Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội

    Di sản văn hóa là tài sản riêng có của mỗi quốc gia, dân tộc, nói lên truyền thống của dân tộc, thể hiện công đức của các thế hệ tổ tiên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc…

    Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, các dân tộc ở Việt Nam có một quá trình gắn bó và một ý thức dân tộc được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước. Mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự thống nhất và đa dạng của nền văn hóa Việt.

    Với tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”. Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

    Ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Với ý nghĩa đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước vừa là trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

    Sơn Hòa là một huyện miền núi, có 14 dân tộc anh em cùng cộng đồng sinh sống lâu đời, chính vì thế có sự tồn tại của nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong quá trình phát triển, cùng với thời gian và sự thăng trầm lịch sử, sự giao thoa về văn hóa, nhiều giá trị văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một. Để bảo tồn, giữ gìn các di sản văn hóa, những năm qua, huyện đã có nhiều chương trình, kế hoạch, đề án được xây dựng và triển khai thực hiện, từng bước mang lại hiệu quả tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại,trên địa bàn huyện còn 65 di sản văn hóa phi vật thể được thống kê đưa vào danh mục, 14 di tích, thắng cảnh đã đăng ký trong danh mục kiểm kê của tỉnh, có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 08 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra do chưa có điều kiện nên chưa thể thống kê hết các loại hình di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại trong dân gian như thơ ca, hò vè, ca dao, tục ngữ, hát ru…

    Văn hóa truyền thống của dân tộc là những giá trị về vật chất và tinh thần được lưu giữ, truyền thụ từ xưa cho đến nay. Nó kết tinh từ những tinh hoa của các thế hệ đi trước, góp phần tạo nên bản sắc riêng, đặc trưng của một dân tộc mà chúng ta không thể đánh mất. Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động văn hóa cơ sở là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với xây dựng văn hóa ngay từ trong gia đình và trong cộng đồng dân cư, trong sinh hoạt văn hoá thường nhật của quần chúng nhân dân nhằm khôi phục, giữ gìn cái hay, cái đẹp có tính cách riêng biệt, độc đáo của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, làm cho mọi người đều cảm nhận được và có ý thức giữ gìn, trân trọng, nâng niu, tự hào về dân tộc mình, quê hương đất nước mình.

    Những dấu tích vẻ vang của quá khứ còn in đậm trên từng viên gạch, từng gốc cây cổ thụ. Mỗi một người chúng ta đều ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc, đó cũng chính là việc bảo vệ chính tâm hồn của mỗi người Việt Nam trong thời đại mới…

                                                                                                                                    Hoài Nam