên quét nhà đầu năm
Điều kiêng kỵ đầu tiên trong ngày Tết đó cổ truyền là không quét nhà và đổ rác vào đầu năm, đặc biệt là sáng mùng 1. Bởi quan niệm nếu quét nhà là sẽ quét hết tài lộc ra khỏi nhà. Nếu nhà cửa có chút rác hay bừa bộn thì bạn có thể quét rồi dồn vào một góc nhà chứ không được hất đổ đi.
5.2 Không nên xin lửa, nước của người khác
Vào ngày đầu năm lửa tượng trưng cho may mắn còn nước đại diện cho sự sinh sôi nên thường người ta sẽ không cho đi nước và lửa cũng như cho đi may mắn, tiền tài của mình. Vì thế mà trong những ngày Tết Nguyên Đán bạn nên chú ý không được đi xin lửa hay nước của người khác nhé.
5.3 Kiêng kỵ cãi vả, la mắng
Bước sang năm mới thì mọi người, mọi gia đình nên chú ý giữ hòa khí, tránh tranh cãi, la mắng hay gắt gỏng trong ngày đầu năm. Vì theo quan niệm của ông bà xưa, nếu xảy ra to tiếng hay cãi vã dấu hiệu cho sự mâu thuẫn, không may mắn, suôn sẻ trong năm mới.
5.4 Không nên đóng cửa vào ngày đầu năm
Quan niệm xưa cho rằng, ngày đầu năm mới thần tài sẽ đem tài lộc sẽ đến với mọi nhà, mọi người vì vậy mà nếu bạn đóng cửa thì may mắn, tài lộc không đến với gia đình mình.
Bạn thể xem thêm những điều kiêng kị trong ngày Tết tại: Top 19 những việc kiêng kị ngày tết không nên làm
Thông qua bài viết “Tết Nguyên Đán là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục trong ngày Tết Quý Mão 2023”, The Wine Box chúc bạn có thêm những thông tin bổ ích về dịp Tết Nguyên Đán, Tết cổ truyền Việt Nam, hiểu thêm về những tập tục của Tết Nguyên Đán và những điều cần tránh để đón một dịp Tết thật vui tươi và ý nghĩa.