5 nhân tố vàng cấu thành văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp
Văn hoá kinh doanh là một phương diện của văn hoá xã hội, được thể hiện trong lĩnh vực kinh doanh. Văn hoá kinh doanh được cấu thành từ nhiều yếu tố và đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để xây dựng và phát huy vai trò của văn hoá kinh doanh mang sắc thái Việt Nam, theo tác giả, cần: thứ nhất, tạo môi trường thuận lợi cho văn hoá kinh doanh Việt Nam hình thành và phát triển; thứ hai, xây dựng và phát huy văn hoá doanh nghiệp; thứ ba, xây dựng và bồi dưỡng một đội ngũ đông đảo những doanh nhân có văn hoá.
Bài học về sự phát triển của các nước NICs và sự thất bại của một số nước tư bản phát triển trong lĩnh vực kinh tế đã khẳng định một cách sâu sắc vai trò của nhân tố văn hoá. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, của xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức, sự cạnh tranh trên thị trường thực chất là cạnh tranh của sắc thái văn hoá kinh doanh. Văn hoá kinh doanh ngày càng trở thành một tất yếu, một xu thế khách quan trong xã hội hiện đại. Các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó.
Theo nghĩa rộng, văn hoá kinh doanh là một phương diện của văn hoá trong xã hội, là văn hoá trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần, những phương thức và kết quả hoạt động của con người được tạo ra và sử dụng trong quá trình kinh doanh.
Xem thêm:
Nhân tố cấu thành văn hóa kinh doanh
Mục lục bài viết
Những nhân tố cấu thành nên văn hoá kinh doanh
1.Triết lý kinh doanh
Triết lý kinh doanh là những tư tưởng chỉ đạo, định hướng dẫn dắt hoạt động kinh doanh. Yếu tố cấu thành của triết lý kinh doanh bao gồm lý tưởng, phương châm hoạt động, hệ giá trị và các mục tiêu của doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh được hình thành từ thực tiễn kinh doanh và khả năng khái quát hóa, sự suy ngẫm, trải nghiệm của chủ thể kinh doanh. Triết lý kinh doanh là yếu tố cấu thành nên văn hóa kinh doanh. Nó thể hiện tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp có nền tảng văn hóa mạnh thì trước hết phải có triết lý kinh doanh mạnh, có tầm ảnh hưởng sâu sắc.
Mỗi doanh nghiệp muốn có văn hóa kinh doanh bền vững phải bắt đầu từ yếu tố cơ bản nhất là quan niệm kinh doanh đúng đắn. Làm sao để có được quan niệm kinh doanh đúng đắn và phù hợp làm nền tảng cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp là điều không hề đơn giản, đòi hỏi tầm nhìn, cái tâm và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của chủ thể kinh doanh.
2. Đạo đức kinh doanh
Văn hoá kinh doanh còn thể hiện ở hành vi, ở chính phẩm chất đạo đức, tài năng và phong cách của nhà kinh doanh. Đó là những phẩm chất đạo đức, như tính trung thực, sự tôn trọng con người, luôn vươn tới sự hoàn hảo…; là sự hiểu biết về thị trường, về nghề kinh doanh, khả năng xử lý tốt các mối quan hệ, nhanh nhạy, quyết đoán và khôn ngoan; là phong cách làm việc, phong cách ứng xử và sinh hoạt, phong cách diễn đạt… của nhà kinh doanh.
Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như đóng góp đầy đủ cho ngân sách nhà nước, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn trọng những quy phạm đạo đức trong quan hệ xã hội, quan hệ kinh doanh, tôn trọng các giá trị truyền thống… cũng là một sắc thái của văn hoá kinh doanh.
3. Văn hóa doanh nhân
Qua quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp, văn hóa của người lãnh đạo sẽ phản chiếu lên văn hóa kinh doanh. Những gì nhà lãnh đạo quan tâm, khuyến khích thực hiện, cách thức mà người lãnh đạo đánh giá, khen thưởng hoặc khiển trách nhân viên sẽ thể hiện cách suy nghĩ và hành vi của họ và điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi của toàn bộ nhân viên dưới quyền.
Doanh nhân là những người có vai trò quyết định văn hóa kinh doanh thông qua việc kết hợp hài hòa các lợi ích để doanh nghiệp trở thành ngôi nhà và là vận mệnh chung của tất cả mọi người.
4. Văn hóa doanh nghiệp
Văn hoá doanh nghiệp tạo nên nét đặc trưng của văn hóa kinh doanh
Văn hóa doanh nghiệp tạo nên nét đặc trưng của văn hóa kinh doanh: mỗi doanh nghiệp có một đặc trưng kinh doanh riêng và chính văn hóa doanh nghiệp tạo nên nét khác biệt đó. Các giá trị cốt lõi, các thói quen hay cách họp hành, đào tạo, thậm chí đến cả đồng phục, giao tiếp…đã tạo nên văn hóa kinh doanh riêng biệt cho từng doanh nghiệp. Rõ ràng việc có được điều này là vô cùng quan trọng, giữa hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp trên thị trường thì có một đặc trưng riêng sẽ giúp doanh nghiệp nổi bật, dễ nhận biết và có một định vị tốt trong tâm trí khách hàng và đối tác. Khả năng kinh doanh, cũng như uy tín của doanh nghiệp theo đó cũng được đẩy mạnh.
5. Văn hóa ứng xử trong kinh doanh
Văn hoá kinh doanh còn thể hiện ở sự giao lưu, giao tiếp trong kinh doanh. Đó là mối quan hệ giữa người bán và người mua, là văn hoá trong giao tiếp với khách hàng để tạo ra sự thích thú đối với họ; đó là thái độ với đối tác làm ăn, với đối thủ cạnh tranh; là văn hoá trong đàm phán, ký kết các hợp đồng thương mại, là văn hoá trong soạn thảo các thông điệp quảng cáo… Đó còn là sự giao lưu văn hoá giữa các vùng, miền của mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, sự cạnh tranh trên thị trường thực chất là cạnh tranh của sắc thái văn hoá kinh doanh. Văn hoá kinh doanh ngày càng trở thành một tất yếu, một xu thế khách quan trong xã hội hiện đại.
Phải bằng các biện pháp giáo dục, đào tạo kiến thức văn hoá cho các nhà kinh doanh để giúp họ nâng cao nhận thức và hành động. Phải thông qua các chương trình văn học nghệ thuật, thông tin nghe nhìn, giải trí, du lịch, câu lạc bộ… để giáo dục những người làm kinh tế, kinh doanh nhất là những người chủ chốt.
Văn hoá kinh doanh là một giá trị không thể thiếu của hoạt động kinh doanh. Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, trong môi tường cạnh tranh và hội nhập thì việc xây dựng và phát huy văn hoá kinh doanh là một việc làm hết sức cần thiết nhưng cũng không ít khó khăn. Văn hoá kinh doanh Việt Nam là một giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam. Nó ngày càng được khẳng định như một nguồn lực nội sinh của sự phát triển kinh tế Việt Nam. Quá trình khơi dậy và phát huy văn hoá kinh doanh Việt Nam là một sự nghiệp to lớn đòi hỏi phải phát huy cao độ văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý, nâng cao không ngừng văn hoá doanh nghiệp và xây dựng một đội ngũ doanh nhân có văn hoá
Theo Nhanh.vn