Bàn về công nghiệp văn hóa trong phát triển kiến trúc Việt Nam – Tạp chí Kiến Trúc

Trên thế giới, thuật ngữ “Công nghiệp Văn hóa” (The culture industry) đã xuất hiện rất sớm, từ những năm giữa thế kỷ 20. Nó được đề cập trong cuốn sách của hai nhà nghiên cứu người Đức là Adorno và Horkneimer trong cuốn sách “Phép biện chứng của sự khai sáng” (Dialectic of Enlightenment): “Văn hóa thống trị bởi các hàng hóa được sản xuất bởi công nghiệp văn hóa và các hàng hóa này trong khi nhằm đến mục đích là những hàng hóa mang tính dân chủ, cá nhân và đa dạng hóa, trên thực tế lại có tính chuyên chế, hòa đồng và tiêu chuẩn cao… Chữ “công nghiệp” không nhằm chỉ quá trình sản xuất mà chỉ sự tiêu chuẩn hóa các sản phẩm cũng như hợp lý hóa kỹ thuật liên quan đến việc cung ứng, phân phối sản phẩm”. Đến năm 1982, UNESCO đưa ra khái niệm: “Công nghiệp Văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp thương mại, tức trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”. Đồng thời UNESCO cũng đưa ra quan niệm: “Công nghiệp văn hóa” là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp mà có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng các sản phẩm hay dịch vụ”[1]

Ở Việt Nam, ngay từ thời đất nước giành độc lập, đã luôn coi trọng vấn đề văn hóa như là nền tảng để phát triển xã hội. Về mặt thể hiện trong đường lối, thuật ngữ công nghiệp văn hóa bắt đầu được đề cập từ 2014 tại Nghị quyết số 33/NQ-TW Đảng khóa XI: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới…; đổi mới, hòan thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa”. Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) xác định: “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ của thế giới” [2].

Về phía Chính phủ, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016. Trong đó đã xác định: Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa – “Trở thành những ngành dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam”[3]. Tại Quyết định này cũng xác định công nghiệp văn hóa gồm 13 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biễu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, Truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hóa.

Vậy thì, những điểm mạnh chính để công nghiệp văn hóa nói chung ở nước ta có thể dựa vào, khai thác là gì? Một là, nền văn hóa nước ta so với khu vực và thế giới khá giàu có về tích lũy, độc đáo và đa dạng; hai là, Con người Việt Nam thông minh, có khả năng sáng tạo dồi dào; ba là, Lịch sử phát triển thể hiện sự thích ứng cao cũng như sẵn sàng làm mới; bốn là sự đoàn kết đồng lòng, kiên định và cần cù; năm là, Sự hội nhập được xác định là tất yếu trong môi trường công nghiệp văn hóa trên thế giới đã phát triển định hình rõ; sáu là, Đường lối chủ trương chính sách; bảy là sự khát khao và sẵn sàng của toàn cộng đồng và giới chuyên môn. Tuy nhiên, ta cũng có thể nhìn thấy những điểm yếu cơ bản: Cơ chế quản trị của nước ta chưa cập nhật thuận lợi và tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa; sự yếu kém về nhân lực chuyên lĩnh vực được đào tạo chuẩn hướng và bài bản; mức độ mơ hồ về khái niệm và nội dung công nghiệp văn hóa còn khá phổ cập ở tất cả mọi đối tượng từ cấp quản lý đến lực lượng thực hành; mạng lưới kết nối và tinh thần hợp tác đồng bộ còn cách xa yêu cầu thực tiễn; thị trường nội địa và quốc tế cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa còn bấp bênh không dễ tạo lập ổn định; kinh phí đầu tư, đặc biệt là đầu tư tạo nền tảng, cú hích cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa là bài toán nhiều khó khăn.

Từ đó, cũng có thể nhìn thấy các thách thức cơ bản của phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay là: hành động chưa kịp thời, đúng lúc của chính quyền các cấp và đối tác; thiếu hụt kỹ năng và kinh nghiệm, cần một thời gian rất dài mới bù đắp được; cách tiếp cận thị trường ở trình độ thấp, không đồng đều; thiết chế chưa đồng nhất, thông suốt; nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế chưa xác lập rõ ràng; sự trì bế về phát triển kinh tế kéo theo. Về mặt cơ hội, cần nhìn rõ và tận dụng tối đa, mọi nơi mọi lúc, đó là: Thị trường nội địa và quốc tế rất rộng lớn và tiềm năng; Nhà nước, Chính phủ đang quyết tâm hành động kiến tạo, đột phá để phát triển; các luật định đã khép kín dần các lĩnh vực và phạm vi cần có, tạo nền tảng ngày càng rõ ràng; đổi mới đang là một yêu cầu, động lực tất yếu của mọi cấp – ngành, trong đó có lĩnh vực văn hóa; các tổ hợp và mạng lưới chuyên sâu về văn hóa đang hình thành mạnh và rộng; sự nhập cuộc đầy khát khao, trăn trở, chủ động của mọi tầng lớp trong cộng đồng; sự giao thoa quốc tế về nhân lực và phương cách đều rộng mở; định vị các ngành công nghiệp văn hóa đã khá rõ ràng và đầy đủ, vừa tạo tính tự chủ độc lập, vừa tạo sự dung hòa để phát triển.

Kiến trúc là một ngành nghệ thuật mang tính ứng dụng cao, được xác định đứng thứ 2 các ngành cần triển khai trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vậy hành động ngành nên và cần diễn ra như thế nào? Thời gian qua đã chứng minh, đây là một vấn đề rất hóc búa. Những thành công phần nào đó bước đầu, biểu hiện rõ nhất về phía người trực tiếp thực hiện vẫn là những cá nhân, hội nhóm tự phát là chính. Hầu như chưa có những chương trình vạch ra và kết nối thực hiện đồng bộ xuyên suốt từ các tổ chức chính thống, ngay cả từ các hội nghề nghiệp. Đây là điều chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận và tìm cách đổi mới, thóat khỏi bảo thủ trì trệ. Chúng tôi xin nêu một số suy nghĩ, bắt đầu của chính những người “tay cuốc, tay cày” trong lĩnh vực này, đồng thời, đề xuất về cơ chế chính sách để công nghiệp hóa, hiện đại hóa “lao động nghệ thuật” để Kiến trúc phát huy được sức mạnh tối đa trong phát triển công nghiệp văn hóa – Hướng tới thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực kiến trúc:

  • Kiến trúc gắn với thuộc tính con người và xã hội: Cũng như Văn hóa nói chung, Kiến trúc là một thuộc tính cơ bản của nhân loại, do nhân loại cùng nhau hun đúc tạo nên. Tại mỗi quốc gia dân tộc, do đặc tính nhiều mặt khác nhau, nên đã hình thành các vùng kiến trúc khác nhau. Kiến trúc, sau khi con người tạo ra thì quay lại phục vụ chính con người. Vậy là Kiến trúc luôn gắn kết máu thịt và luôn thuộc về con người. Vậy tại sao hiện nay ở nước ta, tầng lớp nhân dân mơ hồ, xem nhẹ Kiến trúc lại chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng gia tăng? – Bởi vì xã hội và con người đang phát triển cùng khoa học kỹ thuật theo ngày giờ, trong lúc đó nhiều lĩnh vực cốt lõi của văn hóa trong đó có Kiến trúc vẫn chủ quan, tìm an toàn an ủi trong giữ gìn bản sắc truyền thống, sợ sáng tạo làm mới. Kiến trúc quá khứ lúc đó dần dần không thuộc về con người đương đại nữa mà trở nên xa lạ. Xa lạ thì không thể trở thành nền tảng động lực để “bay” lên được. Vấn đề này rất rõ ở sự tôn sùng dòng “Kiến trúc Pháp thuộc” hiện tại ở nước ta chẳng hạn, một loại hình mà bản thân người sáng tạo ra nó đã xếp vào quá khứ hàng trăm năm! Tất nhiên, kiểu nệ cổ này không phải chỉ có ở lĩnh vực Kiến trúc, một loại hình tưởng là dễ hội nhập thời đại nhất như âm nhạc: Sự thừa nhận của giới chính thống làm âm nhạc hàn lâm ở ta hiện nay vẫn là dòng nhạc giao hưởng, dòng dân ca cổ truyền không được mai một, dòng nhạc cách mạng hòanh tráng hào hùng. Còn những dòng Pop, Rock, Jazz… hay những dòng dân gian biến điệu vẫn chỉ được xem là hàng “chợ” tạp nham. Trong lúc đó, đại bộ phận thanh niên lại nhập tâm sâu sắc và theo đuổi thưởng thức dòng nhạc này. Nhạc Trịnh Công Sơn, một dòng có bản sắc dân tộc, được gắn với giọng ca Khánh Ly, ai hát khác Khánh Ly cơ bản là hỏng. Rồi đến lúc xuất hiện Hà Lê, một người du học Anh về mang theo một các hát pha trộn chất đương đại Châu Âu thời thượng vào, hát phá cách, thì xã hội bừng tỉnh, hóa ra nhạc Trịnh còn có những các biểu hiện khác không kém thành công. Hay nói về Mỹ thuật, có một sự kiện cũng làm xôn xao cộng đồng vừa qua, đó là cách làm “không gian nghệ thuật” đường Phùng Hưng – Hà Nội. Khi tác phẩm nghệ thuật cộng đồng làm mới các vòm cầu đường sắt cũ kỹ được Giám tuyển Thế Sơn và nhóm hoạ sĩ quốc tế trình bày xong, từ một con phố ngủ yên trầm lặng trong lòng thành phố, Phùng Hưng bỗng thức dậy tươi vui, đầy năng lượng sống mới, cuốn hút hàng vạn lượt người nô nức đến chiêm ngưỡng và “check in”. Một cách làm công nghiệp văn hóa hiệu quả lại hé lộ, mang đến bài học “Hãy gần gũi với con người!” thật sinh động. Còn rất nhiều trực quan sinh động nữa về vấn đề này có thể đưa ra mổ xẻ có thể đi đến một điều suy tư: Văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có Kiến trúc cần phải vận động theo thời cuộc. Bản sắc truyền thống không thể là một cái gì bất biến, cứ mang ra mài giũa để làm nguyên liệu cố hữu. Con người đương đại đã nhập cuộc đương đại, vì vậy mỗi ngành cũng cần phải tỉnh táo đổi mới, tiếp biến thật mạnh mẽ để tồn tại và phát triển – Công nghiệp văn hóa trong Kiến trúc chính là hướng đi đó.
  • Kiến trúc phục vụ con người, thích ứng từng giai đoạn phát triển: Trước đây, khi Liên Xô và các nước XHCN đưa mô hình văn hóa ở là “tiểu khu nhà ở dạng tập thể cao tầng đô thị” vào thiết kế xây dựng hàng loạt ở Việt Nam, người Việt nô nức bỏ những ngôi nhà dân gian quen thuộc chuyển về đó, ở với tinh thần “đời sống mới đầy kỳ vọng tương lai”. Một thời gian rất dài, khi xã hội phát triển theo hướng kinh tế kế hoạch tầng bậc, mô hình này rất thành công, đã giải quyết được an sinh quốc dân cho hàng triệu người. Văn hóa ở của cộng đồng người Việt thời đó đã thay đổi cơ bản. Thời kỳ đổi mới, tinh thần Kiến trúc vì cộng đồng có nhiều thay đổi theo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi tiện nghi đời sống. Những mô hình kiến trúc tại các nước phát triển, được các nhà đầu tư đồng loạt cho du nhập. Khi triển khai mô hình này Việt Nam, được hầu hết cộng đồng chấp nhận, gom góp để đầu tư chuyển đổi môi trường ngụ cư từ những căn phòng tập thể lý tưởng ngày xưa sang đó. Văn hóa mới về ở thực sự đổi thay, thể hiện tính tiến bộ hơn hẳn, hợp với nhu cầu, trạng thái thời đại. Cũng xin lưu ý rằng, văn hóa ở kiểu mới này có nội địa thích ứng về bản sắc, nhưng cốt lõi vẫn là mô hình công nghiệp văn hóa phổ cập của thế giới văn minh. Vậy thì muốn luôn đóng vai trò chủ động nhập cuộc, Kiến trúc không thể “khoanh vùng – đóng khung – yên vị”, mà rõ ràng phải tự vận hành, thu nạp, rèn giũa để thích nghi. Chính vậy, công nghiệp văn hóa là một hướng đi cách mạng đột phá sáng tạo cần theo đuổi. Lĩnh vực Kiến trúc hòan toàn hội đủ điều kiện trở thành một mũi tiên phong trong thực hiện cuộc cách mạng này.
  • Vai trò “trực tiếp sản xuất” với phát triển công nghiệp văn hóa kiến trúc: Khi Kiến trúc trở thành một mặt trận xây dựng ngành công nghiệp văn hóa của nước nhà, mỗi người làm Kiến trúc phải đóng vai trò như là một mũi xung kích. Đây chính là một sự hiển nhiên. Nhưng, phải nhìn thấy rõ ràng, những thành tựu sản phẩm văn hóa Kiến trúc nước ta vừa qua là còn khá mờ nhạt, do đó tiếng vang trong lòng nhân dân cũng thường ngắn ngủi và nông cạn. Tại sao như vậy thì ai cũng dường như nhìn thấy, dù mơ hồ ở mức khác nhau. Đã có rất nhiều chương lý luận phê bình dày dặn phân tích, tìm vấn đề. Nhưng có lẽ xuất phát điểm lớn nhất là một bộ phận quan trọng “trực tiếp sản xuất” chưa thực dấn thân, bắt kịp hơi thở cuộc sống, cảm nhận sự khốc liệt gian nan. Vì tại mặt trận này, cần phải tích lũy một nền kiến thức từ học tập sách vở, phải có những kinh nghiệm nghiên cứu mang tính chuyên sâu về khoa học và kỹ thuật, phải có sự đầu tư dài hạn và kiên trì. Người nghệ sĩ trên mặt trận này không thể tùy tâm sáng tạo theo tự cảm riêng, mà còn cần chiến lược, bài bản, đối diện với sự đòi hỏi – xung đột. Phần nữa, đích cuối cùng phải tạo ra được sản phẩm có hiệu quả về kinh tế, đủ sức tái tạo lao động và đóng góp cho phát triển xã hội. Điều này chính là mục tiêu không thể thiếu khi phát triển mỗi ngành nghệ thuật theo hướng công nghiệp văn hóa, trên cơ sở Văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực. Gần đây đã có những thành công hứa hẹn tươi sáng về cách làm này, những công trình do KTS Việt Nam thiết kế đã sánh bước với những nền kiến trúc phát triển cao, đầy hiệu quả như Nhật Bản, Malaisia, Trung Quốc, Hàn quốc… Các tác phẩm của Võ Trọng Nghĩa, Hòang Thúc Hào… chiếm giải cao liên tục trong những cuộc thi lớn quốc tế, thời gian rất dài… Đó là những người làm nghề tràn nhiệt huyết, say sưa sáng tạo cống hiến, luôn tìm ra điều mới, cách làm mới, liên tục đổi thay để được cộng đồng chấp nhận một cách bền vững. Như vậy, về mặt công nghiệp hóa mà nói, người chiến sĩ nghệ sĩ phải làm sao để sức lan tỏa của mình rộng, sâu và dài hạn, không ai làm thay được.
  • Vấn đề học tập và hợp tác quốc tế: Điều này lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã từng nói “Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại (…). Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam”[4], “Văn hóa của các dân tộc khác cần phải được nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”[5]. Việc vận dụng và triển khai thực sự còn rất ít bài bản và chưa thành hệ thống, dẫn hướng ở các ngành nghệ thuật, trong đó có Kiến trúc. Việc thực hành của giới nghệ thuật còn mang tính tự phát nhiều hơn. Điều đó dẫn đến hiệu quả cụ thể và khả năng kiểm soát nội dung, hiệu suất còn rất hạn chế. Trong sự hợp tác học hỏi này, ở khía cạnh tổng phổ điều hành chung, tính khư khư giữ gìn bản sắc của chúng ta còn rất nặng, trong lúc đó hồn cốt truyền thống lại đóng khung, ít bổ sung, đổi mới. Do đó khả năng lan tỏa ảnh hưởng và khả năng được chấp nhận, nhân lên như là ý nghĩa “công nghiệp” khó xảy ra. Việc nhân rộng, lan tỏa và sinh lợi về kinh tế ở đó (hai đặc điểm rất quan trọng của công nghiệp văn hóa) hầu như chưa nhiều cơ hội thành công. Đây là một hạn chế mang tính nguy cơ, ảnh hưởng đến sự phát triển. Trong khi đó, sự vươn mình của các cá nhân nghệ sĩ tự do, hoặc tổ hợp tư nhân hiệu quả toàn diện trong các hoạt động này lại tốt hơn. Sự ảnh hưởng cần có về Kiến trúc từ nước ngoài vào Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế và chậm trễ, sự làm mới Kiến trúc Việt Nam để “mang chuông đi đánh nước người” cũng trong tình trạng như vậy, đặc biệt là khu vực Nhà nước. Ta chưa đúc rút học được nhiều cái hay, cái tiến bộ một cách cốt lõi. Việc nghiên cứu toàn diện cũng chưa thành hệ thống, chưa có địa chỉ cụ thể phụ trách. Vì vậy, sự tiếp thu kịp thời, bài bản chưa được vận hành đồng bộ và thường xuyên. Cần có vận động của cả hệ thống và nhiều phía, những cá nhân riêng lẻ chỉ tạo nên những tiếng chuông ngân đơn điệu, với tinh thần “một cây làm chẳng nên non”.
  • Khai thác di sản và nền tảng có sẵn: Một trong những điều có thể thấy rõ nữa là sự lãng phí trong khai thác văn hóa về Kiến trúc có sẵn, tìm cơ hội tạo lập không gian văn hóa sáng tạo ở khắp mọi vùng miền Việt Nam, nhất là tại các TP lớn. Trên thế giới có thể thấy hiệu quả của sự đánh thức này lớn đến mức độ nào. Như TP Detroit bang Michigan-Hoa Kỳ đang vào thời kỳ điêu tàn, dân số giảm nhanh chóng, khách du lịch xóa điểm đến hấp dẫn một thời. Vậy mà chỉ cần một cách làm kiến trúc văn hóa không tiêu tốn nhiều chi phí: Khôi phục và làm mới hoạt động của quảng trường trung tâm, lập tức tình hình được cải thiện, thành phố trở lại sống động, níu kéo người dân quay về định cư rất lớn, lượng khách du lich đột biến tăng trở lại. Hoặc như sự khôi phục dòng sông Hàn ở thủ đô Seoul – Hàn Quốc đã làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến đó hàng năm không ít… Đó chính là những cách phát triển công nghiệp văn hóa với vai trò nổi bật của Kiến trúc, rất hiện thực và hiệu quả.

Ở nước ta, ngay tại Hà Nội và TP HCM, việc triển khai khai thác nền tảng này còn rất chừng mực và rất kém hiệu quả. Tại Hà Nội, một thời gian rất dài cho đến nay, các không gian văn hóa sẵn có trong thành phố, các di tích lịch sử văn hóa, các khoảng trống đô thị có thể khai thác, các làng nghề truyền thống, các chương trình di dời nhà máy gắn với tái tạo khai thác không gian văn hóa sáng tạo… vẫn còn là những mảnh đất hoang trống hoặc làm theo kiểu được chăng hay chớ. Khả năng tự cân bằng và sinh lợi góp phần phát triển kinh tế hầu hết còn rất xa vời. TP HCM thì việc khai thác các không gian công cộng hiện hữu tốt hơn, có những chương trình rất thành công như việc thiết kế tạo lập và khai thác đường hoa Nguyễn Huệ vào tết Nguyên đán hàng năm, hay hệ thống công viên mở tự do không hàng rào… nhưng về tổng quan mà nói, việc phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực này vẫn còn mờ nhạt, kém hiệu quả. Tại các đô thị khác và các vùng nông thôn, bức tranh này càng ảm đạm. Trong khi đó tiềm năng, thế mạnh của nước ta nằm trong tốp đầu hấp dẫn của Đông Nam Á, chưa nói là có chỗ đứng đàng hòang trên thế giới.

Kết quả đến nay là vậy, thực tế hiện tại đang như vậy! Liệu theo con đường nào để công nghiệp văn hóa về Kiến trúc tại Việt Nam thực sự và thực chất phát triển trong những năm tới? Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là cần đổi mới cách làm. Thay vì cách làm từ trên xuống thì nên là cách làm bắt đầu từ dưới lên. Nghĩa là trước đây Chính phủ, Ban Bộ ngành đề ra quy định, chế tài rồi dưới ráp vào thực hiện. Thì nay nên để người “lao động trong lĩnh vực”, từng tổ chức thực hành trong lĩnh vực, lực lượng thực chất gắn với “hơi thở cuộc sống”, tự phát hiện, tự nghiên cứu, đề xuất những mô hình thích hợp để trên phê duyệt thực hiện. Từ kế hoạch chương trình tổng quan, phải chọn những chương trình trọng tâm thích ứng theo thời gian, từ những chương trình được chọn phải làm thử để rút kinh nghiệm trên cơ sở có thể chấp nhận thất bại để tìm kiếm thành công; cơ chế định rõ cho các cấp, các ngành và phải đồng bộ, lấy hiệu quả nền tảng tinh thần – Động lực phát triển đi đôi với hiệu quả kinh tế tự sản tự tiêu và góp được cho tích lũy phát triển xã hội; kiên quyết xoá bỏ bao cấp… Một yếu tố quan trọng nữa là cần tạo điều kiện để huy động được sức mạnh chất xám của các hội Chính trị, Chính trị – xã hội – nghề nghiệp, xã hội – nghề nghiệp mà lĩnh vực Kiến trúc là Hội KTS Việt Nam, các Hội liên quan khác tham gia không phải chỉ với vai trò phản biện, tham khảo mà phải đóng vai trò tổng hợp, đề xuất là kênh chính thống, tham gia soạn thảo chính sách, và đặc biệt là thẩm tra, thẩm định, sát hạch, cấp phép đi đôi với tập huấn đào tạo phát triển. Hội chính là nơi nắm được sâu rộng nhất tình cảnh, tâm tư nguyện vọng, mức độ trí tuệ của người lao động trực tiếp trong lĩnh vực, từ đó, đi đến tạo lập những mô hình công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực Kiến trúc thích dụng, hiệu quả và bền vững nhất. Mỗi con người lao động trực tiếp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng phải thay đổi cách nghĩ cách làm bị động cố hữu trước đây. Phải tự cứu mình, tự gia nhập thị trường bằng tự thân vận động và tìm giải pháp thích ứng. Tự sáng tạo và đề xuất sáng tạo trên cơ sở tìm khả năng cân bằng hiệu quả kinh tế theo đúng hướng, cùng cộng đồng bình đẳng phát triển văn hóa Kiến trúc công nghiệp. Như vậy, có thể tóm lược một cách hình tượng là, nền văn hóa nói chung đi từ nguyên thể “trí thức văn hóa” sang “công nghiệp văn hóa” trong nhận thức và vận hành, trong lĩnh vực Kiến trúc đó là “bản ngã riêng” sang “kết nối hòa đồng”. Mọi ngành nghệ thuật, đi theo con đường công nghiệp văn hóa cần tạo lập con đường riêng của mình trong “bản giao hưởng” phát triển chung. Như vậy sự thành công và hiệu quả thực sự, nhất định sẽ đơm hoa kết trái đầy đặn và bền sâu.

TS. KTS. Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)

Tài liệu tham khảo:
[1] Unesco – Các ngành công nghiệp văn hóa – Tâm điểm của văn hóa tương lai – http//portal.unesco.org/culture/en/ev
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, NXB Chính trị Quốc gia – sự thật, Hà Nội 2021 – tr145.
[3] Thủ tướng Chính phủ, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016.
[4][5] Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Hành chính, 2011

Xổ số miền Bắc