522. ? Văn hóa Phùng Nguyên: rực rỡ một nền văn hóa cổ

 1. Môi trường sinh thái

1.1. Điều kiện địa lý

Bắc Bộ Việt Nam được chia thành vùng đồng bằng và vùng núi, địa thế tây bắc cao, đông nam thấp. Đồng bằng Sông Hồng là đồng bằng chính, địa thế thấp, bằng phẳng, có nhiều hồ ao, ruộng đất phì nhiêu, dân số đông đúc. Sông Hồng là một con sông lớn nhất của Bắc Bộ Việt Nam, bắt nguồn từ Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đây cũng là một trong những con sông có lượng nước nhiều nhất trên thế giới. Sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất lao động. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ ở vùng duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định. Nguồn cá bột của sông Hồng đã cung cấp giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng Bắc Bộ [18, tr.158].

1.2. Điều kiện khí hậu

Bắc Bộ quanh năm có nhiệt độ tương đối cao và ẩm, nền khí hậu chịu ảnh hưởng từ lục địa Trung Hoa chuyển qua và mang tính chất khí hậu lục địa. Toàn vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm quanh năm với 2 mùa rõ rệt hè, đông. Đồng thời hàng năm chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Nhiệt độ trung bình năm tăng dần từ phía bắc xuống phía nam và có khí hậu giao hoà, là đặc trưng của khu vực đồng bằng Bắc Bộ và ven biển.

Có điều kiện khí hậu nhiệt đới, tài nguyên động vật, thực vật của Bắc Bộ Việt Nam rất phong phú và đa dạng, hệ thống sinh thái phức tạp, tạo ra sự ảnh hưởng rõ rệt đối với hoặt động săn bắn của cư dân, cũng khiến nông nghiệp vùng này mang đặc điểm khác biệt với vùng nông nghiệp khác. Tùy theo sự phát triển của nông nghiệp trồng lúa, lương thực sản xuất đứng vai trò quan trọng trong cuộc sống kinh tế, lúa gạo chính 2 mùa đến 3 mùa một năm [18, tr.158].

2. Khái quát về văn hóa Phùng Nguyên

2.1. Quá trình phát hiện và nghiên cứu 

Di chỉ văn hóa Phùng Nguyên đã được phát hiện ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng và một vài nơi khác trong lưu vực sông Hồng (Hình 1). Tính đến năm 1998, có khoảng 55 địa điểm đã được phát hiện có dấu vết văn hóa đồng dạng với các di chỉ Phùng Nguyên, trong đó có 3 địa điểm có di cốt người (Hình 2,3). Ở những nơi đây, trong tất cả các hiện vật khảo cổ khai quật được thuộc nền văn hóa này, ngoài ít mẩu xỉ đồng, hiện tại chưa hề tìm thấy bất kỳ công cụ bằng đồng nào. Công cụ bằng đá phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối. Đồ trang sức bằng các loại đá, đá bán quý, ngọc được tìm thấy nhiều, đặc biệt là các vòng đá. Ngoài đồ đá, cư dân Phùng Nguyên đã biết chế tạo đồ gốm đặc sắc từ khâu làm đất, tạo dáng cho đến hoa văn trang trí.

Có thể lấy năm 1959, năm phát hiện di chỉ Phùng Nguyên và đầu năm 1971, năm tổ chức nghiên cứu thời Hùng Vương lần thứ IV là mốc mở đầu và kết thúc lịch sử nghiên cứu nền văn hóa này. Công cuộc nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên đã đạt được những thành tựu xuất sắc. Tư liệu phát hiện và nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên đã dày hàng ngàn trang. Vị trí ý nghĩa và khoa học của văn hóa Phùng Nguyên là rất lớn đối với lịch sử Việt Nam nói chung và khảo cổ học Việt Nam nói riêng.

Di chỉ Phùng Nguyên được khai quật nhiều lần và nhiều cơ quan tham gia nghiên cứu di chỉ này. Di chỉ Phùng Nguyên được bộ môn Khảo cổ học trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội tiến hành khai quật lần thứ ba từ ngày 23/2 đến 13/3 năm 1968. Các cuộc khai quật do Hà Văn Tấn phụ trách. Diện tích khai quật mỗi hố là 100m2. Di vật thu được gồm 69 hiện vật đá , 19 hiện vật gốm và trên 5000 mảnh gốm. Như vậy từ năm 1959 đến 1968, các nhà khảo cổ học đã khai quật trên diện tích rộng ở Phùng Nguyên trên diện tích 3.917m2 khai quật và 41m2 thám sát. Số lượng di vật phát hiện được trong 3 lần khai quật này là hết sức đồ sộ và quý giá, gồm gần 2000 di vật đá, trên 130 di vật gốm và trên 100.000 mảnh gốm lớn nhỏ. Tầng văn hóa ở đây nói chung là đơn giản, chỉ có một lớp tương đối mỏng (dày 0,1-0,30m). Đây là nguồn tư liệu có giá trị nhiều mặt giúp cho quá trình điều tra, thám sát và khai quật hàng loạt các di tích Phùng Nguyên khác. Ngay sau khi phát hiện và có những đợt khai quật ở di chỉ Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ đã lần lượt tìm thấy hàng loạt các địa điểm khác cách không xa nó, có những đặc trưng văn hóa tương tự. Có thể kể tên những di tích chính như sau: Xóm Rền, Phùng Nguyên, Gò Bông, Khu Đường, Thành Dền/Cao Xá… tỉnh Phú Thọ; Gò Hện, Văn Điển, Đình Chiền, Đồi Đồng Dâu… Hà Nội. Kết quả thu được trong những năm đầu nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên thật lớn lao. Các nhà khảo cổ học đã có trong tay khối tư liệu rất phong phú, đa dạng về loại hình văn hóa đủ cơ sở để khẳng định đó là một nền văn hóa sơ kỳ đồng thau- văn hóa Phùng Nguyên.

2.2. Niên đại

Căn cứ vào việc phân tích tổng thể các dấu tích văn hóa vật chất của các địa điểm thuộc văn hóa Phùng Nguyên thì văn hóa này không còn ở hậu kỳ đá mới nữa mà đã ở vào sơ kỳ thời đại đồng thau.

Đa số các nhà nghiên cứu đều theo quan điểm thứ hai. Như vậy văn hóa Phùng Nguyên có niên đại mở đầu từ cuối thiên niên kỷ thứ III trước công nguyên – đầu thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên và kết thúc vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên.

3. Đặc điểm của văn hóa Phùng Nguyên

3.1. Loại hình di tích

Các địa điểm văn hóa Phùng Nguyên phân bố tập trung ở khu vực hợp lưu của các con sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Thao và sông Đáy tức vùng Nam Phú Thọ, Đông Bắc Hà Tây cũ, Hà Nội, Nam Bắc Ninh. Phần lớn các di tích nằm ở miền trước núi, dưới chân đồi núi đất, ven sông suối ở vùng trung du. Nhiều địa điểm trên các khu đất cao châu thổ, ven biển.

Loại hình: Trên 50 địa điểm thuộc văn hóa Phùng Nguyên tập trung phần lớn ở tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc (34 địa điểm), Hà Nội bao gồm cả Hà Tây cũ (14 địa điểm), Bắc Ninh (6 địa điểm). Nhìn chung địa bàn phân bố các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên khá rộng lớn, bao gồm cả vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Văn hóa Phùng Nguyên tồn tại và phát triển trong thời gian cách ngày nay trên dưới 4000 năm. Những dấu tích còn lại hầu hết là các làng định cư, các di chỉ cư trú ngoài trời. Diện tích các làng định cư này nhìn chung khoảng 1 vạn mét vuông. Cá biệt có những làng có diện tích khá lớn tới 2 đến 3 vạn mét vuông (Văn Điển, Phùng Nguyên, Gò Bông…)

Người Phùng Nguyên thường cư trú trên các đồi gò đất nổi cao hơn mặt ruộng xung quanh từ 0,5m đến 2-3 m, cá biệt có trường hợp cao đến 5-6m như di chỉ Gò Bông, Gò Chè (Tam Thanh, Phú Thọ). Lớp đất văn hóa có độ kết chặt tùy thuộc vào tính chất thổ nhưỡng của từng vùng, nhưng nhìn chung cứng rắn có xen lẫn các hạt latêrit kết vón. Đất có màu xám đen và chứa đựng thuần nhất các di vật khảo cổ học như đồ đá, đồ gốm, ít xương răng và tro than. Tích tụ tầng văn hóa ở các di chỉ Phùng Nguyên nhìn chung không dày lắm, trung bình khoảng 0,7m, dày nhất đến 2m (di chỉ Xóm Rền). Một số di chỉ có độ dày tầng văn hóa không đều, có chỗ dày chỗ mỏng tùy thuộc địa hình cư trú. Tuy đã phát hiện được 50 địa điểm của văn hóa này, trong đó số di chỉ đã được khai quật cũng hơn 25 địa điểm , song các dấu vết cư trú, nhà cửa vẫn còn là vấn đề chưa sáng tỏ. 

Căn cứ vào tính chất và đặc điểm các di tích văn hóa Phùng Nguyên, có thể phân chia thành 3 loại hình:

  • Di chỉ cư trú
  • Di chỉ-xưởng
  • Di chỉ cư trú-mộ táng

Phần lớn các di tích cư trú Phùng Nguyên đã được phát hiện và nghiên cứu thuộc loại hình di chỉ cư trú, loại di chỉ thường gặp có 1 tầng văn hóa Phùng Nguyên thuần nhất, có thể chỉ thuộc 01 giai đoạn phát triển nhất định như thuộc giai đoạn sớm hoặc giai đoạn giữa-giai đoạn Phùng Nguyên cổ điển. Cũng như những di chỉ cư trú tầng văn hóa phát triển qua 02 giai đoạn sớm và giữa. Đáng chú ý là hệ thống các di chỉ cư trú thuộc giai đoạn muộngiai đoạn Phùng Nguyên sau cổ điển. Đa số các di chỉ này tập trung ở các vùng đồng bằng cao, mà không phải phân bố ở vùng trung du là chính như 2 giai đoạn trước. Trong các di chỉ này yếu tố văn hóa Đồng Đậu đã xuất hiện rõ nét.

Các di chỉ xưởng nằm ở giai đoạn cuối văn hóa Phùng Nguyên bước sang văn hóa Đồng Đậu. Cho đến nay mới tìm thấy 03 di chỉ xưởng với tính chất công xưởng rõ ràng. Điều đặc biệt là tính chuyên môn hóa của chúng khá cao: Di chỉ xưởng Gò Chè chế tác công cụ đá là chính-xưởng Bãi Tự chế tác mũi khoan, di chỉ xưởng Tràng Kênh chế tác vòng trang sức là chủ yếu.

Di chỉ cư trú mộ táng, nếu không kể địa điểm Xóm Rền với phát hiện dấu tích 2 ngôi mộ lẻ loi nằm ngay trong di chỉ cư trú, đến nay chúng ta mới tìm thấy được 1 địa điểm thuộc loại hình này. Đó là địa điểm Lũng Hòa. Tại Lũng Hòa đã phát hiện được cả một khu mộ tập trung. Trong diện tích hố khai quật không lớn lắm đã tìm thấy 12 ngôi mộ có những đặc điểm tương tự nhau, chứng tỏ chúng cùng thuộc 1 thời đại, một nhóm cư dân. Khu mộ địa cũng phân bố trong phạm vi cư trú, đất lấp mộ chứa nhiều di vật giống như các di vật tìm thấy trong tầng văn hóa và đồ tùy táng được chôn theo người chết.

Địa tầng: Có 5 loại hình di tích theo diễn biến địa tầng:

  • Loại có một tầng văn hóa thuộc văn hóa Phùng Nguyên.
  • Loại có địa tầng phát triển liên tục từ cuối Phùng Nguyên sang Đồng Đậu – Loại di chỉ- xưởng phát triển từ cuối Phùng Nguyên sang Đồng Đậu.
  • Loại di chỉ xen lẫn mộ táng.
  • Loại mộ táng tách riêng khỏi di chỉ cư trú.

3.2. Đặc trưng di vật

– Đồ đá: Có người đã nói rằng: Nếu có một nghề thủ công nào để lại nhiều minh chứng nhất về kỹ thuật học, mà không những bằng chứng đó lại hầu như không bị hủy hoại bởi thời gian, thì đó chính là nghề sản xuất đồ đá. Cũng như vậy, nếu có một nền văn hóa khảo cổ nào hàm chứa nhiều tinh hoa hơn cả về kỹ thuật chế tác đá và sản phẩm đồ đá, thì đó chính là văn hóa Phùng Nguyên (Hình 5).

Di vật đá Phùng Nguyên hầu hết đều có kích thước nhỏ. Kể cả công cụ sản xuất cũng như đồ trang sức đều được chế tạo bằng các loại đá có độ rắn cao, màu sắc đẹp.

Đặc trưng về nguyên liệu và loại hình.

*Về vấn đề nguyên liệu đá trong văn hóa Phùng Nguyên:

Những tài liệu khảo cổ học cho biết rằng nguyên liệu dùng để chế tác đá của cư dân Phùng Nguyên rất đa dạng. Đó là các loại đá: Basalt, spilite, nephrite, gres, schist, jade,jasper. Họ không những biết lựa chọn các loại đá tốt mà còn có ý thức sử dụng từng loại đá sao cho thích hợp với từng loại công cụ hay đồ trang sức. Ví dụ, đá Basalt thường được sử dụng để chế tạo các loại công cụ có số lượng nhiều và kích thước lớn; đá nephrite chủ yếu để chế tạo đồ trang sức, đá sa thạch cát kết được sử dụng làm dao cưa, bàn mài; đá silic-jasper dùng làm mũi khoan. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, ngoài đồ trang sức, đá nephrite còn được sử dụng để chế tạo các loại rìu bôn, đục cỡ vừa và nhỏ. Như vậy,người Phùng Nguyên phải biết rõ về thuộc tính từng loại đá thì mới có thể sử dụng chúng để chế tạo từng loại công cụ thích hợp.

* Về công cụ sản xuất ở văn hóa Phùng Nguyên rất phong phú. Di vật có số lượng nhiều nhất là bôn đá hình tứ giác có lưỡi vát lệch một bên. Số lượng rìu tứ giác cân xứng trong các di chỉ thuộc văn hóa này ít hơn, có những địa điểm không có. Những di vật vẫn gọi là rìu và bôn có thể gồm 3 loại sau:

-Rìu: Lưỡi vát chữ V cân xứng.

-Bôn: Lưỡi vát một bên thành chữ V lệch.

-Rìu bôn: Lưỡi vát hai bên không đều nhau.

Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng quy mô kích thước vừa phải là đặc trưng nổi bật của công cụ sản xuất văn hóa Phùng Nguyên. Kích thước bôn tập trung trong khoảng dài 6-7cm, rộng 3-4cm, dày 1-2cm. PGS.TS Hán Văn Khẩn thì cho rằng: rìu, bôn và rìu bôn Phùng Nguyên gồm 2 loại rõ ràng:

-Loại hẹp ngang và dày.

-Loại rộng ngang và mỏng.

Nếu căn cứ vào quy mô kích thước thì mỗi loại lại có thể chia ra làm 3 loại sau:

-Loại lớn có kích thước 8 đến trên10 cm.

-Loại vừa có kích thước từ 5 đến 7 cm.

-Loại nhỏ có kích thước từ 4cm trở xuống.

Ba đợt khai quật di chỉ Phùng Nguyên thu được 531 chiếc rìu bôn, 246 chiếc rìu tứ giác lưỡi vát đều 2 bên. Di chỉ Gò Bông đã tìm thấy 44 chiếc bôn trong khi rìu đá chỉ thấy có 4 chiếc. Di chỉ Đồng Vông, số lượng bôn tìm thấy cũng nhiều hơn rìu 2 chiếc.

Trong số bôn đá tìm thấy ở các địa điểm Phùng Nguyên cũng có một số lượng không nhỏ những bôn có kích thước nhỏ,mỏng. Về mặt hình dáng, những bôn loại này chủ yếu có hình tứ giác, gần vuông hoặc dài, một số chiếc có đầu đốc thon nhỏ hơn phần lưỡi, lưỡi có độ lượn hơi vòng cung, kích thước trung bình của loại bôn này nằm trong khoảng chiều dài1,8-2,5 cm, rộng 1,5-2 cm, dày 0,3-0,5 cm, góc lưỡi 30-40 độ, đặc biệt có nhiều chiếc chiều dài và chiều rộng tương đương nhau.

Những chiếc rìu đá điển hình ở Phùng Nguyên cũng là rìu tứ giác, mặt cắt ngang hình tứ giác và nhìn trực diện cũng là hình tứ giác. Các địa điểm thuộc văn hóa này, hầu như không thấy sự xuất hiện của rìu đá có mặt cắt ngang hình bầu dục. Rìu lưỡi cân Phùng Nguyên đa số có dáng hình thang, nhưng phần lưỡi thường chỉ nhỉnh hơn phần đốc một chút. Toàn thân rìu được mài nhẵn, ở nhiều chiếc rìu thuộc địa điểm Phùng Nguyên còn cho thấy rõ rệt dấu vết sử dụng mòn vẹt của chúng. Kích thước rìu Phùng Nguyên nhỏ nhắn, xinh xắn; loại rìu có kích thước lớn hơn cũng chỉ tập trung ở khoảng dài 6-7 cm, rộng 4-5 cm ,dày 1,5-2 cm. Trên thân một số rìu còn sót lại các dấu ghè, đẽo hoặc mẻ sứt trong quá trình chế tác và sử dụng. Đa số rìu Phùng Nguyên đều có góc lưỡi sắc (khoảng ở 40 độ-50 độ cho loại kích thước trên).

Đáng chú ý là, trong các địa điểm thuộc văn hóa này không có ít rìu đá được chế tác bằng đá ngọc Nephrite có các màu đẹp: trắng đục, trắng vân hồng, vân xanh. Loại rìu này có kích thước nhỏ bé, xinh xắn, kích thước trung bình của loại rìu này có độ dài trên dưới 3 cm, rộng 2 hoặc hơn 2 cm, dày 0,5 cm, cá biệt còn có những chiếc rìu lưỡi cân xứng, dáng đẹp kích thước nhỏ hơn. Sự có mặt của những chiếc rìu này khiến chúng ta nghĩ tới 1 nghề thủ công nhẹ nhàng tỉ mỉ hơn là những thao tác sản xuất thô nặng.

Tại di chỉ Phùng Nguyên đã tìm thấy 246 chiếc rìu các loại nhưng không hề có chiếc rìu mài có chiều dài đến10 cm. Loại rìu nhỏ (dài dưới 4 cm,rộng dưới 2,5 cm) chiếm tới 40% tổng số rìu. Tại di chỉ Văn Điển cũng đã tìm được 181 chiếc rìu tứ diện, kiểu dáng và kích thước, quy thức chế tác cũng giống hệt như rìu tìm thấy ở Phùng Nguyên. Riêng ở địa điểm Gò Bông, trên tổng diện tích 178 m2 khai quật khoa Sử Đại học Tổng Hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH&NV) đã thu thập được trên 500 hiện vật đá nhưng số lượng rìu đá chân chính chỉ có 7 chiếc (bên cạnh 108 chiếc bôn đá). Tại địa điểm Gò Hện, rìu và bôn theo báo cáo khai quật cho biết có số lượng tương đương nhau (rìu: 9 chiếc, bôn: 9 chiếc) trong tổng số 113 di vật đá. Trong 1 vài địa điểm thuộc văn hóa Phùng Nguyên, còn có mặt loại rìu có vai hay có nấc như ở Phùng Nguyên, Núi Xây… tuy số lượng rất ít, nhưng sự có mặt của những loại rìu này cho ta thấy sự giao lưu văn hóa với các cư dân khác đã khá phát triển.

Trong số công cụ sản xuất của văn hóa Phùng Nguyên, ngoài rìu và bôn ra, còn phải kể số lượng đến lớn đục đá. Đục đá Phùng Nguyên có đặc điểm nhỏ nhắn cũng như rìu và bôn, được chế tác từ các loại đá mịn hạt, độ cứng dáng kể như Spilite, Nephlite, và có những màu sắc đẹp. Loại hình của đục cũng đa dạng, có thể phân chia thành các loại chính sau: Đục bằng, đục mảnh vòng, đục nhọn, đục vũm và đột.

Đục bằng có số lượng nhiều nhất, có lưỡi bằng, lưỡi mài vát một hoặc cả 2 mặt giống đục sắt hiện nay. Đụa bằng có chiếc khá dày, có chiếc khá mỏng. Đục bằng có thân dài, hẹp ngang, mặt cắt ngang là hình thang, chữ nhật, hình vuông hay hình thấu kính. Kích thước của loại đục này rất khác nhau: dài từ 3-4cm, rộng 1-3cm, dày 1-3cm. Chiếc đục phát hiện được ở Xóm Rền xứng đáng được xếp vào loại đục dày, dài và dày nhất của văn hóa Phùng Nguyên.

Đục được làm bằng đá Spilite màu xám, có quy mô kích thước khá lớn: dài 13 cm, rộng 3,5 cm, dày 2,5 cm, mặt cắt ngang hình chữ nhật. Khác với đục dày, đục mỏng có lưỡi mài vát 2 hoặc 1 mặt, mặt cắt ngang chủ yếu là hình thang, chữ nhật cũng đủ kích cỡ từ lớn đến nhỏ. Kích thước loại đục này tập trung trong khoảng: dài từ 3 đến 10 cm, rộng từ 1-1,5 cm, dày từ 0,5-0,8 cm. Loại đục này thường được làm bằng đá Nephrite rất đẹp. Rõ ràng, loại đục dày cũng như đục mỏng có đủ các loại kích thước từ dài đến ngắn, từ rộngđến hẹp, từ dày đến mỏng. Như vậy với bộ đục gồm nhiều kiểy loại này, người thợ thủ công có thể dễ dàng đục, khoét các lỗ vuông, chữ nhật, hình tam giác hay hình thang trên các vật liệu tre gỗ để là khung nhà cửa…

Đục móng (hay còn gọi là đục vũm) là một loại đục chuyên dụng để đục khoét các lỗ tròn giống như đục móng của người thợ mộc ngày nay. Đục móng thường có số lượng ít hơn các loại đục trên nhưng cũng khá phổ biến ở nhiều di tích Phùng Nguyên, như Phùng Nguyên, Chùa Gio, Văn Điển, Đồng Vông…

Đục mảnh vòng được làm bằng đá Nephrite với các màu sắc khác nhau, như trắng ngà, hồng nhạt, hay tím mận chín. Đây là công cụ do người Phùng Nguyên khéo léo tận dụng những mảnh vòng gãy, rộng bản (từ 1-2cm) đem mài chế thành những đục nhỏ xinh xắn. Gọi là đục nhưng chưa chắc nó được sử dụng như những đục đá thực thụ. Bởi vì nó nhỏ và mỏng manh có khi lại cong nên rất có thể đục mảnh vòng còn được sử dụng như dao để cắt, gọt, rạch, khắc.

Đục nhọn hay đục đinh được làm từ mảnh đá, mảnh tước hay mảnh công cụ vỡ. Đục thường được làm bằng đá Nephrite hay Spilite. Tuy nhiên loại công cụ này không có nhiều lắm trong các di tích Phùng Nguyên.

Đột có mặt trong các di tích Phùng Nguyên không nhiều, được làm bằng đá Nephrite, có mặt cắt ngang hình bầu dục, một đầu lớn, một đầu nhỏ, đầu nhỏ được mài nhỏ dần thành hình tròn. Nhìn chung nó có dạng giống đột sắt hiện nay. Như vậy đục gồm nhiều loại khác nhau, được làm bằng đá Nephrite hay Sphilite, có mặt cắt khác nhau (hình thang, hình vuông hình chữ nhật…) có kích thước từ 3-10cm, rộng 1-2 cm, dày từ 1-5cm. Để tiết kiệm nguyên liệu và công sức, người Phùng Nguyên đã tận dụng các mảnh vòng gãy, mảnh công cụ vỡ để làm công cụ.

Tại di chỉ Phùng Nguyên đã tìm thấy 59 chiếc đục, kích thước trung bình thường có chiều dài 3-4 cm, thân rộng 1 hoặc hơn 1 cm, bề dày của đục thường chỉ khoảng 0,3-0,5 cm. Có những chiếc đốc bằng, cũng có những chiếc đốc tròn do sử dụng lâu ngày. Tại Văn Điển đã phát hiện được 20 chiếc đục. Khi khai quật Đồng Vông và Gò Bông cũng tìm thấy ở mỗi nơi 7 chiếc…

Tại một số địa điểm, thuộc nhóm công cụ sản xuất bằng đá còn phải kể đến các loại dao đá, ềm đá. Hình dạng của loại di vật này cũng rất khác nhau, có những dao đá hình dáng dài, thuôn, rìa lưỡi sử dụng rõ ràng nằm về một phía (dao đá ở Tràng Kênh), nhưng cũng có những dao đá chỉ là các mảnh, phiến tước dài được sử dụng đến mòn vẹt. Tại Gò Hện, đã tìm được 6 chiếc dao đá có kích thước và rìa lưỡi sử dụng rất khác nhau. Có chiếc dài 7,2 cm, bản rộng là 4 cm, nhưng cũng có chiếc chiều dài là 4 cm mà rộng bản lưỡi lại là 5,5 cm.

Đáng chú ý là một số di vật đá được coi là liềm. Liềm có chức năng chuyên biệt trong việc gặt hái ngũ cốc, cắt cây thân thảo, vì vậy sự có mặt của liềm là một yếu tố quan trọng để đánh giá trình độ sản xuất lương thực của người xưa.

Một số di vật được xác định là liềm đã tìm thấy trong các địa điểm thuộc văn hóa Phùng Nguyên, trong đó chiếc liềm ở địa điểm Gò Bông là điển hình. Liềm được làm bằng một phiến tước dài phần chuôi liềm có bề rộng nhất 3,5 cm, đây cũng là phần đáy nhất của liềm. Phần tiếp giáp với sống liềm về phía lưỡi có ngấn tròn (bị vỡ chỉ còn một phần cung tròn) có tác dụng để buộc dây, tra cán. Đặc biệt phần lưỡi liềm tuy bị gãy, phần còn lại dài 4 cm, nhưng vẫn thấy chiều cong giống hệt liềm cắt hiện đại. Rìa lưỡi rất sắc và bóng nhẵn do sử dụng. Phần sống lưng của liềm dày 0,3-0,7cm, được mài nhẵn. Thân liềm còn nhiều vết ghè đẽo.

Chiếc liềm này được phát hiện trong lần khai quật thứ hai ở địa điểm Gò Bông.

Nhiều nhà nghiên cứu cho đây là bằng chứng gián tiếp về một nền nông nghiệp trồng lúa trong văn hóa Phùng Nguyên.

Trong nhóm công cụ sản xuất thuộc văn hóa Phùng Nguyên, còn có một số lượng không nhỏ các cưa đá. Các cưa đá đều được chế tác bằng đá sa thạch hạt mịn hoặc thô thùy theo từng nơi. Loại công cụ này thấy ở nhiều địa điểm nhất là trong các công xưởng như Tràng Kênh, Bãi Tự hay Gò Chè…

Ngoài ra còn phải kể đến sự có mặt của mũi khoan đá trong các địa điểm văn hóa Phùng Nguyên. Mũi khoan là một công cụ không thể thiếu được trong quá trình chế tạo đồ trang sức (vòng tay,vòng chân,khuyên tai và hạt chuỗi). Đây là một trong những di vật từng là đối tượng sản xuất của hai công xưởng Bãi Tự và Tràng Kênh, à nơi chuyên sản xuất mũi khoan đá và đồ trang sức có niên đại Phùng Nguyên muộn. Tại hai công xưởng này đã tìm thấy hàng ngàn mũi khoan đá.

Ngoài ra ở văn hóa Phùng Nguyên còn có rất nhiều các loại bàn mài, hòn kê, hòn đập, bàn đập bằng đá. Bàn mài là công cụ không thể thiếu trong việc chế tác đá của cư dân Phùng Nguyên. Bởi vì,tuyệt đại bộ phận công cụ sản xuất, vũ khí và đồ trang sức được mài nhẵn hoàn toàn. Bàn mài Phùng Nguyên được làm từ các loại đá quác dít, quác dít hóa yếu, đá sa thạch, sa thạch có phen-xpát, phôn-li. Bàn mài có một số màu sắc chủ yếu như xám đen, trắng xám mốc, nâu hồng hoặc tím nhạt.

Số lượng bàn mài phát hiện được ở từng di tích Phùng Nguyên khá lớn so với các loại công cụ sản xuất và vũ khí khác. Điều này chứng tỏ nhu cầu sử dụng bàn mài ở cư dân Phùng Nguyên là rất lớn.

Bàn đập là một trong những loại hình di vật tiêu biểu trong văn hóa Phùng Nguyên. Đó thường là các thỏi đá mài hình chữ nhật, bằng sa thạch hạt mịn hoặc đá phiến. Trên hai mặt của bàn dập có những rãnh khía đều đặn thẳng song song nhau, rãnh có mặt cắt hình chữ V, rộng chừng 2-3mm và cách nhau đều đặn cũng chừng 2-3 mm. Trên các bàn đập, số lượng rãnh và kích thước của rãnh phụ thuộc vào kích thước dài, rộng của bàn đập.

Tại địa điểm Phùng Nguyên, đã tìm thấy 18 bàn đập, ở Gò Bông có 5 chiếc. Trong một số địa điểm khác như Núi Xây, Gò Chùa, Gò Hện… cũng có mặt loại hình di vật này.

* Về các loại vũ khí:

Vũ khí trong các di tích văn hóa Phùng Nguyên không nhiều, nhưng gồm một số loại khá tiêu biểu như: mũi lao, mũi giáo, mũi tên, qua đá và nha chương.

Mũi lao, lưỡi giáo, lưỡi qua, những đầu mũi tên 3 cạnh hoặc 2 cạnh cũng là những di vật tìm thấy trong các địa điểm Phùng Nguyên. Sự đa dạng của loại di vật này cho thấy, trong phương thức sống của cư dân Phùng Nguyên xưa, săn bắn là một trong những hoạt động phát triển và có hiệu quả nhất.

Mũi lao, mũi giáo được làm bằng đá Spilite, xám xanh hay đá Nephrite trắng hồng. Phần lớn chúng bị gãy vỡ thành từng mảng nhỏ nên rất khó phân biệt là mũi lao hay mũi giáo.

Qua đá là một loại vũ khí đặc biệt. Qua đá xuất hiện không nhiều trong văn hóa Phùng Nguyên, ví dụ như ở di chỉ Tràng Kênh chỉ có 3 mảnh qua đá trong tổng số hàng nghìn di vật đá. Đây có thể coi là những vũ khí mang tính biểu trưng cao.

Nha chương là hiện vật độc đáo của văn hóa Phùng Nguyên (Hình 4). Nha chương được làm bằng một loại đá, giống loại đá mà cư dân Phùng Nguyên thường dùng làm rìu. Hiện vật này được mài nhẵn bóng, thân dài, có lỗ gần phía đốc, hai bên lỗ có mấu, lưỡi ở một đầu, mài vát một mặt và rìa lưỡi cong lõm vào. Hiện nay có 6 nha chương đều thấy trên đát Phú Thọ: 3 chiếc ở Xóm Rền, 3 chiếc ở Phùng Nguyên.

Trong đó hai chiếc nha chương ở di chỉ Phùng Nguyên được ông Nguyễn Lộc công bố vào năm 1985. Chiếc thứ nhất còn khá nguyên vẹn, có cấu tạo đơn giản hơn các nha chương khác của văn hóa Phùng Nguyên. Đốc nha chương gần vuông, bằng 1/5 chiều dài cả hiện vật. Phần tiếp giáp giữa đóc và thân lưỡi phát triển rộng tạo thành chắn tay và vai ngang tạo thành mấu ngắn. Giữa đốc gần với chắn tay có một lỗ khoan xuyên thủng. Thân lưỡi nha chương hình chữ nhật, lưỡi hơi cong hình cung, lưỡi mài vát một bên. Nha chương được mài nhẵn phẳng toàn thân, mặt cắt ngang thân hình chữ nhật. Các đường xoi nhẹ tạo thành rãnh nông, mảnh, cắt ngang trên cả đốc thân và lưỡi nha chương. Nha chương được làm bằng đá trắng ngà vân nâu, bị sứt mẻ nhỏ ở rìa lưỡi và thân lưỡi. Nha chương có quy mô, kích thước như sau: dài 24cm, đốc dài 4,5cm, rộng 4 cm, lưỡi rộng 4,2-4,7 cm, dày 0,7 cm.

Chiếc nha chương thứ hai phát hiện được ở di chỉ Phùng Nguyên bị vỡ mất phần đốc và thân lưỡi, chỉ còn lại phần đốc có mấu. Phần đốc còn lại có đuôi mấu dài nhô ngang ra 2 bên thân, ở đầu mấu có lỗ xoi nhưng không thủng sang mặt sau. Đôi mấu dài lại được xẻ thành 4 mấu nhỏ tạo thành 2 nhóm mấu. Dưới 2 mấu dài ó đôi mấu nhỏ. Các đôi mấu sắp xếp hơi lệch nhau. Các đôi mấu được nối với nhau bằng các rãnh xoi mảnh, nông chạy song song với nhau. Nha chương được làm bằng đá trắng đục có vân vàng. Kích thước của phần hiện còn đo được là: dài 13 cm, phần đốc dài 5,1 cm, rộng 5,6 cm, dày 0,4 cm và lưỡi rộng 6,7cm.

Chiếc nha chương thứ ba được công bố vào năm 1998. Nó được ông Nguyễn Văn Đống phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đất là gạch tại di chỉ Phùng Nguyên vào năm 1993. Nha chương còn nguyên vẹn được làm bắng đá ngọc Nephrite giống với đá làm công cụ sản xuất và đồ trang sức của văn hóa Phùng Nguyên. Nó được mài nhẵn bóng, thân dài có hai lỗ cách đều nhau, 2 bên chỗ đốc và thân có mấu lõm hình chữ V, lưỡi mài vát một mặt. Kích thước của nha chương khá lớn: dài 35cm, phần đốc dài 6cm, đốc rộng 8,9cm, mấu dài 0,7cm, hân dài 28cm, lưỡi rộng 12cm. Nha chương có độ dày 0,4cm.

Lỗ khoan cách đầu đốc 2cm, có đường kính 0,8cm. Hai lỗ khoan cách nhau 3,3cm. Đốc nha chương có một dấu cưa. Thân có vết lõm dài 5cm, rộng 1cm, do khuyết tật của đá nguyên liệu.

Nha chương cũng là một di vật điển hình của khảo cổ học Trung Quốc.

Nó xuất hiện và tồn tại từ hậu kỳ đá mới đến thời Hán.

* Các loại đồ trang sức:

Đồ trang sức là một loại di vật phong phú và có mặt ở tất cả các địa điểm thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Đó là các loại vòng tay, vòng chân, vòng tai, hạt chuỗi trang sức hình vuông, hình tròn, hình đuôi cá, hình dấu phẩy. Tại Phùng Nguyên có hơn 4000 hiện vật đá thì đồ trang sức đã có gần 600 tiêu bản. Tại Văn Điển riêng vòng đá có 535 chiếc trên tổng số 1085 hiện vật đá. Gò Bông có số lượng đồ trang sức 60 chiếc trong tổng số 500 hiện vật đá. Sự có mặt của 2 công xưởng Bãi Tự và Tràng Kênh-chuyên sản xuất, chế tạo đồ trang sức bằng đá cho thấy khiếu thẩm mỹ và nhu cầu đời sống tinh thần của cư dân Phùng Nguyên đã ở trình độ cao. Vòng đá ở các địa điểm thuộc văn hóa Phùng Nguyên rất nhỏ nhắn và tinh tế. Chúng được chế tác bằng các loại đá ngọc Nephlite với các màu trắng hồng, vân nâu, xanh ngọc… rất trang nhã và tinh tế. Các vòng có mặt cắt ngang đa dạng, nhiều kiểu: chữ nhật dẹt và đứng, hình vuông, hình tròn, hình bán nguyệt, hình tam giác, hình thấu kính, và đặc biệt hơn cả là loại vòng có mặt cắt hình chữ nhật đứng có gờ ngoài, có khi có một gờ nhô ra ở giữa , có khi có cả 3 gờ nhô ra hoặc 4 gờ to nhỏ không đều nhau. Đẹp và cầu kỳ nhất là vòng chữ T tồn tại trong nhiều địa điểm. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng nó được coi là đồ trang sức rất đặc trưng cho văn hóa Phùng Nguyên.

Kích thước vòng đeo nhỏ nhắn. Loại vòng mặt cắt ngang chữ nhật đứng trong di chỉ Phùng Nguyên, bản rộng của vòng trung bình 0,7 cm, độ dày 0,3 cm, đường kính tập trung ở kích thước từ 6-7cm. Đáng chú ý là nhiều chiếc vòng đã có dấu khoan nối vòng hoặc các dấu cưa cho thông lỗ để buộc dây. Loại vòng có mặt cắt ngang hình chữ D hay tròn cũng vậy, đường kính của mặt cắt thân vòng thường khá nhỏ, chỉ 0,5-0,7cm. Đặc biệt có những vòng rất chuẩn về độ tròn thân vòng. Loại vòng có mặt cắt hình tam giác trong văn hóa Phùng Nguyên cũng có những đặc điểm khác biệt với vòng loại này ở các văn hóa khác. Loại vòng hình ống có gờ nổi ở mặt ngoài là loại vòng rất tiêu biểu cho trình độ điêu luyện của người Phùng Nguyên cũng như khiếu thẩm mỹ của họ. Vòng thường có bản đứng, rộng và rất mỏng. Mặt ngoài bản vòng có các nấc nhô ra cũng mỏng và dài ngắn tùy theo ý muốn của người thợ. Có những vòng có gờ hình chữ T, có vòng có nhiều gờ nhô ra to nhỏ khác nhau.

Tại địa điểm Phùng Nguyên đã tìm thấy 16 chiếc; tại địa điểm Gò Hện có đến 3 mảnh vòng được tìm thấy thuộc vào loại này; Đồng Vông có 6 mảnh vòng hình chữ T. Tại Văn Điển, đã tìm thấy 14 mảnh vòng có gờ dạng hình chữ T hoặc 3 gờ to nhỏ khác nhau…

Khuyên tai là loại trang sức thấy không nhiều trong các di tích Phùng Nguyên. Nó được làm bằng đá, giống khuyên tai ngày nay. Khuyên tai có quy mô nhỏ hơn, đường kính chỉ độ 2-3cm, dày ở giữa, mỏng dần về hai phía đầu, mặt ngoài hơi cong khum, mặt trong phẳng tại cho nó có mặt cắt chữ D, giữa 2 đầu khuyên tai là một khe hở rộng độ 1 ly. Khuyên tai được là bằng đá trắng ngà, mài nhẵn bóng.

Số lượng khuyên tai và nhẫn các loại có mặt cắt khác nhau: cơ bản là mặt cắt hình vuông, hình tròn, hình bán nguyệt… trong các di chỉ Phùng Nguyên khá nhiều. Có những chiếc nhẫn được chế tạo bằng đá đen sẫm, bóng và cứng như sừng. Đáng chú ý là ở những địa điểm thuộc giai đoạn muộn của văn hóa này đã xuất hiện loại hình khuyên tai có mấu (Tràng Kênh, Bãi Tự, Nghĩa Lập, Lũng Hòa…) Loại khuyên tai này bắt đầu có mặt ở văn hóa Phùng Nguyên giai đoạn cuối và còn thấy trong nhiều văn hóa khảo cổ khác muộn hơn Phùng Nguyên.

Hạt chuỗi hình ống là loại hình đồ trang sức phổ biến trong các địa điểm Phùng Nguyên. Nó được làm từ đá Nephrite hoặc quacxit, có màu tím phớt hồng, trắng ngà, xám xanh, đen như sừng, tím như mận chín. Nó được chế tạo qua cách cưa, khoan, mài rất tinh vi. Hạt chuỗi có dạng hình trụ tròn, hầu như không có dạng tang trống. Có hạt chuỗi to, dài. Có loại hạt chuỗi bé ngắn. Lỗ khoan có khi xuyên chính giữa, cũng có khi chạy lệch sang một bên. Loại hạt chuỗi dài thì dùng lối khoan hai đầu để chế tạo lỗ. Loại hạt chuỗi nhắn thì chỉ cần khoan từ một đầu bé để tạo lỗ. Quy mô kích thước của hạt chuỗi cũng khác nhau. Đường kính hạt chuỗi trong khoảng từ 0,5-1cm, độ dài của hạt chuỗi nằm trong khoảng 0,5 đến 5-6cm. Hai đầu hạt chuỗi có khi được cắt mài phẳng, có khi được cắt mài vát. Hạt chuỗi thuộc loại này thường có đường ren nằm trên thân và lỗ khoan nhỏ chỉ 0,2 cm cho thấy kỹ thuật khoan lỗ và kỹ thuật tiện đã đạt đến đỉnh cao. Ngoài ra,những hạt chuỗi nhỏ bé, đường kính và bề dầy tương đương nhau (chừng 0,6-0,7 cm) có dáng hình tang trống được mài nhẵn bóng là những hạt chuỗi rất đẹp của văn hóa Phùng Nguyên. Tại công xưởng Tràng Kênh, tìm thấy hàng loạt hạt chuỗi này, thậm chí còn tìm thấy cả các hạt chuỗi hình tang trống nhưng lại có các gờ nổi nhô ra ở bên ngoài trông rất đẹp…

Tại nhiều địa điểm thuộc văn hóa Phùng Nguyên đã tìm thấy những đồ trang sức khá độc đáo: đó là các vật đeo có các hình thù khác nhau như hình đầu thú, hình đuôi cá, hình dấu phẩy, hình bàn chân… Vật đeo loại này đều được làm bằng chất liệu đá chế tạo đồ trang sức.

Trang sức hình dấu phẩy tìm thấy ở di chỉ Phùng Nguyên là một mảnh đá mỏng gần hình chữ nhật, góc tròn, một đầu mài nhỏ lại hơi cong tạo thành hình dấu phẩy. Nó còn có một lỗ khoan nhỏ ở đầu.

Trang sức hình rìu xéo ở di chỉ Phùng Nguyên, được là từ một mảnh đá trắng xám, mũi nhọn, gót tròn, gần gót có một lỗ tròn nhỏ. Quy mô của trang sức: dài 1,8cm, rộng ở lưỡi 2,1cm, rộng ở đốc là 6cm.

Trang sức hình đuôi cá là một mảnh đá mỏng màu xanh, gần hình chữ nhật, một đầu mài lõm vào, một đầu mài lõm tạo hình đuôi cá. Kích thước của trang sức này là: dài 5,5cm, rộng 2,2cm và 2,7 cm, dày 4cm. Rãnh mài ở cả 2 mặt, rộng 5cm, sâu 1,5cm.

Tại Phùng Nguyên có 4 chiếc. Điều đáng chú ý là nhiều chiếc có lỗ đeo.

Các vật này đều được chế tác khá tỉ mỉ và cẩn thận.

Ngoài các loại trang sức trên, tại các di chỉ Phùng Nguyên còn có một số rìu, bôn, đục cỡ nhỏ có khoan lỗ, một số thỏi đá hình đũa. Những di vật này có nhiều khả năng được sử dụng như đồ trang sức (Hình 6).

Kỹ thuật chế tác đá:

Đây là vấn đề mang tính thời đại, tính văn hóa rõ rệt. Trong đó hai đặc tính quan trọng trong kỹ thuật chế tác đá Phùng Nguyên là tính đa dạng và thính chuyên hóa.

Tính đa dạng: Nét đặc trưng trong hệ thống di chỉ Phùng Nguyên là sự tồn tại rất đa dạng của các di chỉ xưởng. Trong văn hóa này đã có đến 16 di chỉ xưởng có chứ năng chuyên sản xuất đồ đá. Tính đa dạng của sản xuất đồ đá trong văn hóa Phùng Nguyên thể hiện trên nhiều di chỉ xưởng có chức năng chuyên sản xuất đồ đá . Tính đa dạng của sản xuất đồ đá trong văn hóa Phùng Nguyên thể hiện trên nhiều loại hình di xưởng , đồng thời thể hiện trên nhiều loại nguyên liệu được sử dụng cũng như nhiều loại kỹ thuật được áp dụng trong quá trình chế tác đồ đá. Người Phùng Nguyên không chỉ dùng công cụ sản xuất, họ còn dùng đồ trang sức và vũ khí bằng đá nữa, do đó ứng với các loại hình di vật khác nhau, người ta dùng các loại nguyên liệu khác nhau và các kỹ thuật chế tác thích hợp để sản xuất. Tính đa dạng về loại hình sản phẩm đã thể hiện tính đa dạng trong sản xuất đồ đá nói riêng và trong sản xuất thủ công nói riêng.

Để sản xuất một loại sản phẩm người thợ thủ công không chỉ dùng một kỹ thuật mà phải sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau. Chẳng hạn như chế tạo chiếc rìu đá Phùng Nguyên,người thợ có thể dùng phương pháp ghè đẽo để tạo phác vật, nhưng cũng có thể kết hợp thêm kỹ thuật cưa để tiết kiệm nguyên liệu và tăng hiệu quả chế tác, sau đó lại phải dùng kỹ thuật mài để hoàn chỉnh sản phẩm này. Trong chế tạo đồ trang sức cũng vậy, người Phùng Nguyên đã kết hợp tổng hợp mọi kỹ thuật chế tác đá có để làm ra một sản phẩm. Đối với một chiếc vòng tay mặt cắt hình chữ T, người ta phải dùng rất nhiều kỹ thuật để tạo ra sản phẩm, ví dụ như: ghè đẽo, cưa, mài…

Tính đa dạng trong sản xuất đồ đá ở văn hóa Phùng Nguyên đã trở thành một đặc điểm quan trong khi nghiên cứu về sản xuất thủ công ở văn hóa này. Trong các di chỉ xưởng, do đặc trưng của nguồ nguyên liệu ở mỗi xưởng khác nhau trong cùng một giai đoạn thời gian, tương ứng với những nguyên liệu được dùng ở đó, người Phùng Nguyên rất giỏi lựa chọn những kỹ thuật chế tạo tối ưu nhất cho từng loại nguyên liệu, từng loại sản phẩm, đồng thời còn là người đã biết kết hợp một cách hài hòa, tinh tế nhất các kỹ thuật chế tác đá từ trước đến giai đoạn đó. Trong văn hóa Phùng Nguyên, hệ kỹ thuật chế tạo đá bao gồm: ghè, đẽo, tu chỉnh ép, cưa, cắt, khoan, tiện, mài, đánh bóng… Như chúng ta đã biết kỹ thuật chế tác mũi khoan đá Jasper và sử dụng chúng rất phổ biến trong các di chỉ Bãi Tự, Tràng Kênh, nhưng lại không có ở các di chỉ xưởng dùng đá Splite như Hồng Đà… Mặc dầu các công xưởng này đều đều có sự hiện diện của kỹ thuật khoan tách lõi nhằm tạo vòng đeo. Cũng như vật, kỹ thuật cưa cũng đã để lại rất nhiều bằng chứng trong các di chỉ xưởng chế tạo đá ở Phùng Nguyên, nhưng không di chỉ xưởng nào phổ biến bằng các địa điểm như Bãi Tự, Tràng Kênh, Đầu Rằm… Từ những bằng chứng kỹ thuật, có thể đưa ra những nhận xét rằng các kỹ thuật chế tác đá tinh tế nhất đã tồn tại trong các di chỉ xưởng chế tạo đồ ngọc, ở đó vừa là đỉnh cao của kỹ thuật học vừa là đỉnh cao về loại hình học đồ đá của văn hóa Phùng Nguyên nói riêng và toàn bộ thời đại đồng thau nói chung.

Tính chuyên hóa trong kỹ thuật chế tác đá: Sự hiện diện trong các di chỉ chế tác đá, mang các chức năng sản xuất khác nhau trong văn hóa Phùng Nguyên cho thấy nét khái quát lớn nhất của tính chuyên hóa trong sản xuất đồ đá của văn hóa này.

Các di chỉ xưởng như Gò Chè, Thọ Văn, Đoan Thượng có những đặc trưng đồ gốm giai đoạn Phùng Nguyên giống như đã thấy trong di chỉ xưởng Bãi Tự, Tràng Kênh, nhưng đồ đá trong các di chỉ xưởng này chỉ cho thấy một dạng phẩm của văn hóa này mà thôi, đó là việc sản xuất ra rìu, cuốc, đục… bằng đá Splite. Bên cạnh đó, sự tồn tại rất chuyên hóa của hệ thống di chỉ xưởng chế tạo đồ trang sức bằng đá ngọc Bãi Tự, Tràng Kênh, Đầu Rằm… trong đó, kỹ thuật khoan bằng mũi khoan đá Jasper, kỹ thuật cưa đá là những kỹ thuật cơ bản.

Sự tồn tại đan xen của các loại hình di chỉ xưởng, với các hệ thống kỹ thuật khác nhau, trong cùng một văn hóa khảo cổ đòi hỏi chúng phải có một cái nhìn đa chiều về những hợp nguồn tạo thành thể thống nhất của nền văn hóa Phùng Nguyên.

Dưới góc độ kỹ thuật học, ta thấy sự tiên tiến trong kỹ thuật chế tác đồ ngọc của người Phùng Nguyên, những kỹ thuật tu chỉnh ép bằng những lực ép đều đặn, điêu luyện để chế tạo mũi khoan, mà về hình dáng giống như những mũi khoan hiện đại, mới thấy trong văn hóa Phùng Nguyên. Người ta tính rằng để ép được một mũi khoan có chiều dài 5-6cm, người Phùng Nguyên phải ép ra được ít nhất 360 vảy tước rất nhỏ và đều. Chưa thể tính được thời gian để chế tạo mũi khoan, nhưng số lượng vài trăm mũi khoan có mặt trong các di chỉ xưởng Bãi Tự, Tràng Kênh thì chúng ta có thể hình dung ra nỗi khó khăn, vất vả của người thợ làm đá Phùng Nguyên.

Chuyên hóa trong sản xuất đồ trang sức, người Phùng Nguyên đã tạo ra rất nhiều sản phẩm nổi tiếng thời đại đó. Sự chuyên hóa này chắc chắn phải xuất phát như nhu cầu xã hội đối với sản phẩm làm ra, còn mang những mối quan hệ hữu cơ với việc trao đổi các sản phẩm đó. Tính chuyên hóa trong sản xuất đồ đá của người Phùng Nguyên đã tạo ra một tiền đề kỹ thuật quan trọng nhằm đưa người Phùng Nguyên nhanh chóng bước vào kỹ nghệ chế tác đá trong văn hóa Phùng Nguyên đã tạo nên kỹ thuật cho người Đông Sơn sau này hòa nhập với quỹ đạo văn hóa trong khu vực.

– Đồ đồng: Hiện vật đồng thau định hình chưa tìm thấy trong các địa điểm văn hóa Phùng Nguyên, song cư dân Phùng Nguyên đã biết đến nghề luyện đồng. Trong một số di chỉ Phùng Nguyên đã tìm thấy những cục đồng nhỏ, gỉ đồng và xỉ đồng. Ví dù: ở Gò Bông (xã Thượng Nông, Tam Nông, Phú Thọ), khai quật năm 1965 và 1967 đã tìm thấy những cục đồng nhỏ, gỉ đồng và xỉ đồng ở các độ sâu khác nhau. Đến độ sâu 1,30m vẫn tìm thấy gỉ đồng. Kết quả phân tích quang phổ của một trong số những cục đồng cho thấy đây là một hợp kim gồm đồng, thiếc và vết bạc, tức là đồng thau chứ không phải là đồng nguyên chất. Theo những báo cáo khai quật, gỉ đồng còn được tìm thấy ở Gò Đồng Sấu, Lũng Hòa… Những khai quật mới đây (tháng 2 năm 2008) tại địa điểm Gò Bông và Đồi Đồng Dâu (Ba Vì, Hà Nội) đã cung cấp thêm một số chứng cứ mới về đúc đồng, trong tầng văn hóa Phùng Nguyên của các địa điểm này, những người khai quật đã tìm thấy cục đồng dây đồng, mảnh đồng nhỏ, xỉ đồng.

Những vết tích kim loại đầu tiên trong các di tích Phùng Nguyên đã là sản phẩm hợp kim cao cấp (đồng-thiếc), chứ không phải là dạng khởi thủy (đồng đỏ). Theo một số nhà nghiên cứu, nguồn gốc kim loại sớm ở Việt Nam có khả năng là sản phẩm của giao lưu văn hóa mà đúng ra là sự giao lưu kỹ thuật. Cách đúc và có thể ban đầu là cả nguyên liệu nữa có được do ảnh hưởng của trung tâm văn hóa khác. Dần dần, người Phùng Nguyên nắm chắc được kỹ thuật luyện đồng. Sự có mặt của xỉ đồng và gỉ đồng là bằng chứng xác đáng nhất cho việc đúc đồng tại chỗ. Tuy vậy, đồ đồng đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân và tạo ra những thay đổi quan trọng trong quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất hay chưa? Đây là vấn đề đòi hỏi nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu sắc [6, tr.100 ].

– Đồ gốm: kỹ thuật chế tác gốm ở văn hóa Phùng Nguyên rất tinh xảo về cả loại hình, chất liệu, hoa văn (Hình 7).

Gốm có ba loại chính: mịn, thô, và rất thô. Trong loại gốm thô còn có thể tách ra loại hình gốm xốp. Gốm Phùng Nguyên thường bị tạp sắc như nâu, nhạt, xám đen. Gốm được nung trong khoảng từ 600°C đến 800°C và có thể được nung theo phương thức nung ngoài trời song trong hố hở. Gốm được chế tạo bằng phương pháp bàn xoay (tay, chân), bên cạnh đó còn có nặn tay, chắp, gắn, ghép…

Loại hình gốm đa dạng, phong phú gồm các loại như đồ gia dụng, vật dụng sản xuất, trang sức, trang trí… Trong đó nhiều nhất là đồ gia dụng (đun nấu và chứa). Đặc biệt trong văn hóa Phùng Nguyên có đồ gốm với đường kính miệng lớn, thành mỏng, miệng dày. Loại này không nhiều, song rất đặc trưng, không gặp ở những trung tâm khác.

Trong gốm văn hóa Phùng Nguyên phổ biến các đồ đựng có chân đế. Độ cao của chân đế phần nhiều từ 3cm trở lên. Nhiều chân đế có trang trí hoa văn. Trong đồ gốm có loại chạc gốm (còn gọi là chân giò, vật hình cốc ) mà vẫn chưa xác định được chức năng cụ thể và được gọi bằng nhiều tên khác nhau, thường thô, dày, độ nung thấp, một số có trang trí văn khắc vạch. Tại một số địa điểm, trong tổ hợp hiện vật gốm bên cạnh những trang trí văn khắc vạch. Nhìn chung đồ gốm có dáng thanh thoát, nhiều loại có chân đế. Đồ gốm thường được trang trí với các kỹ thuật tạo hoa văn khắc vạch, in ấn, đắp thêm, trổ lỗ, miết bóng, khảm bột trắng… Hoạ tiết hoa văn có xu hướng thiên về uốn lượn, cong mềm mại… điển hình là hoạ tiết chữ S với nhiều biến thể khác nhau. Điển hình của đồ gốm trang trí là các loại bát bồng, thố được khắc tạo, in chấm, khảm chất bột trắng ở các họa tiết hoa văn khắc vạch in chấm, khắc vạch in chấm chữ S hay chữ S biến thể hoặc các motip hoa văn hình học hay “tráng men trắng″ trong lòng bình và thố.

Tại một số địa điểm, trong tổ hợp hiện vật gốm bên cạnh những loại hình chung và phổ biến cho toàn bộ văn hóa, người ta vẫn có thể nhận thấy những kiểu dáng và trang trí gốm riêng, độc đáo. Điều đó phản ánh những quan hệ văn hóa đa chiều và tính đa dạng của văn hóa này [6, tr.112 ]. Cũng cần lưu ý rằng đồ gốm Phùng Nguyên có một số loại hình và mô típ trang trí, kỹ thuật trang trí giống những văn hoá Đại Hoa Thạch sơ kỳ, Vân Nam, Cảm Đà Nham, Vân Nam, Đàm Thạch Sơn, Phúc Kiến và một số văn hoá ĐÁ MỚI Đài Loan, Hồng Kông, nhưng cả tổ hợp gốm Phùng Nguyên lại cho thấy những nét độc đáo, riêng biệt mà không văn hoá đá mới trung kỳ và hậu kỳ nào ở Trung Quốc cung cấp được những chứng cứ cổ típ. Ngoài ra cũng cần lưu ý, lôi văn và gốm ba chân đặc trưng cho gốm hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí Trung Quốc hầu như không tìm thấy trong văn hoá Phùng Nguyên.

4. Kinh tế xã hội

4.1. Về đời sống kinh tế sản xuất

Cư dân văn hóa Phùng Nguyên là những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.Trong lớp dưới của văn hóa Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) thuộc giai đoạn Phùng Nguyên đã tìm thấy một số hạt gạo cháy. Ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng) cũng tìm được phấn hoa của loại lúa nước Oryza. Trong những địa điểm cư trú khá rộng của người Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những bình vại gốm lớn, có thành dày, đường kính miệng rộng từ 70 – 80m. Đây được đoán định là những đồ đựng lương thực sau khi thu hoạch của cư dân thời kì này.

Cùng với trồng trọt, cư dân Phùng Nguyên cũng biết đến chăn nuôi, chủ yếu là các loài gia súc như chó, lợn, trâu, bò, gà… Ở một số di chỉ mộ táng Phùng Nguyên, rất nhiều xương, răng chó, lợn, trâu, bò đã được tìm thấy. Tại di chỉ xóm Rền (Phú Thọ), người ta phát hiện cả tượng đầu gà bằng đất nung.

Đó là bằng chứng cho thấy nghề chăn nuôi gia súc tại nơi cư trú đã được định hình. Ngoài ra, các nghề như săn bắn, đánh cá vẫn tồn tại. Mặc dù không còn chiếm vị trí chủ yếu trong đời sống kinh tế thời kì này.

Các nghề thủ công của cư dân Phùng Nguyên khá phong phú.

Đồ gốm và nghề làm gốm là một tiêu chí quan trọng để các nhà nghiên cứu xếp văn hoá Phùng Nguyên vào thời đại đồng thau. Bấy giờ, người Phùng Nguyên đã đạt đến trình độ chế tác gốm khá tinh xảo về cả loại hình và hoa văn trang trí. Tại các di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên, người ta đã phát hiện thấy hàng trăm nghìn mảnh gốm vụn, không còn giữ nguyên hình dạng như cũ. Ở di chỉ Gò Bông, trên một diện tích khai quật chưa đầy 200m2 đã có tới hơn 4 vạn mảnh gốm được tìm thấy.

Gốm Phùng Nguyên có 3 loại chính: gốm mịn, gốm thô – xốp và gốm rất thô. Hầu hết đồ gốm đều được làm từ đất sét có pha thêm cát, diệp thạch đá vôi nghiền nhỏ, hay một số chất hữu cơ. Điều đó chứng tỏ những người thợ gốm Phùng Nguyên đã biết tính đến những yếu tố đảm bảo cho đồ gốm có tính dẻo, chịu lửa tốt. Về kĩ thuật, gốm Phùng Nguyên được chế tạo chủ yếu bằng phương pháp bàn xoay (tay chân) kết hợp với nặn tay. Bằng kĩ thuật ấy, cư dân Phùng Nguyên đã tạo ra nhiều loại hình đồ đựng và đồ đun nấu rất phong phú; Về kiểu dáng, đồ đun nấu thì thường có đáy tròn, thân hình cầu, miệng rộng, loe hay hơi khum; đồ đựng (gồm bát đĩa, bình, thố, vò…) hầu hết đều được gắn chân đế, có loại đường kính miệng 5 – 10cm, có loại lớn hơn từ 30 đến 50 – 60cm.

Không chỉ phong phú về kiểu dáng, đồ gốm Phùng Nguyên còn rất đa dạng về loại hình hoa văn trang trí (Hình 8). Trong văn hoá Phùng Nguyên, tỉ lệ số mảnh gốm tìm được có trang trí hoa văn vặn thừng, văn chải chiếm số lượng khá lớn. Tuy vậy, hoa văn đặc trưng cơ bản là khắc vạch kết hợp văn đập, in lăn, chấm dải, in các loại với hoạ tiết phức tạp. Loại này chiếm tỉ lệ không lớn, song thể hiện đỉnh cao về thẩm mỹ với một phong cách rất Phùng Nguyên.

Mặc dù vậy, loại hình hoa văn trang trí trong đồ gốm Phùng Nguyên cũng có sự biến thiên qua các giai đoạn. Ở giai đoạn sớm của văn hoá Phùng Nguyên (tiêu biểu là các di chỉ Gò Bông, Gò Hện, Gò Đồng Chỗ…) đồ án trang trí trên gốm thường là những đường nét phóng khoáng, tự do với những hình chữ S rời nhau. Trên các nét vạch trang trí, người thợ gốm đã phủ thêm một lớp bột trắng để làm cho các hình trang trí nổi lên trên nền đan tạo cho đồ gốm vừa có vẻ đẹp trang trọng, vừa duyên dáng. Ở giai đoạn giữa của văn hóa Phùng Nguyên (tiêu biểu là các di chỉ Phùng Nguyên, xóm Dền, An Đạo, Phú Thọ), các đồ án trang trí trên gốm lại tuân thủ chặt chẽ theo nguyên tắc đối xứng với những đường cong uốn lượn phức tạp, những giải chữ S nối liền nhau đệm giữa khoảng trống hai bên kia là những hình tam giác. Ở giai đoạn cuối (tiêu biểu là di chỉ Lũng Hoà – Vĩnh Phúc), đồ gốm Phùng Nguyên không còn được trang trí đẹp như giai đoạn trước nữa: các đồ án trang trí đối xứng chặt chẽ như giai đoạn giữa mất đi, thay vào đó lại xuất hiện lối trang trí bằng cái que nhiều răng, tạo thành trang trí nhiều đường chạy song song. Đây là lối trang trí tiêu biểu cho đồ gốm văn hóa Đồng Đậu phát triển sau đó.

Bên cạnh nghề gốm, nghề làm đồ trang sức cũng khá phát triển. Số lượng trên 4.000 di vật đá, phân loại thành 600 tiêu bản đá tìm được trong các di chỉ Phùng Nguyên đã chứng tỏ nghề tạo đồ trang sức đã trở nên phổ biến trong đời sống của cư dân bấy giờ. Sự hình thành và phát triển của những cộng xưởng chế tác, như Bãi Tự, Tràng Kênh, Gò Chè chuyên sản xuất chế tạo đồ trang sức cho thấy đây là một trong những nghề thủ công cũng chiếm vị trí nhất định đối với người Phùng Nguyên.

Ngoài ra, các nghề thủ công như đan lát, xe chỉ, dệt vải cũng khá phát triển trong đời sống kinh tế của người Phùng Nguyên. Việc phát hiện nhiều dọi chỉ trong các di chỉ khảo cổ học là bằng chứng cho thấy cư dân Phùng Nguyên đã biết xe chỉ, dệt vải. Mặt khác, họ cũng biết xe thừng, đan lát, lóng đôi và lóng thúng rất đẹp. Điều này được minh chứng qua những dấu đan lát và dấu dây in trên gốm của thời kì này.

Với nhiều loại hình gồm hạt chuỗi hình ống, vật đeo đầu thú (hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn, hình chữ T…), khuyên tai, nhẫn có mặt cắt hình vuông, hình tròn, hình bán nguyệt…đều là sản phẩm chế tạo của những người thợ thủ công tài hoa Phùng Nguyên.

4.2. Nông nghiệp

Dấu vết cư trú và xóm làng tụ cư của con người đã được khảo cổ học phát hiện khá nhiều và liên tục từ văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Đồng Đậu và văn hoá Gò Mun. Trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước phát triển và các ngành nghề thủ công, trong đó có nghề đúc đồng dần được hình thành của thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên, cư dân sinh sống ở lưu vực sông Hồng đã có bước phát triển mạnh mẽ ở các thời kỳ sau để chuẩn bị cho sự ra đời của nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Văn hoá Phùng Nguyên mở đầu vào khoảng 4000 năm trước và kéo dài trong khoảng 600-700 năm, được xem là giai đoạn văn hoá mở đầu cho quá trình dựng nước của dân tộc Việt Nam. Trong nhiều di tích đã có những chứng cứ về nông cụ bằng đá và những công cụ đá chế tác nông cụ gỗ tre nứa cùng với môi trường sinh thái đã phần nào gợi mở những dấu ấn đầu tiên về sự hình thành và phát triển của nền kinh tế nông nghiệp lúa nước thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên. Qua các tầng văn hoá với số lượng lớn rìu bôn mà các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy chứng tỏ thời bấy giờ cư dân đã có một cuộc sống tương đối ổn định lâu dài để tiến hành sản xuất nông nghiệp. Rìu bôn là công cụ tương đối phổ biến thời kỳ này dùng để chặt cây, khai hoang diện tích trồng lúa và lương thực. Tại khu di tích Văn Điển đã khai quật được 228 rìu bôn, ở Đồng Vông là 107 chiếc. Cũng theo kết quả khai quật ở khu di tích Xuân Kiều với những dấu tích về những cục than có nhiều hạt lúa bị cháy, hay những hình vỏ trấu trên những trạc gốm phát hiện ở di tích Đồng Vông đã cho thấy cư dân văn hoá Phùng Nguyên đã phát triển nghề trồng lúa nước tương đối phổ biến. Bên cạnh việc trồng lúa cư dân thời kỳ này còn trồng cây ăn quả và lấy hạt. Trong một số kết quả khai quật khảo cổ học đã tìm thấy các loại hạt như trám, mận, đỗ… Cùng với trồng trọt thì chăn nuôi thời kỳ này cũng đã xuất hiện. Theo kết quả phân tích những xương răng động vật thu được trong các di tích Văn Điển, Đồng Vông, Núi Xây… đều cho thấy đây là những động vật do con người thuần dưỡng, và có những động vật sống trong rừng và dưới nước, cùng với những tượng trâu bò, gà bằng đất nung. Điều đó cho thấy thời kỳ này, những động vật như trâu, bò, gà đã là những con vật gần gũi được nuôi dưỡng trong nhà. Qua đây có thể thấy thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên, ở châu thổ sông Hồng đã có một nền nông nghiệp tổng hợp tương đối ổn định bao gồm trồng lúa nước, trồng cây ăn quả và chăn nuôi… bên cạnh kinh tế khai thác tự nhiên.

4.3. Thủ công nghiệp

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp, các ngành nghề thủ công cũng đã dần được hình thành và có bước phát triển. Đó là nghề làm đồ đá, đồ gốm và đặc biệt là nghề luyện đúc đồng. Nghề làm đồ đá đã có từ trước đó nhưng đến thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên thì có bước phát triển vượt bậc. Trong kết quả khảo cổ từ các địa điểm trên địa bàn Hà Nội có các bộ sưu tập công cụ và đồ trang sức bằng đá mà đặc biệt là qua những lưỡi răng cưa, mũi khoan, lõi vòng bằng đá, các loại bàn mài cũng như các phế phẩm có vết cưa, khoan có thể thấy người thợ đá thời bấy giờ đã có những kỹ thuật tay nghề cao và thành thạo. Ngoài những đồ trang sức bằng đá như vòng tay theo hình các chữ cái và được làm công phu, mặt ngoài có ren hoặc được mài nhẵn bóng, nhiều màu sắc và hình dáng… còn có nhiều công cụ sản xuất như rìu bôn, đục, bàn dập, chì, lưới, mũi tên. Dù đã hình thành từ trước đó nhưng có thể nói đến giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên thì đồ đá mới trở thành một nghề thủ công đúng với ý nghĩa của nó.

Bên cạnh nghề đá, nghề làm gốm cũng đánh dấu một bước nhảy vọt trong lịch sử phát triển của nghề gốm. Tuy chưa tìm thấy di chỉ về các lò nung gốm nhưng qua những mảnh gốm vỡ và các đồ gốm tìm thấy còn nguyên vẹn có thể thấy được kỹ thuật của nghề gốm thời kỳ này từ việc chọn nguyên liệu, cho đến nghệ thuật trang trí. Đồ gốm Phùng Nguyên chủ yếu là gốm thô pha cát, song cũng có một tỷ lệ nhất định gốm mịn mặt ngoài miết láng và một số gốm xốp nhẹ. Mỗi loại nguyên liệu dược dùng để sản xuất một số loại hình gốm nhất định và trang trí những loại hoa văn phù hợp. Hiện tượng này cho thấy người thợ gốm ở đây đã nắm được kỹ thuật chọn lựa, sàng lọc, pha trộn nguyên liệu để có thể làm ra những đồ gốm tốt nhất. Sự tiến bộ của đồ gốm Phùng Nguyên thể hiện rõ nhất trong khâu tạo hình và trang trí hoa văn.

Người thợ gốm đã biết sử dụng bàn xoay để tạo hình nên đồ gốm có độ tròn trặn, thành gốm mỏng đều. Bàn xoay cũng được sử dụng để trang trí hoa văn, vạch những đường chỉ chìm chạy quanh. Với phương pháp bàn xoay, đồ gốm thời kỳ này không những đẹp hơn, kiểu dáng phong phú hơn mà còn sản xuất hàng loạt đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn. Có thể nói việc sử dụng bàn xoay trong công nghệ làm gốm thời kỳ này là một thành tựu xuất sắc của cư dân thời Phùng Nguyên.

Sáng tạo vĩ đại nhất của cư dân thời kỳ Phùng Nguyên chính là sự ra đời của kỹ thuật đúc đồng. Dù các di chỉ khai quật thu được không có nhiều chỉ là những cục xỉ đồng, nhưng khi phân tích kết quả thì đây là đồng thau chứ không phải đồng đỏ. Điều này có thể khẳng định rằng kỹ thuật đúc đồng đã có từ thời văn hoá Phùng Nguyên.

Ngoài những ngành nghề thủ công chính, thời kỳ này đã có một số nghề phụ trong gia đình như làm đồ gỗ, dệt vải, đan lát…

Tóm lại, trong những lớp cư dân Phùng Nguyên đầu tiên đến khai phá vùng đất Hà Nội đã có một nền kinh tế bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau trên cơ sở nền nông nghiệp lúa nước và bước đầu biết đến kỹ thuật luyện đồng. Đây chính là những cơ sở, nền tảng cho sự phát triển của giai đoạn tiếp theo là văn hoá Đồng Đậu và Gò Mun.

+ Về kĩ thuật chế tác công cụ

Chiếm tỉ lệ chủ yếu trong công cụ sản xuất của cư dân văn hoá Phùng Nguyên vẫn là đồ đá. Tuy nhiên, kĩ thuật chế tác đá của cư dân Phùng Nguyên đã đạt đến đỉnh cao mà ở giai đoạn trước hay sau đó đều không vượt qua. Hầu hết các loại công cụ và đồ trang sức bằng đá của người Phùng Nguyên đều được mài nhẵn, có kích thước nhỏ nhắn, tinh tế, được chế tác từ các loại đá quí hiếm, có độ rắn cao, màu sắc đẹp. Nếu ở giai đoạn hậu kì đá mới, con người mới biết đến các loại hình kĩ thuật như ghè, đẽo, cưa, khoan, tiện đá… thì đến văn hoá Phùng Nguyên, những kĩ thuật này đã trở nên phổ biến thành thục đến độ tinh vi. Các thao tác kĩ thuật như tiện đá, khoan lỗ và khoan tách lõi đã giúp người Phùng Nguyên tạo ra các loại hình công cụ có hình dáng chính xác và tiết kiệm được nguyên liệu.

Chiếm đa số trong các loại hình công cụ đá Phùng Nguyên là các loại rìu bôn có thiết diện hình tứ giác. Người ta đã tìm thấy số lượng lớn các bôn đá hình tứ giác có lưỡi vát lệch một bên ở các di chỉ Phùng Nguyên. Ngay tại một di chỉ như Gò Bông (Phú Thọ), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 44 chiếc bôn đá. Phần lớn trong số bôn đá tìm được có kích thước nhỏ, mỏng, dài trung bình từ 1,8 – 2,5cm, rộng 1,5 – 2cm, dày 0,1 – 0,5cm, lưỡi tạo góc 30 – 400, nhiều chiếc dài bằng chiều rộng.

Bện cạnh là các loại rìu đá hình tứ giác có kích thước nhỏ, góc lưỡi sắc (40 – 500). Đặc biệt, người ta cũng bắt gặp trong các địa điểm văn hóa Phùng Nguyên loại rìu đá được chế tác bằng ngọc Nephrit có màu trắng đục, trắng vân hồng hay vân xanh. Loại rìu này kích thước rất nhỏ (dài trung bình 3cm, rộng gần 2 cm, dày 0,5 cm), có loại còn bé hơn, giống như đồ trang sức của con người. Đó là sản phẩm của đôi bàn tay chế tác đá tài hoa của người Phùng Nguyên bấy giờ.

Ngoài bôn và rìu đá, trong các di chỉ Phùng Nguyên còn tìm thấy nhiều loại hình công cụ khác, như đục đá, cuốc đá, dao đá, liềm đá, cưa đá, mũi khoan đá, mũi lao, mũi giáo, mũi tên đá 2 – 3 cạnh… Những hiện vật này đều được làm ra trong một số công xưởng chế tác đá ở Tràng Kênh, Bãi Tự, Gò Chè…

Trong một số di chỉ thuộc văn hoá Phùng Nguyên, người ta còn tìm được những cục đồng nhỏ, gỉ đồng và xỉ đồng. Tại di chỉ Gò Bông, bên cạnh những cục đồng còn tìm thấy xỉ đồng và gỉ đồng ở độ sâu 1,3m. Ở một số địa điểm khác như gò Đồng Xâu, Lũng Hoà, chùa Gio cũng tìm thấy gỉ đồng và mảnh khuôn đúc đồng bằng đất nung. Bằng phương pháp phân tích quang phổ những cục đồng tìm thấy được ở Gò Bông, người ta cho rằng đây là hợp kim đồng thau (gồm đồng, thiếc và một số vết bạc) chứ không phải là dạng đồng đỏ ban đầu.

Việc phát hiện xỉ đồng, gỉ đồng, khuôn đúc đồng bằng đất nung là bằng chứng cho phép chúng ta xác định về sự ra đời của nghề luyện kim đồng thau ở Việt Nam trong giai đoạn phôi thai.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy được những đồ đồng nguyên vẹn trong các di chỉ Phùng Nguyên. Việc không có những hiện vật bằng đồng được định hình cho thấy đồ đồng thời bấy giờ còn chiếm tỉ lệ rất ít. Không thể phủ nhận rằng, mặc dù chủ nhân của văn hóa Phùng Nguyên đã bước vào thời đại kim khí nhưng đồ đồng vẫn chưa lấn át được công cụ bằng đá. Đồ đá vẫn chiếm tỉ lệ chủ yếu (92%) và là công cụ chủ đạo trong đời sống sản xuất – kinh tế của người Phùng Nguyên.

5. Kiến trúc thượng tầng

Quan điểm thẩm mỹ của cư dân Phùng Nguyên đã khá phát triển. Điều đó thể hiện trong kỹ thuật chế tác đồ trang sức, đồ đá và đồ gốm của họ.

Trong bộ sưu tập đồ trang sức, có thể bắt gặp những vòng trang trí, những chuỗi hạt bằng đá Nephrit màu xanh men hay ngọc, hay màu trắng ngà nhỏ nhắn, được khoan tiện tinh vi, tinh xảo.

Trong nguyên liệu đồ đá, cũng tìm thấy những chiếc rìu được mài nhẵn bóng và có trang trí những đường khắc chìm trông giống như một loại đồ trang sức hay đồ chơi.

Đặc biệt là trên đồ gốm, sự hài hòa, cân đối trong cách bố trí các đồ án hoa văn đã tạo nên sự nhịp nhàng, mềm mại, thanh thoát mà không đơn điệu trong phong cách gốm Phùng Nguyên.

Tất cả những dấu hiệu ấy đã chứng minh rõ ràng cho cảm xúc về cái đẹp của người Phùng Nguyên. Sự phát triển của quan điểm thẩm mỹ có lẽ cũng gắn liền với sự phát triển của tư duy khoa học. Qua các lỗ khoan chính xác trên các công cụ bằng đá cắt nhỏ; qua sự bố trí của các họa tiết trên gốm theo quy tắc đối xứng khác nhau (đối xứng trục quay, đối xướng gương) và số lần lặp lại của các họa tiết phức tạp (thường là 6 hoặc 3) đã cho phép chúng ta đoán định về sự suy nghĩ, tính toán có chủ đích, theo một lối tư duy hình học nhất định của người Phùng Nguyên.

Trong táng thức, cũng giống như các giai đoạn trước, cư dân Phùng Nguyên chôn người chết theo tư thế nằm ngửa ở những huyệt nông, trong mộ có chôn theo công cụ bằng đá, đồ gốm, đồ trang sức (khuyên tai, hạt chuỗi). Hai ngôi mộ tìm thấy ở đây đều quay về hướng Đông. Ở khu mộ táng Lũng Hòa (Vĩnh Phúc), người chết lại được chôn trong những ngôi mộ nằm rất sâu (có khi tới 5,2m). Chôn theo người chết là rất nhiều công cụ bằng đá (như rìu, đục, bàn mài…), đồ trang sức bằng đá (như vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi), đồ gốm (như nồi, bình, bát, dọi xe chỉ) và cả một số xương hàm lợn. Hầu hết, các ngôi mộ ở Lũng Hòa được đặt quay đầu về hướng Đông. Có thể hoạt động này gắn liền với tín ngưỡng sùng bái mặt trời – một biểu hiện thường gặp ở các cư dân nông nghiệp.

Về tổ chức xã hội, các cư dân Phùng Nguyên về cơ bản vẫn chưa vượt qua được khỏi phạm trù của xã hội công xã Nguyên thủy. Điều này là hiển nhiên khi đồ đá còn phổ biến và chiếm ưu thế, chưa cho phép tạo ra một sự chuyển biến có tính chất bước ngoặt về chất trong đời sống kinh tế của con người thời kỳ này. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nghề luyện kim là một dấu hiệu giúp ta có thể nghĩ rằng, người đàn ông trong các cư dân Phùng Nguyên đã bắt đầu chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất. Có thể nói rằng, các cư dân Phùng Nguyên cách đây 4.000 năm vẫn sống trong xã hội nguyên thủy, nhưng đó là xã hội “đang có chuyển biến mạnh mẽ, đang vươn lên để tự phủ định mình, một xã hội đã có đầy đủ những tiền đề để bước sang một hình thái mới cao hơn – xã hội có phân hóa giai cấp và có sự tồn tại của nhà nước”.

Tóm lại, văn hoá Phùng Nguyên được coi là mốc bản lề đánh dấu sự chuyển biến lớn lao từ thời kì đá mới sang thời đại kim khí. Những chuyển biến không nhỏ trong đời sống kinh tế – xã hội Phùng Nguyên đã dọn đường cho thời đại kim khí ngày càng phát triền về sau qua các giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Điều đó chứng tỏ rằng, cư dân văn hóa Phùng Nguyên là một trong những cái nôi đầu tiên của dân tộc Việt và văn hoá Phùng Nguyên là cội nguồn của văn minh sông Hồng.  

Nguồn: Trương Khả Hân (Zhang Kexin), 2018, So sánh văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Tam Tinh Đôi. Luận văn thạc sĩ Việt Nam Học, Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn.

Chia sẻ với bạn bè:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…

Xổ số miền Bắc