Tóm tắt lịch sử Hy lạp cổ đại | BK Lib
Hy lạp cổ đại không phải là một quốc gia, mà là một nền văn minh. Người Hy Lạp có những đặc điểm chung về văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ, mặc dù họ nói nhiều phương ngữ. Do vậy, khi nói về lịch sử Hy lạp cổ đại, người ta không hẳn nói về lịch sử của quốc gia Hy lạp ngày nay. Cũng vì lý do này, lịch sử Hy lạp cổ đại rất dài và phức tạp.
Trong video này, chúng ta sẽ cùng tóm lược những điểm chính trong lịch sử của Hy lạp cổ đại nha.
Mục lục bài viết
CÁC NỀN VĂN MINH HY LẠP CỔ ĐẠI
Nền văn minh Hy Lạp cổ đại tập trung ở vùng đất ngày nay là Hy Lạp và dọc theo bờ biển phía tây của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, người Hy Lạp cổ đại đã thành lập các thành phố xung quanh Địa Trung Hải và dọc theo bờ Biển Đen.
Có thể chia lịch sử Hy lạp cổ đại vào 3 thời kỳ, tương ứng với 3 nền văn minh do người Hy lạp xây dựng nên.
[Thời kỳ Minoa – 6000 năm TCN đến 1400 TCN]
Thời kỳ Minoa kéo tài từ khoảng 6000 năm trước công nguyên tới năm 1450 trước công nguyên. Đây là thời kỳ người Hy lạp bắt đầu định cư trên đảo Crete.
Thời kỳ này được đặt theo tên của vua Minos, người cai trị đảo Crete.
Thời gian này được gợi nhớ đến trong thần thoại Hy lạp qua câu chuyện về mê cung và quái vật Minotaur. Minotaur là một quái vật mình người đầu trâu, là con tư sinh của vợ vua Minos và một con bò mộng – cống phẩm cho thần Poseidon. Vua Minos đã xây một mê cung để nhốt Minotaur trong đó. Người anh hùng Theseus đã giết chết Minotaur và giải thoát cho người Athens khỏi việc cống nạp.
Nền văn minh Minoa tàn lụi vào khoảng năm 1450 trước công nguyên khi người Mycenae xâm chiếm.
[Thời kỳ Mycenae – năm 1400 TCN đến 1100 TCN]
Thời kỳ Mycenae bắt đầu khi người Mycenae định cư tại Hy lạp và phát triển nền văn minh riêng của mình.
Thời kỳ này nổi tiếng với câu chuyện về cuộc chiến thành Troy. Troy là một đô thành lớn ở khu vực ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Người Hy lạp đã vây hãm thành trong suốt 10 năm. Cuộc chiến kết thúc với việc thành Troy bị thất thủ và bị tàn phá. Cuộc chiến này được đưa vào thần thoại Hy lạp. Ngày nay chúng ta vẫn dùng thành ngữ con ngựa thành Troy để chỉ chiến thuật người Hy lạp đã sử dụng để hạ thành.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến này không lâu, nền văn minh Mycenae bắt đầu tàn lụi. Sự tàn lụi của nền văn minh này đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án.
[Thời kỳ Hy lạp – 1100 TCN đến 146 TCN]
Thời kỳ Hy Lạp tiếp nối thời Kỳ Mycenae cho đến khi bị La Mã thôn tính. Đây cũng là thời kỳ dài nhất và rực rỡ nhất của văn minh Hy lạp cổ đại. Vào thời kỳ này, ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp đã lan rộng khắp Địa Trung Hải. Và thông qua chiến dịch chinh phục của Alexander Đại đế, đã lan đến tận Ấn Độ.
Tiếp theo đây chúng ta sẽ nói chi tiết hơn về giai đoạn này.
MÔ HÌNH NHÀ NƯỚC – THÀNH BANG
Sau khi nền văn minh Mycenae sụp đổ, cuộc sống ở Hy Lạp trở nên khó khăn. Trong suốt 300 năm sau đó được gọi là Thời kì Đen tối của Hy Lạp.
Phải đến khoảng năm 800 trước công nguyên, người Hy Lạp mới bắt đầu phát triển mạnh.
Người Hy lạp tổ chức nhà nước theo từng thành bang độc lập. Mỗi thành bang có người cầm quyền riêng và phong tục riêng. Mỗi thành bang đều gồm một thành phố và vùng đất nông nghiệp bao quanh.
Tất cả các thành bang đều có quân đội riêng. Bộ phận quan trọng nhất trong quân đội Hy lạp là bộ binh trang bị vũ khí hạng nặng, gọi là hoplite.
Giữa các thành bang thường xuyên xảy ra xung đột. Tuy nhiên, họ có khả năng tập hợp lại với nhau để chống lại kẻ thù chung.
Hai thành bang lớn và quan trọng nhất là Athens và Sparta. Hai thành bang này có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới của họ nhưng không bao giờ kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Hy Lạp.
[Thành bang Sparta]
Thành bang Sparta nổi tiếng về quân sự.
Người Sparta đã từng là những chiến binh dũng mãnh nhất trên đất Hy Lạp. Tất cả đàn ông Sparta đều là lính chuyên nghiệp. Họ dành cả đời vào việc luyện tập và chiến đấu. Các cậu bé bị bứt khỏi mẹ vào lúc bảy tuổi để bắt đầu luyện tập. Con gái cũng phải có sức khỏe phù hợp để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh, cứng cáp.
Trên màn ảnh ngày nay, Sparta cũng vô cùng nổi tiếng với bộ phim 500 chiến binh Sparta.
[Thành bang Athens]
Thành bang Athens lại nổi tiếng vì giàu có và mô hình nhà nước dân chủ.
Tại Athens, tất cả đàn ông tự do đều được tham gia ý kiến trong việc điều hành thành phố. Kiểu nhà nước như vậy gọi là dân chủ, có nghĩa là “dân cai trị”. Phụ nữ, người nước ngoài và nô lệ không được phép bỏ phiếu. Mô hình nhà nước này kéo dài gần 2 thế kỷ.
CHIẾN TRANH VỚI BA TƯ
Ba Tư cổ đại, mà ngày nay là Iran, là đối thủ lâu đời của Hy lạp. Cuộc chiến giữa hai nền văn minh kéo dài trong suốt nhiều năm để tranh quyền bá chủ địa trung hải.
[Trận Marathon – 490 TCN]
Năm 490 TCN, người Ba Tư xâm lăng Hy Lạp. Người Hy Lạp đánh trả và đã chiến thắng trong một trận đánh ác liệt tại Marathon. Một người đã chạy bộ trên quãng đường dài hơn 32 km để mang tin chiến thắng đến cho người Athens và sau đó đã chết vì kiệt sức.
Cuộc chạy đua đường dài ngày nay mang tên marathon để kỉ niệm sự kiện nổi tiếng đó.
[Trận Hellespont – 480 TCN]
Năm 480 TCN, người Ba Tư lại tấn công. Họ dựng cầu bằng cách buộc các con thuyền lại với nhau bằng dây thừng và vượt qua dải nước Hellespont. Sau đó họ tiến vào Hy Lạp và phá hủy thành Athens.
[Trận Salamis – 480 TCN]
Người Hy Lạp đã chiến thắng trong một trận đánh lớn trên biển gần đảo Salamis. Họ lừa cho đội tàu Ba Tư mắc kẹt trong một eo biển nhỏ và phá hủy hơn 200 tàu chiến của Ba Tư. Cuối cùng quân đội Hy Lạp đã đánh bại người Ba Tư trong trận đánh lớn trên đất liền tại Plataea.
Kết thúc chiến tranh với Ba Tư, người Hy Lạp vẫn lo sợ Ba Tư có thể lại tấn công họ. Nhiều thành bang của Hy Lạp, đứng đầu là thành phố Athens, đã hợp quân lại để tự vệ và Athens đã xây dựng được một hải đội mạnh.
[Chiến tranh Peloponnesus (431 – 405 TCN)]
Một số thành bang của Hy Lạp ngày càng lo ngại về việc Athens đã trở nên quá mạnh. Năm 431 TCN, chiến tranh nổ ra giữa Athens và Sparta, kéo theo các thành bang khác tham gia. Cuộc chiến này gọi là Chiến tranh Peloponnesus kéo dài đến tận năm 405 TCN.
Cuối cùng Athens bại trận, nhưng tất cả các thành bang đều trở nên suy yếu và kiệt quệ.
ALEXANDER ĐẠI ĐẾ
Macedonia là một vương quốc ở phía bắc Hy lạp. Trong khi các thành bang Hy lạp bị kiệt quệ sau chiến tranh Peloponnesus, Macedonia lại phát triển mạnh, nhất là về quân sự.
Vua Philip của Macedonia bắt đầu chinh phục các thành bang của Hy Lạp. Đến năm 338 TCN, ông đã kiểm soát toàn bộ Hy Lạp. Tuy nhiên, ngay sau đó, Philip bị ám sát. Con trai ông, Alexander, 20 tuổi trở thành vua của Macedonia và Hy lạp.
Alexander là một vị tướng thiên tài, người đã tạo dựng một đế chế rộng nhất trong Thế giới Cổ đại. Ngày nay, ông được biết đến dưới cái tên Alexander Đại đế.
Hy lạp dưới thời Alexander đại đế là một đế chế rộng lớn bậc nhất thế giới cổ đại. Nó kéo dài từ lãnh thổ Hy lạp ngày nay tới tận Ấn độ và Afghanistan, cùng với lãnh thổ Ai cập.
Alexander xây dựng các thành phố theo phong cách Hy Lạp trên khắp đế chế của ông và để nhiều thành phố mang tên ông. Thành phố nổi tiếng nhất là Alexandria tại Ai Cập. Đây đã từng là trung tâm học thuật và phát minh của thế giới cổ đại. Ngọn hải đăng Alexandria ở đây cũng là ngọn hải đăng đầu tiên trên thế giới.
Alexander mất khi mới 33 tuổi, khi trên đường hành quân trở về từ Ấn độ. Sau khi Alexander qua đời, các viên tướng của ông đánh lẫn nhau tranh giành quyền kiểm soát đế chế.
Antigonas chiếm Hy Lạp và Macedonia. Ptolemy chiếm Ai Cập và gia tộc ông đã cai trị ở đó trong 300 năm tiếp theo. Phần còn lại bị Seleucus cai trị và trở thành đế chế Seleucid.
Vào năm 146 trước công nguyên, cả ba vương quốc nói trên đều bị La Mã thôn tính. Toàn bộ lãnh thổ Hy lạp trở thành một bộ phận của La Mã.
TỔNG KẾT CÁC MỐC THỜI GIAN QUAN TRỌNG
- 1100-800 TCN Thời kì Đen tối của Hy Lạp.
- 776 TCN Cuộc thi Olympic đầu tiên
- 508 TCN Nền dân chủ bắt đầu tại Athens.
- 490-479 TCN Các cuộc chiến tranh của người Ba Tư.
- 461-429 TCN Perikles lãnh đạo Athens.
- 447-438 TCN Parthenon được xây dựng.
- 431-404 TCN Cuộc chiến tranh Peloponnesus.
- 338 TCN Philip II của Macedonia kiểm soát Hy Lạp.
- 336-323 TCN Alexander cai trị Hy Lạp và xây dựng đế chế.
- 323-281 TCN Cuộc xung đột giữa các viên tướng của Alexander. Đế chế Hy Lạp sụp đổ.
- 146 TCN Hy Lạp trở thành một phần của đế chế La Mã.
KẾT
Những thành tựu chính trị, triết học, nghệ thuật và khoa học của nền văn minh Hy Lạp cổ đại đã hình thành nên một di sản có ảnh hưởng vô song đối với nền văn minh phương Tây.
Câu chuyện của chúng ta về lịch sử Hy lạp cổ đại tạm dừng ở đây.
Đừng quên like, chia sẻ và đăng ký kênh nha. Hẹn gặp lại trong video tiếp theo. Cảm ơn bạn đã chú ý theo dõi.