Văn hóa Hội An – Làm thổn thức triệu trái tim Việt Nam
Mục lục
Khác với kinh thành Huế với những di sản văn hóa mang tính chất cung đình, văn hóa Hội An thiên về tính đời thường, “sống” trong mỗi gia đình, mỗi người dân. Trong hành trình du lịch Hội An sắp tới, hãy cùng khám phá về nền văn hóa đặc sắc nơi đây bạn nhé!
1. Văn hóa Hội An qua nét kiến trúc cổ kính, trầm lắng
Hội An chính là điển hình tiêu biểu về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á với những công trình kiến trúc “lão niên” có từ thế kỷ XVII – XIX. Trải qua bao năm tháng với sự bào mòn của mưa gió, chiến tranh, những công trình nơi đây vẫn giữ nguyên giá trị thẩm mỹ cho tới ngày nay.
1.1. Kiến trúc của phố cổ Hội An
Khu phố cổ nằm trong phường Minh An với diện tích khoảng 2km2 với những con đường ngắn, hẹp, chạy dọc – ngang theo kiểu bàn cờ.
Với sự pha trộn và giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, những công trình kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng của Hội An chính là minh chứng sống động nhất cho quá trình hình thành, hưng thịnh và suy tàn của đô thị xưa. Các hội quán, đền miếu là những công trình tiêu biểu cho dấu tích của người Hoa. Bên cạnh đó là những mái nhà mang đậm nét kiến trúc truyền thống của người Việt và cả những ngôi nhà phong cách Pháp. Các công trình này đều “chở nặng” giá trị văn hóa của phố cổ Hội An.
Bước chân vào khu phố cổ, ta có thể cảm nhận được sự pha trộn đầy tính nghệ thuật của những dãy nhà san sát mang nét đặc trưng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều đó đã tạo nên một nền văn hóa Hội An đặc sắc, hòa nhập chứ không hòa tan.
1.2. Kiến trúc nhà ở truyền thống
Kiểu nhà ở phổ biến nhất ở Hội An chính là những ngôi nhà phố hình ống 1 – 2 tầng với chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài. Những vật liệu chính dùng để xây dựng nhà ở đều có sức chịu lực, độ bền cao do đặc điểm khí hậu miền Trung khắc nghiệt, thường gánh chịu bão lụt hằng năm.
Thông thường, các ngôi nhà có kết cấu khung gỗ, 2 bên có tường gạch ngăn cách. Bố cục mặt bằng chủ yếu gồm: Vỉa hè, hiên nhà, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu, sân trong, hiên, nhà sau 3 gian, vườn sau. Thực chất thì nhà phố Hội An bao gồm nhiều nếp nhà được bố trí theo chiều sâu, cấu thành không gian gồm 3 phần: Không gian buôn bán, không gian sinh hoạt, không gian thờ cúng.
Kiến trúc các di tích lịch sử
Dù phần lớn các ngôi nhà phố của Hội An hình thành vào thời kỳ thuộc địa nhưng trong khu phố cổ vẫn còn gìn giữ nhiều di tích phản ánh các giai đoạn lịch sử của đô thị.
Cụ thể, các công trình kiến trúc từ thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVIII thường mang chức năng cơ bản, chịu tác động bởi nền kinh tế, yếu tố cảng thị của Hội An. Các công trình tiêu biểu trong giai đoạn này là những bến thuyền, chùa chiền, đền miếu, giếng nước, cầu, mộ, nhà thờ tộc, thương điếm,…
Từ thế kỷ XVIII, Hội An không còn vị trí là thương cảng bậc nhất. Thời kỳ này xuất hiện những văn miếu, đình, văn chỉ, nhà thờ và các hội quán,…
Đến thời kỳ Pháp thuộc, cũng giống nhiều đô thị của Việt Nam, Hội An chịu nhiều ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Những ngôi nhà mang phong cách thuộc địa xuất hiện nhiều, tập trung trên 1 tuyến phố. Sự đan xen phong cách Pháp giữa những ngôi nhà cổ truyền thống chính là bằng chứng của lối sống phương Tây đã len lỏi vào đời sống của cư dân Hội An.
>>> Xem thêm: Kiến trúc phố cổ Hội An: Nét giao thoa văn hóa đầy ấn tượng
2. Văn hóa ẩm thực Hội An đa dạng, tinh tế
Với vị trí cửa sông – ven biển, là nơi gặp nhau của các tuyến giao thông đường thủy, hội tụ kinh tế và văn hóa trong nhiều thế kỷ, văn hóa Hội An về ẩm thực có nhiều sắc thái riêng biệt.
Hội An không sở hữu những cánh đồng lúa lớn nhưng lại có các cồn bãi ven sông màu mỡ và những thửa ruộng hẹp giàu phù sa. Môi trường sông biển ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, phong tục tập quán và thói quen ẩm thực của người dân địa phương. Trong bữa ăn hằng ngày, người dân Hội An đặc biệt ưa chuộng thủy hải sản. Cá là món ăn không thể thiếu trong khẩu phần hằng ngày của người dân nên họ quen gọi khu vực bày bán thức ăn là chợ cá.
Bên cạnh đó, Hội An ngày nay còn lưu truyền một số thói quen, tập quán ẩm thực của người Hoa. Vào dịp lễ tết hoặc cưới gả, họ thường nấu một số món đặc trưng như cơm Dương châu, kim tiền kê, bún xào Phước Kiến,… để cùng nhau thưởng thức. Chính người Hoa đã góp công đáng kể trong việc tô điểm cho sự phong phú của ẩm thực Hội An.
Cùng điểm qua những món ăn tiêu biểu của ẩm thực Hội An: Cao lầu, bánh bao, bánh vạc, hoành thánh, mì Quảng, bánh xèo, bánh bèo, bánh tráng, hến trộn,…
Đặc biệt, không chỉ có những món ăn ngon, văn hóa Hội An còn “ghi điểm” với thực khách với không gian thưởng thức ẩm thực đầy thi vị. Các nhà hàng trong khu phố cổ thường được bài trí theo phong cách cổ điển, trang trí hồ cá, hòn non bộ, chậu hoa, cây cảnh, lồng đèn, đồ mỹ nghệ,… Điều đó tạo sự thư giãn, thoải mái cho thực khách thưởng thức mỹ vị Hội An.
>>> Bỏ túi ngay: 15 món ăn đặc sản Hội An & 7 đặc sản Hội An làm quà nổi tiếng
3. Văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng
Đề cập tới văn hóa Hội An, không thể không nhắc tới âm nhạc dân gian, trò chơi truyền thống. Các hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian tại đây kết tinh từ quá trình lao động của người dân địa phương và đến nay vẫn được gìn giữ trọn vẹn. Có thể kể đến các điệu hò giựt chì, hò khoan, hò kéo neo hay những điệu vè, điệu lý, các hình thức hát tuồng, bả trạo, hô bài chòi,…
Hội An còn có truyền thống diễn tấu cổ nhạc trong các dịp hội hè, hiếu hỉ, tang ma,… và truyền thống ca nhạc tài tử. Đặc biệt, người dân nơi đây rất “biết chơi” với nhiều thú chơi như trò bài tới, trò thai đề xổ cử nhân, trò đổ xăm hường, trò thả thơ, trò chơi thư pháp,…
Về văn hóa tín ngưỡng, người dân Hội An có tục thờ Ngũ tự gia đường (thần chủ nhà) bên cạnh việc thờ phụng gia tiên. Về tôn giáo, ở Hội An tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành, Công giáo Roma,… Tuy nhiên, Phật giáo vẫn chiếm giữ vai trò chủ đạo. Nhiều gia đình ở phố Hội dù không theo Phật giáo nhưng vẫn thờ phật và ăn chay vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch hằng tháng.
Một điểm khác biệt trong văn hóa Hội An chính là tục thờ Quan Công (phổ biến ở thành thị). Miếu thờ Quan Công được xây dựng tại trung tâm phố cổ, quanh năm nghi ngút khói hương. Quan Công được người Hội An xem là vị thánh linh thiêng, trung liệt nghĩa khí, căm ghét gian tà, cứu nước cứu dân và bảo hộ sự bình an cho dân chúng.
>>> Bạn nên biết: Định vị 101 địa điểm du lịch Hội An hấp dẫn HOT nhất 2022
4. Văn hóa Hội An và các lễ hội truyền thống
Hội An hiện vẫn gìn giữ nhiều loại hình lễ hội truyền thống như: Lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội tưởng niệm những vị tổ sư ngành nghề, lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân,… Quan trọng nhất chính là lễ hội đình ở các làng ven đô thị. Thông thường, mỗi làng đều có 1 ngôi đình để thờ thành hoàng cùng các vị tiền nhân.
Hằng năm, thường vào dịp đầu xuân, các làng lại mở lễ hội để bày tỏ sự kính ngưỡng trước vị thánh của làng mình, tưởng nhớ công lao của các vị tiên hiền. Lễ cũng thường diễn ra trong 2 ngày: Ngày đầu tiên làm lễ cáo yết, ngày thứ hai là ngày tế chính thức.
Ngoài ra, văn hóa Hội An còn giữ gìn nhiều lễ hội truyền thống khác như:
- Lễ hội Long Chu: Diễn ra vào dịp rằm tháng giêng và rằm tháng 7 hằng năm. Vào ngày lễ chính, toàn thể dân làng rước Long Chu (1 chiếc thuyền hình rồng) về đình, người chủ bái cùng thầy phù thủy sẽ khai quang điểm nhãn cho Long Chu. Sau nhiều nghi lễ cúng tế, vào buổi tối, các tráng đinh sẽ mang Long Chu đến những nơi cần yểm, đốt rồi thả tro ra biển;
- Lễ hội đua ghe: Thường diễn ra vào dịp mừng xuân mùng 2 – mùng 7 tháng giêng. Đua ghe là dịp làm hài lòng các bậc thánh nhân đã phù hộ cho thôn làng được bình yên;
- Lễ hội cầu ngư: Thường tổ chức vào rằm tháng 2 âm lịch. Vào dịp cầu ngư, dân cư các làng chài Hội An còn tổ chức lễ tế cá Ông, tri ân cá Ông đã cứu giúp người dân gặp nạn trên biển;
- Lễ cầu an: Thường diễn ra vào trung tuần tháng 3 âm lịch;
- Lễ hội đêm rằm phố cổ: Tổ chức vào mỗi đêm 14 âm lịch hằng tháng. Khi lễ hội diễn ra, các ngôi nhà, hàng quán đều tắt điện, nhường chỗ ánh sáng trăng rằm và những ngọn đèn lồng. Trên các con phố, người đi bộ tỏa ra đường, tham gia chơi các trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng, đánh bài chòi hoặc đi thuyền trên sông Hoài và thả hoa đăng,…
>>> Đừng bỏ qua: Điểm danh TOPLIST khu vui chơi Hội An ấn tượng nhất 2022
Bên cạnh hành trình khám phá nét đẹp văn hóa Hội An, du khách đừng bỏ lỡ những địa điểm vui chơi nổi tiếng như VinWonders Nam Hội An, Vinpearl Golf Nam Hội An,…
Trong đó, VinWonders Nam Hội An nằm cách phố cổ Hội An chỉ khoảng 15km, có quy mô rộng lớn với 5 phân khu (Đảo văn hóa dân gian, River Safari, Vùng đất phiêu lưu, Thế giới nước, Bến cảng giao thoa). VinWonders Nam Hội An không chỉ là khu vui chơi giải trí đơn thuần mà còn là nơi du khách được tìm hiểu thêm về văn hóa Hội An, khám phá các giá trị di sản, kiến trúc, nghề truyền thống,…
Vinpearl Golf Hội An cũng nằm cách phố cổ Hội An chỉ khoảng 15km. Đây là một trong những sân golf 18 hố tiêu biểu vùng duyên hải miền Trung. Sân golf được thiết kế dạng links với địa hình tự nhiên đặc trưng bởi cồn cát trắng, khu vực green uốn lượn êm ái và đường fairway rộng, mang đến những trải nghiệm thực sự khác biệt cho các tay golf.
>>> Nhanh tay booking vé vào cửa VinWonders Nam Hội An và Vinpearl Golf Nam Hội An để tận hưởng kỳ nghỉ đầy sảng khoái bạn nhé!
Với chiều sâu đa tầng, đa sắc, những giá trị văn hóa Hội An là nét đẹp cần được lưu giữ, bảo tồn. Du khách hãy sắp xếp thời gian ghé thăm phố cổ Hội An để cảm nhận bề dày văn hóa và lịch sử ẩn giấu sau từng nếp nhà, từng món ăn vặt đường phố và cảm nhận sự thân thiện, trìu mến của con người nơi đây.
>>> Đừng quên booking voucher, combo, tour du lịch Hội An, Nam Hội An và vé vào cửa VinWonders Nam Hội An để góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa Hội An.