Làm văn bằng qua… tin nhắn!

rQIdBhCS.jpgPhóng toVũ Xuân Dưỡng giao chứng chỉ cho “khách hàng” – Ảnh: Như Hùng

D., một sinh viên vừa ra trường, đã nhận được tin nhắn như thế từ một số máy không hề quen biết.

Và lần theo số điện thoại này, chúng tôi đã phát hiện một đầu mối chuyên làm các chứng chỉ Anh văn, vi tính… cho người có nhu cầu.

Một việc “thiện”?!

Trong vai một sinh viên vừa ra trường chưa tìm được việc làm do thiếu bằng B Anh văn, chúng tôi đã chủ động gọi theo số máy trên thì một giọng nam còn khá trẻ bắt máy và xưng tên là Vũ Xuân Dưỡng.

Biết chúng tôi có nhu cầu làm chứng chỉ B Anh văn, Dưỡng lập tức hẹn gặp và yêu cầu chúng tôi mang theo hai tấm ảnh 3×4 cùng bản photo chứng minh nhân dân. Dưỡng hẹn gặp chúng tôi tại trạm thu phí trên đường Trần Não, Q.2, TP.HCM.

Đúng hẹn chúng tôi có mặt, nhưng phải chờ hơn 15 phút Dưỡng mới đến. Đó là một thanh niên người Bắc có dáng thấp đậm, vẻ mặt hơi khắc khổ. “Nhận diện” xong, anh ta đưa chúng tôi vào quán cà phê gần đó để “bàn công việc”.

Cẩn thận, Dưỡng không vào đề ngay mà loanh quanh hỏi chúng tôi khá nhiều chuyện từ học hành, nghề nghiệp cho đến việc làm sao biết được số điện thoại của anh ta. Sau màn thăm dò để biết chúng tôi thật sự cần gì, anh ta mới bắt đầu tiếp thị về đường dây cũng như công việc của mình.

Dưỡng tự giới thiệu là kỹ sư điện, tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là nhân viên phòng tổ chức hành chính Công ty Điện lực Tân Phú, TP.HCM (?). Nghề làm chứng chỉ ngoại ngữ, vi tính này, theo lý giải của Dưỡng là xuất phát từ “ý tốt” muốn “giúp những sinh viên vừa ra trường dễ tìm được việc làm”! Dưỡng cho biết anh ta chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân viên cho công ty và “cơ duyên” đưa anh ta đến việc làm này cũng bắt đầu từ đây.

Dưỡng kể một lần đến một tờ báo xem hồ sơ tự giới thiệu của người lao động để tuyển nhân viên cho công ty, anh ta thấy có rất nhiều hồ sơ bị thiếu các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nên đã không được các nhà tuyển dụng lưu tâm.

Một “sáng kiến” bất chợt hình thành, anh ta cẩn thận ghi lại số điện thoại liên lạc trên những hồ sơ này để rồi lần lượt sau đó gửi những tin nhắn gợi ý làm các chứng chỉ như đã nêu ở trên (từ đó chúng tôi mới biết vì sao Dưỡng lại có số điện thoại của D. bởi D. cũng tự giới thiệu trên báo cách nay hơn một tháng).

Dưỡng khẳng định là anh ta có thể làm rất nhiều loại chứng chỉ từ vi tính, chứng chỉ B, C Anh, Pháp, Hoa… đến cả TOEFL, IELTS để đi du học, xuất cảnh! Dưỡng cho biết giá trọn gói của một chứng chỉ B ngoại ngữ là 420.000đ, do UIA liên kết với Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cấp (?). Giá của một chứng chỉ C là 480.000đ, TOEFL từ 1-2 triệu đồng tùy theo mức điểm mà người làm muốn có (mức điểm càng cao thì tiền càng lớn).

QoasIMkd.jpgPhóng toMột chứng chỉ B Anh văn do Vũ Xuân Dưỡng giao cho “khách hàng” với giá 420.000đ mà không cần phải học hành, thi cử

Trong khi đó giá của một chứng chỉ B vi tính chỉ 180.000đ. Sở dĩ rẻ như vậy là vì “làm chứng chỉ vi tính đơn giản hơn và người có nhu cầu cũng đã biết sơ qua về vi tính rồi”, Dưỡng giải thích.

Giá trên là trọn gói, người làm muốn chứng chỉ của mình xếp loại nào cũng được bởi theo Dưỡng “người thi hộ rất giỏi, có khả năng làm 100% bài thi một cách dễ dàng”. Tuy nhiên Dưỡng tư vấn “nên làm bằng loại khá thôi vì nếu làm bằng loại giỏi dễ bị nhà tuyển dụng chú ý và phỏng vấn kỹ lắm”!

Để thu hút và tạo lòng tin với chúng tôi, Dưỡng tự hào khoe về thành tích “làm bằng” của mình với một thái độ khá bình thản: “Tôi đã làm cho rất nhiều người, trong đó có cô đã vào làm kiểm toán ở một ngân hàng, nhiều người vào làm ở ngành hàng không.

Mới đây có một bác sĩ ở Bến Tre cũng lên nhờ tôi làm bằng B Anh văn để được ưu tiên điểm khi thi cao học (?)”. Dưỡng cho biết tất cả chứng chỉ, văn bằng trên đều do Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (viết tắt là UIA), một đơn vị thuộc Bộ Khoa học – công nghệ (?!), cấp và có giá trị vĩnh viễn!

Giả hay thật?

Khi “khách hàng” chấp nhận làm chứng chỉ B Anh văn, Dưỡng đưa ra bản “hợp đồng thỏa thuận”, tất cả nội dung đều được soạn sẵn, trừ một phần điền họ, tên, địa chỉ và ký tên, mỗi bên giữ một bản.

Tất nhiên, Dưỡng không quên yêu cầu “khách hàng” đưa trước cho anh ta 250.000đ để lo việc thi cử (theo Dưỡng, đây là lệ phí thuê người thi hộ, chấm thi và lo lót cho nơi tổ chức thi), hai ảnh 3×4, bản photo giấy chứng minh nhân dân và hẹn một tuần sau sẽ giao chứng chỉ. Khi giao chứng chỉ sẽ lấy nốt số tiền còn lại.

Nhưng đáng lưu ý là trên mảnh chứng chỉ B mà Dưỡng giao cho “khách hàng” lại được ông tổng giám đốc Vũ Thế Khanh ký ngày 17-11 tại Hà Nội, mặc dù đến ngày 19-11 hai bên mới ký kết “hợp đồng thỏa thuận”! Trên chứng chỉ B mà anh ta làm có ghi “Đào tạo theo chương trình ngoại ngữ của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng” và không hề dính dáng gì đến Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).

Ông Huỳnh Kim Sơn, phó phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, khẳng định: “Chúng tôi chỉ có trung tâm ngoại ngữ của trường chứ không hề liên kết với bất kỳ đơn vị nào đào tạo ngoại ngữ cả, đó là sự mạo nhận”. Ngày 29-11, ông Tạ Quốc Thiện, trưởng phòng hành chính – tổng hợp Công ty Điện lực Tân Phú, cũng xác nhận với Tuổi Trẻ đơn vị không có ai tên là Vũ Xuân Dưỡng cả.

Trong khi đó ông Nguyễn Trọng Thanh, chánh văn phòng Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN, khẳng định đúng là UIA do ông Vũ Thế Khanh làm tổng giám đốc là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN. Tuy nhiên về chức năng cấp các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ của UIA, ông Thanh lại “lờ mờ” cho biết: “Hình như UIA không có chức năng này!”.

Như vậy, UIA tồn tại trên thực tế và những văn bằng có dấu mộc của UIA vẫn hằng ngày “chảy” vào xã hội. Tâm lý chuộng bằng cấp vẫn tồn tại và vô hình trung đã tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng để kiếm tiền.

Cuối cùng, còn một câu hỏi rất cần các cơ quan chức năng làm sáng tỏ: đây là đường dây chuyên làm các chứng chỉ “dỏm” hay chứng chỉ thật 100% và có sự tiếp tay của một số cá nhân thuộc UIA?

Xổ số miền Bắc