Phát triển công nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh – Bài 2: Nền tảng cho sản xuất

BNEWS
Phát triển công nghiệp theo hướng tiếp cận hiệu quả và đổi mới sáng tạo gắn với bền vững sinh thái là yêu cầu cấp bách hiện nay với Tp Hồ Chí Minh.

Để Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đi đầu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và dẫn đầu trong đóng góp vào GDP và ngân sách của cả nước thì phát triển công nghiệp theo hướng tiếp cận hiệu quả và đổi mới sáng tạo gắn với bền vững sinh thái là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Đặc biệt, trong tiến trình phát triển công nghiệp, nhất là đối với một quốc gia đang dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam hiện nay, công nghiệp hỗ trợ có vai trò nền tảng đối với các ngành công nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.
* Gia tăng sức cạnh tranh

Ghi nhận tại Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh (SHTP), với nhiệm vụ được giao là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Tp. Hồ Chí Minh – thành phố Thủ Đức đã và đang là nơi cung cấp, vườn ươm nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ để thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước. Theo đó, vấn đề thu hút nguồn lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao luôn là mối quan tâm hàng đầu của SHTP.
Thống kê cho thấy, riêng hiệu quả về thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ tính đến 30/11/2021 của Ban Quản lý thu hút được 26 dự án công nghiệp hỗ trợ, tổng vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ đạt 512,72 triệu USD; trong đó, có 14 dự án trong nước khoảng 163,35 triệu USD và 12 dự án FDI, tương đương 349,37 triệu USD.
Giá trị gia tăng nội địa cho sản phẩm xuất khẩu từ 10% năm 2010, đến nay đã đạt trên 20% và Ban Quản lý đang cùng doanh nghiệp phấn đấu đạt 35% vào năm 2025. Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư vào SHTP sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, với trên 50 dự án công nghệ cao; trong đó, có từ 1 – 2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới.
Tổng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2021 – 2025 tăng gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước. Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, số lao động có trình độ từ Cao đẳng trở lên đạt trên 45% tổng số lao động…
Đại diện Ban quản lý SHTP cho hay, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã đóng góp tổng giá trị thu hút đầu tư vào SHTP là 7,60%. Đồng thời, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ hoàn chỉnh, tạo môi trường sản xuất công nghệ cao lý tưởng cho doanh nghiệp FDI và tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư dự án công nghệ cao mới trong tương lai.
Định hướng của SHTP là ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, SHTP tập trung vào 4 mũi nhọn vi điện tử – công nghệ thông tin – viễn thông; cơ khí chính xác – tự động hóa; công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; năng lượng mới – vật liệu mới – công nghệ Nano theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Để nâng cao tính lan tỏa của dự án tại SHTP như phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao; kết nối giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI với doanh nghiệp trong nước, SHTP hình thành chuỗi cung ứng trong nước xoay quanh các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đẩy mạnh hợp tác với Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HEPZA) về phát triển chuỗi cung ứng nội địa công nghệ cao, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi khu chế xuất – khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghệ cao.
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các hoạt động với ba đơn vị sự nghiệp SHTP cũng như với nguồn vốn gồm: kích cầu đầu tư, liên kết các ngân hàng, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu,… Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển (R&D) trong doanh nghiệp; gắn kết nghiên cứu, thiết kế và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, quy hoạch khu, cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết ngành cho doanh nghiệp nội tham gia; xây dựng các mô hình mẫu tổ chức sản xuất cho từng ngành từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, tổ chức doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các chi tiết, linh kiện… đến thiết lập hệ thống phân phối ra thị trường. Ngoài ra, cơ chế chính sách trọng tâm vào hỗ trợ, ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành hoạt động trong tất cả các khâu đầu tư nghiên cứu, thiết kế, cung ứng sản phẩm phụ trợ, phân phối.
“Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mở ra cho nền công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do vậy, để đón đầu cơ hội và đương đầu thách thức, sản xuất công nghiệp cần có bước tiến về chiều sâu với hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền chia sẻ thêm.
* Giải quyết tình trạng nhập siêu

Công nghiệp hỗ trợ được đánh giá là mắt xích quan trọng và là ngành góp phần cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, các bán thành phẩm ngay trong nội địa làm cho nền công nghiệp chủ động, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và biến động của nền kinh tế toàn cầu. Công nghiệp hỗ trợ góp phần hiệu quả trong việc khai thác đa dạng nguồn lực trong nước, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm chế biến thô (dầu thô, các loại quặng, than đá, cao su…).
Do vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ chính là một trong những biện pháp quan trọng góp phần giải quyết tình trạng nhập siêu của nhiều nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Đồng thời, công nghiệp hỗ trợ góp phần gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính.
Cùng với việc góp phần chủ động trong nguồn cung ứng, công nghiệp hỗ trợ còn giúp giảm đáng kể chi phí của sản phẩm công nghiệp chính do cắt giảm chi phí vận chuyển, lưu kho, tận dụng nhân công rẻ và nguồn nguyên liệu nội địa. Qua đó, thúc đẩy tạo ra sản phẩm có đặc thù riêng của quốc gia, có sức cạnh tranh hơn sản phẩm chỉ được tạo ra bởi nguồn cung ứng toàn cầu.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thượng nguồn và hạ nguồn là các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu mà đây chính là công đoạn yêu cầu có sự tham gia của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong khi trung nguồn với hoạt động lắp ráp, gia công… là công đoạn ít tạo ra giá trị gia tăng nhất. Sản phẩm công nghiệp sẽ được nâng cao giá trị gia tăng khi công đoạn thượng nguồn có được nguyên phụ liệu, cụm linh kiện được cung ứng ngay trong nội địa thông qua sự tham gia của công nghiệp hỗ trợ.
Nếu các ngành công nghiệp hỗ trợ không phát triển sẽ làm cho công ty sản xuất thành phẩm phải phụ thuộc nguyên liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm đầu vào này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài, nhưng phí tổn chuyên chở, bảo hiểm, lưu kho bãi, ứ đọng vốn cho việc nhập khẩu… sẽ làm tăng chi phí đầu vào.
“Một nền kinh tế không phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất quan ngại khi xem xét, quyết định đầu tư. Ngược lại, phát triển công nghiệp hỗ trợ để gia tăng khả năng cung ứng đầu vào tại chỗ sẽ tạo ra sự hấp dẫn không nhỏ đối với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh.
Một số chuyên gia khác đánh giá, hiện nay công nghiệp hỗ trợ hầu hết do hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm nhiệm nên phát triển công nghiệp đồng nghĩa với phát triển đội ngũ doanh nghiệp này. Đặc biệt, phát triển mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu đối phó với khủng hoảng kinh tế và là đối trọng để cân bằng với những tập đoàn kinh tế khổng lồ hay bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học và công nghệ được xác định là chìa khóa quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế. Ngoài ra, dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển vào Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ mở rộng sản xuất, nhất là khi nhiều FTA mà Việt Nam tham gia đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Bài 3: Cần chiến lược quy hoạch

Xổ số miền Bắc