Văn hóa chợ quê ngày tết
Mục lục bài viết
Văn hóa chợ quê ngày tết
Dù cuộc sống thay đổi như thế nào thì chợ tết vẫn là một phần đời sống, nét văn hóa rất được chờ đợi, nhất là ở khu vực nông thôn.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Khi Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần, hãy cùng nhìn lại phiên chợ tết một thời để cảm nhận nét đẹp của một thời chợ tết.
Chợ nông thôn là trung tâm văn hoá của xã hoặc liên xã. Người đi chợ tết vừa mua sắm vừa được gặp gỡ, trao đổi chuyện mùa màng, hỏi thăm người quen biết. Ngoài những chợ họp truyền thống theo phiên, sau ngày 23 tháng chạp, sẽ có nhiều chợ tự phát họp trên đường liên xã.
Cùng với việc các mẹ, các bà đi sắm tết, lũ trẻ cũng rất háo hức với phiên chợ này, vì thường được mua quần, áo tết, được sà vào hội đáo, hội khăng quanh chợ.
Dù chỉ là chiếc áo vải phin, quần xanh chéo hay xa tanh, nhưng khi được mua lũ trẻ sướng rơn, nhiều đứa chạy khoe khắp làng. Và còn một thứ nữa nhiều đứa trẻ mong người lớn mua về nhà, đó là những bức tranh vẽ mâm ngũ quả hay em bé ôm cá, ôm tôm. Còng người lớn thì thích những bức tranh có câu đối tết để dán ở hai cánh cửa đi hoặc treo ở hai bên cột chính căn nhà.
Khi mà các dịch vụ văn hóa còn thiếu thốn, thì tranh tường và chữ của ông đồ treo trong nhà là một cách để nhiều gia đình thể hiện sự khác biệt. Nhiều nhà dán trên tường cùng lúc nhiều bức tranh. Khá giả thì tranh đúc khuôn Đông Hồ, tranh thờ Hàng Trống hay những bức thư pháp uốn lượn trên giấy hồng điều được đóng khung cẩn thận. Nhà nghèo cũng cố để mua một bức tranh tết. Khó khăn là vậy, nhưng đời sống tinh thần của người dân vẫn rất cao.
Và để có những món hàng ngày tết nhiều người phải đi qua những hành trình vất vả như phải đi đốn củi về tập kết trong sân nhà từ cuối tháng 9 âm lịch, chờ đến gần tết đem bán. Có nhà phải bán tới một hai cây rơm hoa. Còn lại các gia đình thường đem đến chợ bán những nông sản dành dụm được từ nhiều tháng trước, và dùng tiền bán được để mua hàng tết.
Còn với thực phẩm cho ngày tết, ngoài cá mè hoa được chia theo khẩu sau khi tát ao làng đem nướng rơm rồi gác bếp hay kho mặn tích trữ, thì thịt lợn cũng không có nhiều. Thường nhiều nhà phải chờ đến phiên cuối cùng của năm cũ để mua, vì không có dụng cụ để bảo quản như bây giờ. Thịt mua về, nhà có điều kiện thì làm nem thính, gói giò, nhưng không nhiều nhà nấu thịt đông. Những năm gặp thời tiết nắng nóng phải bó giò vào túi ni lông thả xuống đáy giếng để tránh bị thiu.
Những phiên chợ tết được nhiều người xem như ngày vui ở những vùng quê có nhiều cư dân nông nghiệp. Dù không quá ồn ã, tấp nập và sặc sỡ sắc màu như chợ ở vùng thương thị hay nơi có làng nghề truyền thống, nhưng có cảm giác ấm cúng, người bán, mua cũng thật, nói thách, nhưng bán không điêu toa. Trong phiên chợ tết nhiều người đi chợ có thể sẽ cho mình quyền ăn một bát bún hay chiếc bánh rán hoặc món nào đó mà có thể cả năm họ chưa được ăn.
Chợ tết quê cứ thế lặng lẽ đi theo năm tháng, đời người. Nhiều phiên chợ tết quê đã đi vào văn học, như những câu thơ: “Thúng mủng, rổ rá giăng bày/ Chợ quê ngày tết kín đầy đường quan/ Nhấp nhô khiêng, đội, vác, mang/ Trộn vào dòng chảy sạp hàng đón xuân”…
Hình ảnh phiên chợ tết xưa với những ông đồ già, người bán tranh Đông Hồ gầy guộc và cả những người đi chơi chợ và sắm tết, dù đã lùi vào quá vãng, nhưng với thế hệ chúng tôi về trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức những phiên chợ quê ngày tết không chỉ đi sắm, mà còn là đi chơi chợ tết.
Lam Vũ