10 “ông lớn” ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam

Theo đó Top 10 công ty gồm: C.P. Việt Nam; Cargill Việt Nam; CJ Vina Agri; Japfa Comfeed Việt Nam; De Heus, GreenFeed Việt Nam; Dabaco Việt Nam; Proconco; Mavin; Dinh dưỡng Hồng Hà.

Chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nhiều tiềm năng của Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13 – 15%/năm. Tổng sản lượng TĂCN công nghiệp từ 10,8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi lên 20,3 triệu tấn năm 2020 và ước đạt 21,4 triệu tấn trong năm 2021, tăng 5,9% so năm 2020. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng TĂCN công nghiệp, trên cả Thái Lan và Indonesia. Với tiềm năng phát triển cao, ngành TĂCN Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang không ngừng mở rộng quy mô, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành.

top 10 công ty thức ăn chăn nuôi 2021

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, năm 2021, cả nước có 265 cơ sở sản xuất TACN công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 41,4 triệu tấn. Trong đó, 89 nhà máy thuộc sở hữu của các doanh nghiệp FDI (nhưng chiếm 50,5% về công suất thiết kế) và 176 nhà máy thuộc các doanh nghiệp trong nước (chiếm 49,5% về công suất thiết kế). 100% cơ sở sản xuất TĂCN thuộc sở hữu tư nhân. Có khoảng 60% cơ sở đã đầu tư công nghệ đạt trình độ tiên tiến và dây chuyền sản xuất tự động, 20% cơ sở đạt trình độ bán tự động và khoảng 20% cơ sở sản xuất thủ công với công suất thiết kế chỉ đạt dưới 30.000 tấn/năm.

Theo định hướng phát triển của Bộ NN&PTNT, năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 5 – 6%; Sản lượng TĂCN công nghiệp quy đổi khoảng 22,5 triệu tấn.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành TĂCN trong năm tới đã ghi nhận: 57,1% doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút; 14,29% đánh giá duy trì tốc độ tăng trưởng; Và 28,57% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút do những lo ngại về đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi, chi phí sản xuất TĂCN vẫn ở mức cao, giá sản phẩm chăn nuôi bán ra vẫn ở mức thấp có khả năng hạn chế tăng trưởng sản xuất, mở rộng tái đàn.

Trong trung và dài hạn, ngành chăn nuôi vẫn được đánh giá là có nhiều triển vọng phát triển. Theo dữ liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), sản lượng thịt toàn cầu được dự đoán sẽ cao hơn 16% vào năm 2025. Nhu cầu gia tăng đối với thịt và các sản phẩm làm từ động vật cùng với sự gia tăng sản xuất chăn nuôi thương mại, chế biến thức ăn nhanh là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của lĩnh vực sản TĂCN.

Theo dự báo của Mordor Intelligence, sự tăng trưởng mạnh trên thị trường TĂCN trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy bởi chiến lược tăng trưởng của các công ty lớn dưới hình thức mở rộng và đầu tư, tăng tốc sản xuất TĂCN để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng để đa dạng danh mục sản phẩm và tiếp cận được các thị trường mục tiêu mới. Thêm vào đó, tỷ lệ các hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi hình thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại ngày càng tăng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội tăng trưởng thị trường TĂCN trong những năm tới.               

Phương Khang

Xổ số miền Bắc