Trao gần 300 giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022

Trao gần 300 giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 - Ảnh 1.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 là một trong những hoạt động triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã trở thành thương hiệu cho hoạt động khuyến đọc được học sinh, sinh viên trong cả nước hưởng ứng hết sức sôi nổi, góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc phù hợp với các lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.

Trao gần 300 giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 - Ảnh 2.

Bà Đoàn Quỳnh Dung- Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL, Trưởng ban tổ chức cuộc thi phát biểu tại Lễ tổng kết

Phát biểu tại Lễ tổng kết, bà Đoàn Quỳnh Dung- Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL, Trưởng ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Là năm thứ 4 tổ chức nhưng là năm có số lượng thí sinh tham gia đông nhất từ trước đến nay, tăng 1.5% so với năm 2021. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho những người làm công tác phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Chủ để cuộc thi “Khát vọng phát triển đất nước” không chỉ giúp thí sinh định hướng được cách chọn sách để thực hiện bài thi, mà từ chủ đề tưởng như rất lớn lao ấy, nhiều bạn thí sinh đã đề xuất những giải pháp, những việc làm rất gần gũi với môi trường, với lứa tuổi của mình. Từ đó khơi dậy và hình thành trách nhiệm công dân trong mỗi người dân với quê hương, đất nước, với cộng đồng”.

Trao gần 300 giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương; Trưởng ban giám khảo cuộc thi phát biểu tại Lễ tổng kết

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương; Trưởng ban giám khảo cuộc thi cho biết: “Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã dần tạo dựng được thương hiệu trong đời sống văn hóa, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên, đặc biệt, có sự tham gia của các em khiếm thị hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đã được các thí sinh truyền tải đến cộng đồng qua việc giới thiệu những cuốn sách thể hiện sự khát khao được sống đẹp, rèn luyện, cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp và ngày càng phát triển. Nhiều bài dự thi thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn cuốn sách chia sẻ và thể hiện sức sáng tạo, trí tưởng tượng tuyệt vời của các thí sinh, tạo rất nhiều sự bất ngờ thú vị cho ban giám khảo. Đặc biệt, có thí sinh giới thiệu chính cuốn sách của mình. Hy vọng sẽ có những đại sứ văn hóa đọc trở thành nhà văn trong tương lai.”

Trao gần 300 giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Trịnh Thị Thủy trao giải cho hai thi sinh đạt giải Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu

Qua 05 tháng triển khai và phát động vòng sơ khảo, cuộc thi đã thu hút 1.271.935 học sinh, sinh viên từ 7.869 cơ sở giáo dục từ 57 tỉnh/thành; Hội Người mù Việt Nam; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; các trường đại học/học viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 28 trường cao đẳng, đại học/học viện trên cả nước tham gia. Các bài dự thi được thể hiện với nhiều phương thức đa dạng nhiều loại hình, phù hợp với nhiều lứa tuổi như: bài viết (đánh máy, viết tay, chữ nổi) hoặc ghi hình; thông qua sáng tác truyện, thơ, viết kịch bản, vẽ tranh… để truyền tải thông điệp về văn hóa đọc, chia sẻ các cuốn sách tới mọi đối tượng với phương thức phù hợp, đặc biệt là với lớp trẻ.

Sau quá trình chấm các bài dự thi, ban giám khảo cuộc thi đã lựa chọn được gần 300 bài có chất lượng cao nhận được nhiều sự hưởng ứng của cộng đồng để trao giải. Tại buổi lễ, ban tổ chức đã tiến hành trao các giải tập thể; 02 giải đại sứ, 08 giải nhất, 16 giải nhì, 52 giải ba, hơn 200 giải khuyến khích và giải chuyên đề cho các bài thi xuất sắc nhất. Ngoài ra, một số nhà xuất bản và nhà sách có quà tặng cho các cá nhân và tập thể đạt giải.

Trao gần 300 giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 - Ảnh 5.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trao giải cho Nhóm thi sinh đạt giải A

Trở thành Đại sử Văn hóa đọc tiêu biểu, bạn Huỳnh Thị Kim Thư – trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Em rất vui và bất ngờ, em đã rất xúc động vì không nghĩ mình có thể chiến thắng được hàng triệu các bạn thí sinh để dành được giải thưởng cao như thế này. Ngay từ nhỏ em đã được tạo điều kiện để đọc sách nên khi đọc sách giúp em hiểu được rất nhiều điều và giúp em vượt qua được giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Chính từ những suy nghĩ đơn giản này mà từ nhỏ đến bây giờ em đã ấp ủ mong muốn mọi người có thể đọc được những cuốn sách hay, để có thể vượt qua được những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời và thay đổi nhận thức làm những việc cao cả hơn. Điều đó giúp cho em có động lực để tham gia cuộc thi và trở thành Đại sứ Văn hóa đọc”.

Trao gần 300 giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 - Ảnh 6.

Nhóm thí sinh đạt giải B

Bạn Nguyễn Trần Gia Linh – trường THCS Hà Huy Tập, tỉnh Nghệ An đạt được giải A của cuộc thi cho biết: “Ở nhà em và mẹ rất đam mê đọc sách nên hai mẹ con thường cùng nhau tìm những cuốn sách hay để đọc. Và khi đọc được cuốn sách Sống ước mơ và khát vọng thì em và mẹ đã cảm nhận được sự thích thú, truyền cảm hứng của cuốn sách từ nội dung cho đến hình thức. Em thật sự cảm thấy rất bất ngờ khi mình được nhận giải, có lẽ người mà em muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất là mẹ của em – người đã hỗ trợ em hết mình trong cuộc thi và là người truyền cảm hứng cho em nhiều nhất trong việc đọc sách. Tham gia cuộc thi là một trải nghiệm đáng nhớ và giúp cho em rất nhiều trên con đường học tập sau này”.

Trao gần 300 giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 - Ảnh 7.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Trịnh Thị Thủy và các đại biểu xem bài dự thi của các thi sinh

Tham dự cuộc thi, các bài dự thi đa dạng phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức thể hiện và sự công phu, nghiêm túc. Nhiều bài dự thi được các thí sinh viết tay với nét chữ rất đẹp, trang trí, minh họa đẹp mắt. Một số bài thi sử dụng song ngữ Anh – Việt và ngôn ngữ ký hiệu, nhiều clip có chất lượng nội dung, kĩ thuật, mỹ thuật, tạo hiệu ứng tốt đối với người xem. Ngoài ra, cuộc thi được tổ chức đã thể hiện được sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với các em học sinh, sinh viên. Và ý nghĩa hơn cả, cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn để mọi người chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách một cách hiệu quả./.