Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước | Tạp chí Quản lý nhà nước
Mục lục bài viết
(Quanlynhanuoc.vn) – Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phát triển chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội.
Công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Nhận thức rõ điều này, Đảng, Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN). Trong đó, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của CQNN, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội của địa phương.
Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển ứng dụng CNTT, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình ứng dụng CNTT trong các CQNN hết sức cụ thể và thiết thực: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ Thông tin năm 2006, Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN; Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của CQNN; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011 – 2015, Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016 – 2020…
Tiếp đó, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện 13 nhóm nhiệm vụ được giao tại Quyết định này, trong đó có những nhiệm vụ quan trọng, như: xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia; hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy định phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống và sao lưu văn bản điện tử; tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về ứng dụng CNTT, đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các CQNN trong tổ chức triển khai thực hiện ứng dụng CNTT, như: Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của CQNN; Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về tiêu chí, chức năng, tính năng kỹ thuật của cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin điện tử cấp bộ, cấp tỉnh… Nhờ hệ thống văn bản này, hoạt động ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc của các CQNN từng bước được cải thiện, hiệu quả, hiệu lực; công tác quản lý, điều hành được nâng cao, tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong giải quyết công việc.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, triển khai các chương trình, kế hoạch của quốc gia về ứng dụng CNTT, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai chính phủ điện tử (CPĐT) và đạt được những kết quả quan trọng.
Thứ nhất, về hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT.
Thời gian qua, hạ tầng kỹ thuật CNTT ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN. Tính đến thời điểm tháng 7/2020, ở cấp bộ, cơ quan ngang bộ: kết nối mạng diện rộng (WAN) đạt 97%; 19/22 có trung tâm dữ liệu đạt 86,36%; 16/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã triển khai điện toán đám mây đạt 72,73%. Cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương: kết nối mạng diện rộng (WAN) đạt 91%; có trung tâm dữ liệu đạt 93,65% (59/63); triển khai điện toán đám mây đạt 63,49% (40/63)1. Ở các CQNN, số lượng cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng, góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tăng năng suất, hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, hệ thống mạng nội bộ được triển khai tại tất cả các bộ, ngành, địa phương. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai xây dựng, kết nối đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện.
Thứ hai, về ứng dụng CNTT trong hoạt động.
Việc xây dựng, phát triển CPĐT để cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc luôn được các bộ, ngành, địa phương quan tâm. Trục liên thông văn bản quốc gia đã triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử tới một số đơn vị, tổ chức. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đang được tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên môi trường mạng. Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đã kết nối với hệ thống thông tin báo cáo và các hệ thống thông tin liên quan tới nhiều bộ, cơ quan, như: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…
Xây dựng CPĐT gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân. Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, cảnh báo nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, cảnh báo tấn công mạng, hỗ trợ xử lý các sự cố, lộ lọt thông tin bí mật nhà nước. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức đã có bước chuyển biến, tình hình an toàn, an ninh mạng được cải thiện. Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận 2. 017 sự cố tấn công mạng, giảm 26% so với 6 tháng cuối năm 2019 và giảm 27,1% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 20192.
Cùng với đó, việc xây dựng, tạo lập cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, hệ thống nền tảng cũng đặc biệt được quan tâm và thu được nhiều kết quả: CSDL quốc gia về dân cư (một số địa phương đã có, như: Hà Nội, Hải Phòng, Tây Ninh); về đất đai quốc gia; về đăng ký doanh nghiệp (DN); về tài chính, về bảo hiểm… Các nền tảng khác được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. Chẳng hạn: hệ thống thông tin đăng ký hộ tịch điện tử toàn quốc dùng chung của Bộ Tư pháp đã triển khai tại 61/63 tỉnh, thành phố tới công chức Ủy ban nhân dân cấp xã, phòng Tư pháp và sở Tư pháp; Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tin của 53.000 trường học; Bộ Y tế có danh mục gồm 10.000 đầu thuốc và 41. 000 cơ sở kinh doanh dược…3. Đặc biệt, nhiều nền tảng ra đời hỗ trợ tích cực trong việc phòng, chống đại dịch Covid- 19, như: hỗ trợ tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa; tư vấn sức khỏe VOV Bacsi24; hội nghị trực tuyến Zavi, hội nghị trực tuyến Comeet…
Thứ ba, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN.
Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang/cổng thông tin điện tử đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, quản lý, điều hành của CQNN; nhu cầu tìm hiểu, tra cứu, khai thác thông tin của người dân và DN. Các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa… Hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng được ngày càng cao nhu cầu của người dân và DN.
Một số ứng dụng chuyên ngành phát huy được hiệu quả rõ rệt, phục vụ tốt cho người dân và DN. Đơn cử, ngành Thuế, tính đến tháng 9/2021, có 32 thủ tục hành chính đạt mức 3 và 150 thủ tục hành chính đạt mức 4; hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục Thuế trực thuộc; đã có 838.787 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 841.018 DN đang hoạt động (đạt tỷ lệ 99,7%)4. Ngành Hải quan, đến hết tháng 11/2021, đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho 215/237 thủ tục hành, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% DN tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 – 3 giây5. Ngành Y tế thực hiện kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc nhằm tăng cường quản lý thuốc đối với các cơ quan quản lý, các cơ sở cung ứng thuốc và cơ sở y tế. Xây dựng và triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân…
Thứ tư, xây dựng kiến trúc CPĐT, đô thị thông minh.
Nhiều bộ, ngành, địa phương tích cực xây dựng, ban hành kiến trúc và đang tổ chức triển khai thực hiện. Tính đến hết quý II/2020, đã có 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 61/63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng, ban hành kiến trúc và đang tổ chức triển khai thực hiện kiến trúc CPĐT, đô thị thông minh. Một số địa phương đã ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Nguyên) và một số địa phương khác đang xây dựng (TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Đắk Lắk, Lào Cai, Yên Bái). Như vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của CQNN, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng CNTT trong các CQNN vẫn còn một số hạn chế nhất định. Các ứng dụng CNTT trong CQNN chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Các giải pháp triển khai chưa đồng bộ; việc điều hành, xử lý công việc qua mạng còn ít; dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cung cấp cho người dân và DN còn chưa nhiều. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm chỉ đạo triển khai còn khác nhau giữa các ngành, địa phương; nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư còn thiếu. Người dân sử dụng dịch vụ cũng còn hạn chế…
Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải kể đến một số nguyên nhân cơ bản, như: một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành; giải pháp thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu chậm triển khai; công tác truyền thông về phát triển CPĐT chưa được chú trọng; lãnh đạo một số CQNN chưa thực sự quyết tâm, chỉ đạo sâu sát, ưu tiên ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động; vốn triển khai cho ứng dụng CNTT còn rất thấp so với nhu cầu thực tế; nhiều cán bộ, công chức chậm thay đổi lề lối làm việc ứng dụng CNTT; nhiều người dân, DN thiếu kỹ năng số để truy cập thông tin, dịch vụ…
Ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN hướng tới phát triển CPĐT là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT luôn là mục tiêu quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đại hội XIII của Đảng đã lần đầu tiên nhấn mạnh đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số: “phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”6 và đề ra mục tiêu: “đến năm 2025 kinh tế số đạt khoảng 5% GDP7 và đến năm 2030 đạt khoảng 30%8. Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, DN, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, cần tiếp tục tập trung vào những nội dung sau:
Một là, hoàn thiện môi trường pháp lý bằng việc xác định những văn bản pháp lý quan trọng để ưu tiên hoàn thiện. Cần sớm có văn bản hướng dẫn quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số giữa bộ, ngành trung ương với các tỉnh, thành phố. Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 theo các danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, phát triển hạ tầng CNTT và các nền tảng dùng chung quy mô quốc gia. Tập trung phát triển hạ tầng truyền dẫn, lưu trữ dữ liệu, xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu đồng bộ từ trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm tính hệ thống, minh bạch trên toàn quốc. Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của đơn vị phát huy tiện ích của hệ thống trang, thiết bị CNTT, hệ thống các phần mềm dùng chung; thực hiện dần thay thế cách thức làm việc truyền thống bằng việc điều hành, quản lý, phân công nhiệm vụ trên môi trường mạng; tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử qua phần mềm điện tử.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư, đặc biệt là cán bộ quản trị cho trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, quản trị mạng tại các địa phương. Để thực hiện việc này, cần phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ chuyên trách về CNTT; đào tạo kiến thức nâng cao về quản trị mạng tại các CQNN bởi đây là đội ngũ cán bộ chuyên trách là điều kiện để bảo đảm cho việc ứng dụng CNTT được ổn định và cải tiến thường xuyên. Chỉ khi có một đội ngũ cán bộ chuyên trách có trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ tin học mới có thể bảo đảm cho việc ứng dụng CNTT được ổn định và phát triển lâu dài. Hằng năm, cân đối thêm nguồn lực cho chương trình phát triển và ứng dụng CNTT để hiện đại hóa nền hành chính, trong đó ưu tiên các tỉnh miền núi, các tỉnh còn nhiều khó khăn.
Bốn là, đẩy mạnh công tác truyền thông. Thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và DN về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CNTT và các ứng dụng CNTT. Đồng thời, xây dựng công cụ đo lường, đánh giá, quy chế nhất định về bắt buộc triển khai ứng dụng CNTT trong các CQNN, có lộ trình rõ ràng và có mục tiêu kế hoạch cụ thể cho từng năm, có những chế tài xử phạt và khen thưởng đối với người đứng đầu các CQNN trong việc ứng dụng CNTT, chắc chắn CNTT sẽ thực sự là công cụ hiệu quả trong hoạt động của CQNN.
Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong CQNN cần một quyết tâm chính trị rất cao và sự nhất trí, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển CNTT, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các chuyên gia, DN và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân với tư cách vừa là người thụ hưởng thành quả, vừa là tác nhân đóng góp, thúc đẩy quá trình phát triển ứng dụng CNTT trong quản lý, trong thực thi công vụ và trong đời sống xã hội.