TÌNH HUỐNG HỎI, ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

TÌNH HUỐNG HỎI, ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

Lượt xem: 5710

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được thông qua tại kỳ
họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 01 năm 2021. Dưới đây là một số tình huống hỏi, đáp pháp luật liên quan đến Luật Doanh
nghiệp

Tình huống 1. Anh Nguyễn Văn Bảo, huyện
Nam Trực có hỏi: Phạm vi điều chỉnh, Đối tượng áp dụng của Luật doanh nghiệp
2020 được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 1, 2 Luật Doanh
nghiệp 2020 thì phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng được quy định như sau:

– Phạm vi điều chỉnh:  Luật này quy định về việc
thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của
doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp
danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.

– Đối tượng áp dụng: là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập,
tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh
nghiệp.

Tình huống 2. Anh Nguyễn Văn Nam, huyện
Vụ bản có hỏi:
 Doanh nghiệp
là gì? Khái niệm người quản lý doanh nghiệp là gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản
10, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020:

Doanh nghiệp là tổ chức
có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký
thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Khoản
24, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân
và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp
danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch
công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc
hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều
lệ công ty.

Tình huống 3. Anh Phạm Hải
Anh, huyện Nghĩa Hưng có hỏi:
Chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp được quy định
như thế nào?

Trả lời:

Điều
11, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

1. Tùy theo loại hình,
doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu sau đây:

a) Điều lệ công ty; quy
chế quản lý nội bộ của công ty; sổ đăng ký thành viên hoặc sổ đăng ký cổ đông;

b) Văn bằng bảo hộ quyền
sở hữu công nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch
vụ; giấy phép và giấy chứng nhận khác;

c) Tài liệu, giấy tờ xác
nhận quyền sở hữu tài sản của công ty;

d) Phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản họp Hội đồng thành
viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; các quyết định của doanh nghiệp;

đ) Bản cáo bạch để chào
bán hoặc niêm yết chứng khoán;

e) Báo cáo của Ban kiểm
soát, kết luận của cơ quan thanh tra, kết luận của tổ chức kiểm toán;

g) Sổ kế toán, chứng từ kế
toán, báo cáo tài chính hằng năm.

2. Doanh nghiệp phải lưu
giữ các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này tại trụ sở chính hoặc địa điểm
khác được quy định trong
Điều lệ công ty; thời hạn lưu giữ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tình huống 4. Chị Nguyễn Thu Hà, thành
phố Nam Định hỏi: 
Nhà
nước 
có bảo đảm gì đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh
nghiệp
?

Trả lời:

Theo Điều 5, Luật Doanh nghiệp 2020 bảo đảm
của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp được quy định như
sau:

1. Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình
doanh nghiệp được quy định tại Luật này; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của
các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;
công nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh.

2. Nhà nước công nhận và bảo hộ
quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của
doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp.

3. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của
doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch
thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp thật cần thiết, Nhà nước trưng mua
hoặc trưng dụng tài sản của doanh nghiệp thì được thanh toán, bồi thường theo
quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc thanh toán, bồi
thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các
loại hình doanh nghiệp

          Tình
huống 5. Anh Nguyễn Tùng Lâm, huyện Hải Hậu có hỏi: Doanh nghiệp có các quyền
gì?

          Trả lời:

Theo Điều 7,
Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp có các quyền sau:

1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.

2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động
lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều
chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.

4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy
định của pháp luật về lao động.

7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh
doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định
của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

9. Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực
không theo quy định của pháp luật.

10. Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Tình huống 6. Chị Hà Thu Vân huyện Xuân Trường có hỏi: Nghĩa vụ của
doanh nghiệp được quy định thế nào?

  Điều 8, Luật Doanh nghiệp 2020 nghĩa vụ của
doanh nghiệp được quy định như sau:

1. Đáp ứng đủ điều kiện đầu
tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành,
nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy
định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt
động kinh doanh.

2. Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký
thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và
hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật
này.

3. Chịu trách nhiệm về tính
trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký
doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo
cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông
tin đó.

4. Tổ chức công tác kế toán,
nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

5. Bảo đảm quyền, lợi ích
hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân
biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong
doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao
động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho
người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các
chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo
hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.

6. Nghĩa vụ khác theo quy
định của pháp luật.

Tình huống 7. Anh Hà Đức Chinh, huyện Xuân Trường có hỏi: doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có quyền và
nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Điều 9, Luật Doanh nghiệp 2020 quy
định: 

1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Điều 7,
Điều 8 và quy định khác có liên quan của Luật này.

2. Được hạch toán và bù
đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng
dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp
để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.

4. Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và
thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy
định.

5. Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách
hàng.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số
lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.

          Tình huống 8. Anh Nguyễn Văn Thảo, huyện Nghĩa Hưng có hỏi:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Doanh nghiệp?

  Theo Điều 16, Luật Doanh nghiệp 2020 các hành
vi bị nghiêm cấm bao gồm:

1. Cấp hoặc từ chối cấp Giấy
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm
giấy tờ khác trái với quy định của Luật này; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở,
sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp.

2. Ngăn cản chủ sở hữu,
thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định
của Luật này và Điều lệ công ty.

3. Hoạt động kinh doanh dưới
hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu
hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang bị
tạm dừng hoạt động kinh doanh.

4. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký
doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

5. Kê khai khống vốn điều
lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn
không đúng giá trị.

6. Kinh doanh các ngành, nghề
cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối
với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều
kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không
bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.

7. Lừa đảo, rửa tiền, tài
trợ khủng bố.

          Tình huống 9. Chị Nguyễn Lan Anh có hỏi: Luật Doanh nghiệp
quy định như thế nào về t
ổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã
hội và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp
?

          Trả lời:

  Điều 6, Luật Doanh
nghiệp 2020 quy định:

1. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã
hội và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp hoạt
động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của tổ chức.

2. Doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng và không được cản trở, gây khó
khăn cho việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và tổ
chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp; không được cản trở,
gây khó khăn cho người lao động tham gia hoạt động trong các tổ chức
này.

          Tình huống 10. Anh Nguyễn Đức Chinh, huyện Giao Thủy có
hỏi: 
Tổ
chức, cá nhân 
nào không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam?

          Theo quy định tại Khoản 2,
Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2020:

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh
nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản
nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị
mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức
và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức
quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;
sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan,
đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy
quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại
doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh
nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ
người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước
tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người
bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành
vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp
hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai
nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức
vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy
định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường
hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập
doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động
trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tình huống 11. Anh Nguyễn Đức Hải, thành phố Nam Định có hỏi:
Trường hợp nào không được góp 
vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh?

Trả lời:

Khoản 3, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Tổ chức, cá nhân có quyền
góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm
hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản
nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật
Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tình huống 12. Chị Hà Thu Ngân, huyện
Trực Ninh có hỏi:
Việc đăng
ký doanh nghiệp
 được
thực hiện theo phương thức 
nào?

Trả lời:

Điều 26, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng
ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:

a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Tình huống 13. Anh Trần
Nam Hải có hỏi:
Đăng ký
doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là 
gì?

Trả lời:

Theo Khoản 2, Điều 26 Luật Doanh
nghiệp 2020 thì: Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc
người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin
điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký
doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của
Luật này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh
nghiệp bằng bản giấy.

Tình huống 14. Chị Trần
Thị Hồng Nhung, huyện Ý Yên có hỏi: Thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp là bao
nhiêu ngày?

Trả lời:

          Khoản 5, Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020: “ Trong thời hạn 03 ngày làm
việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét
tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường
hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản
nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ
chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo
bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do”.

          Tình huống 15. Chị Lê Quỳnh Mai huyện Xuân Trường có hỏi:  Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện
 nào?

          Trả lời:

  Khoản 1, Điều 27 Luật Doanh
nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề đăng ký kinh
doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

b) Tên của doanh nghiệp được
đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;

c) Có hồ sơ đăng ký doanh
nghiệp hợp lệ;

d) Nộp đủ lệ phí đăng ký
doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

          Tình huống 16. Anh Lê Hải Huy,
huyện Nghĩa Hưng có hỏi: Doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp trong trường hợp nào?

          Trả lời:

   Theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020: Trường hợp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới
hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

            Tình huống 17. Chị Nguyễn
Thảo Đan, huyện Trực Ninh có hỏi: Việc cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp được quy định như thế
nào?

          Trả lời:

Điều 33 Luật
Doanh nghiệp 2020 quy định:

1.Tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký
kinh doanh và Cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin được lưu giữ trên
Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy
định của pháp luật.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và Cơ quan đăng ký
kinh doanh có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin theo quy định tại
khoản 1 Điều này.

  Tình huống 18. Anh Trần Đức Nam,
huyện Mỹ Lộc có hỏi: Mã số doanh nghiệp được quy định thế nào?

Trả lời:

Điều 29 Luật Doanh nghiệp quy định:

1. Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia
về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi
trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy
nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.

2. Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục
hành chính và quyền, nghĩa vụ khác.

Tình huống 19. Trách nhiệm
của doanh nghiệp khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Trả lời:

Khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

1. Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay
đổi một trong
những nội dung sau đây:

a) Ngành, nghề kinh doanh;

b) Cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty
cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;

c) Nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Tình huống 20. Chị Trần Thu
Thủy, huyện Ý Yên có hỏi: Thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh
nghiệp được quy định thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trong
thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải
thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tình huống 21. Chị Nguyễn
Thu Ngân, thành phố Nam Định có hỏi: Việc thay đổi đối với cổ đông là nhà đầu tư
nước ngoài tại công ty cổ phần được quy định thế nào?

Trả lời:

Khoản 3, Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

“3. Công ty cổ phần phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh
doanh nơi công ty đặt trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có
thay đổi đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký trong
sổ đăng ký cổ đông của công ty. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính;

b) Đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng cổ phần: tên,
địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, địa chỉ liên
lạc của cổ đông là cá nhân; số cổ phần, loại cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần
hiện có của họ trong công ty; số cổ phần và loại cổ phần chuyển nhượng;

c) Đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng cổ phần:
tên, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, địa chỉ
liên lạc của cổ đông là cá nhân; số cổ phần và loại cổ phần nhận chuyển nhượng;
số cổ phần, loại cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần tương ứng của họ trong
công ty;

d) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty”

Tình huống 22. Anh Nguyễn
Văn Hà, huyện Giao Thủy có hỏi: Trình tự thủ tục thông báo thay đổi nội dung
đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài được thực hiện
như thế nào?

Trả lời:

Khoản 5, Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa
án hoặc Trọng tài thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gửi
thông báo thay đổi nội dung đăng ký đến Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm
quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu
lực pháp luật hoặc phán quyết của Trọng tài có hiệu lực. Kèm theo thông báo
phải gồm bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc phán
quyết của Trọng tài có hiệu lực;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được thông báo, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét và
thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo nội dung bản án, quyết
định của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc phán quyết của Trọng tài có hiệu
lực; trường
hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng
văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người đề nghị đăng ký thay đổi.
Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung thông tin theo nội dung thông báo thay đổi
đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị đăng ký
thay đổi và nêu rõ lý do.

Tình
huống 23. Anh Nguyễn Đức Hiển, thành phố Nam Định có hỏi: việc c
ông bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 32, Luật Doanh nghiệp 2020 việc công
bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện như sau:

1. Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký
doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố bao
gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:

a) Ngành, nghề kinh doanh;

b) Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước
ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).

2. Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, những thay đổi
tương ứng phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký
doanh nghiệp.

3. Thời hạn thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp quy định tại
khoản 1 và khoản 2 Điều này là 30 ngày kể từ ngày được công khai.

Tình huống 24. Chị Nguyễn
Thảo Nhi huyện Ý Yên có hỏi: Quy định của pháp luật về đặt tên doanh nghiệp?

Trả lời:

Theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp, tên doanh
nghiệp được quy định như sau

1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai
thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp;

b) Tên riêng.

2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn”
hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty
cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp
danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư
nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt,
các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn
phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải
được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do
doanh nghiệp phát hành.

5. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 38, 39 và 41 của Luật
này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký
của doanh nghiệp.

Tình huống 25. Anh Nguyễn
Quang Hải, thành phố Nam Định có hỏi: Những điều cấm trong đặt tên doanh
nghiệp?

Trả lời:

Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Những
điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp bao gồm:

1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký
được quy định tại Điều 41 của Luật này.

2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên
của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội –
nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ
hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của
cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo
đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tình huống 26. Chị Vũ Thị
Thu Huyền, thành phố Nam Định có hỏi: Một doanh nghiệp chỉ có duy nhất 1 con
dấu có đúng không?

Trả lời:

Một doanh nghiệp không chỉ có 1 con dấu.

Lý do: Bởi vì theo quy định tại Khoản 2,
Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng,
hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và
đơn vị khác của doanh nghiệp.

Tình
huống 27. Anh Nguyễn Tuấn Anh, huyện Nam Trực có hỏi:
Doanh nghiệp có quyền thành
lập chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài
không?

Trả lời:

Điều 45, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong
nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng
đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.

Như vậy doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện
tại nước ngoài.

Tình huống 28. Chị Trần Hồng
Nhung, thành phố Nam Định có hỏi: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có được
phát hành cổ phần không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty
trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ
trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Tình huống 29. Anh Vũ Mạnh
Hùng có hỏi: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành
trái phiếu có đúng không?

Trả lời:

Đúng, Theo Khoản 4, Điều 46 Luật Doanh nghiệp quy định: Công ty trách
nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định
của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan

Tình huống 30. Chị Trần Lệ Quyên
có hỏi: Việc tăng vốn điều lệ của công ty THNN 2 thành viên trở lên được quy
định thế nào?

Trả lời:

Khoản 1, 2 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 quy
định:

Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

a) Tăng vốn góp của thành viên;

b) Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.

2.
Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm
được chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong
vốn điều lệ công ty. Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho
người khác theo quy định tại Điều 52 của Luật này. Trường hợp có thành viên
không góp hoặc chỉ góp một phần phần vốn góp thêm thì số vốn còn lại của phần
vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ
tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các
thành viên không có thỏa thuận khác.

Tình huống 31. Anh Lê Thành
Công, thành phố Nam Định có hỏi: pháp luật quy định thế nào về việc giảm vốn
điều lệ tại Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3, 4, 5 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020: Công ty
TNHH 2 thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

a) Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của
họ trong
vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên
kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ
và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;

b) Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy
định tại Điều 51 của Luật này;

c) Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn
theo quy định tại Điều 47 của Luật này.

4. Trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều này, trong thời hạn
10 ngày kể từ ngày việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ đã được thanh toán xong,
công ty phải thông báo bằng văn bản về tăng, giảm vốn điều lệ đến Cơ quan đăng
ký kinh doanh. Thông báo phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;

b) Vốn điều lệ, số vốn đã tăng hoặc giảm;

c) Thời điểm và hình thức tăng hoặc giảm vốn;

d) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

5. Kèm theo thông báo quy định tại khoản 4 Điều này phải gồm nghị quyết,
quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên; trường hợp giảm vốn điều lệ
theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này, phải có thêm báo cáo tài
chính gần nhất.

6. Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về việc tăng hoặc giảm
vốn điều lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông
báo.

Tình huống 32.Chị Trần Thị
Thoa, huyện Nghĩa Hưng có hỏi: Công ty TNHH 1 thành viên là gì?

Trả lời:

Theo Khoản 1, Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020:
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là
doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ
sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa
vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Tình huống 33. Anh Hà Quang
Huy, huyện Vụ Bản có hỏi: Pháp luật quy định về vốn điều lệ của công ty TNHH 1
thành viên như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 75 Luật Doanh nghiệp quy định: Vốn điều lệ của công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh
nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong
Điều lệ công ty.

Tình huống 34. Chị Nguyễn Thu
Hằng, huyện Xuân Trường có hỏi: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có
được phát hành cổ phiếu không?

Trả lời:

Khoản 3, Điều 74, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển
đổi thành công ty cổ phần.

Tình huống 35. Anh Nguyễn
Đức Toàn, huyện Trực Ninh có hỏi: Công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên có được phát hành trái phiếu không?

Trả
lời:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 74, Luật Doanh
nghiệp 2020 thì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái
phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tình huống 36.Chị Nguyễn Thị
Quỳnh Mai, thành phố Nam Định có hỏi: Ai là người có thẩm quyền bổ nhiệm chủ
tịch công ty TNHH một thành viên.

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 81 Luật Doanh nghiệp 2020: chủ tịch công
ty do chủ sở hữi công ty bổ nhiệm.

Tình huống 37. Anh Nguyễn Minh Tuấn, huyện Hải Hậu có hỏi: Cơ cấu tổ
chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở
hữu được quy định như thế nào?

Trả
lời:

Điều 85, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

2. Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người
khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

3. Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại
Điều lệ công ty và hợp đồng lao động.

Tình huống 38. Chị Trần Thu Thảo, huyện Nghĩa Hưng có hỏi: Việc tăng vốn
điều lệ ở công ty TNHH 1 thành viên được quy định thế nào?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua
việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác.
Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều
lệ.

2. Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp
của người khác, công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm
hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Việc tổ chức quản lý công
ty được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn
hai thành viên trở lên thì công ty phải thông báo thay đổi nội dung đăng ký
doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi vốn
điều lệ;

b) Trường hợp chuyển đổi thành công ty cổ phần thì công ty thực hiện
theo quy định tại Điều 202 của Luật này.

Tình huống 39. Chị Hoàng Thị
Kim Phượng, thành phố Nam Định có hỏi
: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
giảm vốn điều lệ trong những trường hợp nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020: Công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

a) Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt
động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh
nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi
đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;

b) Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng
hạn theo quy định tại Điều 75 của Luật này.

Tình huống 40. Chị Nguyễn
Việt Hà, thành phố Nam Định hỏi: Doanh
nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 88 Luật Doanh
nghiệp 2020: Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách
nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn
điều lệ;

b) Doanh
nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền
biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Tình huống 41. Chị Cao Thu
Hà, huyện Vụ Bản có hỏi: Công ty cổ phần là gì?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy
định:

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03
và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác
của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác,
trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Tình huống 42. Anh Hoàng Bá
Phương, huyện Ý Yên có hỏi: Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái
phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty không?

Trả lời:

Khoản 3, Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Công ty cổ phần có
quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

          Tình huống 43. Chị Nguyễn
Anh Thư, huyện Mỹ Lộc có hỏi:
Cổ
phần ưu đãi cổ tức là gì?

          Trả lời:

  Khoản 1, Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020: Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức
với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng
năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng.Cổ tức cố
định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.Mức cổ tức cố định cụ
thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ
phần ưu đãi cổ tức.

Tình huống
44. Anh Nguyễn Thế Cường, huyện Vụ Bản có hỏi: Cồ phần ưu đãi hoàn lại là gì?

Trả
lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 118 Luật Doanh
nghiệp 2020: Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công
ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được
ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty.

Tình huống 45. Anh Trần Văn Nghĩa, thành
phố Nam Định có hỏi: Cổ phiếu là gì?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 121, Luật Doanh nghiệp quy định:
Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút
toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần
của công ty đó. Cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Số lượng cổ phần và loại cổ phần;

c) Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;

d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân
đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của
tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;

đ) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;

e) Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của
công ty và ngày phát hành cổ phiếu;

g) Nội dung khác theo quy định tại các điều 116, 117 và 118 của Luật này
đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.

Tình huống 46. Chị Trần Lệ
Quyên, thành phố Nam Định có hỏi: Cổ phiếu được cấp lại trong những trường hợp
nào?

Trả lời:

Khoản 3, Điều 121 Luật Doanh nghiệp quy định: Trường hợp cổ phiếu bị
mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác thì cổ đông được công ty
cấp lại cổ phiếu theo đề nghị của cổ đông đó. Đề nghị của cổ đông phải bao gồm
các nội dung sau đây:

a) Thông tin về cổ phiếu đã bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới
hình thức khác;

b) Cam kết chịu trách nhiệm về những tranh chấp phát sinh từ việc cấp
lại cổ phiếu mới.

Tình huống 47. Anh Nguyễn
Tuấn Anh, huyện Xuân Trường có hỏi: Công ty hợp danh là gì? Công ty hợp danh có
được phát hành chứng khoán không?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 177, Luật Doanh nghiệp quy định:
Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng
nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài
các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ
tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các
khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công
ty.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty
hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Tình huống 48. Anh Phạm Nhật Khiêm, huyện Giao Thủy có hỏi: Doanh nghiệp
tư nhân là gì? Đặc trưng cơ bản của doanh nghiệp tư nhân?

Trả lời:

Điều 188, Luật Doanh nghiệp 2020:

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá
nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về
mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ
loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ
doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp
danh của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ
phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc
công ty cổ phần.

Tình huống 49. Chủ doanh
nghiệp tư nhân có quyền cho thuê, bán doanh nghiệp tư nhân không? Việc cho
thuê, bán doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 191, 192 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân
của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê
có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn
03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực. Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải
chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư
nhân. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân được quy định trong hợp đồng cho
thuê.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho
cá nhân, tổ chức khác.

Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu
trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân
phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp,
trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp
tư nhân có thỏa thuận khác.

Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ
quy định của pháp luật về lao động.

Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ
doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.

Tình huống 50. Anh Trần Văn
Lý, huyện Vụ Bản có hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc
tạm ngừng, đình chỉ hoạt
động, chấm dứt kinh doanh của doanh nghiệp?

Trả lời:

Điều
206, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

1. Doanh nghiệp phải thông
báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc
trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã
thông báo.

2. Cơ quan đăng ký kinh
doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ
hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:

a) Tạm ngừng hoặc chấm dứt
kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều
kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước
ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;

b) Tạm ngừng kinh doanh
theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý
thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Đình chỉ hoạt động,
chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh
vực theo quyết định của Tòa án.

3. Trong thời gian tạm
ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y
tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành
việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp
doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người
lao động có thỏa thuận khác.

4. Chính phủ quy định chi
tiết trình tự, thủ tục phối hợp giữa Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan nhà
nước có thẩm quyền trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 

Vân Anh – Phòng PB-TDTHPL