Tết nguyên đán là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa Tết nguyên đán

Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết cổ truyền) được xem là dịp lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm của người dân Việt Nam; bởi nó gắn liền với đời sống tâm linh cũng như giá trị tình cảm trong mỗi người. Và đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy sau một năm bận rộn; quây quần bên mâm cỗ đoàn viên.

Vậy theo quan điểm của đạo Phật, Tết cổ truyền có ý nghĩa như thế nào? Chùa Ba Vàng xin gửi tới quý độc giả bài viết sau qua lời chia sẻ của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.

Tết Nguyên Đán là gì?

“Tết” là nghĩa của chữ “Tiết”, “Nguyên” là khởi nguồn, là bắt đầu, là nguyên vẹn, “Đán” nghĩa là buổi sáng sớm. Vậy thì “Tết Nguyên Đán” có nghĩa là tiết khởi đầu, ngày mới đầu tiên của một năm.

Theo lịch vạn niên, mùng 1 Tết Quý Mão sẽ rơi vào Chủ nhật ngày 22/01/2023.

>> Xem thêm: Tổng hợp tất tần tật các bài văn khấn tết 2023

Tết Nguyên Đán - một nét đẹp cổ truyền của dân tộc Việt Nam (ảnh minh họa)

Tết Nguyên Đán – một nét đẹp cổ truyền của dân tộc Việt Nam (ảnh minh họa)

Ý nghĩa Tết Nguyên Đán

1. Dịp gia đình sum họp, cúng lễ tiên tổ

Đối với dân tộc Việt Nam, ngày Tết đã trở thành một ngày sum họp, ngày đoàn viên, ngày lễ tâm linh quan trọng trong mỗi gia đình. Bởi khi con cháu đi làm ăn, công tác xa đều chọn ngày Tết để trở về với quê hương của mình. Nơi có tổ tiên, ông bà, cha mẹ để cùng ăn Tết; cúng lễ tổ tiên rồi quây quần bên nhau, ngồi lại sau một năm bôn ba vất vả kiếm miếng cơm, manh áo, tất tả ngược xuôi; tổng kết một năm cũ, đón chào một năm mới, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp.

Gia đình đoàn viên, sum họp, quây quần trong thời khắc đón chào năm mới

Gia đình đoàn viên, sum họp, quây quần trong thời khắc đón chào năm mới

2. Là mốc đánh dấu sự đổi mới trong cuộc đời

Bên cạnh ý nghĩa gia đình sum họp, cúng lễ tiên tổ, Tết còn mang ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự đổi mới trong cuộc đời mỗi con người.Đạo Phật quan niệm đời người giống như một dòng sông trôi chảy và thời gian cũng trôi chảy như thế. Có rất nhiều điều mà con người muốn thay đổi nhưng phải có mốc thời gian nào đó để họ phát tâm, phát nguyện. Có những người từng mắc lỗi lầm trong quá khứ nhưng giờ họ muốn thay đổi nhưng còn chần chừ chưa biết mình sẽ thay đổi như thế nào, vào thời gian nào? Cũng có những người muốn sang năm mới mong muốn sẽ có một điều gì đó thay đổi nên họ phát nguyện lấy ngày mùng một Tết là ngày mình sẽ sống mới, đổi mới.

Cùng với đó, đạo Phật với tinh thần “Tùy thuận chúng sinh, nhi vi lợi ích”, tức là sự việc nào làm lớn mạnh cho thiện Pháp, làm cho con người được hoàn thiện, được an lạc, hạnh phúc hơn thì đều là những việc tốt đẹp, cần duy trì.

Chính vì vậy, đối với Phật giáo, nhất là Phật giáo Việt Nam thì ngày Tết Nguyên Đán là một lễ hội truyền thống rất đáng quý nên chúng ta cần giữ gìn và phát huy, làm sao cho ngày Tết có nhiều ý nghĩa hơn, đặc biệt là ý nghĩa về giáo dục truyền thống gia đình.

Những phong tục Tết cổ truyền Việt Nam qua lăng kính Phật giáo

Từ lâu đời, trong dịp Tết cổ truyền, người Việt Nam có rất nhiều phong tục tập quán ý nghĩa, thể hiện đặc điểm văn hóa phong phú. Những phong tục tập quán nổi bật nhất có thể kể đến là:

1. Cúng Ông Công Ông Táo

Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công ông Táo về chầu trời để báo cáo những việc tốt xấu của gia chủ với Ngọc Hoàng trong một năm qua.

Chính vì vậy, trong ngày này, mọi người thường chú trọng tới việc sửa soạn nhà cửa, bày trí mâm lễ để tiễn ông Công, ông Táo với mong muốn năm mới được nhiều điều may mắn, tốt đẹp.

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách cúng ông công ông Táo đơn giản và lợi ích nhất

Phong tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Phong tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp

2. Tỉa chân nhang

Theo quan niệm dân gian, hằng năm, các gia đình thường tỉa chân nhang vào ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp). Tuy nhiên, theo quan điểm đạo Phật, việc tỉa chân nhang hoàn toàn có thể làm hằng ngày, không cần đợi đến ngày ông Công ông Táo, bởi nếu chân nhang đầy sẽ gây ra hỏa hoạn.

>> Xem thêm: Cách tỉa chân nhang đúng nhất

Tỉa chân nhang và lau dọn bàn thờ nên làm hằng ngày để giữ cho bàn thờ luôn được trang nghiêm, sạch sẽ

Tỉa chân nhang và lau dọn bàn thờ nên làm hằng ngày để giữ cho bàn thờ luôn được trang nghiêm, sạch sẽ

3. Cúng giao thừa

Đêm giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng đối với mỗi người bởi đó là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Chính vì vậy, mọi gia đình đều chú trọng tới việc cúng lễ đêm giao thừa với hy vọng một năm mới thật nhiều may mắn và tốt đẹp.

>> Xem thêm: Chuẩn bị mâm cúng giao thừa thế nào để được “phát tài”, “phát lộc” theo góc nhìn nhà Phật

4. Lì xì Tết

Việc cha mẹ giáo dục cho con trẻ hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của việc lì xì ngày Tết, cách đón nhận tiền mừng tuổi là điều rất quan trọng. Bởi khi con trẻ hiểu và biết trân trọng tấm lòng của những người tặng cho mình thì phong tục này sẽ trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn rất nhiều.

>> Xem thêm: https://chuabavang.com/phap-am/phat-phap-ung-dung/giao-duc-con-cai-hieu-y-nghia-viec-li-xi-ngay-tet-d3250.html

5. Chúc Tết

Vào dịp Tết, người Việt thường tặng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, mong sao cho người thân, bạn bè của mình được an lành, hạnh phúc, thành công. Đặc biệt, những lời chúc chân thành, yêu thương thì sẽ phát sinh ra phúc báu, may mắn tới mỗi người.

>> Xem thêm: https://chuabavang.com/phap-am/phat-phap-ung-dung/chuc-tet-dau-nam-sao-cho-nhan-duoc-nhieu-phuoc-bau-d3259.html

Hy vọng qua bài viết này, quý độc giả sẽ có thêm những hiểu biết về Tết Nguyên đán và áp dụng những phong tục ngày Tết theo quan điểm đạo Phật để được lợi ích và may mắn nhất.

Một mùa xuân mới sắp sang, chúc cho những nguyện cầu, thiện lành của mỗi người được thành tựu.