Các điều kiện cơ sở giao hàng trong mua bán hàng hóa quốc tế – INCOTERMS

INCOTERMS có vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế và được coi như là “bảng cửu chương” cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu/logistics. Sau nhiều lần đổi mới và hoàn thiện,

1. Khái niệm International Commerce Terms (Incoterms) là gì?

Incoterms là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế đã được công nhận và được sử dụng một cách rộng rãi trên toàn thế giới với những quy tắc có liên quan tới giá cả và trách nhiệm của các bên tham gia ( bao gồm bên mua và bên bán ) trong một hoạt động thương mại quốc tế. Phiên bản được sử dụng nhiều nhất trong thế ký XXI là Incoterm 2010 với 11 điều khoản thuộc 4 nhóm chính

 

2. Các điều khoản trong Incoterm sẽ quy định rõ vai trò trách nhiệm của các bên tham gia

Ai làm thủ tục thông quan xuất khẩu, ai làm thủ tục thông quan nhập khẩu?

– Hoàn thành các thủ tục theo quy định hải quan

– Đóng đầy đủ các khoản phí và lệ phí (nổi và chìm)

– Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu.

Ai thuê phương tiện vận tải chặng chính (thuê tàu, máy bay)

Địa điểm giao hàng:

Địa điểm giao hàng là địa điểm mà người bán chịu chi phí tới chỗ đó.

Ở nước nào?

Ở đâu?

Ai bốc hàng lên, ai dỡ hàng xuống khỏi phương tiện vận tải?

Việc chuyển rủi ro của hàng hoá từ người bán sang người mua như thế nào?

Ai phải mua bảo hiểm cho lô hàng?

 

3. Đặc Điểm Của Incorterm Trong Thanh Toán Thương Mại Quốc Tế

International Commerce Terms ( Incoterms ) có những đặc điểm sau:

Incoterms không có tính chất bắt buộc: nó chỉ có tính chất bắt buộc khi và chỉ khi các bên tham gia hợp đồng ( bao gồm cả bên mua và bên bán ) được quy định trong hợp đồng mua bán giao thương hàng hóa giữa hai chủ thể của hai quốc gia khác nhau mà thôi. Những điều kiện bắt buộc ấy bao hàm cả sự ràng buộc về nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia vào hợp đồng thương mại quốc tế ấy. Hơn thế nữa Incoterms còn là tập quán thương mại.

Cần nêu rõ phiên bản sử dụng Incoterm năm bao nhiêu: để đối chiếu và nhằm xác định trách nhiệm của các bên tham gia bởi lẽ Incoterms không hề phủ nhận tính hiệu lực của các phiên bản cũ cho dù có phiên bản mới ra đời đi chăng nữa. Hãy lưu ý điều này để tránh phạp phải sai lầm không đáng có.

Các điều khoản trong Incoterm sẽ giải thích  vai trò các bên tham gia trong hợp đồng: giải thích các vấn đề chung có liên quan bên nào sẽ có nghĩa vụ thuê phương tiện vận chuyển hàng hay là việc bên nào sẽ mua bảo hiểm hàng hóa cũng như là việc người bán sẽ giao hàng cho người mua vào khoảng thời gian nào, phân bổ chi phí giữa các bên ra sao … Nhưng lại không quy định rõ những vấn đề khác như giá cả hàng hóa, cách thức thanh toán, bốc – dỡ hàng hóa hay xếp hàng hóa ra sao, việc lưu kho bãi như thế nào,… tất cả đều phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên tham gia vào hợp đồng tùy thuộc theo yêu cầu của cảng cũng như các phong tục tập quán của ngành nghề kinh doanh và của nước sở tại của các bên tham gia mua bán hàng hóa đó.

Incoterm chỉ có tính tham khảo không áp đặt nguyên tắc: Tùy thuộc vào vị thế mạnh hay yếu của mỗi bên mà có thể thỏa thuận tăng hoặc giảm nghĩa vụ trách nhiệm cho nhau mà không hề ảnh hưởng cũng như làm thay đổi được bản chất điều kiện cơ sở giao hàng. Tuy nhiên việc tăng hay giảm trách nhiệm cũng như nghĩa vụ cần phải được cụ thể hóa trong hợp đồng thương mại.

Incoterm chỉ xác định thời điểm  chuyển giao rủi do không xác định thời điểm chuyển giao sở hữu hàng hóa và những điều kiện khác:  hai bên cần phải hiểu một điều là luật địa phương được áp dụng thì có thể làm mất đi tính hiệu lực của của bất kể nội dung nào bên trong hợp đồng thương mại giữa hai bên, kể cả khi những điều khoản Incoterms đã được lựa chọn trước.

Từng điều kiện trong Incoterm sẽ áp dụng với các nhóm vận tải: Các điều khoản của Incoterms tùy thuộc vào việc hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện nào? Bằng hình thức nào? Ví dụ như là vận chuyển hàng hóa thông qua đường bộ, đường biển, đường tàu hay là đường hàng không. Đồng thời còn tùy thuộc vào loại hình nào? ( hàng rời, container, … ) thì sẽ có những điều khoản tương ứng.

 

4. Tổng quan về INCOTERMS

 Các hợp đồng mua bán hàng hoá thường chứa đựng những điều kiện cơ sở giao hàng ở dạng viết tắt, mô tả thời gian và địa điểm người mua sẽ nhận hàng, địa điểm thanh toán, giá cả và thời điểm chuyển giao rủi ro đối với mất mát của hàng hoá dịch chuyển từ người bán sang người mua, và chi phí vận tải. Những điều kiện cơ sở giao hàng này được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế và nội dung thay đổi tùy thuộc vào luật điều chỉnh. Nhóm điều kiện cơ sở giao hàng được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là những điều kiện được ICC tập hợp và xuất bản. Đó là INCOTERMS, được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới. Hội đồng thương mại, toà án và các luật sư quốc tế đều khuyến khích sử dụng các điều kiện cơ sở giao hàng này. Phiên bản đầu tiên được ấn hành năm 1936 và phiên bản gần đây nhất là INCOTERMS 2010. Phiên bản 2000 có một số thay đổi so với phiên bản trước đó, INCOTERMS 1990. Phiên bản 1990 cũng có những thay đổi đáng kể so với các phiên bản trước nữa, nhằm thích ứng với những thay đổi về công nghệ và thực tiễn giao nhận hàng hoá trong thập kỉ 80. Theo ICC, ‘lí do cơ bản cho sự ra đời của phiên bản 1990 là mong muốn các điều kiện cơ sở giao hàng thích ứng với sự xuất hiện của dữ liệu điện tử (EDI)’. Theo đó, các điều kiện cơ sở giao hàng cho phép các bên chuyển giao chứng từ ở dạng dữ liệu điện tử, kể cả vận đơn, khi hợp đồng chỉ rõ việc chuyển giao bằng phương thức này. Lí do tiếp theo là phiên bản này bắt nguồn từ ‘các kĩ thuật vận tải, đặc biệt là việc vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, vận tải đa phương thức, giao nhận “roll-on roll-off” bằng đường bộ và đường sắt’. Những điều kiện cơ sở giao hàng mà trước đây chỉ áp dụng cho vận tải đường bộ và hàng không như Free on Rail (FOR), Free on Truck (FOT) và FOB Airport (FOB sân bay), nay đã bị loại bỏ, và thay vào đó là điều kiện Free Carrier được mở rộng.INCOTERMS 2010 bỏ đi 4 điều kiện (DAF, DES, DEQ và DDU) và bổ sung 2 điều kiện (DAP – Delivered at Place, và DAT – Delivered at Terminal), dẫn đến tổng số điều kiện cơ sở giao hàng là 11. INCOTERMS 2010 chính thức thừa nhận việc áp dụng các điều kiện cơ sở giao hàng trong thương mại nội địa và quốc tế. EXW – Ex Work đã chỉ ra rất rõ ràng là điều kiện này chỉ phù hợp với thương mại nội địa. Phiên bản mới này không loại trừ hiệu lực của những phiên bản cũ. Do đó, các bên khi sử dụng INCOTERMS hay các điều kiện cơ sở giao hàng khác, phải chỉ rõ điều kiện cơ sở giao hàng theo nguồn nào mà họ muốn sử dụng. Ví dụ, nếu các bên sử dụng FOB trong hợp đồng mua bán, các bên phải làm rõ là FOB INCOTERMS 2000 hay FOB US UCC, vì cùng là chữ viết tắt FOB, nhưng nghĩa của chúng lại khác nhau. Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ (UCC) quy định tại §2-319 về các điều kiện FOB và FAS, theo đó ‘khi sử dụng FOB tên điểm đến, người bán phải chịu mọi rủi ro và chi phí để đưa hàng tới điểm đó và giao chúng theo đúng quy định tại điều này’. Tuy nhiên, FOB INCOTERMS 2000 chuyển giao rủi ro từ người bán sang người mua tại cảng đi. Nếu các bên không chỉ rõ điều kiện cơ sở giao hàng nào được sử dụng, thì toà án hay trọng tài sẽ áp dụng nội dung của điều kiện cơ sở giao hàng mà luật nước họ sử dụng.  Các bên cũng không nên chấp nhận việc sử dụng bất kì một điều kiện cơ sở giao hàng cụ thể nào. INCOTERMS của ICC được coi là bộ quy tắc hoàn hảo nhất, được nghiên cứu nhiều thời gian và cẩn trọng nhất. Các bên được quyền sửa đổi nội dung của những điều kiện cụ thể mà họ muốn sử dụng, nhưng không được làm sai bản chất của điều kiện đó. Ví dụ, FOB đã quy định rủi ro chuyển giao từ người bán sang người mua khi hàng qua lan can tàu tại cảng đi, thì các bên không thể sửa đổi là rủi ro chuyển giao từ người bán sang người mua tại cảng đến. Khi đó, toà án hay trọng tài sẽ bỏ qua phần sửa đổi này hoặc họ sẽ coi điều kiện này là vô hiệu.

 

5. Khái quát về các điều kiện cụ thể

Phần này tập trung vào các điều kiện của INCOTERMS 2010, vì đây là phiên bản cập nhật nhất cho tới thời điểm hiện nay (năm 2012). INCOTERMS 2010 chia các điều kiện thành 4 nhóm theo nghĩa vụ của các bên. Nhóm ‘E’ (nghĩa là Ex Works EXW) đòi hỏi người mua phải nhận hàng tại nhà xưởng của người bán. Nhóm ‘F’ (nghĩa là Free Carrier FCA; Free Alongside Ship FAS; và Free on Board FOB) đòi hỏi người bán phải giao hàng cho người chuyên chở. Nhóm ‘C’ (nghĩa là Cost and Freight CFR; Cost, Insurance, and Freight CIF; Carriage Paid To CPT và Carriage and Insurance Paid To CIP) yêu cầu người bán phải thu xếp và thanh toán cho việc vận tải hàng hoá, nhưng không chịu rủi ro về hàng hoá khi chúng đã được giao cho người chuyên chở. Nhóm ‘D’ (nghĩa là Delivered at Terminal DAT, Delivered at Place DEP và Delivered Duty Paid DDP) yêu cầu người bán chịu mọi chi phí và rủi ro mang hàng hoá đến nước người mua. Những điều kiện này chỉ áp dụng cho những phương thức vận tải nhất định. FAS, FOB, CFR, CIF chỉ áp dụng cho vận tải đường biển và đường thủy nội địa. Các điều kiện khác – EXW, FCA, CPT, CIP, DAT, DAP và DDP áp dụng cho bất kì hình thức vận tải nào. Một số điều kiện bắt đầu bằng chữ ‘Free’, đó là Free Alongside the Ship (FAS – ‘Giao dọc mạn tàu’), Free on Board (FOB – ‘Giao lên tàu’), Free Carrier (FCA – ‘Giao cho người chuyên chở đầu tiên’). ‘Free’ nghĩa là người bán có nghĩa vụ giao hàng cho người chuyên chở tới cảng được chỉ định. Điều kiện FAS (‘giao dọc mạn tàu’) yêu cầu người bán giao hàng tại cảng được chỉ định, và đặt hàng hoá dọc theo mạn tàu do người mua chỉ định theo phương cách truyền thống tại cảng đó. ‘Alongside’ thường có nghĩa là hàng hoá phải trong phạm vi tay cẩu. Như vậy, người bán có thể sẽ phải thuê xà lan để chở hàng ra tàu vào vị trí quy định. Về những nội dung khác thì FAS cũng giống như FOB. Người bán có nghĩa vụ giao hàng dọc mạn tàu. Một số điều kiện bắt đầu bằng ‘C’ (‘Cost’) (nghĩa là ‘chi phí’). Điều kiện ‘C’ có thể đi kèm hoặc không đi kèm với điều kiện ‘I’ (‘Insurance’) (nghĩa là ‘bảo hiểm’) và điều kiện ‘F’ (‘Freight’) (nghĩa là ‘cước phí tàu biển’) hoặc điều kiện ‘P’ (‘Paid to’) (nghĩa là ‘trả tới’). Điều kiện ‘C’ thường được người mua ưa chuộng, vì người mua chỉ có ít nghĩa vụ với hàng hoá, khi hàng hoá tới cảng đích hoặc điểm đích tại nước họ. Các điều kiện ‘C’ yêu cầu người bán thu xếp việc vận tải bằng đường biển tới cảng đích và chuyển giao chứng từ cần thiết, để người mua nhận hàng từ người chuyên chở, và có thể khiếu nại người bảo hiểm trong trường hợp mất hàng hoặc hàng bị thiệt hại. Tuy nhiên, các điều kiện ‘C’ và điều kiện ‘Free’ là các điều kiện theo đó rủi ro được chuyển giao từ người bán sang người mua tại cảng đi. Nghĩa là, rủi ro chuyển giao từ người bán sang người mua khi hàng lên tàu theo CIF, FOB INCOTERMS 2010. Đây là một ưu điểm của INCOTERMS 2010 so với INCOTERMS 2000, vì INCOTERMS 2000 tạo ra ranh giới chuyển giao rủi ro trong tưởng tượng là lan can tàu. Các điều kiện ‘D’ yêu cầu người bán giao hàng cho người mua tại địa điểm theo thoả thuận. Điều kiện ‘C’ khác với điều kiện ‘D’, mặc dù nghĩa vụ của người bán trong hai nhóm điều kiện này là tương tự nhau. Người bán, theo nhóm điều kiện ‘D’, phải chịu mọi rủi ro về hàng hoá cho đến khi giao hàng cho người mua.

Luật Minh Khuê( sưu tầm và biên tập)

Xổ số miền Bắc