Báo Quân Khu 7 Online

Sau 10 năm đào tạo trình độ đại học, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Quân đội có những bước tiến dài và được xem như “cỗ máy cái” của VHNT không chỉ của riêng quân đội, mà góp phần hoàn thiện hệ thống đào tạo VHNT chung của đất nước.

Tính đột phá

Đến bây giờ PGS, TS Nguyễn Thụy Loan (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) vẫn nhớ lời của cố nhạc sĩ, Thiếu tướng An Thuyên khi đang đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VHNT Quân đội, trong buổi họp với các cộng tác viên mời biên soạn giáo trình để chuẩn bị nâng cấp thành trường đại học. Khi đó, Thiếu tướng An Thuyên đề nghị “cứ biên soạn những gì mà nơi khác chưa có”. Theo PGS, TS Nguyễn Thụy Loan, với tinh thần đó, Trường Đại học VHNT Quân đội đã có một số giáo trình mới, mang tính đột phá, mà nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật khác trong nước chưa có. Ví như, việc cho sinh viên khoa Âm nhạc học nhạc cụ thứ hai (nhạc cụ cổ truyền đồng loại với nhạc cụ chính) là bước đột phá, đáng hoan nghênh; hay việc đưa một số loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số vào chương trình giảng dạy và đổi tên Khoa Nghệ thuật Dân tộc thành Khoa Nghệ thuật Dân tộc và Miền núi. Những đổi mới đó đã phát huy hiệu quả tích cực. Theo đó, ngoài những nhạc cụ truyền thống như ở các cơ sở đào tạo khác vẫn dạy, nhà trường đưa thêm một số nhạc khí của đồng bào dân tộc thiểu số vào giảng dạy, như: Pí thiu, pí tam lay (dân tộc Thái); pí lè (Tày); tính tẩu (Tày, Nùng); gi năng (Chăm)… có thêm bộ môn hát và múa dân gian của cả người Việt và các dân tộc thiểu số cho học sinh, sinh viên là con em các dân tộc miền núi. Đó cũng là ngọn nguồn của việc nhà trường xây dựng các công trình nghiên cứu, nhiều tiết mục nghệ thuật hát, múa mang đậm nét văn hóa dân gian làm phong phú thêm giáo trình giảng dạy. 
 


Tiết mục biểu diễn của sinh viên Tố Hoa (Quán quân Sao Mai dòng nhạc thính phòng) và các học viên của Nhà trường trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Vang mãi khúc quân hành” chào mừng ngày 22-12-2017.

Trong rất nhiều lĩnh vực khác như thời trang, kiến trúc, ẩm thực… vấn đề bản sắc dân tộc luôn được quan tâm và đề cao. Các sáng tác đều bám sát những tinh hoa di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số để tạo nên những sản phẩm mới. PGS, TS Nguyễn Thụy Loan cho rằng: Hướng đi của Trường Đại học VHNT Quân đội với sự cập nhật các trào lưu, thành tựu mới của thế giới trong thời gian qua, song song với việc đề cao tính dân tộc trong chương trình đào tạo là hoàn toàn đúng đắn.

10 năm qua, Trường Đại học VHNT Quân đội đã có 1.798 học viên, sinh viên tốt nghiệp đại học, trong đó, hệ quân sự có 369 học viên, hệ dân sự có 1.429 sinh viên; 6 nghệ sĩ, giảng viên được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND); 30 nghệ sĩ, giảng viên được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT)… Các thế hệ tài năng liên tục tỏa sáng và thành công trên con đường nghệ thuật, được đông đảo công chúng biết đến, như: NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Kim Ngân, NSƯT Thùy Linh, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên, Tố Hoa…

Đào tạo những gì quân đội và xã hội cần

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm đào tạo bậc đại học (2007-2017) vừa được Trường Đại học VHNT Quân đội tổ chức, Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó cục trưởng Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết: Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng đã đón nhiều đồng chí tốt nghiệp Trường Đại học VHNT Quân đội về công tác, hầu hết đều đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Trong các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân và toàn quốc, nhiều tiết mục nghệ thuật được Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng dàn dựng đoạt giải cao; các chương trình giao lưu văn hóa hữu nghị với bạn bè quốc tế được đánh giá tốt… Những thành quả ấy có sự đóng góp quan trọng của các nghệ sĩ được đào tạo từ nhà trường. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, Đại tá Văn Ngọc Quế đề xuất: Nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng giá trị đạo đức con người trong thời kỳ mới, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử cho học viên; đội ngũ hoạt động VHNT, diễn viên cần được đào tạo thêm về nhận thức chính trị cũng như các chuyên ngành khác, như truyền hình, kỹ năng tổ chức phong trào nghệ thuật, thư viện, chụp ảnh… vì khi về các đơn vị cơ sở họ đều làm công tác kiêm nhiệm.

Từng là sinh viên của trường, Đại tá, NSND Lê Quỳnh Như, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4 cho biết: Đoàn có tới 80% nghệ sĩ, diễn viên tốt nghiệp Trường Đại học VHNT Quân đội, do đó hiệu quả và chất lượng hoạt động của đoàn được nâng cao đáng kể. Nhưng một khó khăn của đoàn hiện nay là lứa tuổi hoạt động nghệ thuật không còn trẻ. Trong nhiều năm qua, chủ trương của Trường Đại học VHNT Quân đội thường xuyên đưa học viên, sinh viên trẻ về các đoàn nghệ thuật cơ sở để thực hành là cách làm rất thiết thực, vừa giúp các đoàn trẻ hóa đội ngũ biểu diễn, vừa tạo cơ hội cho các em rèn giũa nghề nghiệp. NSND Lê Quỳnh Như đề nghị trong những năm tới, nhà trường cần cho các em về đoàn thực tập với thời gian dài hơn, số lượng lớn hơn, bởi nghệ thuật luôn cần tài năng trẻ, mới. Mặt khác, cần tăng cường các lớp tập huấn cho cán bộ hoạt động VHNT,cũng như nghệ sĩ để có cơ hội cập nhật xu hướng mới của nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội, trong những năm tới, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của nhà trường là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và chủ động làm tốt công tác đào tạo sau đại học. Lấy mục tiêu đào tạo theo chuẩn đầu ra làm trung tâm, tăng thời gian thực hành; xây dựng văn hóa “Chiến sĩ-Nghệ sĩ”, môi trường sư phạm tốt đẹp, lành mạnh… Đại tá Nguyễn Xuân Thủy đề xuất, kiến nghị thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng quan tâm, giúp đỡ để nhà trường hoàn thiện việc mở mã ngành đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý văn hóa trong năm 2018; giao chỉ tiêu đào tạo đại học chính quy hệ quân sự các chuyên ngành văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí từ năm 2018 để đáp ứng nhu cầu của quân đội.

Xổ số miền Bắc