1- Tấm Huy chương vàng duy nhất của thể thao Việt Nam tại ASIAD 16

Ở trận tranh Huy chương vàng, Lê Bích Phương phải thi đấu với đối thủ Nhật Bản, đương kim vô địch thế giới. Nhưng Bích Phương đã xuất sắc giành chiến thắng 4-3 sau ba hiệp đấu căng thẳng, nhờ tuân thủ tốt đấu pháp phòng ngự phản đòn. Ðây là tấm Huy chương vàng duy nhất của thể thao Việt Nam ở ASIAD 16.

2- Ðiền kinh Việt Nam lần đầu có tên trên bảng vàng thành tích châu Á

Tại ASIAD 16, các vận động viên điền kinh Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, giúp điền kinh Việt Nam lần đầu ghi tên trên bảng vàng thành tích tại Ðại hội thể thao châu Á với những tấm Huy chương bạc và Huy chương đồng quý giá của Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện. Trong đó, ‘nữ hoàng tốc độ’ Vũ Thị Hương giành Huy chương bạc với thành tích 23 giây 74, chỉ chịu thua chút ít so với vận động viên giành huy chương vàng của Nhật Bản là Phu-cu-si-ma (23 giây 62).

 3- Ðại hội Thể dục – Thể thao toàn quốc lần VI-2010

Ðại hội được tiến hành từ đầu năm với 41 môn thi, gồm 879 bộ huy chương diễn ra tại 20 địa phương trên cả nước. Giai đoạn một của đại hội diễn ra ở 20 tỉnh, thành phố với 49 phân môn, 639 nội dung thi đấu đã kết thúc. Giai đoạn hai của đại hội tổ chức tại Ðà Nẵng với 12 phân môn, tranh 240 bộ huy chương và được khai mạc tối 25-12-2010. Ðại hội là bước tạo đà để thể thao Việt Nam tham dự các sự kiện thể thao quốc tế lớn trong thời gian tới. Ðể chuẩn bị cho Ðại hội thể thao toàn quốc, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã tổ chức đại hội thể dục – thể thao các cấp, trong đó, tỷ lệ các đơn vị cấp huyện tổ chức đại hội là 97,2%, ở cấp xã là 95,76%. 

4- Ðoàn thể thao Việt Nam không đạt chỉ tiêu ở ASIAD 16

Thể thao Việt Nam cử 260 vận động viên tham dự ASIAD 2010 Quảng Châu (Trung Quốc) nhằm mục tiêu giành từ 4 đến 6 Huy chương vàng, nhưng kết quả Ðoàn thể thao Việt Nam chỉ giành được một Huy chương vàng do công của nữ võ sĩ ka-ra-tê-đô Lê Bích Phương. Với một Huy chương vàng, 17 huy chương bạc, 15 huy chương đồng. Ðoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 24/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài tại ASIAD 16, xếp thứ 7/11 quốc gia khu vực Ðông – Nam Á.

5- Thành công của các vận động viên Việt Nam tại Ô-lim-pích trẻ thế giới

Thi đấu tại Ô-lim-pích trẻ thế giới tại Xin-ga-po 2010, với trạng thái tâm lý thoải mái, các tài năng trẻ Việt Nam đã thi đấu rất xuất sắc và giành được thành tích vượt xa mong đợi. Ở hạng cân 56 kg môn cử tạ, lực sĩ Thạch Kim Tuấn vượt qua hàng loạt ứng cử viên nặng ký để giành tấm Huy chương vàng duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại Ô-lim-pích trẻ thế giới. Ngoài tấm Huy chương vàng của môn cử tạ, hai nữ vận động viên Thanh Thảo (tê-cuôn-đô), Vũ Thị Trang (cầu lông) cũng giành Huy chương đồng.

6- Các vận động viên khuyết tật Việt Nam giành ba Huy chương vàng châu Á

Trong khi Ðoàn thể thao Việt Nam thi đấu không thành công tại ASIAD 16 thì các vận động viên khuyết tật Việt Nam lại thi đấu rất thành công ở Ðại hội thể thao châu Á dành cho người khuyết tật (Asian Para Games) được tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc). Ðoàn thể thao khuyết tật Việt Nam giành tổng số ba Huy chương vàng, bốn Huy chương bạc, 10 Huy chương đồng và đứng thứ 11 trong số 41 đoàn thể thao các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Asian Para Games 2010.

7. Ðội tuyển bóng đá Việt Nam không bảo vệ được chức vô địch Ðông – Nam Á

Sở hữu lứa cầu thủ của đội đương kim vô địch Ðông – Nam Á, nhưng đội tuyển bóng đá Việt Nam lại không thể bảo vệ được chức vô địch của mình. Dù được thi đấu trên sân nhà, đội tuyển Việt Nam phải đợi đến phút chót mới lọt vào vòng bán kết AFF Suzuki Cup 2010. Ở trận bán kết lượt đi trên sân khách, đội tuyển đã thua đội Ma-lai-xi-a 0-2. Trong cuộc gặp tại sân Mỹ Ðình, các tuyển thủ Việt Nam không thể xuyên phá hàng phòng ngự được huấn luyện viên đội tuyển Ma-lai-xi-a  bố trí và phải nhường lại ngôi vô địch sau hai năm nắm giữ.

8- Ðội tuyển bóng đá Ô-lim-pích Việt Nam vào vòng 1/8 ASIAD 16

Chỉ giành chiến thắng duy nhất một trận trước đội Ô-lim-pích Ba-ranh ở vòng đấu bảng môn bóng đá Nam Á vận hội 2010, nhưng thành tích này vẫn đủ giúp cho các cầu thủ Ô-lim-pích Việt Nam viết lên trang sử mới ở đấu trường Á vận hội khi lần đầu vượt qua vòng đấu bảng ở một kỳ ASIAD. Trong trận đấu loại trực tiếp gặp đối thủ mạnh CHDCND Triều Tiên ở vòng 1/8, đội Ô-lim-pích Việt Nam đã không thể thay đổi được tình thế khi để thua 0-2 chung cuộc.

9- Ðưa vào sử dụng Cung thể thao hiện đại hàng đầu Ðông – Nam Á

Với hình dáng như một chiếc đĩa bay, Công trình Cung thể thao Tiên Sơn tại TP Ðà Nẵng vừa được Tổng công ty Sông Hồng thi công xây lắp và hoàn thiện kịp thời phục vụ Ðại hội Thể dục – Thể thao toàn quốc năm 2010. Với thiết kế hiện đại và ấn tượng, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật, Cung thể thao Tiên Sơn là công trình được thiết kế độc đáo, hiện đại bậc nhất Ðông – Nam Á hiện nay. Với quy mô 7.000 chỗ ngồi, Cung thể thao sẽ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế lớn của khu vực miền trung – Tây Nguyên.

10- Nạn bạo lực sân cỏ

Năm qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải đối diện với nhiều vấn đề nhức nhối, khi nạn bạo lực trên sân cỏ vẫn gia tăng, buộc ban kỷ luật của liên đoàn phải đưa ra hàng loạt án phạt nặng dành cho các hành vi bạo lực của các cầu thủ ở giải V-League và giải hạng nhất. Trên khán đài, các cổ động viên quá khích của Xi-măng Hải Phòng (tên mới là Vicem Hải Phòng) liên tục quậy phá cả trên sân nhà và sân khách, dù ban kỷ luật liên đoàn áp dụng biện pháp mạnh ‘treo sân’ hai lần đối với đội bóng. Chuỗi các hành động quá khích đó làm cho đông đảo người hâm mộ cả nước bức xúc.

Ban Văn hóa – Văn nghệ

(Bình chọn)

Xổ số miền Bắc