Sắc màu văn hóa hội tụ trong những trang phục dân tộc

Đây dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch; khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

Trang phục dân tộc là sự hội tụ sắc màu văn hóa dân gian đặc trưng và độc đáo của từng dân tộc. Thông qua chương trình, Ban tổ chức giới thiệu và tôn vinh nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Việt Nam tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Báo Quân đội nhân dân Điện tử ghi lại cảm xúc của một số đồng bào trong những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc để tham dự chương trình.

Chị Đặng Thị Thoóc, dân tộc Sán Chỉ (Bắc Kạn): Tôi rất vinh dự khi được mặc bộ trang phục của dân tộc mình

Ngày hôm nay tôi cảm thấy rất vinh dự khi được mặc bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình đến tham dự chương trình. Đây là trang phục cô dâu của đồng bào Sán Chỉ, chỉ mặc trong ngày đặc biệt khi về nhà chồng.

leftcenterrightdel

Chị Đặng Thị Thoóc. 

Để hoàn thiện bộ trang phục này, phụ nữ Sán Chỉ phải mất nhiều thời gian, công sức thực hiện. Nếu làm liên tục thì mất khoảng 5-6 tháng là xong còn chỉ làm tranh thủ lúc rảnh rỗi thì từ khi còn là một bé gái 13-14 tuổi bắt tay vào làm cho đến khi lấy chồng thì hoàn chỉnh bộ trang phục. Khi mới 13 tuổi, những người mẹ trong gia đình bắt đầu chuẩn bị dần cho con gái những trang phục này, mỗi năm chuẩn bị 1 thứ và từng bước hoàn thiện trang phục cho đến khi lấy chồng.

Điểm đặc biệt của trang phục là chiếc khăn trên đầu cô dâu được thêu, dệt rất cầu kỳ, có nhiều họa tiết. Trước đây, phụ nữ Sán Chỉ thường tự trồng bông và dệt rồi mới cắt may, còn bây giờ thì có sẵn vải nên các công đoạn cũng đơn giản hơn. Tất cả các khâu thực hiện trang phục đều được làm thủ công.

———————

Chị Tằng Tài Múi, dân tộc Dao (Quảng Ninh): Trang phục truyền thống của dân tộc là thể hiện nét văn hóa đặc trưng

Bộ quần áo tôi đang mặc là trang phục thường ngày của phụ nữ dân tộc Dao. Tôi phải mất 1 năm mới hoàn thiện bộ trang phục này.

leftcenterrightdel

Chị Tằng Tài Múi 

Sở dĩ mất nhiều thời gian như vậy bởi trang phục có nhiều chi tiết cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ. Chẳng hạn như phần thêu tay ở cổ áo và ống chân có rất nhiều những họa tiết cần sự phối hợp màu sắc sao cho hợp lý, nếu chỉ sai một chi tiết nhỏ thì phải làm lại. Ngoài ra, còn có các phụ kiện như chiếc đai quấn ngang bụng cũng phải được thêu tay… đó là trang phục thường ngày còn trang phục cưới thì chiếc mũ trên đầu được làm cẩn thận và nhiều công đoạn hơn nữa.

Cho dù phải rất kỳ công để may trang phục cho mình nhưng phụ nữ Dao chúng tôi rất tự hào bởi khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc là thể hiện nét văn hóa đặc trưng.  

—————-

Bà Đặng Thị Dung, dân tộc Sán Dìu (Vĩnh Phúc) : Tôi rất tự hào khi Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến di sản văn hóa của dân tộc

Là nghệ nhân, sinh 1952, tôi rất tự hào khi Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến di sản văn hóa của dân tộc. Trang phục của chúng tôi thường được mặc vào ngày tết, lễ hội.

leftcenterrightdel

Bà Đặng Thị Dung (bên phải) 

Để hoàn thiện bộ trang phục này, trước khi đi lấy chồng thì bố mẹ đẻ cho chúng tôi ở nhà thêu mà không phải đi ra đồng làm việc và trong 3-4 tháng, chúng tôi chỉ ngồi thêu trang phục này.

Con gái từ 15 tuổi bắt đầu học thêu những chi tiết đơn giản, sau đó tiếp tục hoàn thiện những công đoạn sau.

————

Chị Đặng Thùy Linh, dân tộc Tày, Lạng Sơn: Đàn tính và hát Then là nét văn hóa đặc sắc

Tôi đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Hôm nay, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được tham gia vào ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc.

leftcenterrightdel

Chị Đặng Thùy Linh 

Tôi mang đến chương trình tiết mục trình diễn trang phục và biểu diễn đàn Tính. Khi biểu diễn đàn tính thì tôi thể hiện các bài hát then của xứ Lạng như: Lạng Sơn quê Nọong…Ngoài ra, còn các các bài hát then của tỉnh Cao Bằng và một số địa phương khác. Ở trong các lễ hội thì đàn Tính không thể thiếu khi đi kèm với trang phục của thiếu nữ Tày.

Tôi rất yêu thích trang phục của dân tộc mình bởi màu áo chàm đặc trưng cùng với chiếc kiềng cổ, vấn khăn… tạo ra nét đặc sắc của đồng bào mình.

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)