Trường CĐ Du lịch Hải Phòng – Nhân lực du lịch chất lượng cao

Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng tiền thân là Trường Trung học nghiệp vụ Du lịch Hải Phòng, được thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004 theo Quyết định số 334/QĐ-TCDL ngày 23 tháng 7 năm 2004 của Tổng cục Du lịch. Từ đó đến nay, trải qua các lần nâng cấp và thay đổi tên gọi, Trường không ngừng mở rộng phạm vi tuyển sinh, củng cố về quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Hơn 18 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng và cả nước.

Trung tâm thực hành Bar được xây dựng hiện đại
với đầy đủ các thiết bị, đồ dùng để sinh viên thực hành

 

Hải Phòng nằm ở cửa ngõ hướng ra biển Đông của khu vực miền Bắc nước ta, có hệ thống giao thông đa dạng và đồng bộ, thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch và dịch vụ. Những năm qua, Thành phố cũng xác định du lịch là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế trong chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045. Từ đó, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ và thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Điều này tạo ra cơ hội thuận lợi để các đơn vị đào tạo chuyên ngành về du lịch như Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng phát triển, mở rộng quy mô nhằm đáp ứng các nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo trong ngành du lịch ngày càng tăng.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành du lịch Hải Phòng nói riêng và trong khu vực nói chung đang hướng tới sản phẩm chất lượng cao, do đó yêu cầu trình độ của nguồn nhân lực ngày càng nâng lên, tiệm cận những chuẩn mực quốc tế. Để tồn tại và phát triển trong tình hình mới, Ban Lãnh đạo nhà trường đã xác định nhiệm vụ then chốt nhất là nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng môi trường học tập có thể thích ứng với những thay đổi lớn của nền công nghiệp dịch vụ.

Được sự quan tâm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thành phố Hải Phòng, cùng với sự lãnh đạo năng động, nhiệt huyết của tập thể lãnh đạo Nhà trường qua các thế hệ, hiện nay cơ sở vật chất, thiết bị của Nhà trường được đầu tư đồng bộ, tiếp cận chuẩn quốc tế, bao gồm hệ thống phòng thực hành Kỹ thuật chế biến món ăn Á-Âu, làm bánh, trung tâm thực hành bar, trung tâm thực hành lễ tân, trung tâm thực hành hướng dẫn du lịch và nghiệp vụ lữ hành, đặc biệt là khách sạn thực hành với hạng phòng từ 3 đến 5 sao và các hạng mục công trình khác phục vụ người học. Ngoài ra, hằng năm, Trường cũng huy động tổng hợp các nguồn lực để nâng cấp hạ tầng cơ sở, đặc biệt chú trọng các trung tâm thực hành chuyên môn nghề, các phòng thực hành với công năng tiện ích cao, giúp người học cảm nhận ngay môi trường thực tế như ngoài doanh nghiệp; đồng thời liên tục đổi mới trang thiết bị thực hành tiếp cận chuẩn quốc tế.

Đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm và hệ thống các thiết bị
hiện đại phục vụ cho sinh viên thực hành chế biến món ăn


Bên cạnh đó, Nhà trường cũng xác định chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo là yếu tố tiên quyết để nâng cao hiệu quả đào tạo. Do đó, nhiều năm qua, Trường có chính sách hỗ trợ khuyến khích các thầy, cô không ngừng nâng cao trình độ. Đội ngũ giảng viên được đào tạo nâng cao tại các nước Mỹ, Bỉ, Luxembourg, Malaysia, Đức, Úc, Anh… cả về chuyên môn và phương pháp đào tạo; đồng thời thường xuyên được cập nhật kiến thức, kỹ năng mới tại doanh nghiệp, hiện nay phần lớn giảng viên có thể sử dụng ngoại ngữ trong công việc. Song song với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nghề nghiệp, hệ thống chương trình, giáo trình được xây dựng trên cơ sở phân tích nghề, đảm bảo hình thành năng lực thực hiện công việc cho người học theo yêu cầu của thực tiễn nghề nghiệp.

Để tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, trong quá trình học tập, Nhà trường triển khai thành công mô hình đào tạo kép “Đào tạo kép – Đào tạo song hành”. Cụ thể, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch thí điểm đào tạo theo hướng “sinh viên học tập trung tại trưởng 3 ngày và xuống doanh nghiệp học tập và làm việc 3 ngày trong tuần”. Mô hình này tạo cho người học sớm có cơ hội hòa nhập, rèn luyện và trưởng thành toàn diện từ kiến thức, kỹ năng, thái độ, tác phong làm việc trong môi trường công việc trong thực tiễn và được doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao. Đến nay, mô hình này đã được nhận diện đầy đủ và được điều chỉnh phủ hợp để phát huy tối đa hiệu quả.
Xác định vị trí vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, Nhà trường luôn quan tâm xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp để sinh viên vừa học tại trường, vừa thực tập, thực tế tại doanh nghiệp theo đúng chuyên ngành đào tạo. Theo đó, Nhà trường cũng thành lập bộ phận làm nhiệm vụ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, đề xuất ký biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo với những nội dung tập trung vào: Hỗ trợ thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên; trao đổi chuyên gia đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp (có sự tham gia của các giảng viên danh dự tại doanh nghiệp); phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo thực hành ngành Du lịch;…

Như vậy, mối quan hệ của Nhà trường với doanh nghiệp thuận lợi và có tính tương tác rất cao, hai bên thống nhất, đồng thuận trong nội dung hợp tác. Việc hợp tác này phát huy được năng lực và thế mạnh của mỗi bên về cơ sở vật chất, con người, chuyên môn trong việc xây dựng Chương trình đào tạo thực hành ngành du lịch đặc thù theo nhu cầu của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung.

Điều kiện để sinh viên học tập và thực hành tại Trường
luôn sát với thực tiễn tại các cơ sở, trung tâm du lịch lớn trong nước
 

Thực tế, ngay từ những ngày đầu thành lập, nhà trường đã thiết lập, không ngừng mở rộng mối quan hệ các doanh nghiệp du lịch, khách sạn trên địa bản thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội như: Khách sạn Harbour View nay là khách sạn Avani; Khách sạn Nam Cường, Khách sạn Hữu Nghị, Làng Quốc tế Hướng Dương, Du thuyền Bayha, Khách sạn Ngôi sao, Nhà khách Hải quân, các khách sạn của khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà, Công ty du lịch Hải Thành, Viettravel chi nhánh Hải Phòng, Công ty du lịch Song Nguyễn, Sài Gòn Tourist, Bến Thành Tourist…. Đến nay, đã có thêm các tập đoàn lớn thương hiệu: Sungroup, Vingroup, Mường Thanh, các khách sạn tập đoàn Accord, M-Gallerry, Mercure, Công ty Golden Gate, các du thuyền nghỉ dưỡng cao cấp tại Hạ Long Tuần Châu… có mối quan hệ hợp tác với Nhà trường trong quá trình đào tạo học sinh, sinh viên.

Hai năm học gần đây, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới kế hoạch tuyển sinh và đào tạo của Nhà trường, nhưng nhờ có sự chuẩn bị bài bản và tầm nhìn dài hạn, nên chất lượng đào tạo của Nhà trường vẫn giữ được ổn định và từng bước nâng cao. Nổi bật, niên khóa 2016 – 2019, Nhà trường đã đào tạo thành công 2 nghề: Quản trị lữ hành và Hướng dẫn du lịch cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao của Học viện Chilsom, Bang Victoria (Úc). Đến nay, 100% sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm tốt, ổn định, mức thu nhập cao, được doanh nghiệp đánh giá cao về năng lực chuyên môn và ngoại ngữ. Không dừng lại ở đó, Nhà trường tiếp tục đào tạo 2 chuyên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn và Quản trị khách sạn theo chương trình chuyển giao của CHLB Đức, số sinh viên theo học chương trình này đã được doanh nghiệp đón nhận và chào đón ngay tại các kỳ thực tập.

Thời gian sắp tới, với định hướng phát triển thành cơ sở đào tạo và cùng ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có uy tín trong nước và quốc tế, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo gắn với thực nghiệm kinh doanh dịch vụ du lịch, tiên phong thực hiện hiệu quả mô hình “đào tạo song hành”; phát triển chương trình đào tạo tiên tiến giảng dạy bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh; thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao vùng Đồng bằng Sông Hồng, tiếp cận trình độ các nước Asean – 4.

“Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, bên cạnh nỗ lực của Nhà trường, chúng tôi rất mong muốn và khuyến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS và THPT lựa chọn chương trình đào tạo, nghề nghiệp hợp năng lực bản thân và nhu cầu xã hội. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục GDNN và các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trên các kênh thông tin chính thống và trên các nền tảng mạng xã hội có sức hút với giới trẻ. UBND thành phố Hải Phòng và cơ quan ban ngành liên quan nghiên cứu và ban hành cơ chế nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo để hấp dẫn người học đến với giáo dục nghề nghiệp”  – cô  Mai Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ./.
 

Trịnh Long
 

Một số hình ảnh thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng

Thực hành làm hướng dẫn viên du lịch

Thực hành phục vụ trong khu vực nhà hàng

Thực hành “Hỗ trợ dịch vụ khách hàng” tại
Vinpearl Hotel Imperial Hải Phòng