Sách Khai Tâm – Lãng Du Trong Văn Hóa Việt Nam – Hữu Ngọc
Bằng con mắt của một người thuần Việt, Hữu Ngọc nắm bắt được những vẻ đẹp của những nền văn minh nhân loại. Và bằng con mắt của nhân loại, ông phát hiện ra được những tính chất đặc sắc của Việt Nam mà nhiều khi người Việt ta lại không thể nhìn ra.
Bàn về các làng quê truyền thống Việt Nam, Hữu Ngọc cho rằng, do chiến tranh, do kinh tế thị trường, lại ảnh hưởng văn hoá phương Tây, các làng truyền thống của Việt Nam, hầu hết đã ít nhiều bị “ô nhiễm” văn hoá. Có chăng, chỉ còn mỗi làng Đường Lâm. Cũng theo Hữu Ngọc, Đường Lâm có thể xem là mẫu làng truyền thống Việt Nam duy nhất còn lại khá hoàn hảo, ít bị ô nhiễm nhất. Nhà nghiên cứu văn hoá Thái Lan Thainaitis nói với Hữu Ngọc rằng “cần thiết phải cảnh báo để người dân nhận thức về di sản văn hoá của mình trước khi nó bị lãng quên và bị thời gian hủy diệt. Đường Lâm vừa là thắng cảnh đẹp, vừa được tạo nên bởi chính bàn tay của người Việt Nam – đó chính là văn hoá văn minh của nước Việt Nam có một lịch sử lâu dài… Cảnh đẹp Hạ Long là do thiên nhiên tạo nên, không giống như Đường Lâm chỉ do con người tạo dựng”. Cảnh quan Đường Lâm dường như vẫn giữ được vẻ xưa. Nói như hoạ sĩ Phan Kế An, trước kia theo tục lệ làng, không ai được xây dựng nhà cao hơn mái đình. Tuy lệ ấy đã nhạt đi, có vài ba nhà cao tầng đựơc xây nhưng không đáng kể. Cái chính ít xây là do dân nghèo, nông nghiệp là chính, buôn bán ít, nghề phụ chỉ có một số nghề truyền thống: giò chả, nuôi gà, làm kẹo bột, chè lam, bánh bỏng, dệt vải và làm tương. Đưa ra mấy thông tin như thế, rồi Hữu Ngọc bình một câu sắc lẻm mà không kém phần chua xót. May quá! không ngờ chính “cái nghèo đã cứu vớt được một di sản văn hoá”.
Không ít người đã đi Côn Minh bằng đường xe lửa. Nhưng không mấy ai để ý đến con đường sắt này. Trong một bài viết rất ngắn về Lào Cai, mảnh đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc, Hữu Ngọc cho ta biết: “Đường xe lửa Lào Cai – Côn Minh, hoàn thành năm 1910, mà thực dân Pháp khoe là một kỳ công kỹ thuật và một thắng cảnh du lịch. Đây là một trong những đường xe lửa ngoạn mục nhất và hiểm trở nhất Châu Á. Nó băng qua những quang cảnh đa dạng, khi thì đi sâu vào rừng nhiệt đới bao la, khi thì trèo những ngọn núi cheo leo, khi thì uốn khúc ở bên đáy vực thẳm”. Nếu chỉ dừng lại như thế, đoạn văn chẳng ấn tượng gì, cũng không có giá trị gì ngoài một chi tiết thông tin về năm ra đời của con đường sắt. Nhưng Hữu Ngọc đã đẩy lên một nấc nữa: “có điều cuốn này không nói là xây dựng tuyến đường này, công ty xe lửa Vân Nam của Pháp đã làm chết năm vạn cu-li Trung Quốc và Việt Nam”. Và thế là ngay lập tức, ta sẽ nhìn con đường sắt ấy bằng một con mắt khác.
Cũng đề cập đến mảnh đất địa đầu tổ quốc này, Hữu Ngọc còn bàn đến một địa danh với mấy tình tiết khá thú vị. Qua bài viết của Hữu Ngọc, ở thị xã Lào Cai, theo nhân dân kể lại, thì địa danh Cốc Lếu cũng mang ý nghĩa bảo tồn Văn hoá Việt: Cốc Lếu có nghĩa là gốc gạo. Đồn rằng theo lệnh Minh Mạng, người Việt ở đâu đều phải trồng cây gạo để đánh dấu lãnh thổ. Hoá ra thời xưa, cha ông ta đã cắm mốc lãnh thổ… bằng cây.