100 năm Bảo tàng Khải Định: Một địa chỉ văn hóa đặc sắc ở cố đô Huế

Trần Đức Anh Sơn

  –  

Thứ hai, 23/01/2023 19:00 (GMT+7)

100 năm Bảo tàng Khải Định: Một địa chỉ văn hóa đặc sắc ở cố đô Huế
Ngai vua nhà Nguyễn trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong

9.000 hiện vật

Ngày nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang quản lý hơn 9.000 hiện vật, với gần 20 sưu tập (collection) được phân loại dựa trên các yếu tố: Loại hình, chất liệu, chức năng, giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Trưng bày tại nội điện Long An, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong.Trưng bày tại nội điện Long An, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong

Trong đó, đáng chú ý là các sưu tập: Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (hơn 2.000 hiện vật), Gốm Việt Nam thế kỷ XIV – XIX (gần 200 hiện vật), Gốm sứ Trung Hoa thời Nguyên – Minh – Thanh (gần 3.000 hiện vật), Đồ sứ Châu Âu thế kỷ XIX – XX (hơn 500 hiện vật), Đồ gỗ thời Nguyễn (gần 300 hiện vật), Đồ đồng thời Nguyễn (hơn 100 hiện vật), Pháp lam Huế (gần 100 hiện vật), Trang phục cung đình thời Nguyễn (hơn 120 hiện vật), Ấn triện thời Nguyễn, Nhạc khí thời Nguyễn, Súng thần công, Tranh gương cung đình Huế, Cổ vật Champa (gần 100 hiện vật)…

Trong đó có những sưu tập hiện vật đồ sộ, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kinh tế, được coi là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, nhiều hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Ngoài trưng bày cố định tại điện Long An, cung điện được các nhà phê bình mỹ thuật người Pháp đánh giá là “cung điện đẹp nhất kinh đô Huế” vào đầu thế kỷ XX, từ năm 1998 đến nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn thực hiện nhiều cuộc trưng bày chuyên đề tại: Đại Nội, cung An Định, lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế…; tham gia triển lãm và trưng bày cổ vật tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các nước: Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Áo, Hoa Kỳ… trong các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Trong những năm gần đây, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thường xuyên hợp tác với các bảo tàng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… và các nhà sưu tầm cổ vật ở trong và ngoài nước để hoán đổi và mượn cổ vật từ những tổ chức, cá nhân này đưa về trưng bày tại bảo tàng, phục vụ du khách tham quan, chiêm ngưỡng, nhất là trong các dịp Festival Huế và Festival Nghề thủ công truyền thống, được tổ chức định kỳ ở Huế.

Trong số đó, có nhiều cuộc triển lãm “cực chất”, thu hút hàng ngàn lượt du khách viếng thăm, như: Triển lãm Giao thương Nhật – Việt trong lịch sử (2017), triển lãm Đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh, chúa Nguyễn và thời Nguyễn – Tinh hoa hội tụ (2019), triển lãm Một thời bút nghiên (2019), triển lãm Sắc hoa trong cung đình Huế (2019), triển lãm Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn (2020), triển lãm Rồng – phượng trên bảo vật triều Nguyễn (2020)…

Cổ vật Champa trưng bày tại Phòng Chàm, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh.Cổ vật Champa trưng bày tại Phòng Chàm, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng thường xuyên nhận được cổ vật do các nhà sưu tầm trong và ngoài nước hiến tặng, như: Đồ sứ ký kiểu, sắc phong, ấn triện, trang phục cung đình triều Nguyễn, tiêu biểu là Công ty CP Tập đoàn Sunshine đã tặng cho bảo tàng chiếc mũ quan và chiếc áo nhật bình thời Nguyễn, sau khi doanh nghiệp này đấu giá thành công (với giá gần 17 tỉ đồng) tại Tây Ban Nha vào năm 2021.

Hướng mở cho tương lai

Sau 100 năm tồn tại và hoạt động, Bảo tàng Khải Định xưa – Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nay, đang bước vào thời kỳ mới, đòi hỏi phải có những chuyển động và thay đổi cho phù hợp.

Diện tích của bảo tàng hiện nay quá nhỏ so với nhu cầu cất giữ, bảo quản, nghiên cứu và trưng bày hiện vật của bảo tàng.

Tòa nhà trưng bày chính là điện Long An, dù đẹp, cổ kính và quý giá, nhưng không có chức năng là một phòng trưng bày đặc thù của bảo tàng. Nội thất điện Long An có quá nhiều cột, hệ thống tường bao bốn mặt đều lắp cửa kính để lấy sáng, nên không thể thiết lập các đai trưng bày áp tường như những bảo tàng khác.

Mặt khác, do tồn tại trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, nóng ẩm, mưa nhiều, lại được chuyển đến từ một nơi khác, điện Long An đã xuống cấp sau hơn gần 180 năm sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Trưng bày hiện vật trong điện Long An xưa. Ảnh chụp khoảng năm 1929. Ảnh tư liệuTrưng bày hiện vật trong điện Long An xưa. Ảnh chụp khoảng năm 1929. Ảnh tư liệu

Vì thế, điện Long An cần phải được tái trùng tu một cách toàn diện.

Sau khi tu sửa, ngôi điện nên trở lại chức năng ban đầu là một ngôi điện thờ vua Thiệu Trị và trưng bày các hiện vật có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của vị vua này.

Sau khi tỉnh Thừa Thiên – Huế di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế từ khuôn viên Quốc Tử Giám – ở phía trước Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện tại – đến địa điểm mới ở phía nam thành phố Huế, thiết nghĩ, tỉnh Thừa Thiên – Huế nên giao lại khuôn viên này cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế quản lý, biến nơi đây thành khu trưng bày mới của bảo tàng này.

Như vậy thì hàng ngàn cổ vật quý giá của bảo tàng này, trước nay vẫn được cất giữ trong kho vì thiếu không gian trưng bày, mới có cơ hội “ra mắt” công chúng; bảo tàng mới có điều kiện mở rộng không gian trưng bày ngoài trời để trưng bày các sưu tập hiện vật như súng thần công, hệ thống bia đá, tượng đài, đặc biệt là sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn (đã được công nhận là bảo vật quốc gia); hay thực hiện các trưng bày chuyên đề trong ngắn hạn.

Rồi đây, công cuộc trùng tu di tích Huế sẽ trả lại cho cung điện, đền đài, lăng tẩm Huế dáng xưa.

Lúc đó, những sưu tập đồ sứ, đồ gỗ, đồ đồng, đồ pháp lam, vàng bạc ngọc ngà… sẽ được tái hiện trong các cung điện của Huế xưa, giúp du khách có được cảm nhận chân xác về một thời huy hoàng lộng lẫy của Huế.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chính là nơi đang cất giữ “phần hồn” của những cổ tích ấy và sẵn sàng làm sống lại thời kỳ hoàng kim ấy, từ những kho báu mà tòa bảo tàng trăm tuổi này đang lưu giữ.

Xổ số miền Bắc