Khoa Du lịch (Đại học Huế): 10 năm xây dựng và trưởng thành

Khoa Du lịch (Đại học Huế): 10 năm xây dựng và trưởng thành

Xuất phát từ nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để phát triển du lịch Thừa Thiên Huế, khu vực miền Trung – Tây Nguyên (MT-TN) và cả nước, cũng như yêu cầu tổ chức lại các chuyên ngành đào tạo có liên quan đến du lịch tại Đại học Huế, ngày 14/1/2008, Giám đốc Đại học Huế đã ký quyết định thành lập Khoa Du lịch trực thuộc Đại học Huế từ tiền thân là Bộ môn Du lịch của Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Ðại học Kinh tế – Đại học Huế. Trong suốt một thập niên nỗ lực xây dựng và phát triển, Khoa Du lịch – Đại học Huế đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy cho sự lựa chọn của hàng ngàn sinh viên, phụ huynh và doanh nghiệp.

Lớn mạnh cả về chuyên ngành đào tạo và quy mô sinh viên

Khởi nguồn từ Trường Ðại học Kinh tế – Đại học Huế, truyền thống đào tạo của Khoa Du lịch – Đại học Huế được ghi nhận từ giữa những năm 1990 và là một trong những đơn vị có đào tạo du lịch bậc đại học sớm ở nước ta. Từ một chuyên ngành đào tạo ban đầu, đến nay, Khoa đã có 11 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học về du lịch và 01 ngành đào tạo trình độ Thạc sỹ. Đặc biệt từ năm học 2018, Khoa Du lịch xây dựng đề án tuyển sinh áp dụng cơ chế đặc thù theo theo Công văn số 4929 của Bộ GD&ĐT ngày 20/10/2017 đối với 2 ngành đào tạo trình độ đại học là Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Điểm khác biệt nổi bậc của các chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù là việc tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Khoa với doanh nghiệp và các chuyên gia trong quá trình đào tạo nhằm tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; trong đó thời gian thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương trình đào tạo.

Cùng với việc phát triển các chuyên ngành đào tạo, quy mô sinh viên của Khoa Du lịch tăng nhanh từ 120 sinh viên ở năm đầu thành lập (2008-2009) lên 700 sinh viên trong năm học 2010-2011 và hơn 2.000 sinh viên trong năm học 2017-2018. Đội ngũ cán bộ của Khoa đã lớn mạnh không ngừng về số lượng, hoàn thiện dần về cơ cấu và phát triển mạnh về chất lượng. Số lượng cán bộ viên chức và người lao động của Khoa hiện nay là 108 người, trong đó có 78 cán bộ giảng dạy (chiếm 72,22%), 64,10% cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học (trong đó có 03 PGS, 6 TS, 41 Thạc sĩ). Về cơ cấu tổ chức, từ 03 bộ môn ban đầu, hiện Khoa Du lịch có 05 bộ môn gồm: Du lịch học, Lữ hành, Khách sạn và Nhà hàng, Công nghệ thông tin và Truyền thông du lịch dịch vụ (ICT), Quản lý sự kiện và Marketing dịch vụ (EM&M), Trung tâm Thực hành và Liên kết doanh nghiệp và 4 đơn vị trực thuộc khác.

Chú trọng chất lượng đào tạo

Với tầm nhìn: Xây dựng Khoa Du lịch – Đại học Huế thành địa chỉ đào tạo, nghiên cứu và cung ứng dịch vụ khoa học công nghệ có chất lượng và uy tín trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế, Khoa Du lịch – Đại học Huế đã đặc biệt chú trọng đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trên cơ sở phát huy hiệu quả nội lực hiện có, kết hợp với khai thác các nguồn lực vững mạnh của Đại học Huế, một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đầu mối giao lưu văn hoá, khoa học, giáo dục lớn nhất ở miền Trung.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, công tác bồi dưỡng và phát triển đội ngũ, xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động khoa học công nghệ được đặc biệt chú trọng như là động lực đảm bảo sự phát triển của Khoa. Đa số cán bộ giảng dạy được gửi đi đào tạo ở các nước tiên tiến trên thế giới như New Zealand, Canada, Pháp, Đức, Áo, Hà Lan… Các hoạt động đào tạo, trao đổi học thuật, xây dựng chương trình đào tạo cũng được đẩy mạnh thông qua việc huy động tài trợ từ nhiều chương trình dự án hợp tác quốc tế như Dự án đào tạo phát triển năng lực quản lý vùng – Direg, Canada; Dự án của tổ chức Pháp ngữ AUF; Dự án hợp tác với Đại học Hawaii – Hoa Kỳ về đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh du lịch theo hướng du lịch bền vững tài trợ bởi Ford Foundation… Đặc biệt, Khoa Du lịch đang tích cực triển khai chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ bằng tiếng Anh liên kết với Đại học Greifswald – Đức (do DAAD – Đức tài trợ) và Đại học Tự do Bruxelle – Bỉ; Chương trình liên kết đào tạo đại học ngành Quản lý du lịch với Viện Công nghệ Dublin (DIT) – Cộng hòa Ireland. Chính những nỗ lực này đã và đang tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Khoa Du lịch – Đại học Huế ngày nay.

Sinh viên Khoa Du lịch thực tập tại Thái Lan

Kiên định với tiêu chí “Chất lượng tạo ra sự khác biệt”, Khoa Du lịch – Đại học Huế luôn tập trung nỗ lực trong cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, chú trọng nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên, xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài. Hoạt động thực tập nghề, thực tập quản lý của sinh viên Khoa Du lịch được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao, hoạt động này hoàn toàn được tài trợ bởi các doanh nghiệp, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí cho người học, cũng như từng bước tạo dựng và củng cố uy tín thương hiệu của Khoa Du lịch – Đại Học Huế. Đối với sinh viên, thời gian thực tập, thực tế ở doanh nghiệp đã mang lại cơ hội tốt nhất để củng cố kiến thức đã học, rèn luyện kỹ năng làm việc và hình thành khả năng thích ứng tốt hơn với công việc sau khi ra trường. Cũng nhờ vậy, tỉ lệ sinh viên xếp học lực khá giỏi hàng năm tăng, sinh viên tốt nghiệp đạt khá giỏi đều đạt tỉ lệ cao từ 94-96% và ổn định qua các khóa.

Hướng đến Trường Đại học Du lịch trực thuộc Đại học Huế

Khoa trưởng Khoa Du lịch – PGS. TS. Trần Hữu Tuấn chia sẻ, trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch các tỉnh MT-TN nói riêng đang có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã công bố Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch (MRA-TP), theo đó sẽ tạo ra một cơ chế thống nhất để lao động ngành du lịch ở mỗi nước thành viên có thể được công nhận và làm việc tại bất kỳ nước nào trong nội khối ASEAN, từng bước hình thành một thị trường lao động du lịch thống nhất, cạnh tranh và có chất lượng thì có thể nói rằng chặng đường phía trước của Khoa Du lịch – Đại học Huế đang mở ra nhiều thời cơ và vận hội mới để viết tiếp những trang sử vàng truyền thống trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.  


Khoa Du lịch đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập 

Với truyền thống 10 năm xây dựng và trưởng thành, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, giảng viên, cán bộ viên chức và sinh viên Khoa Du lịch sẽ tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh thi đua trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng phát triển Khoa Du lịch – Đại học Huế ngày càng vững mạnh. Với sự thống nhất của UBND tỉnh và Đại học Huế, Khoa Du lịch – Đại học Huế sẽ huy động cao nhất trí tuệ và nguồn lực, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Khoa Du lịch trở thành Trường Đại học Du lịch trực thuộc Đại học Huế. Cùng với cơ sở vật chất hiện có tại số 22 đường Lâm Hoằng, thành phố Huế, sắp đến Tỉnh và Đại học Huế sẽ bố trí thêm cơ sở tại số 2 đường Lê Lợi, thành phố Huế và diện tích 5ha đã được quy hoạch tại Khu đô thị đại học tại Trường Bia thì sẽ hình thành một quy mô lớn về không gian trường lớp và các thiết chế khác khá đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển Trường Đại học Du lịch – Đại học Huế trong tương lai. Cùng với đó, Khoa tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ, viên chức tâm huyết, giỏi chuyên môn, ứng dụng tốt công nghệ thông tin và ngoại ngữ trong công tác; lấy công tác phát triển nguồn nhân lực làm đòn bẩy nhằm đổi mới toàn diện các hoạt động của Khoa.

Bên cạnh đó, Khoa tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Tăng cường chất lượng theo hướng nâng cấp các chương trình đang có, mở mới các chương trình chất lượng cao & chương trình liên kết nước ngoài làm hạt nhân lan tỏa đến các chương trình truyền thống. Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá theo hướng hiện đại. Nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp. Tăng cường liên kết doanh nghiệp, chủ động nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, trên cơ sở đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo phù hợp nhu cầu doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của của thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch. Mở rộng quy mô đào tạo đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội về nguồn nhân lực du lịch. Tiếp tục mở thêm một số ngành đào tạo mới, các chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực. Xây dựng đề án mở thêm một số ngành đào tạo bậc thạc sỹ và tiến sỹ ngành du lịch trong thời gian sớm nhất; đồng thời xây dựng đề án thành lập Viện Nghiên cứu Du lịch và xuất bản Tạp chí du lịch trong một vài năm tới.

Các chuyên ngành đào tạo bậc đại học, sau đại học và các chương trình liên kết của Khoa Du lịch – Đại học Huế

– Bậc đại học

1. Du lịch

2. Quản trị khách sạn

3. Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống

4. Quản lý lữ hành

5. Hướng dẫn du lịch

6. Quản trị kinh doanh du lịch

7. Tổ chức và quản lý sự kiện

8. Truyền thông và Marketing du lịch dịch vụ

9. Quản trị quan hệ công chúng

10. Thương mại điện tử du lịch và dịch vụ

11. Kinh tế du lịch

– Các chương trình đào tạo đại học theo Cơ chế đặc thù của Bộ GD&ĐT

1. Quản trị khách sạn

2. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành

– Bậc thạc sỹ

1. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành

– Các chương trình liên kết

1. Chương trình đào tạo đại học ngành Quản lý du lịch liên kết với Viện Công nghệ Dublin – Cộng hòa Ireland

2.Chương trình đào tạo thạc sỹ liên kết với Đại học Greifswald – Đức và Đại học Tự do Bruxelle – Bỉ.