Áp Xe Là Gì? Triệu Chứng Và Phương Pháp Điều Trị Áp Xe Ở Răng

 

Áp xe là một ổ viêm nhiễm, sưng lên thành một khối u mềm do tích tụ vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh tế bào chết. Khi trên cơ thể xuất hiện áp xe, vùng da xung quanh sẽ trở nên sưng, đỏ và có cảm giác đau nhức. Áp xe có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, kể cả khu vực răng miệng.

Áp xe răng là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, xuất hiện ở phần trong của răng, nơi tích tụ mủ và có thể gây đau đớn mức độ vừa đến nặng ở người bệnh. Áp xe răng xuất hiện khi sâu răng lâu ngày không được điều trị hoặc khi có một vết nứt hay sứt mẻ trong răng tạo điều kiện cho vi khuẩn tìm đường vào tủy răng (phần mềm bên trong răng) và gây viêm nhiễm. 

Một khi vi khuẩn đã vào bên trong, nó sẽ lan đến chân răng, gây sưng nướu răng. Khi tình trạng viêm nhiễm diễn ra, nó sẽ dồn mủ vào một chỗ hẹp (gọi là ổ áp xe) ở đầu chân răng, dẫn đến tình trạng sưng tấy. Trong trường hợp nặng hơn, áp xe răng có thể kèm theo nhiễm trùng vùng nướu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.

>>> Xem thêm: Áp xe nướu răng ở trẻ em – Những điều bạn cần biết

 

Triệu chứng bệnh áp xe răng

Dấu hiệu và triệu chứng của áp xe răng bao gồm:

  • Đau răng dai dẳng, đau nhói hoặc dữ dội ở vùng nướu gần chân răng.

  • Vô cùng nhạy cảm với nhiệt độ.

  • Đau khi nhai hay cắn.

  • Phát sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi,…

  • Sưng ở mặt hoặc má, sưng lợi có mủ

  • Các hạch bạch huyết ở vùng hàm, cổ bị mềm hoặc sưng lên.

  • Chất lỏng có mùi hôi chảy ra trong miệng sau khi hết đau có nghĩa là ổ áp xe đã vỡ.

 

Các biến chứng của áp xe răng

Khi có các dấu hiệu của bệnh áp xe răng, bạn cần phải đến các trung tâm y tế, bệnh viện để thăm khám ngay lập tức. Nếu áp xe không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm:

  • Viêm mô tế bào lan tỏa: Viêm mô tế bào lan tỏa là tình trạng lớp mô mềm vùng cổ mặt bị nhiễm trùng và sưng tấy. Ổ áp xe không được điều trị kịp thời sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập ngược và phá hủy lớp màng xương hàm, dẫn đến viêm mô tế bào, trong trường hợp nặng có thể gây nhiễm trùng toàn thân.

  • Áp xe ngoài mặt: Ổ viêm nhiễm do áp xe răng trong miệng có thể lây lan đến vùng má, dẫn đến áp xe ngoài mặt, gây đau nhức vùng tai, dưới hàm.

  • Viêm xoang hàm: Đây là biến chứng viêm niêm mạc xoang hàm xuất phát từ các ổ viêm vùng cuống răng, bao gồm cả áp xe răng (Theo Bộ Y tế). 

 

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị áp xe răng

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị áp xe răng:

Các thói quen răng miệng xấu: Nếu bạn không đánh răng hay dùng chỉ nha khoa hàng ngày (khuyến nghị hai lần hay nhiều hơn mỗi ngày), Bạn sẽ có nguy cơ cao gặp các biến chứng răng miệng như viêm nướu, áp xe răng và sâu răng.

Chế độ ăn nhiều đường: Quá nhiều đường không tốt cho cơ thể, đặc biệt là răng của bạn. Nước soda, đồ ngọt và các đồ ăn có lượng đường cao có thể gây sâu răng và nhanh chóng chuyển thành các vết nhiễm trùng răng hoặc áp xe răng.

Các vấn đề sức khỏe khác: Bệnh tiểu đường hay những căn bệnh tự miễn cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ bị áp xe răng. Do đó, bạn cần chăm sóc răng miệng cẩn thận và kiểm tra tổng quát định kỳ thường xuyên.

 

Khi nào bạn nên đến gặp nha sĩ?

Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào được liệt kê bên trên, bạn nên gặp nha sĩ của mình ngay lập tức, đặc biệt là khi bạn bắt đầu bị sưng mặt hay bị sốt. Nếu bạn không thể sắp xếp lịch hẹn với nha sĩ ngay, bạn nên đến phòng khám đa khoa vì những triệu chứng này có thể cảnh báo tình trạng nhiễm trùng đã có thể lan đến hàm và mô xung quanh.

Cách duy nhất giúp bạn hết đau là được điều trị răng miệng đúng cách. Bạn có thể cảm thấy mức độ đau đớn giảm đi khi ổ áp-xe đã vỡ, nhưng bạn vẫn cần sự hỗ trợ chuyên môn. Tình trạng viêm nhiễm có thể lan đến các phần khác như hàm, đầu, cổ hoặc thậm chí là dẫn đến nhiễm trùng máu (một dạng nhiễm trùng toàn thân có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của bạn).

 

Xét nghiệm và chẩn đoán

Ngoài khám răng định kỳ, nha sĩ của bạn có thể thực hiện một số xét nghiệm chuyên biệt để xác nhận bạn có răng bị áp-xe hay không:

Gõ lên răng: Răng bị áp xe thường rất nhạy cảm với va chạm và áp lực, vì vậy nha sĩ của bạn có thể áp dụng cả hai cách này đối với răng bị ảnh hưởng để xác định mức độ đau của bạn.

X-quang: Chụp X-quang, hay các phương pháp chụp xét nghiệm khác (như chụp CT) có thể giúp xác định áp xe. Vì thế nha sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng.

Xét nghiệm: Nếu dòng kháng sinh đầu tiên không giúp chống lại nhiễm trùng, nha sĩ của bạn có thể lấy mẫu chỗ nhiễm trùng để tìm ra loại vi khuẩn đang gây ra tình trạng đó. Điều này sẽ giúp xác định một phác đồ điều trị hiệu quả hơn.

 

Điều trị áp xe răng

Điều trị áp xe bao gồm việc dẫn lưu ổ áp xe và loại bỏ vùng nhiễm trùng. Bạn sẽ không cần phải nhổ răng nếu tủy răng được điều trị đúng cách và kịp thời. Nếu áp xe răng không được xử lý, nó có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Nha sĩ hay bác sĩ phẫu thuật răng miệng của bạn có thể đề xuất những vấn đề sau:

Quy trình điều trị tủy răng: Nếu có thể, nha sĩ của bạn sẽ cố gắng giữ răng bạn bằng cách lấy tủy răng. Răng được làm sạch và khử trùng bên ngoài, khoan sâu và làm sạch từ bên trong, sau đó được trám bằng xi măng nha khoa để khôi phục lại cấu trúc (và bảo vệ răng khỏi bị nhiễm trùng trở lại). Nếu được chăm sóc tốt, chiếc răng này sẽ tồn tại cả đời.

Nhổ răng bị ảnh hưởng: Nhổ răng là phương án cuối cùng, nhưng nếu không thể cứu được răng, nha sĩ của bạn sẽ chọn phương án này để bảo vệ phần răng còn lại. Một khi răng bị nhổ, ổ áp-xe sẽ được dẫn lưu hoàn toàn và được vệ sinh để tránh nhiễm trùng thêm.

Kháng sinh: Nếu nhiễm trùng tập trung quanh khu vực áp-xe, bạn có thể không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng đã lan rộng ra ngoài ổ áp-xe, nha sĩ của bạn sẽ kê kháng sinh để giúp làm chậm hay giảm nhiễm trùng, đặc biệt nếu bạn bị suy giảm hệ miễn dịch.

Trong lúc ổ áp xe lành lại, nha sĩ có thể khuyến nghị bạn súc miệng với nước muối ấm thường xuyên và uống thuốc giảm đau không kê đơn khi cần thiết để giúp giảm bớt cảm giác khó chịu bạn có thể gặp phải.

 

Phòng ngừa áp xe răng

Bạn có thể ngăn ngừa áp-xe răng nhờ việc chăm sóc răng miệng đúng cách, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khám răng định kỳ. Đây là một số hướng dẫn chung để đảm bảo bạn có một khoang miệng khỏe mạnh.

  • Uống nước có chứa hàm lượng Fluor cho phép.

  • Dùng kem đánh răng có Fluor khi đánh răng hai lần một ngày (hoặc sau mỗi bữa ăn).

  • Nếu lông bàn chải của bạn bị sờn, hãy thay bàn chải. Hoặc, đơn giản là thay bàn chải mỗi 3-4 tháng.

  • Vệ sinh răng hàng ngày bằng chỉ nha khoa hoặc dụng cụ làm sạch kẽ răng.

  • Dùng nước súc miệng kháng khuẩn hoặc có chứa Fluoride giúp loại bỏ các mảnh thức ăn thừa còn sót lại sau mỗi bữa ăn.

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng hơn và hạn chế đường.

  • Kiểm tra răng miệng tổng quát và làm sạch định kỳ.

Nếu bạn có câu hỏi về bệnh áp xe là gì hay cảm thấy bạn có thể đang ở giai đoạn đầu của áp xe răng, hãy liên hệ ngay với nha sĩ để được thăm khám kịp thời. Nha sĩ sẽ giải đáp các câu hỏi của bạn và quyết định xem bạn có cần điều trị áp xe răng không.

Bài viết trên nhằm mục đích cung cấp kiến ​​thức về các chủ đề sức khỏe răng miệng nói chung, không thể thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị chuyên nghiệp. Hãy tìm kiếm lời khuyên của nha sĩ hoặc từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe đủ tiêu chuẩn khác nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến tình trạng y tế hoặc phương pháp điều trị.

Xổ số miền Bắc