Tìm chỗ học hè cho con
Năm học 2016-2017 vừa kết thúc cũng là lúc các trung tâm bồi dưỡng văn hóa (TT BDVH) bắt đầu khóa học hè. Từ đầu tháng 5 đến nay, rất nhiều phụ huynh (PH) đã chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ học hè cho con.
PH đăng ký học hè cho con ở cơ sở BDVH 218 Lý Tự Trọng
“Quá tải” ở trung tâm uy tín
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM, đa số các TT BDVH tổ chức khóa học hè vào những ngày đầu tháng 6. Trong vai một PH đến đăng ký học hè cho con học lớp 11, chúng tôi tìm đến phòng ghi danh chi nhánh Công ty TNHH Giáo dục Tân Hồng Phong (235 Nguyễn Văn Cừ, P.4, Q.5) vào chiều 22-5.
Không học thêm, 9 năm liền vẫn đứng nhất nhì lớp
Chị Phạm Thị Xuân Hướng, ngụ Q.11, có con vừa học xong lớp 9 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình cho biết: “Năm nay, cháu đứng hạng nhất lớp, những năm trước cháu toàn đứng hạng nhì. Vậy nhưng ngoại trừ 10 buổi ôn tập ở trường để tuyển sinh vào lớp 10 và học để nâng cao năng lực tiếng Anh, tiếng Trung ở một số TT thì con tôi chưa phải đi học thêm ở đâu. Gia đình tôi không bao giờ ép con đi học thêm, thỉnh thoảng chúng tôi có hỏi cháu có cần phải học thêm không thì cháu nói con tự học được. Tôi nghĩ, gia đình nên tạo tâm lý thoải mái để con tự giác học tập, thoải mái tâm lý thì sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn…”.
H.Xuyên
Nhân viên ghi danh ở đây cho biết: “Có hai khóa học chị có thể lựa chọn là khóa học cấp tốc hoặc lớp dài hạn. Hai khóa học này được tính có 8 tuần thực học, từ ngày 5-6 đến 30-7 nhưng mức học phí khác nhau”. Theo thông báo ở bảng tin của phòng ghi danh này, khóa học cấp tốc của khối 11 các môn toán, văn, Anh, lý, hóa, sinh là 925 ngàn đồng/môn; khóa học dài hạn môn toán là 925 ngàn đồng/môn, 5 môn còn lại như khóa cấp tốc là 615 ngàn đồng/môn; khối 12 đồng giá với 970 ngàn đồng/môn…
Học phí cao ngất ngưởng như vậy nhưng chỉ trong vòng 5 phút, chúng tôi nhìn thấy có khoảng 10 PH và HS đến đăng ký.
Tại TT Ngoại ngữ, BDVH & Luyện thi ĐH Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình, chúng tôi được biết thời gian khai giảng gồm các ngày 29, 30, 31-5 và ngày 5, 6-6 cho lớp 9, 10, 11 và 12. Theo đó, học phí mỗi môn khoảng 1 đến 2 triệu đồng/3 tháng.
Không chỉ giảng dạy ở cơ sở của TT, nhiều TT còn kiêm thêm dịch vụ cung cấp giáo viên dạy tại nhà. Chúng tôi gọi điện tới TT BDVH Thăng Long (P.7, Q.Tân Bình) và được một nhân viên cho hay: “TT cung cấp dịch vụ giáo viên dạy hè mỗi môn 1,4 triệu đồng/tháng. Nếu gia đình ở Bình Tân, chúng tôi có thể điều động giáo viên trên địa bàn Q.6, Bình Tân, Tân Phú đến giảng dạy”.
Thống kê của Sở GD-ĐT TP cho biết, hiện sở đã cấp phép cho 167 TT BDVH, trong đó có 65 TT đặt trong trường học và 102 TT đặt ở ngoài trường học. Ngoài ra, còn có một số lượng đông đảo các TT được phòng GD-ĐT quận, huyện cấp phép. Điều đáng nói là dù có nhiều TT nhưng không phải PH nào cũng “nhanh chân” tìm được một nơi học ưng ý cho con.
Chị Nguyễn Thúy Hạnh, có con học lớp 8, ngụ tại P.25, Q.Bình Thạnh than thở: “Năm sau con tôi sẽ thi vào lớp 10. Cháu học khá giỏi nên tôi dự kiến sẽ cho con thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và THPT Gia Định… Nghe mọi người nói cơ sở BDVH 218 Lý Tự Trọng ôn tập và luyện thi rất tốt nên tôi đến đăng ký cho con học. Tuy nhiên, khi tôi đến nơi (chiều 21-5, PV) thì cơ sở này không nhận hồ sơ nữa”.
Được biết, cơ sở này nằm ở đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1 nhận hồ sơ từ ngày 9-5, do số phòng có hạn nên cơ sở đã ngưng khi nhận đủ HS. Theo kế hoạch, mỗi buổi cơ sở này tiếp nhận khoảng 300 lượt đăng ký nhưng chỉ trong ngày đầu đã có hơn 600 lượt đăng ký. Đến nay, cơ sở đã thu nhận hồ sơ và các em chuẩn bị thi xếp lớp. Được biết, thời gian học hè bắt đầu từ ngày 15-6 đến ngày 14-8. Và học phí là trên dưới 1 triệu đồng/môn/khóa.
Giỏi cũng… học hè
Không phải chỉ có HS yếu mới đi học hè để ôn lại kiến thức, ngay cả những HS khá, giỏi cũng đua nhau học hè. Và đối với những TT có uy tín, vì số lượng HS đăng ký quá đông nên việc tuyển chọn cũng rất chặt chẽ, có khi còn tuyển “căng” hơn cả ĐH.
PH đăng ký học hè cho con tại phòng ghi danh chi nhánh Công ty TNHH Giáo dục Tân Hồng Phong
Cơ sở BDVH 218 Lý Tự Trọng đưa ra các điều kiện nhập học, cụ thể như: HS phải có hạnh kiểm từ khá trở lên, điểm toán học kỳ II từ 6 điểm trở lên đối với HS bậc THPT và 7 điểm trở lên đối với HS bậc THCS. Nếu là điểm học kỳ I thì phải cao hơn điểm chuẩn mà TT thông báo 1 điểm. Ngoài ra, các em còn phải thi xếp lớp. Do đó, khi điểm học kỳ II chưa có, để yên tâm hơn nhiều PH đã cầm theo giấy khen để chứng minh.
Một TT BDVH tại Q.6 tuyển HS luyện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng đưa ra yêu cầu như: HS tiểu học phải có 4 năm đạt loại giỏi liên tiếp (từ lớp 1 đến lớp 4) và có điểm thi 2 môn toán, văn cuối năm đạt từ 8 điểm trở lên. Các em học 3 môn toán, văn và tiếng Anh với học phí 700-800 ngàn đồng/tháng.
Thiên tài cũng phải nghỉ ngơi
Nhiều trẻ hiện phải quần quật sáng, chiều, tối ở trường, ở TT ngoại ngữ, ở nhà với bao bài vở. 9 tháng học hành như thế, đa số trẻ em mơ tới một mùa hè được nghỉ ngơi, xả hơi để sau 3 tháng hồi sức lại và bước vào “cuộc chiến” mới. Tuy nhiên, vì quá thương con nhưng không đúng cách, nhiều bậc PH đã “giết chết” khoảng thời gian 3 tháng nuôi dưỡng tâm hồn bằng những kỳ học hè bất tận.
Học hành là cần thiết nhưng không phải bất cứ điều gì trẻ cũng học được trong môi trường học đường. Do đó, quý PH hãy tận dụng khoảng thời gian này để “sạc pin” cho trí não và tâm hồn con trẻ bằng một số gợi ý như: Nên hỏi trẻ thích làm gì trong thời gian nghỉ hè. Lắng nghe trẻ nói rồi gạn lọc những mong ước chính đáng cộng với khả năng thực tế để tiến hành. PH nên gợi ý để trẻ là người tự quyết định theo định hướng của mình để trẻ không cảm thấy bị áp đặt và miễn cưỡng. Cho con trẻ “những kỳ nghỉ hè bình dân” khi về quê với ông bà hay dòng họ. Đó cũng sẽ là “những kỳ nghỉ vàng” khi gắn kết tình cảm bà con trong gia đình, vừa cho trẻ thư giãn trong khung cảnh thiên nhiên ruộng vườn, vừa rèn cho trẻ tính tự lập của những đứa trẻ nông thôn. Ngoài ra còn có thể cho trẻ tập bơi, trồng trọt rau màu, tập sống tiết kiệm…; Tìm cho trẻ “sa mạc của lạc đà”, tức cho trẻ đến những lớp học năng khiếu mà trẻ yêu thích (không phải những lớp chỉ ba mẹ mới thích). Đó là môi trường để trẻ thỏa sức sáng tạo, bung hết tiềm năng và giao lưu học hỏi với các bạn đồng trang lứa…
TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Điều đáng nói ở đây, nhiều HS khá giỏi muốn có tấm vé vào trường tốp trên đã “cày ngày cày đêm” suốt mấy tháng hè. Chị Nguyễn Thúy Hà, ngụ P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức cho biết: “Điểm tổng kết ở lớp con tôi khá cao nhưng để vào được một trường THPT mình thích, nhiều năm nay tôi đã cho con học hè ở cơ sở BDVH 218 Lý Tự Trọng. Tuần 3 buổi học hè ở TT, tối con làm bài tập trên lớp học hè cô giao. Đồng thời, tôi đăng ký cho con 2 ngày cuối tuần học tiếng Anh ở một TT ngoại ngữ tại Q.Gò Vấp. Vì vậy, dù là nghỉ hè cháu cũng không còn thời gian đi chơi”…
Không phải ngẫu nhiên mà ngành giáo dục cho HS nghỉ hè. Và ngay cả những nước có nền giáo dục tiên tiến, HS cũng có thời gian nghỉ hè. Vậy tại sao các ông bố, bà mẹ lại lấy đi cái quyền được nghỉ hè của HS. Vì mong con em giỏi ư, hay đơn giản chỉ là muốn con học ở những trường chuyên, lớp chọn để nở mày nở mặt với thiên hạ… Như vậy rõ ràng là các bậc PH đang làm khổ chính con em mình.
Minh Châu