BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUẢNG TRỊ – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

1. Gia tài di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị

Gia tài di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị được xây dựng bởi các tộc người Chăm, Việt, Bru – Vân Kiều và Tà Ôi trải suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Bằng cách chuyển tải liên tục trên sự kế thừa các yếu tố nội lực với tất cả sự năng động, sáng tạo, hội nhập, giao thoa, kết tinh và lan tỏa với văn hóa các cộng đồng tộc người ở các vùng, miền để hình thành nên một nền văn hoá riêng biệt; vừa đa dạng về loại hình, vừa phong phú về chủng loại, vừa giàu có về nội dung và tiềm ẩn trong lòng nó một diễn trình văn hoá, lịch sử mang đậm đà bản sắc của vùng đất kiên cường, để hòa nhập vào dòng chảy chung của đất nước. Tất cả là bức tranh phức hợp đa sắc màu về phong tục tập quán, tín ngưỡng, quan niệm thờ cúng, chuyện tích các vị thần, lễ hội, trò chơi, các ngành nghề thủ công truyền thống đến các tri thức dân gian, về ẩm thực và trang phục truyền thống… Đây chính là những sản phẩm kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của người dân trong quá trình sống, lao động xây dựng và bảo vệ quê hương; nó luôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần hình thành nên bản sắc văn hoá riêng của người Quảng Trị. Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản vô cùng quý giá, là chất keo gắn kết cộng đồng, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới trên bước đường hội nhập, giao lưu với văn hóa trong nước và thế giới.

Với chức năng là một cơ quan nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, gìn giữ, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, đến với công chúng. Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại Bảo tàng Quảng Trị (nay là Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng) đã được triển khai một cách có hiệu quả, đây được coi là nhiệm vụ rất thiết thực và cấp bách được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Từ năm 2011 đến 2018, thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL quy định việc nghiên cứu, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành nhiều đợt tổng điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh; kết quả bước đầu đã lập phiếu kiểm kê cho 368 di sản văn hóa phi vật thể bao gồm đầy đủ 7 loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian về đời sống lao động, về ẩm thực… những sản phẩm văn hóa tinh thần đó chính là phần hồn, là sự sống, là dòng chảy tâm linh tồn tại vững chãi và bền bĩ trong đời sống cộng đồng các làng, bản của người dân Quảng Trị.


Hội chơi Bài Chòi ở làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Ảnh YT)

Với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng hiện diện ở khắp các vùng miền, từ thành phố đến các làng bản, là lợi thế để Quảng Trị phát huy sức mạnh, tiềm năng đối với phát triển kinh tế – xã hội. Mặc dù công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang đứng trước nhiều cơ hội, nhiều điều kiện thuận lợi, rộng mở, nhưng cũng gặp vô vàn những khó khăn và thách thức; nhận diện được vấn đề này là yêu cầu cấp thiết để có những giải pháp nhằm phát huy thế mạnh của di sản – nguồn lực nội sinh quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay.

2. Cơ hội và thách thức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

2.1. Cơ hội      

– Với vai trò là thành viên của UNESCO – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã hướng dẫn nhân dân các dân tộc trong cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng về việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa theo công ước Quốc tế. Nhận thức rõ điều đó, trong năm 2016, tỉnh Quảng Trị cùng với 8 tỉnh thành miền Trung phối hợp với Viện âm nhạc Việt Nam triển khai xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi miền Trung” trình và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 7-12-2017.

– Hành lang pháp lý để thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tương đối đầy đủ và mang tính pháp lý cao, Luật Di sản văn  hóa và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan là cơ sở để thực hiện. Bên cạnh đó, Nhà nước còn quan tâm đầu tư nguồn ngân sách thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc.            

– Công tác gìn giữ, phát huy giá trị di sản luôn nhận được quan tâm và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, ban ngành; đặc biệt, vào ngày 6-5-2000,  Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống Quảng Trị giai đoạn 2020 – 2030”, với tổng nguồn kinh phí 7.400.000 đồng. Quá trình triển khai Đề án sẽ tạo sự phối hợp chặt chẽ và nâng cao vai trò, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu mạnh.

– Ý thức gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể vẫn được cộng đồng nhân dân Quảng Trị phát huy và trao truyền qua các thế hệ, đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định về sự tồn vong và phát triển của các di sản; chính điều này đã tạo ra các lớp con cháu kế thừa và phát triển, thông qua sự nối tiếp giữa các thế hệ trong cộng đồng và họ thường xuyên thực hành, gìn giữ và phát triển.

– Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể luôn được sự chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu; những đợt tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm đã giúp cho đội ngũ cán bộ nâng cao kiến thức và phương pháp nghiên cứu, tiếp cận trong lĩnh vực di sản để vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế của địa phương nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể một cách tốt nhất.

2.2. Thách thức

– Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế; do vậy, công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.

– Cơ chế thị trường là sự tác động lớn nhất đối với sự tồn vong của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; khi nền kinh tế phát triển, hàng hóa phong phú và đa dạng luôn có sẵn trên thị trường, đã đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng của người dân. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững đối với di sản, nhất là các nghề thủ công truyền thống. Điển hình như trang phục các dân tộc Bru – Vân Kiều và Tà Ôi được làm thủ công một cách cầu kỳ, mang tính nghệ thuật cao và ẩn chứa cả kho tàng tri thức dân gian để tạo ra kiểu dáng, màu sắc, hay những nét hoa văn độc đáo đến nay đã dần bị mai một, thậm chí là bị thất truyền. Những loại hình vật dụng đan lát thủ công tinh xảo, đẹp mắt đã dần được thay thế bởi bao bì, đồ nhựa. Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo như: tuồng, các làn điệu dân ca, hò vè… đang có nguy cơ mai một vì nhiều lý do: sự không mặn mà của công chúng, sự thưa vắng của các nghệ nhân; trong khi đó, nhiều loại hình nghệ thuật mới được du nhập vào nước ta, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của công chúng.

– Bên cạnh đó, không gian văn hóa thay đổi làm biến đổi việc thực hành di sản, số lượng người thực hành di sản ngày một ít, những kiến trúc truyền thống như đình, chùa, nhà ở xuống cấp và đã bị thay thế, đã tác động trực tiếp đến giá trị lịch sử, kiến trúc, cảnh quan của nhiều công trình; ảnh hưởng đến tâm lý và nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Nhiều phong tục tập quán đã không còn duy trì, tinh thần cố kết cộng đồng từ ngàn đời phải chấp nhận sự chia tách… Mặt khác, di sản văn hóa cũng khó phát triển bền vững bởi sự tác động của con người đối với môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên như nạn phá rừng, khai thác không khoa học, làm biến mất rất nhiều cây thuốc quý chữa bệnh và những nguyên liệu tự nhiên như mây, tre, nứa, dây leo ở rừng cũng dần cạn kiệt và rất khó tìm kiếm.

– Phần lớn các di sản văn hóa phi vật thể đều tồn lưu dưới dạng truyền miệng, truyền nghề theo kinh nghiệm thực tế và trong nội bộ của từng gia đình chứ không lưu giữ dưới dạng văn tự; do vậy, trải qua thời gian những người am hiểu sâu rộng về di sản lần lượt qua đời hoặc phai mờ trong ký ức, di sản thất truyền là điều khó tránh khỏi. Một thách thức nữa là việc giữ gìn, kế tục, sử dụng và truyền dạy các di sản văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ của đội ngũ nghệ nhân gặp nhiều khó khăn do tuổi tác ngày càng cao, cách truyền đạt còn nhiều hạn chế, có nhiều di sản ít thực hành; bên cạnh đó, thế hệ trẻ cũng ít tìm hiểu, kế thừa và tỏ ra thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

– Mặc dù chế độ, chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân để họ có thêm động lực, phát huy vai trò trong việc gìn giữ, truyền dạy di sản đã được thực hiện; tuy nhiên, so với thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu để khuyến khích họ toàn tâm, toàn ý với di sản.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Trước thực trạng đó, để bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di sản văn hoá phi vật thể, chúng tôi đưa ra một số giải pháp kiến nghị, đề xuất có tính định hướng chung như sau:

– Cần chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Luật Di sản văn hóa đến sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của di sản văn hóa phi vật thể  trong đời sống cộng đồng.

– Có chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời trong việc nghiên cứu, sưu tầm và tiến hành phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đang có nguy cơ thất truyền và mai một trên địa bàn toàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực toàn xã hội tham gia vào công tác đầu tư bảo tồn và phát triển của di sản.

– Xác định bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do vậy cần vận động, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, vì quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo, giữ vai trò quyết định đến sự phát triển của xã hội. Có chính sách phù hợp, kịp thời đối với những doanh nghiệp, cá nhân có công lao đóng góp tích cực trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng hình thức khen thưởng, vinh danh các nghệ nhân… 

– Nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho cán bộ, công chức đảm nhận nhiệm vụ quản lý về di sản văn hóa; tăng cường công tác hoạch định mục tiêu, kế hoạch phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời có những định hướng đúng đắn cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

– Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phải gắn liền với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công tác điều tra, sưu tầm, kiểm kê… để làm cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức về lịch sử, giá trị di sản văn hóa; góp phần định hướng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, chống lại sự du nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai có ảnh hưởng xấu đến các giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực trong xã hội.

Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể truyền thống được lưu giữ khá nhiều trên vùng đất Quảng Trị. Từ tiếng nói, ngữ âm dân gian, nếp sống, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng, nghề thủ công truyền thống đến các tri thức dân gian về đời sống lao động, về ẩm thực… tất cả là những sản phẩm văn hóa tinh thần đó đều do con người sáng tạo, xây dựng, đúc kết, chắt chiu, thăng hoa… trong quá trình sống lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương. Nó chính là phần hồn, là sự sống, là dòng chảy tâm linh tồn tại vững chãi và bền bĩ trong đời sống cộng đồng các làng, bản của người dân Quảng Trị. Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị văn hóa tinh thần đó đã được chắt lọc, hun đúc, kết tinh để trở thành tài sản vô giá lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Là người con của quê hương Quảng Trị, hẵn ai cũng đã từng hào hứng tham gia những hoạt động lễ hội ở các làng quê để thành kính thắp lên bàn thờ những nén hương trầm thơm ngát tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên, các bậc anh linh, thần thánh trong mỗi dịp Tết đến xuân về; cũng đã từng bâng khuâng trước những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình, da diết của các câu hò, hát ru mà bà, mẹ đã nuôi dưỡng chúng ta lớn lên từng ngày; rồi trố mắt tròn xoe, hồi hộp lắng nghe những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về các anh hùng dân tộc, hay những vị thần có công khai sơn phá thạch hình thành xã tắc; nhiều lần ôm bụng cười ồ khi được nghe các câu chuyện trạng, chuyện tiếu lâm hài hước được kể bằng chất giọng đặc trưng của vùng quê Quảng Trị; hay ngỡ ngàng thảng thốt bên một nét hoa văn, nét chạm khắc dịu dàng, tinh tế của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hoặc thưởng thức hương vị đậm đà của những món ăn dân dã từ một làng quê mộc mạc, chân chất vương vấn mùi bùn non và lúa rạ… Tất cả những cảm xúc đó cứ tự nhiên dâng trào, thấm dần vào tâm hồn mỗi chúng ta từ lúc nào không rõ. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trên vùng đất Quảng Trị chính là giữ “phần hồn” cho các thệ hôm nay và mai sau./.

                                                                                                                                                                                                                                                           Cái Thị Vượng

Xổ số miền Bắc