Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO)
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO)
I. KHÁI QUÁT CHUNG
1. Bối cảnh ra đời của tổ chức:
Vào đầu năm 1942, mặc dù đang phải đối mặt với phát xít Đức và quân đồng minh, nhưng các quốc gia châu Âu đã tính đến việc tìm kiếm cách thức và phương tiện để xây dựng lại các hệ thống giáo dục của họ một khi hòa bình được khôi phục. Với lý do đó, chính phủ các nước châu Âu đã tổ chức Hội nghị Liên minh các Bộ trưởng Giáo dục (CAME) tại Vương quốc Anh và rất nhanh chóng, dự án này đã đạt được sự nhất trí cao và được công nhận rộng rãi. Chính phủ các nước mới, trong đó có Hoa Kỳ, cũng đã quyết định tham gia ngay từ thời gian này.
Theo đề nghị của CAME, một Hội nghị của Liên hợp quốc cho việc thành lập một tổ chức giáo dục và văn hóa (ECO/CONF) đã được triệu tập ở London từ ngày 01-16/11/1945. Hội nghị được khai mạc rất trùng hợp ngay khi chiến tranh vừa kết thúc. Hội nghị đã quy tụ được đại diện của 44 quốc gia nhất trí thành lập tổ chức hiện thân cho một nền văn hóa của hòa bình. Trong mắt họ, tổ chức mới này cần phải thiết lập được “sự đoàn kết, thống nhất về trí tuệ và đạo đức của nhân loại”, và tin tưởng việc làm này sẽ ngăn chặn sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh thế giới khác.
Vào cuối hội nghị, 37 quốc gia đã quyết định thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc. Hiến pháp của UNESCO được ký ngày 16/11/1945 và có hiệu lực từ ngày 04/11/1946 ngay sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn (Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Lebanon, Mexico, New Zealand, Na Uy, Ả-rập Xê-út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ). Phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng UNESCO đã được tổ chức tại Paris từ 19/11 – 10/12/1946 với sự tham gia của đại diện từ 30 chính phủ có quyền biểu quyết.
Tiền thân của tổ chức UNESCO là: Ủy ban Quốc tế Hợp tác trí tuệ (Cici), Geneva 1922-1946, cơ quan thi hành của nó, Viện Quốc tế Hợp tác trí tuệ (IICI), Paris, 1925-1946 và Văn phòng Giáo dục Quốc tế (IBE), Geneva, 1925-1968; kể từ năm 1969 IBE đã trở thành một bộ phận của Ban Thư ký của UNESCO theo quy chế riêng của mình.
2. Mục đích và chức năng của UNESCO:
UNESCO hoạt động dựa trên sự tôn trọng các giá trị chung nhằm tạo điều kiện thúc đẩy đối thoại giữa các dân tộc, các nền văn minh, văn hóa. Thông qua kênh đối thoại này mà thế giới có thể đạt được mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững bao gồm tôn tuân thủ quyền con người, tôn trọng lẫn nhau và xóa đói giảm nghèo. Tất cả những mục tiêu này đều là những trọng tâm nhiệm vụ và hoạt động chính của tổ chức UNESCO.
Các mục đích và mục tiêu cụ thể của cộng đồng quốc tế – như đã được nêu trong các mục tiêu phát triển đã được cộng đồng quốc tế nhất trí thông qua, bao gồm các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) – nền tảng cho chiến lược và các hoạt động của UNESCO. Do vậy, thẩm quyền duy nhất của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin sẽ góp phần hướng tới việc thực hiện những mục tiêu trên.
Nhiệm vụ của UNESCO là đóng góp vào việc xây dựng hòa bình, xóa nghèo, phát triển bền vững và đối thoại liên văn hóa thông qua giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin liên lạc và thông tin. Hiện nay, UNESCO đang tập trung vào hai ưu tiên toàn cầu: châu Phi và bình đẳng giới; và một số mục tiêu tổng thể như: nâng cao chất lượng giáo dục cho tất cả mọi người và học tập suốt đời; huy động các kiến thức khoa học và chính sách cho phát triển bền vững; giải quyết những thách thức về đạo đức và xã hội đang nổi lên; thúc đẩy đa dạng văn hóa, đối thoại giữa các nền văn minh và xây dựng nền văn hóa hòa bình và xây dựng xã hội tri thức toàn diện thông qua thông tin và truyền thông.
3. Cơ chế hoạt động:
3.1. Đại hội đồng:
Đại hội đồng là cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO, gồm đại diện của các nước thành viên. Đại hội được tổ chức hai năm một lần với sự tham dự của các nước thành viên, thành viên liên kết, cùng với các nước quan sát viên, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ (NGO). Mỗi quốc gia thành viên có một phiếu biểu quyết, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ hoặc mức độ đóng góp vào ngân sách.
Đại hội đồng quyết định các đường lối, chính sách lớn của tổ chức. Nhiệm vụ của nó là xây dựng các chương trình và ngân sách của UNESCO. Đại hội đồng sẽ bầu chọn các thành viên Hội đồng chấp hành và bổ nhiệm Tổng giám đốc bốn năm một lần. Ngôn ngữ làm việc tại Đại hội đồng gồm: Ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha.
3.2 Hội đồng chấp hành (HĐCH):
HĐCH là cơ quan thay mặt Đại hội đồng giám sát và đảm bảo quản lý các hoạt động chung của UNESCO. HĐCH chuẩn bị công việc của Đại hội đồng, giám sát và đảm bảo việc thực thi quyết định được thực hiện đầy đủ. Chức năng và trách nhiệm của HĐCH do Hiến pháp của UNESCO và các quy định, hướng dẫn của Đại hội đồng qui định.
Hai năm một lần, ĐHĐ sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho HĐCH. Các chức năng khác của HĐCH được quy định từ các thoả thuận đã ký kết giữa UNESCO và Liên Hợp Quốc, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức liên chính phủ khác.
HĐCH gồm 58 uỷ viên với nhiệm kỳ 4 năm. Mỗi năm HĐCH họp 2 lần. Để bảo đảm tính liên tục của Hội đồng chấp hành, Đại hội đồng bầu lại một nửa số uỷ viên Hội đồng chấp hành trong mỗi kỳ họp thường lệ của Đại hội đồng. Việc bầu uỷ viên Hội đồng chấp hành có tính đến sự đa dạng văn hoá cũng như khu vực địa lý mà ứng viên đó đại diện. Các uỷ viên Hội đồng chấp hành có vai trò quan trọng trong việc chiến lược và xây dựng chương trình hành động của UNESCO.
3.3 Ban Thư ký:
Ban Thư ký là cơ quan giúp việc và bảo đảm các hoạt động thường xuyên của UNESCO được thực thi đầy đủ. Ban Thư ký có trách nhiệm thực thi nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng chấp hành, đặc biệt là các chương trình đã được Đại hội đồng thông qua.
Về nguyên tắc, Ban Thư ký được tuyển chọn trên cơ sở địa lý rộng rãi và gồm những người có năng lực và hiệu suất công tác cao. Các nước thành viên có quyền đề cử người để được tuyển lựa làm viên chức trong Ban thư ký theo số lượng nhất định quy định theo tỉ lệ đóng góp niên liễm của mỗi nước. Ban thư ký do Tổng giám đốc lãnh đạo, tổ chức và tuyển dụng. Ban Thư ký bao gồm Tổng Giám đốc và các nhân viên do Tổng Giám đốc bổ nhiệm. Thực hiện chính sách phi tập trung hóa, tính đến giữa năm 2009, Ban thư ký đã tuyển dụng khoảng 2.000 cán bộ, công chức từ 170 quốc gia. Trong đó, hơn 700 cán bộ nhân viên hiện đang làm việc tại 65 văn phòng UNESCO khu vực trên thế giới. Các cán bộ này được phân theo 2 nhóm chính: nhóm chuyên gia và cán bộ chương trình (trong đó có Văn phòng UNESCO tại Hà Nội được thành lập tháng 9/1999).
Tổng Giám đốc là viên chức cao nhất của UNESCO do ĐHĐ bầu ra với nhiệm kỳ 4 năm (trước đây là 6 năm một lần và có thể được tái cử). Tổng giám đốc có nhiệm vụ chỉ đạo Ban Thư ký giám sát và đảm bảo việc thực thi nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng chấp hành, đặc biệt là các chương trình đã được Đại hội đồng thông qua được thực thi đầy đủ.
Từ khi thành lập đến nay, UNESCO đã lần lượt có 10 Tổng Giám đốc: Julian Huxley, người Anh (1946-1948); Jaime Torres Bodet, người Mê-hi-cô (1948-1952); John W.Taylor, người Mỹ (1952-1953); Luther Van, người Mỹ (1953-1958); Vittorino Veronese, người Ý (1958-1961); René Maheu, người Pháp (1961-1974); Amadou-Mahtar M’Bow, người Xê-nê-gan (1974-1987); Federico Mayor, người Tây Ban Nha (1987-1999) ông Koichiro Matsuura, người Nhật (1999-2009) và hiện nay là bà Irina Bokova, người Hungary, được bầu Tổng giám đốc từ 2009 đến nay.
II. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
Năm 1951, Pháp đưa chính quyền Bảo Đại vào tham gia UNESCO. Sau đó chính quyền Sài gòn duy trì sự có mặt tại UNESCO cho đến khi sụp đổ tháng 4/1975. Tháng 3/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền nam Việt Nam tuyên bố kế thừa tham gia UNESCO. Sau khi thống nhất đất nước, ngày 12/7/1976, Bộ Ngoại giao nước ta gửi công hàm cho UNESCO thông báo Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kế tục tham gia UNESCO. Tháng 10/1976, với tư cách là thành viên chính thức của UNESCO, lần đầu tiên chính phủ CHXHCN Việt Nam cử một đoàn đại biểu tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 19 tổ chức tại Nai-rô-bi (Kenya).
Ngày 15/6/1977, Chính phủ thành lập Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Ngoại giao, để đảm nhiệm việc thực hiện các nghĩa vụ, quyền hạn thành viên UNESCO của Việt Nam và thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước ta trong UNESCO. Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu và trình lên Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về phương hướng, chính sách, chương trình và kế hoạt hoạt động của Việt Nam đối với UNESCO cũng như phối hợp và điều hoà hoạt động của các ngành có liên quan tới UNESCO. Từ năm 1978, Việt Nam đã cử Phái đoàn đại diện thường trực bên cạnh tổ chức UNESCO tại Paris và từ năm 1982 cử cấp đại sứ làm trưởng Phái đoàn.
Kể từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của UNESCO về ý tưởng, nhận thức và kinh nghiệm cũng như những đóng góp về tài chính và kỹ thuật ban đầu cho một số dự án của Việt Nam. Thời gian gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO có những bước phát triển mới cả về lượng và chất và ngày càng thu được nhiều kết quả.
Giai đoạn 1976 – 1986: Những bước khởi đầu
Ngay sau khi vừa hoàn toàn thống nhất đất nước, Việt Nam bước vào một trong những giai đoạn lịch sử khó khăn về nhiều mặt. Trên trường quốc tế, trước thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng hình ảnh dân tộc anh hùng, quật cường, một số thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề Campuchia để liên tục chống phá, bao vây, cô lập. Trong nước, cuộc chiến tranh hơn 30 năm để lại hậu quả nặng nề với nhân lực cạn kiệt, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, kinh tế kém phát triển cùng một số vấn đề xã hội nghiêm trọng khác đang tồn tại.
Quan hệ Việt Nam – UNESCO thời kỳ này góp phần giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn trên. Thông qua việc tham gia tích cực vào các chương trình của UNESCO, cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam hòa bình và tươi đẹp. Hình ảnh này cũng được chứng minh khi Đại Hội Đồng UNESCO lần thứ 21, năm 1980, ra Nghị quyết kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi – Danh nhân văn hóa. Nhờ đó, thiện cảm về Việt Nam trong phần lớn các quốc gia thành viên UNESCO không ngừng tăng lên và tới nhiều diễn đàn đa phương khác. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, cơ quan hoạch định chính sách và tài chính (1978 – 1983), đón Tổng Giám đốc M’Bow tới thăm (1981) và đặt cơ quan đại diện tại UNESCO (1982).
Cùng với việc giúp bạn bè quốc tế hiểu biết rõ hơn về Việt Nam, quan hệ hợp tác với UNESCO cũng giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ quốc tế về tài chính, kỹ thuật thế giới để phục vụ công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước. Là Tổ chức trí tuệ, “phòng thí nghiệm ý tưởng” liên chính phủ tốt nhất trong hệ thống Liên Hợp quốc, những nguồn hỗ trợ của UNESCO đã góp phần tích cực vào việc phục hồi một số cơ sở giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông của Việt Nam. Nhiều nhà khoa học, cán bộ chuyên môn đã có cơ hội được đào tạo, nâng cao năng lực và tiếp cận với tiến bộ quốc tế. Cơ sở vật chất cho các lĩnh vực chuyên môn cũng được nâng cao. Nhờ vào những nguồn hỗ trợ trên, Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu của thời kỳ hậu chiến để bước vào thời kỳ phát triển mới.
Giai đoạn 1986 – 2000: Hợp tác phát triển
Trước tình hình thế giới có nhiều thay đổi khi hòa bình, ổn định trở thành xu hướng chủ đạo và lan rộng mạnh mẽ, vai trò của các tổ chức đa phương thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc đang tăng lên hình thành ngày một rõ nét, Việt Nam có những bước thay đổi đáng kể về định hướng phát triển và đối ngoại. Đại hội Đảng lần thứ VI xác định đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, thực hiện mở cửa thị trường, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Nhận thức trên tiếp tục phát triển tại Đại hội Đảng lần thứ VII với định hướng “hợp tác bình đẳng cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị – xã hội khác nhau trên cơ sở những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”.
Trong quá trình đổi mới, quan hệ UNESCO – Việt Nam không ngừng phát triển và bền chặt. Năm 1987, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Một năm sau đó, Việt Nam tiếp tục tham gia hưởng ứng Thập kỷ Quốc tế Phát triển Văn hóa (1988 – 1997) do UNESCO phát động. Năm 1992, Tổng Giám đốc Federico de Mayor đã tới thăm Việt Nam. Năm 1999, UNESCO đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Việt Nam cũng đón tiếp Tổng Giám đốc UNESCO khác thời kỳ này là ông Koichiro Matsuura (2000).
Thông qua quan hệ hợp tác với UNESCO, Việt Nam tiếp tục nâng cao sự hiểu biết về truyền thống dân tộc, lịch sử hào hùng, hình ảnh đất nước với nhiều giá trị nhân văn, ủng hộ tích cực cho các tư tưởng hòa bình đối với cộng đồng quốc tế và đập tan những luận điệu chống phá của các lực lượng thù địch. Việc UNESCO ra Nghị quyết 24C/18.65 kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất (1987) đã khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam cũng như những đóng góp quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế giới. Những Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận như Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994), Khu đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (1999) và danh hiệu Thành phố Hòa bình của Hà Nội (1999) cũng đã góp phần nâng cao giá trị trên. Nhiều mối quan hệ giữa Việt Nam với đối tác quan trọng bắt nguồn từ những hoạt động trong UNESCO và thiện cảm của bạn bè quốc tế để rồi trở thành quan hệ chính thức lâu dài.
Cũng nhờ vào quan hệ với UNESCO, Việt Nam tiếp tục nhận được những hỗ trợ quan trọng, mang tính chiến lược cho phát triển bền vững. Không phải là tổ chức cung cấp tài chính nhưng những ý tưởng, kinh nghiệm của UNESCO góp phần thay đổi nhận thức, tư duy để sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất. Một trong những trường hợp điển hình là sự thay đổi trong nhận thức và lý luận cũng như chủ trương, chính sách về văn hóa của Việt Nam sau khi tham gia hưởng ứng “Thập kỷ Quốc tế Phát triển Văn hóa”. Đó là nhận thức mới về tầm quan trọng của xây dựng nền văn hóa toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; thấm sâu vào đời sống xã hội, từ đó chấn hưng nền văn hoá dân tộc và tăng cường giao lưu với các quốc gia khác. Nhận thức trên cũng đã trở thành tài liệu tham khảo cho việc hình thành Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án khác trong giai đoạn này mà Việt Nam hợp tác triển khai với UNESCO như Giáo dục cho Mọi người, mô hình Trung tâm học tập Cộng đồng, Khu Dự trữ Sinh quyển,Trung tâm đào tạo và ứng dụng máy tính… cũng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao trình độ của các cấp quản lý cũng như phát triển nhân lực tại Việt Nam, vốn là nhân tố bền vững của phát triển.
Giai đoạn 2001 – 2011: Thúc đẩy hội nhập
Thập niên đầu Thế kỷ XXI đánh dấu nhiều bước tiến mới trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) xác định Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tăng cường hợp tác toàn diện với nhiều đối tác như ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (2000), hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN – Trung Quốc (2002) trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (2006). Việt Nam cũng tích cực đảm nhận vị trí quan trọng tại một số tổ chức quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2008 – 2009), Chủ tịch ASEAN (2010)… Trong quá trình này, UNESCO là một trong những bước đệm quan trọng.
Để hội nhập tích cực trong UNESCO, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động như phê chuẩn một số Công ước lớn (Công ước Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi Vật thể – 2003, Công ước Bảo vệ và Phát huy sự Đa dạng của các Biểu đạt Văn hóa – 2007…) hay chủ trì nhiều hội nghị, hoạt động quan trọng của UNESCO (Hội nghị cấp cao khu vực châu Á – Thái Bình Dương về Đối thoại giữa các nền văn hóa, Hội nghị Tư vấn các Ủy ban Quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương…). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh đóng góp sáng kiến của mình trong các lĩnh vực chuyên môn như Xóa mù chữ, Trung tâm học tập cộng đồng, áp dụng nội dung Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững vào mô hình Khu Dự trữ Sinh quyển… Những kinh nghiệm này được thế giới đánh giá cao. Một số đoàn chuyên gia nước ngoài đã sang Việt Nam tìm hiểu và học hỏi các kinh nghiệm này. Qua đó, Việt Nam đã cho thế giới thấy sự sẵn sàng gắn kết, chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, tuân thủ các định chế chung của quốc tế. Việt Nam đã được tin tưởng bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, nhiệm kỳ 2001 – 2005 với điểm nổi bật là đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch (2001 – 2003) và tiếp tục trúng cử vào nhiệm kỳ 2009 – 2013. Đối với UNESCO, Việt Nam được coi là đối tác tích cực và năng động. Hai Tổng Giám đốc cũng tiến hành các chuyến thăm Việt Nam vào năm 2005 (ông Koichiro Matsuura) và năm 2010 (bà Irina Bokova) với nhiều thỏa thuận hợp tác mang tính chiến lược lâu dài cho sự phát triển mối quan hệ hai bên.
Hơn một Thập kỷ qua, UNESCO đã công nhận thêm nhiều danh hiệu mới cho Việt Nam. Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn (2009-2012), Việt Nam đã vận động thành công UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới Hoàng Thành – Thăng Long (2010) và Thành Nhà Hồ (2011); Di sản văn hóa phi vật thể Quan họ Bắc Ninh và Hát Ca Trù (2009), Hội Gióng (2010), Hát Xoan Phú Thọ (2011); Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Mộc bản Triều Nguyễn (2009), 82 Bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê – Mạc (2010), Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (2012); Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên Đá Đồng Văn (2010) và các Khu Dự trữ sinh quyển… Những di sản này không chỉ tạo nguồn thu về du lịch cho địa phương mà cũng đặt ra yêu cầu đối với các cấp quản lý và người dân phải nhận thức được việc bảo tồn theo tiêu chí và quy định quốc tế. Từ đó, nhiều chính sách phát triển mang tầm quốc gia và địa phương chú trọng tới công tác bảo tồn được ban hành. Nhiều hoạt động bảo vệ di sản được triển khai. Không chỉ trong riêng lĩnh vực văn hóa, nhiều chương trình khác như Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững, Xóa mù chữ, “Con người và Sinh quyển”, “Hải dương học liên Chính phủ”, “Thủy văn Quốc tế”, “Quản lý chuyển đổi xã hội”, “Đối thoại triết học”… đã đưa các lĩnh vực chuyên môn trên của Việt Nam hội nhập với thế giới, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Giai đoạn sau Đại hội Đảng XI: Vươn xa vào cộng đồng quốc tế
Bước vào giai đoạn mới, hợp tác Việt Nam – UNESCO có nhiều điều kiện thuận lợi cũng như thách thức mới. Đại hội Đảng lần thứ XI, năm 2011 xác định chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đối với hoạt động đối ngoại, Ngoại giao Văn hóa được xác định là một trong ba trụ cột hoạt động ngoại giao Việt Nam (cùng Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế) mà UNESCO là một trong những đối tác quan trọng. Tuy nhiên, điều kiện quốc tế giai đoạn này cũng đòi hỏi Việt Nam phải chủ động hơn nữa trong quá trình hợp tác với UNESCO. Khác với trước kia, khi việc tham gia của chủ yếu là thụ động và dựa trên nguồn lực sẵn có, Việt Nam sẽ phải nỗ lực, sẵn sàng đảm đương nhiều vai trò quan trọng mới như Ủy ban Di sản Thế giới, tái ứng cử Hội đồng Chấp hành cùng nhiều vị trí khác để đóng góp hiệu quả hơn nữa cho UNESCO cũng như đảm bảo lợi ích quốc gia của mình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải tích cực hơn trong hợp tác với UNESCO để cùng nhau triển khai những định hướng tới năm 2015, được nêu tại Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trong chuyến thăm của Tổng Giám đốc Irina Bokova trên các lĩnh vực chuyên môn.
Về Giáo dục, Việt Nam và UNESCO sẽ hợp tác để thực hiện mục tiêu bao trùm là mang lại giáo dục cho mọi người vốn phù hợp với việc coi giáo dục là quốc sách của Việt Nam. Những dự án để thực hiện mục tiêu trên được triển khai như Giáo dục cho Mọi người; nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp học cùng năng lực cán bộ quản lý; đẩy mạnh phân cấp quản lý hệ thống giáo dục; xúc tiến học tập suốt đời trong khuôn khổ Thập kỷ Xóa mù chữ của Liên Hợp Quốc (2003 – 2012); thực hiện Thập kỷ Giáo dục vì sự Phát triên Bền vững (2005 – 2014); tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và các trường hợp khẩn cấp; rà soát chương trình giảng dạy nhằm nâng cao năng lực giáo viên; đào tạo giáo dục dạy nghề, giáo dục đối với HIV/AIDS và lồng ghép đa dạng ngôn ngữ, văn hóa vào chương trình giảng dạy.
Đối với lĩnh vực Khoa học, hai bên sẽ hợp tác để thúc đẩy cơ hội tiếp cận kiến thức, phương pháp cũng như thành quả khoa học nhằm phục vụ mục tiêu phát triển. Những chương trình sẽ được triển khai như quản lý nước, đẩy mạnh vai trò Khu Dự trữ Sinh quyển trong việc bảo đảm kinh tế và an ninh ở Việt Nam; nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; hỗ trợ cộng đồng tự chủ, sẵn sàng ứng phó với thiên tai; đẩy mạnh giáo dục khoa học như nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững; tăng cường và củng cố các hoạt động giới thiệu khoa học hiện đại và công nghệ cùng tri thức; nâng cao nhận thức, năng lực và xúc tiến du lịch địa chất đối với Công viên Địa chất và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Những chương trình trên đã và đang đóng góp vào chiến lược tri thức của đất nước nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Việt Nam và UNESCO cũng sẽ hợp tác để hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của giới nghiên cứu cũng như nhà hoạch định chính sách về xã hội, khoa học. Trong đó, UNESCO sẽ hỗ trợ Việt Nam để thiết lập và nâng cao Chương trình Quản lý Xã hội; xúc tiến cách tiếp cận thích hợp về văn hóa để hỗ trợ chính sách đô thị hòa nhập; tăng cường nhận thức về bảo tồn và phát triển tại trung tâm đô thị có giá trị lịch sử cùng hiểu biết về đạo đức trong khoa học và công nghệ; nâng cao cơ hội cho thanh niên tham gia đời sống chính trị và dân sự…
Trong lĩnh vực Văn hóa, UNESCO cũng hỗ trợ công tác bảo vệ, bảo tồn di sản của Việt Nam thông qua việc tăng cường chính sách và năng lực quốc gia nhằm bảo vệ, quản lý có hiệu quả di sản vật thể và phi vật thể… và tạo cơ hội phát triển và với bảo tồn, tăng cường quy định về du lịch di sản. Bên cạnh đó, UNESCO cũng sẽ hợp tác với Việt Nam trong việc đưa các nguyên tắc về đa dạng văn hóa, đối thoại văn hóa vào chính sách, chương trình phát triển quốc gia; nâng cao năng lực, nhận thức về sự phát triển của bảo tàng; quảng bá tầm quan trọng của văn hóa đối với phát triển bền vững; lồng ghép di sản và đa dạng văn hóa vào nội dung trường học.
Về Thông tin – Truyền thông, UNESCO quan tâm đến việc thúc đẩy tự do thông tin; tăng cường cơ sở hạ tầng, chuyên gia ở các nước đang phát triển. Những mối quan tâm này phù hợp với nhu cầu phát triển về thông tin truyền thông tại Việt Nam. Trong thời gian tới, UNESCO và Việt Nam sẽ hợp tác để triển khai việc mở rộng Chương trình Ký ức Thế giới; sử dụng công nghệ thông tin truyền thông vào việc bảo tồn di sản; tăng cường tiếp cận thông tin chất lượng; nâng cao năng lực cơ quan báo chí, truyền thông; mở rộng phạm vi phương tiện truyền thông tới vùng xa xôi, khó khăn cũng như khuyến khích sử dụng ngôn ngữ địa phương phát triển nội dung phục vụ bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa.
(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật đến tháng 9/2012)