222. Những đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam

Một là, văn hóa là một loại sức sản xuất đặc thù: Tính đặc thù của nó ở chỗ, văn hóa ảnh hưởng và chế ước các hoạt động kinh tế một cách tích cực, năng động bằng các hiệu năng tổng hợp các quan niệm, hành vi, và trên một mức độ nhất định, đã trở thành lực lượng cấu thành nội tại của hoạt động kinh tế.

Nói một cách tổng quát về lao động sản xuất của loài người gồm hai dạng lớn: Lao động vật chất và lao động tinh thần. Lao động tinh thần là một trong những hoạt động thực tiễn cơ bản và quan trọng nhất của loài người. Thực tiễn lao động sản xuất của loài người là những hoạt động có ý thức, có mục đích, tức là sự thống nhất giữa lao động chân tay và lao động trí tuệ. Mọi hoạt động sản xuất của con người là những hành vi được tiến hành dưới sự chi phối của tư tưởng, ý thức, quan niệm trên cơ sở những điều kiện khoa học và kỹ thuật nhất định. Và tất cả những điều trên không thể tách rời cơ cở văn hóa và bối cảnh văn hóa nhất định. Với tư cách là một mô thức đã định của quan niệm và hành vi, văn hóa thẩm thấu và xuyên suốt toàn bộ quá trình lao động vật chất và lao động tinh thần, và phát huy tác dụng của nó một cách hết sức sâu sắc.

Hai là, xét từ quan điểm văn hóa và quan điểm sức sản xuất lớn, ta thấy rõ trong chúng có mối quan hệ biện chứng. Lịch sử phát triển xã hội đã chứng minh rằng, cùng với việc sức sản xuất giải quyết được việc biến đổi vật chất giữa con người với tự nhiên thì cũng luôn mang hình thái vật hóa thâm nhập sâu vào trong quá trình biến động của tinh thần, mà văn hóa cũng dùng hình thức hành vi và hệ thống quan niệm giá trị của mình phát triển, mở rộng đến cả biên giới của tự nhiên khách quan. Vì thế, văn hóa và sức sản xuất trong toàn bộ thực tiễn xã hội chủ yếu là trong hoạt động kinh tế , luôn thẩm thấu lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau và luôn đạt được sự thống nhất nội tại. Xét từ quan điểm sức sản xuất lớn thì văn hóa là sức sản xuất. Xét từ quan điểm đại văn hóa thì sức sản xuất cũng là văn hóa.

Từ những phân tích trên, chúng ta càng thẩu hiểu hơn trong lĩnh vực học thuật đã từng xuất hiện hơn 400 định nghĩa về văn hóa. Cũng từ luận giải trên mà các nhà nghiên cứu về văn hóa trong và ngoài nước đúc kết thành nhiều đặc trưng của văn hóa, trong đó nổi bật nhất bà bốn đặc trưng cơ bản sau:

 – Một là, tính hệ thống. Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị về văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần của cộng đồng người. Từ những thành tố căn bản này đã nẩy sinh và bao gồm những tập hợp nhỏ nhiều tầng bậc khác nhau tạo thành một tổng thể phức tạp, phong phú.

 – Hai là, tính giá trị. Văn hóa bao gồm các giá trị (giá trị thuộc về đời sống vật chất, giá trị thuộc về đời sống tinh thần) trở thành thước đó về mức độ nhân bản của xã hội và con người. Trong lịch sử phát triển của nhân loại có giá trị của văn hóa để tồn tại và có giá trị của văn hóa để phát triển.

 – Ba là, tính lịch sử. Văn hóa bao giờ cũng được hình thành qua một quá trình và được tích lũy qua nhiều thế hệ, là những thành tựu do cộng đồng người trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội mà được sáng tạo và luôn hướng tới sự hoàn thiện để đạt đến tính giá trị.

 – Bốn là, tính nhân sinh. Văn hóa là một hiện tượng thuộc về xã hội loài người, gắn liền với hoạt động thực tiễn của con người, là những giá trị do một cộng đồng người sáng tạo ra, thuộc về con người, ở trong con người và mang dấu ấn người. Điều đó cho thấy, con người vừa là chủ thể của văn hóa, đồng thời là khách thể của văn hóa, lại vừa là sản phẩm văn hóa.

2. Điều kiện hình thành văn hóa và những đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam

Văn hóa vốn là một hoạt động thuộc thế giới người nói chung và cũng là đặc trưng của mỗi cộng đồng người nói riêng. Nó là điều kiện sinh tồn của mỗi một con người, đồng thời cũng là thành tựu của từng tộc người và là cái để phân biệt giữa cộng đồng người này với cộng đồng người khác, là tấm “chứng minh thư” để xác định cá tính của từng dân tộc trong cộng đồng nhân loại, là “tấm giấy thông hành” giúp các quốc gia dân tộc cùng ngồi đàm phán, là thông điệp đưa các dân tộc xích lại gần nhau, là cơ sở, là nền tảng, là trụ cột, là sức mạnh quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

Văn hóa với tiềm lực, sức sống và thực lực độc đáo của mình, biểu hiện và tỏ rõ sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Đương nhiên, khi bàn về văn hóa nói chung hay văn hóa của một quốc gia dân tộc nói riêng là phải đề cập đến tự nhiên, vì xét cho cùng, cái “văn hóa” chỉ là cái “tự nhiên” được thích ứng và biến đổi bởi “con người”, để thỏa mãn những nhu cầu về mọi mặt của con người.

Cội nguồn của những đặc điểm, đặc trưng văn hóa dân tộc cố nhiên phải tìm trong những điều kiện lịch sử của dân tộc. Nhưng trước đó, và trong suốt quá trình lịch sử, cũng phải thấy những điều kiện địa lý từ đó ảnh hưởng đến phương thức canh tác, đến hình thái kinh tế… và áp lực của chúng lên hình thái xã hội – chính trị. Văn hóa trước hết là một sự trả lời, một sự ứng phó của cộng đồng cư dân trước những thành thức của những điều kiện địa lý – khí hậu, và sau đó là sự trả lời, ứng phó trước những thách thức của những điều kiện xã hội – lịch sử. Bởi vậy, khi bàn đến nét riêng biệt – cái đặc trưng của văn hóa Việt Nam thì phải tìm cội nguồn của nó từ thời đại đá mới, thời đại phát sinh nông nghiệp và làng xóm, phải chú ý đến những điều kiện nền tảng địa lý và môi trường thiên nhiên đã sản sinh nên những đặc trưng, đặc điểm văn hóa ấy. Không nên tách rời văn hóa với thiên nhiên. Vậy thì, xét về mặt thiên nhiên, nhân chủng, văn hóa Việt Nam khởi thủy là cùng chung trong khu vực Đông Nam Á chứ không phải là một với Trung Hoa. Khởi thủy, không gian địa lý tự nhiên Đông Nam Á bao gồm cả khu vực sông Trường Giang kéo dài về phương nam, khu vực phía Nam dải Tần Lãnh và gồm cả khu vực Atxam hiện tại. Môi trường thiên nhiên ở đây nảy sinh và phát triển văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Về mặt nhân chủng, cho đến giữa thiên niên kỳ thứ nhất trước công nguyên, về cơ bản, vùng Bách Việt theo nghĩa rộng, vùng Việt – Mường là vùng phi Hoa, phi Ấn. Đến khi Trung Quốc bành trướng xuống lưu vực sông Trường Giang thì Việt Nam và Trung Quốc căn bản là khác nhau: Việt Nam là vùng châu Á gió mùa, Trung Quốc là vùng châu Á đại lục, Việt Nam là vùng nông nghiệp lúa nước, Trung Quốc là vùng nông nghiệp khô ( trồng kê, cao lương, lúa mạch). Từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, Trung Quốc bành trướng xuống lưu vực sông Trường Giang và xa mãi về phía Nam, vùng Bách Việt co lại dần, chỉ còn lại Việt Nam – đại biểu duy nhất còn sót lại của phức hợp Bách Việt ngày xưa, tồn tại vừa với tính chất Dân tộc – Nhà nước (Nation – Etat), vừa với tính chất Dân tộc – Nhân dân (Nation – People). Từ đó xuất hiện trên thực tiễn những cái bất dị giữa Việt Nam và Trung Quốc[3]. Vậy là, cái khác nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc có trước, cái giống nhau giữa hai nước là có sau.

Việt Nam – Đông Nam Á là một vùng thiên nhiên phong phú, thống nhất nhưng đa dạng, cho nên văn hóa bản địa của vùng này cũng phong phú, đa dạng trong sự thống nhất. Với trào lưu lịch sử, những nền văn hóa vùng này lại tiếp thu các nhân tố ngoại sinh từ Ấn Độ, Trung Hoa, phương Tây nên lại càng đa dạng và càng có vẻ phủ mờ cái gốc – cái văn hóa bản thể, văn hóa nội sinh trong vùng.

Do điều kiện tự nhiên và điều kiện lịch sử hình thành quốc gia dân tộc và điều kiện kinh tế – xã hội, văn hóa Việt Nam sớm có xu thế giao lưu, hội nhập, tiếp biến, nhờ thế Việt Nam có nền văn hóa đa ngôn ngữ, giàu bản sắc, nền văn minh Đại Việt được xếp là một trong 34 nền văn minh đầu tiên của nhân loại. Nhiều học giả thống nhất rằng, bản sắc văn hóa Việt Nam được tạo ra ở vùng lúa nước sông Hồng cách đây hơn 4000 năm, được tôi luyện và khẳng định trong 2000 năm chống và đối thoại với Trung Quốc đã đủ tầm cở để tiếp biến văn hóa thành công. Thêm vào đó là trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm tiếp biến văn hóa Việt Nam với phương Tây dưới nhiều hình thức, vừa có cưỡng bức vừa có đối thoại văn hóa, có thời điểm vừa chống lại, vừa tiếp thu, khi tích cực, khi tiêu cực, có lúc cả hai, rất biện chứng, khó biện luận, tách biệt, nhưng quan trọng nhất là vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa hiện đại hóa.

Hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng. Trong những đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như đường lối xây dựng và phát triển đất nước từ ngày đổi mới đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa, coi phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Nói đến đặc trưng cơ bản của Văn hóa Việt Nam, trước hết phải khẳng định rằng, Văn hóa Việt Nam có những nét mang tính đặc trưng phổ biển của văn hóa nói chung, và đương nhiên là có những đặc trưng riêng biệt, đặc thù. Những đặc trưng cơ bản riêng biệt này được hình thành, đúc kết, bảo lưu, phát triển từ điều kiện địa lý tự nhiên, điều kiện lịch sử, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội riêng có của Việt Nam. Cho đến nay, nhiều học giả nghiên cứu chuyên ngành Việt Nam học, Văn hóa học, Văn hóa Việt Nam đã có nhiều ý kiến đa chiều về đặc trưng văn hóa Việt Nam, tạo nên bức tranh phong phú, nhiều màu sắc, đôi khi là tương phản. Thế nhưng, tổng hợp lại, có những nét chung tương đối khái quát gồm 5 đặc trưng văn hóa Việt Nam, thể hiện rõ ở 24 phẩm chất tốt cơ bản sau:

 – Một là, tính cộng đồng làng xã. Tính cộng đồng làng xã thể hiện rõ ở 6 phẩm chất tốt sau: (1) Tính đoàn kết, giúp đỡ; (2) Tính tập thể thương người; (3) Tính dân chủ, làng xã; (4) Tính trọng thể diện; (5) Tình yêu quê hương, làng xóm; (6) Lòng biết ơn. Bên cạnh những phẩm chất tốt cũng xuất hiện những hậu quả “sạn văn hóa”, những tật xấu như: Thói dựa dẫm; Thói cào bằng, chụp mũ; Bệnh sĩ diện, háo danh; Bệnh thành tích; Bệnh phong trào; Bệnh hình thức; Bệnh chặt chém (chém gió) v.v..

 – Hai là, tính trọng âm. Bảy phẩm chất tốt được biểu hiện trong tính trọng âm là: (1) Tính ưa ổn định; (2) Tính hiền hòa, bao dung; (3) Tính trọng tình, đa cảm; (4) Tính trọng nữ; (5) Thiên hướng thơ ca; (6) Sức chịu đựng, nhẫn nhịn; (7) Lòng hiếu khách. Bên cạnh bảy phẩm chất tốt, tính trọng âm cũng là mảnh đất hình thành những bệnh xấu như: Bệnh thụ động, khép kín; Bệnh lề mề, chậm chạp; Bệnh tủn mủn, thiếu tầm nhìn; Bệnh sùng ngoại v.v..

 – Ba là, tính ưa hài hòa. Có bốn phẩm chất của tính ưa hài hòa là: (1) Tính mực thước; (2) Tính ung dung; (3) Tính vui vẻ, lạc quan; (4) Tính thực tế. Cũng có những hậu quả tật xấu như: Bệnh đại khái, xuề xòa; Bệnh dĩ hòa vi quý; Bệnh trung bình chủ nghĩa; Bệnh nước đôi, thiếu quyết đoán.

 – Bốn là, tính kết hợp. Những biểu hiện tốt của tính kết hợp được thể hiện ở hai khả năng: (1) Khả năng bao quát tốt; (2)  Khả năng quan hệ tốt. Mặt trái của tính kết hợp này cũng tạo ra những hậu quả xấu như: Thói hời hợt, thiếu sâu sắc; Bệnh sống bằng quan hệ.

 – Năm là, tính linh hoạt. Biểu hiện của tính linh hoạt được thể hiện ở 2 phẩm chất tốt: (1) Khả năng thích nghi cao; (2) Tính sáng tạo. Tính linh hoạt nhiều khi cũng dẫn đến hậu quả xấu như: Thói tùy tiện, cẩu thả; Bệnh thiếu ý thức pháp luật; Thói khôn vặt.

Tổng hợp 5 đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam ta thấy phẩm chất, giá trị cốt lõi tốt nhất là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng nhân ái, thương người; tính cộng đồng làng xã, tính tinh tế.

Văn hóa, đặc trưng của văn hóa không phải là phạm trù bất biến, nó luôn vận động, phát triển cùng với sự biến đổi của điều kiện tự nhiên và sự phát triển của xã hội loài người. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu hóa, sự thay đổi về bối cảnh xã hội bên trong và bên ngoài, sự xung đột về hệ giá trị giữa văn hóa nông nghiệp – nông thôn truyền thống với văn hóa công nghiệp – đô thị hiện đại, cùng với nó là năng lực tổ chức, quản lý xã hội không ngừng đổi mới, tin chắc rằng, 5 đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam sẽ được bảo tồn và dịch chuyển theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Những năm gần đây, nhiều nhà khoa học đã và đang tập trung nghiên cứu, đề xuất nhiều hướng đi, nhiều giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Một số đề tài đã được công bố, trong đó nổi bật là đề tài cấp Nhà nước KX.04-15/11-15 “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” thuộc chương trình KH&CN trọng điểm KX-04/11-15 “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015” do GS,TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm. Trong đề tài này, khi bàn về đặc trưng văn hóa Việt Nam, tác giả đề xuất chuyển đổi đặc trưng văn hóa Việt Nam đến năm 2030 theo hướng sau:

  • Đặc trưng 1: Tính cộng đồng làng xã nên chuyển thành Tính cộng đồng xã hội.
  • Đặc trưng 2: Tính trọng âm và đặc trưng 3: Tính ưa hài hòa nên chuyển thành Tính hài hòa thiên về dương tính.
  • Đặc trưng 4: Tính kết hợp nên chuyển thành Tác phong công nghiệp.
  • Đặc trưng 5: Tính linh hoạt nên chuyển thành Tính linh hoạt trong nguyên tắc.[4]

Hiện tại và tương lai chắc sẽ còn nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu vấn đề này, và những đề xuất của họ sẽ được thực tiễn cuộc sống kiểm nghiệm lựa chọn, khả thi nhằm phục vụ mục đích cao cả là xây dựng nền Văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS, TS Lê Văn Toan
Original: 1, 2, 3

* Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chú thích: 

[1] Nội nguyên (Endogenesis) là khái niệm trong sinh vật học, vốn chỉ sự hình thành bên trong cơ thể tế bào sinh vật. Chúng tôi dùng khái niệm này để chỉ sự hình thành và vận động bên trong của văn hóa, nền văn hóa.
[2] C. Mác “Phê phán kinh tế chính trị học”, Tập 3 (1857-1859), NXB Nhân dân, 1963, tr.358.
[3] Xem thêm Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam –  tìm tòi  và suy ngẫm. NXB Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 2000, tr.56-77.
[4] Xem Trần Ngọc Thêm (chủ biên). Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 2015.

Tài liệu tham khảo:

  1. C.Mác. “Phê phán kinh tế chính trị học”, T3 (1857-1859), Nxb Nhân dân. 1963.
  2. Trần Quốc Vượng. Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hóa dân tộc. Tạp chí văn hóa nghệ thuật. Hà Nội, 2000, tr.56-77.
  3. Đảng CSVN. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Khóa VIII. NXB CTQG. Hà Nội, 1998.
  4. Đảng CSVN. Nghị quyết Hội nghị Trưng ương 9 Khóa IX. http://baodientuchinhphu.vn
  5. Phan Ngọc. Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới. NXB Văn hóa thông tin. Hà Nội, 1994.
  6. Trần Ngọc Thêm. Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 2015.
  7. Dương Phú Hiệp. Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam. NXB CTQG, Hà Nội, 2012.
  8. Trần Văn Giàu. Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. NXB CTQG. Hà Nội, 2011.

Xổ số miền Bắc