Chuyện về những chú chuột trong tranh Đông Hồ

Biên phòng – Dòng tranh dân gian Đông Hồ đang được Nhà nước lập hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài vẻ đẹp về mặt mỹ thuật, tranh Đông Hồ còn phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân đồng bằng Bắc bộ sâu sắc, nhất là tâm thức và ước vọng của họ thông qua các hình tượng người, vật trong tranh. Tranh Đông Hồ có nhiều tầng nấc ngữ nghĩa mà để giải mã chúng là công việc đầy lý thú nhưng cũng khó khăn. Nhân dịp năm Canh Tý, năm mà chú chuột là bản mệnh của một năm, theo quan niệm của hệ thống âm lịch, chúng tôi muốn tìm trong di sản tranh Đông Hồ hình tượng của những chú chuột.

gs1b_23Tranh dân gian Đông Hồ “Chuột múa rồng”. Ảnh: Tư liệu

Một trong những bức tranh nổi tiếng là “Đám cưới chuột” với nhiều phiên bản khác nhau, nhưng đều theo một mô típ là một đám cưới, có chàng rể chuột cưỡi ngựa, cô dâu chuột ngồi kiệu và một đám chuột thổi kèn, đánh trống, khiêng kiệu, cầm cờ… Chặn đầu đám cưới là hình tượng một chú mèo to béo, đang chờ lễ vật đút lót. Dường như đây là toàn cảnh một đám cưới khá giả của người Việt xưa thông qua hình tượng nhân cách hóa chuột và mèo. Nhiều bức tranh còn được thêm chữ Hán là “Lão thử thủ thân” (Tranh chuột già lấy vợ). 

Tuy nhiên, với những tiêu bản cổ được người Pháp sưu tầm từ trước năm 1960 thì chủ đề của bức tranh có khác. Đó không phải là đám cưới chuột mà là cảnh “vinh quy bái tổ” của một Trạng nguyên. Mặc dù, các nhân vật và phong cách trang trí trên tranh cũng không khác với tranh đám cưới chuột nhiều lắm. Trên tranh còn được chua nghĩa chữ Hán rõ là “vinh quy” trên cờ của một chú chuột đang cầm và chữ “Trạng nguyên” trên biển của một chú chuột đang rước. Vậy thì ý nghĩa của bức tranh chuột này khác, mô tả cảnh đỗ đạt sau đó được dân làng đón rước về quê. 

Mặc dù đã là Trạng nguyên (nhiều trường hợp còn danh giá hơn Tiến sĩ), nhưng khi về làng quê nơi sinh thành, vẫn phải theo lệ làng, chẳng thế mà có câu “phép vua thua lệ làng”. Nghĩa là trong cuộc vinh quy này vẫn phải biếu xén cho hương chức của làng, mà đại diện là chú mèo béo tròn, gọi là có lòng thành với quê hương bản quán. Trong tranh thể hiện lễ vật là… chú cá chép do con chuột đi đầu đang chuẩn bị dâng lên mèo.

Trong bức tranh, vị tân Trạng nguyên được cưỡi ngựa, dáng điệu oai phong, đầu còn ngoái lại chiếc kiệu có thể vị hôn thê đang ngồi. Đám rước Trạng rất long trọng, có cờ, có lọng, có 9 chú chuột sắm các vai: Thổi kèn, đánh trống, rước kiệu…

Bức tranh đã miêu tả sinh động sự tôn vinh học hành, thi cử của người xưa. Trong thư tịch còn ghi rõ vào thời Lê, các Trạng nguyên được chính nhà vua tôn vinh: Vào năm Tân Sửu, tức năm Hồng Đức thứ 2 (1481). Tháng 5, ngày 21, vua Lê Thánh Tông ngự điện Kính Thiên. Các quan Hồng lô truyền lệnh gọi tên. Lại bộ ban ấn mệnh. Lễ bộ bưng bảng vàng, nổi trống nhạc, rước ra ngoài cửa Đông Hoa (vị trí khoảng các phố Hàng Cân, Hàng Đường ngày nay) treo lên. Xong rồi ty Mã cứu đem ngựa tốt đưa Trạng nguyên về nhà. Vì thế, trong dân gian có câu “vinh quy bái tổ” hay “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” là vậy.

Nghệ nhân Đông Hồ đã qua tranh dân gian để nói về sự khuyến học. Xưa kia, chỉ có học mới có thể đổi đời, đỗ đạt, làm quan, mà sự thành đạt của cuộc đời đã được đánh giá ở cuộc vinh quy như vậy. 

Hình tượng chuột trong tranh dân gian Đông Hồ còn thể hiện ở bức tranh “Chuột múa rồng”. Bức tranh thể hiện sự tiếu lâm dân gian, miêu tả đàn chuột Tàu rước rồng trong một lễ hội. Ngày xưa, người Hoa ở Hà Nội hay tổ chức trò vui như múa rồng, múa lân vào các dịp lễ hội như Tết Trung thu. Các cuộc múa rồng được diễu hành qua các con phố. Rồng được làm bằng giấy hay vải đính vào sào. Con chuột được nhân cách hóa cầm sào nhảy múa, uốn lượn. Đoàn rước gồm những con chuột cầm đèn lồng hình cá, hình các loại hoa quả, có nhóm cầm cờ hay phù hiệu, có nhóm nhạc công thổi kèn, đánh trống trên xe kéo, đánh chiêng, đốt pháo. Tổng cộng có 11 chú chuột. Đáng chú ý, những con chuột trong bức tranh này có đuôi rất dài. Có thể đây là do nghệ nhân muốn đặc tả một đặc điểm của người Hoa vào thời Mãn Thanh có cách tết tóc dài đuôi sam một cách đặc biệt. 

Hình ảnh con chuột dưới mắt nghệ nhân Đông Hồ được nhân cách hóa và thể hiện trong những bức tranh đẹp. Điều đó chứng tỏ, chuột cũng không đến nỗi bị ghét bỏ như các câu chuyện kể về tác hại của loài chuột như: Gặm nhấm lương thực, quần áo, gieo mầm bệnh. Loài chuột còn đi vào ca dao, tục ngữ của người Việt với nhiều nét tiêu cực.

Tuy nhiên, các nền văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam lại xếp chuột vào loài vật có thứ bậc… đầu tiên trong hệ thống 12 con giáp: Tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Trong số đồ quốc bảo của nhà Nguyễn, các nhà khoa học còn thấy có tượng chuột bằng ngọc được chế tác tinh xảo trong bộ tượng ngọc 12 con giáp. 

Trong văn hóa Ấn Độ có hình tượng vị Voi thần Ganesha dùng chuột thần làm con vật cưỡi. Trong văn hóa Trung Hoa, chuột được xem là có tính cách nhanh nhẹn, hoạt bát, cầu tiến, hào phóng, hóm hỉnh…

Hình tượng các chú chuột còn gây tranh cãi bởi sự tiêu cực và tích cực đối với người nông dân Việt Nam xưa nay. Nhưng một khi chuột đã được nhân cách hóa, có mặt trong tranh dân gian thì thực sự đóng góp cho kho tàng di sản quý giá của nước ta. Người nghệ nhân Đông Hồ mượn hình tượng chuột để nói đến sự nhanh nhẹn, sự ham học, thông minh. Họ có cái nhìn nhân bản với những chú chuột trong đời sống tâm linh và cả đời thường.

Giáo sư  Trịnh Sinh