–::– Di sản văn hóa

Di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý giá của tổ tiên, cha ông chúng ta để lại, là nơi lưu giữ giá trị vật chất và giá trị tinh thần, là hồn cốt của mỗi quốc gia, dân tộc và là nguồn tài nguyên đặc biệt trong hoạt động du lịch ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, Nam Định là địa phương có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng, điều đó được thể hiện ở nhiều bình diện khác nhau. Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ VHTTDL và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, sự đồng thuận của nhân dân nên công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa nói chung, công tác lập hồ xếp hạng di tích nói riêng, trong đó có việc xác lập các khu vực khoanh vùng bảo vệ đối với các di tích lịch sử, văn hóa xếp hạng trên địa bàn tỉnh đã và đang được cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện. Vì vậy, việc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực đất đai, các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, góp phần quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích theo đúng quy định của pháp luật.

Với số lượng di tích xếp hạng nhiều, trải đều trên địa bàn hành chính của 9 huyện và thành phố Nam Định nên việc tuyên truyền giới thiệu các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai tại các di tích cũng như các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đối với chính quyền, nhân dân địa phương nơi có di tích xếp hạng là việc làm thiết thực và ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Theo quy định của Luật di sản văn hóa, các di tích được lựa chọn xây dựng hồ sơ xếp hạng phải đảm bảo các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về đất đai để cơ quan chuyên môn xác định vị trí các khu vực khoanh vùng bảo vệ.

Trước khi Luật di sản văn hóa có hiệu lực thi hành, Điều 15 của Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh số 14-LCT/HĐND do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký ngày 04/4/1984 quy định về khu vực bảo vệ di tích như sau: “Mỗi di tích lịch sử – văn hóa là bất động sản và danh lam thắng cảnh có từ I đến III khu vực bảo vệ. Khu vực bảo vệ I là khu vực bảo vệ nguyên trạng; khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh khu vực I. Khu vực bảo vệ III là cảnh quan thiên nhiên di tích”. Như vậy, Pháp lệnh bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh năm 1984 quy định 3 khu vực bảo vệ di tích.

Đất di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được quy định tại Điều 42 Luật đất đai năm 1987 như sau: “Đất di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật. Đất này phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất và phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ văn hoá. Trong trường hợp không được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ văn hoá thì chủ công trình có quyền kiến nghị lên Hội đồng bộ trưởng”. Luật đất đai năm 1987, không những chỉ rõ khái niệm đất di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh mà còn quy định chế độ quản lý, sử dụng của loại đất này.

Năm 1993, Luật đất đai được sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Về cơ bản, Luật đất đai năm 1993, đã đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn quản lý, sử dụng đất nói chung và đất đối với di tích lịch sử, văn hóa nói riêng. Theo đó, đất di tích quy định tại Điều 69 như sau: “Đất có di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. So với khái niệm đất di tích được đề cập trong Luật đất đai năm 1987, thì đất di tích trong Luật đất đai năm 1993 có nội hàm hẹp hơn, chỉ còn là đất di tích, lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.

Năm 2001, trước tình hình thực tiễn phát triển của đất nước, nhiều bộ luật đã được xây dựng có liên quan đến các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong bối cảnh đó, Luật di sản văn hóa đã được ban hành thay thế cho Pháp lệnh số 14 ngày 04/4/1984 và đến năm 2009, Luật Di sản văn hóa đã tiếp tục được sửa đổi bổ sung một số điều.

Năm 2013, Luật đất đai được Quốc hội sửa đổi và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2014, tại Điều 158 quy định đối với đất di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh như sau:“1. Đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt theo quy định sau đây:

a) Đối với đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đó chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;

b) Đối với đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý diện tích đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;

c) Đối với đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

2. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì việc chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đó”.

Cùng với các quy định đối với đất di tích, lịch sử, văn hóa tại Luật đất đai năm 2013, Điều 32 Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa quy định các khu vực bảo vệ đối với các di tích xếp hạng như sau:

“1. Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:

a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích;

b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.

Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.

3. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích.”.

Căn cứ các quy định Luật đất đai năm 2013, Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, đặc biệt là Thông tư số 09/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trên cơ sở các quy định đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố Nam Định nơi có di tích xếp hạng triển khai nhiệm vụ đo đạc, xác định mốc giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ đối với đất đai các di tích đề nghị xếp hạng. Do vậy, trong thành phần hồ sơ xếp hạng, mục văn bản pháp lý gồm bản đồ, biên bản khoanh vùng bảo các khu vực bảo vệ di tích được triển khai theo các quy định pháp luật về đất đai và di sản văn hóa. Việc làm trên đã hạn chế những tranh chấp, xâm lấn các khu vực khoanh vùng bảo vệ đối với di tích xếp hạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với việc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn.

Có thể nói, Luật di sản văn hóa được ban hành đã góp phần tạo ra một môi trường pháp lý thuận tiện cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt Thông tư số 09/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về các khu vực khoanh vùng bảo vệ, xác định mốc giới, tọa độ đối với các di tích xếp hạng.

Là địa phương có nhiều di tích lịch sử – văn hóa, tỉnh Nam Định trong thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đối với các di tích xếp hạng, di tích trong danh mục kiểm kê được UBND tỉnh công bố, phê duyệt đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm nên đã đạt được một số kết quả. Số lượng các di tích đề nghị xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh theo đề nghị của các địa phương năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, đặc biệt là công tác quản lý đất đai đối với di tích xếp hạng ngày thêm khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ trên thực tế, hầu hết di tích xếp hạng, các khu vực khoanh vùng bảo vệ mới chỉ dừng ở mức độ xác định mốc giới trên bản đồ và biên bản khoanh vùng bảo vệ, chưa triển khai tổng thể nhiệm vụ cắm mốc trên thực địa.

Trong thời gian tới, để nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả theo đúng Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 07/7/2017 của UBND tỉnh Quy định về phân cấp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với các sở ngành có liên quan và UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước triển khai việc cắm mốc giới trên thực địa đối với các di tích theo đề nghị của các địa phương. Các di tích đề nghị xếp hạng từ thời điểm này trở đi, cơ quan chuyên môn sẽ triển khai việc khoanh vùng các khu vực bảo vệ và cắm mốc giới trên thực địa theo quy định.

Di sản văn hóa nói chung, các di tích lịch sử, văn hóa xếp hạng nói riêng là tài sản quý giá không chỉ của địa phương mà còn là của quốc gia, dân tộc. Các di tích đó, không chỉ mang ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học mà còn là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, là động lực để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Vì vậy, nhiệm vụ tuyên truyền các quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai và các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích cần được cơ quan chuyên môn, UBND các cấp và các sở, ngành liên quan, quan tâm đặc biệt hơn nữa, góp phần quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích theo đúng quy định của pháp luật.

Vũ Hồng Phong

Tài liệu tham khảo

1. Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh số 14-LCT/HĐND, ngày 04/4/1984 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

2. Luật đất đai năm 1987, 1993, 2013.

3. Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009.

Xổ số miền Bắc