Cách chăm sóc mai vàng trong chậu nở đúng dịp tết | Vườn Nhà Ta

Mai vàng là loài cây cảnh đẹp thường chưng vào những ngày Tết. Thế nhưng, chăm sóc mai vàng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp mà không phải ai cũng làm được. Trong bài viết này, Vườn Nhà Ta sẽ chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc mai vàng trong chậu. Bao gồm cả cách chăm sóc mai trước Tết và sau Tết nhé.

Cách chăm sóc mai vàng trong chậu trước Tết

Để sở hữu chậu mai nở đúng vào dịp Tết cần thực hiện các kỹ thuật như dọn cỏ, bắt sâu, tuốt lá, bón phân… Cụ thể như sau:

Dọn cỏ, bắt sâu cho cây mai

Cần dọn hết cỏ dại có trong đất trồng mai vàng. Cỏ dại là tác nhân hút hết dinh dưỡng trong đất và phân bón của cây mai.

Mặc dù có khả năng kháng lại sâu bệnh hại khá tốt, song cây mai vẫn dễ mắc một số bệnh như sâu tơ, sâu nái, sâu đục thân… Bạn cần quan sát và phát hiện kịp thời để tiêu diệt chúng.

Kỹ thuật tuốt lá mai trước Tết

Tuốt lá mai là công đoạn rất cần thiết. Bởi công đoạn này quyết định cây mai vàng của bạn có nở hoa đúng dịp Tết hay không. Trong kinh nghiệm về cách chăm sóc mai vàng trong chậu, có hai phương thức tuốt lá mai như sau:

  • Cầm lá trẩy ngược ra phía sau: Cách này nhanh gọn, tiết kiệm được công sức nhưng dễ làm tróc vỏ cành mai không tốt cho chất lượng nụ và cành hoa.
  • Cầm lá kéo cùng chiều với lá: Cách này mất nhiều thời gian và công sức, nhưng có thể tránh làm xước vỏ cây. Tuy nhiên, đọt non cũng có thể bị đứt do kéo với lực mạnh.

Dù áp dụng cách nào cũng cần tuốt sạch hết lá của cây mai để cây ra nhiều hoa. Trong quá trình tuốt lá phải đảm bảo tránh làm gãy ngọn, gãy cành và tróc vỏ.

Kỹ thuật tuốt lá mai trước TếtKỹ thuật tuốt lá mai trước Tết

Thời điểm tuốt lá cho cây mai vàng thường từ rằm tháng Chạp trở đi. Sau khi tuốt, cây đã bắt đầu mọc những nụ hoa nhỏ ở nách lá. Mỗi nụ sẽ phát triển thành hoa cái và được bao kín bằng một lớp vỏ lụa.

Mất khoảng một tuần kể từ lớp lụa xuất hiện cho đến lúc hoa nở. Thời tiết càng ấm thì hoa mai càng nhanh nở. Do đó, cần quan sát thời tiết và tính toán để xác định chính xác thời điểm tuốt lá.

Tuốt lá dựa trên nụ hoa

Trường hợp nụ hoa đã có trên cây trước khi trẩy lá thì:

  • Tuốt lá vào ngày 13 tháng Chạp nếu nụ hoa còn nhỏ.
  • Tuốt lá vào ngày 15 – ngày 16 tháng Chạp nếu nụ hoa hơi lớn.
  • Tuốt lá vào ngày 18/ 19/20 tháng Chạp nếu thấy nụ hoa đã lớn.

Nhìn chung, từ mùng 10 tháng Chạp trở đi, cần quan sát nụ hoa thật kỹ để tính toán thời điểm phù hợp tuốt lá mai. Làm sao để việc tuốt lá giúp vỏ lụa xuất hiện đúng ngày cúng ông Táo là được.

Tuốt lá dựa trên thời tiết

Ngoài quan sát nụ hoa, bạn cũng cần quan tâm đến thời tiết những ngày cuối năm để tuốt lá cho cây mai. Từ mùng 10 tháng Chạp trở đi, nên lưu ý:

  • Tuốt lá muộn hơn nếu dự báo thời tiết những ngày cuối năm trời ấm, nắng nhiều.
  • Tuốt lá sớm hơn nếu dự báo thời tiết những ngày cuối năm ít nắng, lạnh hoặc có mưa lớn.

Tuốt lá dựa trên thời tiếtTuốt lá dựa trên thời tiết

Dinh dưỡng cho mai vàng trước Tết

  • Sau khi tuốt lá, bạn vẫn nên quan sát và dự báo thời tiết để có những điều chỉnh kịp thời cho cây mai ra hoa đúng Tết:
  • Nếu cây mai vẫn nở muộn thì cần thúc mai bằng việc sử dụng phân NPK pha loãng (1 muỗng canh phân bón pha với 10 lít nước) và tưới cho cây mai.
  • Nếu trời đang nắng mà xuất hiện mưa rào thì có thể hoa sẽ nở sớm hơn. Lúc này, nên giảm thiểu liều lượng và số lần tưới nước. Khi nắng quay lại thì đem cây ra phơi nắng, giúp chúng không nở sớm quá.

Cách chăm sóc mai vàng trong chậu sau Tết

Đa phần cây mai đều được bón thúc hay kích hoa để kịp chơi vào ba ngày Tết. Do đó, dinh dưỡng dưỡng như đã cạn kết và nếu không biết cách chăm sóc mai vàng trong chậu sau Tết có thể khiến cây yếu, thậm chí là chết.

Việc phục hồi sức khỏe cho cây mai sau Tết là công đoạn cực kỳ quan trọng. Bởi chúng quyết định đến sự phát triển của cây và hoa vào năm sau.

Thời điểm chăm sóc mai sau Tết tốt nhất

  • Đối với chậu mai trong nhà: Thời điểm chăm sóc mai là khoảng mùng 8 âm lịch.
  • Đối với chậu mai ngoài sân hoặc trồng trực tiếp dưới đất thì khoảng giữa tháng Giêng chăm sóc cây là tốt nhất.
  • Với những cây mai trồng ngoài trời thì không phải đem cây ra phơi nắng, bởi chúng đã quen với nhiệt độ và ánh sáng bên ngoài.

Quy trình cải tạo đất và sang chậu cho cây mai

Mai vàng chơi sau Tết dường như đã kiệt quệ về dinh dưỡng, chậu trồng vì thế cũng không còn phù hợp. Do vậy, cách chăm sóc mai vàng trong chậu sau Tết cần thay đất và sang chậu mới cho cây. Cụ thể tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Trước tiên, hãy di chuyển chậu mai ra ngoài sân ở vị trí thoáng đãng và có ánh sáng nhẹ. Phơi chậu mai khoảng 3 đến 5 ngày, tránh để cây tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp quá mạnh dễ làm cây khô cành, cháy lá.

Ảnh Cách chăm sóc mai vàng trong chậu nở đúng dịp tếtẢnh Cách chăm sóc mai vàng trong chậu nở đúng dịp tết

Tiếp đến, dùng kéo để loại bỏ những nụ mai chưa nở và hoa mai trên cây. Việc này là để tránh hoa tạo hạt và hấp thụ quá nhiều dinh dưỡng của cây. Đồng thời, cắt tỉa những nhánh, quả dài hoặc đã nhiễm bệnh.

Bước 2: Cắt tỉa xong thì cần vệ sinh sạch sẽ cho cây mai. Thực hiện đơn giản bằng cách dùng vòi nước phun với lực mạnh giúp thân, cành của cây mai tróc hết các lớp nấm mốc và rong rêu.

Ảnh Cách chăm sóc mai vàng trong chậu nở đúng dịp tếtẢnh Cách chăm sóc mai vàng trong chậu nở đúng dịp tết

Khoảng 10 phút phun như vậy thì dùng thêm khăn khám hoặc bàn chải để làm sạch hết các vết nấm, vết bẩn trên thân và cành mai.

Bước 3: Cây mai sau khi đã được vệ sinh và cắt tỉa xong xuôi đã có thể thay đất và thay chậu. Trước hết, hãy bốc cả bầu đất và rễ ra khỏi chậu cũ.

Bóc một cách nhẹ nhàng những lớp đất cũ, chỉ để lại một lớp đất mỏng cho bám rễ. Chú ý, không rửa sạch hết lớp đất trên bộ rễ của cây bạn nhé.

Đất trồng cây cảnh hữu cơĐất trồng cây cảnh hữu cơ

Sau đó, dùng viên đất nung để rải thành một lớp vừa đủ vào đáy chậu mới. Lớp đất này giúp cây thoát nước tốt hơn và thông thoáng hơn. Cho khoảng 50% đất trồng mai vào chậu, trồng lại cây mai và dùng đất lập lại cho ngập bộ rễ là được.

Đất trồng mới cho cây mai sau Tết có thể mua sẵn ở các cửa hàng. Hoặc có thể tự trộn đất thịt với các giá thể như mùn cưa, tro trấu, xỉ than, phân chuồng để hoai…

Lưu ý, không nén chặt đất khi trồng mai mà cứ để tự nhiên thôi nhé.

Bước 4: Cuối cùng, tưới nước cho cây mai sau khi trồng mới. Đặt cây ở vị trí thoáng mát, tránh ánh nắng vào khoảng 1 – 2 ngày để quá trình phục hồi diễn ra.

Hoa maiHoa mai

Mai vàng là loại cây cảnh ưa nắng, do vậy khi cây đã phục hồi thì đưa cây ra nắng dần dần để cây thích nghi. Giúp cây nhanh đâm chồi và ra lá hơn.

Cách chăm sóc mai sau khi thay chậu cần chú ý đến lượng phân bón, lượng nước, phòng ngừa sâu bệnh…

Bón phân

Sau khi thay chậu và đất cho cây mai khoảng 15 ngày thì cần bón phân để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Thế nhưng, không nên sử dụng phân hóa học để bón cây bởi lúc này rễ cây dễ bị tổn thương, hấp thụ rất kém.

Bón PhânBón Phân

Phân bón hóa học còn khiến bộ rễ bị nóng lên, khiến chúng bị hư hỏng nặng. Thay vì dùng phân bón hóa học, bạn có thể dùng phân hữu cơ như phân bò đã hoai, phân trùn quế, phân bánh dầu đậu phộng,…

Đồng thời, dùng kết hợp những loại phân hữu cơ phun lá như Seasol, Org Hum, Acroot… và các loại phân bón đầu trâu như 30 – 10 – 10, 501… để cây nhanh ra lá non và đâm chồi mới. Có thể sử dụng định kỳ từ 7 – 10 ngày/lần.

Phòng ngừa sâu bệnh

  • Cây mai vàng trồng chậu thường gặp phải một số loại sâu bệnh hại như sâu đục thân, sâu đục lá, rệp mềm, nhện đỏ… Có thể quan sát và bắt sâu thủ công.
  • Với rầy mềm, có thể dùng vòi xịt nước phun mạnh để rầy tróc ra khỏi lá và thân cây. Nếu rầy quá nhiều có thể phun bằng dung dịch thuốc trừ sâu từ chế từ ớt, gừng, tỏi…
  • Côn trùng và sâu bệnh thường tấn công cây mai nhiều nhất trong giai đoạn cây trổ nụ hoa. Lúc này, có thể phun ngừa cho cây mai bằng tinh dầu sả hoặc GE quế.

Bí kíp duy trì dáng mai đẹp sau Tết

Mẹo duy trì dáng mai sau Tết cũng là một vấn đề đáng được quan tâm trong cách chăm sóc mai vàng trong chậu.

  • Tránh bón phân khi vừa thực hiện thay đất, sang chậu cho cây. Bởi như đã nói, bộ rễ lúc này còn yếu mà khó hấp thụ được dinh dưỡng. Dinh dưỡng quá nhiều còn khiến rễ bị tổn thương nặng hơn.
  • Tránh bón và phun phân bón cho cây mai trong mùa mưa. Bởi thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao giúp cây phát triển tươi tốt hơn, làm mất hình dáng đẹp ban đầu.
  • Cần phải thực hiện thay đất và sang chậu cho cây mai vàng sau khi chơi Tết. Công đoạn này giúp bổ sung dinh dưỡng như đạm và kali, rất tốt và quan trọng đối với cây mai trong việc duy trì dáng đẹp.

Cách chăm sóc mai vàng trong chậu cần tìm hiểu kỹ càng và áp dụng một cách cẩn trọng. Những công đoạn đã kể trên đều cần thiết để giúp cây mai vàng chuẩn bị dinh dưỡng tốt cho một mùa hoa kế tiếp vào năm mới.

Hy vọng những chia sẻ của Vườn Nhà Ta sẽ hữu ích với bạn trong quá trình chăm sóc cây mai trước và sau Tết. Chúc bạn thành công!

Ban biên tập: Vườn Nhà Ta

5/5 – (1 bình chọn)

Xổ số miền Bắc