[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu FPT

Tác giả: Chuyên viên phân tích – Ngô Tùng Ngọc

Cập nhật và đánh giá BCTC quý 4/2022 của cổ phiếu FPT

Về mặt kết quả kinh doanh

Theo báo cáo BCTC từ FPT, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 cũng như lũy kế cả năm 2022 có những điểm nổi bật như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của FPT

  • Trong quý 4/2022, doanh thu thuần hợp nhất của FPT tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực (+21,8%) so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 13.042 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động tài chính của Tập đoàn trong quý 4 đã thu về 526 tỷ đồng doanh thu tài chính với đóng góp chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng.
  • Các chi phí kinh doanh như giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp có mức tăng vừa phải, xấp xỉ mức tăng của doanh thu. Trong khi đó, chi phí tài chính trong kỳ đã tăng mạnh (+75%) so với cùng kỳ với nguyên nhân chính do chi chí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá tăng nhanh. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận trong quý 4 của FPT. Cụ thể, lãi trước thuế hợp nhất của Tập đoàn trong quý 4 đạt 1.989 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng này đã giảm so với mức tăng trên 20% trong 3 tháng đầu năm.
  • Khi tính lũy kể cả năm 2022 thì kết quả kinh doanh của FPT nhìn chung vẫn có được sự tăng trưởng ổn định. Trong đó, doanh thu thuần năm 2022 đã tăng 23,4% so với năm trước khi hai mảng kinh doanh chính là sản xuất phần mềm xuất khẩu và dịch vụ viễn thông có mức tăng trưởng doanh thu tốt, lần lượt là 30% và 15% so với cùng kỳ. Cộng với việc các loại chi phí kinh doanh cũng được kiểm soát tốt (ngoại trừ chi phí tài chính tăng tương đối mạnh) đã giúp cho con số lợi nhuận trước thuế hợp nhất của FPT tăng 20,8% so với năm 2022, đồng thời hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra từ đầu năm.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của FPT

Về mặt tài sản:

  • Tại cuối năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của FPT đạt 51.655 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,8% so với thời điểm đầu năm. Mức giảm này của tổng tài sản chủ yếu đến từ việc các khoản đầu từ tài chính ngắn hạn (phần lớn là tiền gửi có kỳ hạn) đã giảm mạnh hơn 37% kể từ đầu năm.
  • Trong cơ cấu tài sản của FPT thì các loại tài sản ngắn hạn đang có phần nhỉnh hơn khi chiếm gần 60% tổng tài sản. Trong đó, hai khoản chiếm tỷ trọng lớn là đầu tư tài chính ngắn hạn (25,2% tổng tài sản) và tiền, các khoản tương đương tiền (12,5% tổng tài sản). Điều này phần nào cho thấy FPT đang có lượng thanh khoản khá dồi dào, sẵn sàng phục phục cho hoạt động đầu tư, kinh doanh hoặc thanh toán nợ. Ngoài ra, tài sản cố định Tập đoàn cũng chiếm tỷ trọng cao 23,3% và đã tăng khá mạnh 15,7% trong năm 2022, cho thấy doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư, mở rộng năng lực kinh doanh.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại cuối quý 4/2022, tổng các khoản nợ phải trả của FPT ở mức 26.312 tỷ đồng, giảm đáng kể (-18,5%) so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý là mức giảm này phần lớn đến từ việc Công ty đã đẩy mạnh hoàn trả các khoản nợ vay tài chính (ngân hàng, trái phiếu) với số dư vay ngắn hạn giảm 38,7% và vay dài hạn giảm 35,6% so với mức đầu năm.
  • Nhìn chung, trong năm 2022, cơ cấu nguồn vốn của FPT đã chuyển dịch theo hướng cân bằng và an toàn hơn khi giảm bớt việc sử dụng vốn vay (tỷ trọng trong tổng nguồn vốn giảm từ hơn 62% hồi đầu năm xuống còn 51% tại cuối năm).

Tình hình dòng tiền

  • Trong năm 2022, tổng lưu chuyển tiền thuần từ các hoạt động của FPT ở mức dương 1.037 tỷ đồng, từ đó đưa số dư tiền và tương đương tiền cuối năm tăng  gần 19% so với đầu năm và đạt mức 6.440 tỷ đồng. Lượng tiền này của FPT là tương đối lớn và chiếm tỷ trọng cao với 12,5% trong tổng tài sản của Tập đoàn.
  • Cơ cấu dòng tiền của FPT tiếp tục duy trì ổn định và vững chắc. Cụ thể, hoạt động kinh doanh của Công ty đã thu ròng về 5.014 tỷ đồng trong năm 2022 và tiếp tục là nguồn tạo tiền chính. Hoạt động đầu tư cũng thu về 5.797 tỷ đồng, chủ yếu do Công ty thu hồi các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Dòng tiền mạnh từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư chính là cơ sở để Công ty đẩy nhanh việc thanh toán các khoản nợ vay tài chính cũng như trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông trong năm 2022.

Nhận xét       

Trong quý 4/2022, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của FPT tiếp tục tăng trưởng ổn định trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý 4 của Công ty cũng có mức tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, tốc độ tăng này đã có phần chậm lại so với các quý trước, chủ yếu do chi phí tài chính trong kỳ tăng mạnh.

Nếu xét rộng cả năm 2022 thì kết quả kinh doanh của FPT vẫn duy trì được sự gia tăng tích cực. Doanh thu từ các hoạt động cốt lõi như sản xuất phần mềm và dịch vụ viễn thông tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, giúp cho tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2022 đã tăng hơn 23% so với năm trước. Ngoại trừ khoản chi phí tài chính tăng khá mạnh, hầu hết các khoản chi phí kinh doanh được kiểm soát với mức tăng dưới 30% và đưa lợi nhuận kinh doanh hợp nhất năm 2022 tăng 21%

Tình hình tài chính của FPT trong năm 2022 tiếp tục duy trì được sự ổn định và bền vững. Cơ cấu nguồn vốn đã chuyển dịch dần về hướng an toàn khi tỷ trọng nợ vay trong tổng nguồn vốn đã giảm khá mạnh về mức cân bằng hơn là 51% so với 62% hồi đầu năm. Hoạt động kinh doanh thu được dòng tiền tốt là cơ sở để Công ty tất toán nhiều khoản nợ vay, hạ mức đòn bẩy tài chình mà vẫn duy trì được số dư tiền mặt cao.

Cập nhật BCTC cổ phiếu FPT Q3/2022

Kết quả kinh doanh

Trong báo cáo KQKD công bố vào Q3/2022, hoạt động của FPT có những điểm đáng chú ý như sau:

kết quả kinh doanh fpt quý 3.2022kết quả kinh doanh fpt quý 3.2022

  • Về doanh thu, quý 3/2022 FPT ghi nhận đạt 11,149 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của FPT cũng có kết quả tốt, tăng 34%, đồng thời biên lợi nhuận gộp của công ty cũng có sự cải thiện so với quý 3/2021, đạt 39%.
  • Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của FPT đạt 1,902 tỷ đồng trong quý 3/2022, tăng 32.56% so với cùng kỳ. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của FPT chỉ tăng 27.74% so với cùng kỳ, đạt 1,756 tỷ đồng.
  • Dù có sự cải thiện song biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận sau thuế của FPT không có quá nhiều sự biến động. Biên lợi nhuận sau thuế tại quý 3/2022 đạt 15.75%, tương đương với cùng kỳ năm 2021.
  • Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu của FPT tăng trưởng 24.13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của công ty đều tăng trưởng 28% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận sau thuế cũng duy trì ở mức 15.68% tính đến quý 3/2022

Tình hình tài chính

tài sản FPTtài sản FPT

Về tài sản:

  • Tính đến quý 3/2022, tài sản ngắn hạn của FPT tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, sự gia tăng chủ yếu đến từ việc tăng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và tăng các khoản phải thu. Ngược lại, lượng tiền mặt của FPT đã giảm 31.39% so với cùng kỳ. Về tỷ trọng, tài sản ngắn hạn của FPT chủ yếu nằm ở các tài sản đầu tư tài chính với 37%.
  • Về tài sản dài hạn, tỷ trọng phân phối của FPT chỉ đạt 36%, trong đó chiếm phần lớn là các tài sản cố định với tỷ trọng 20.61%. Quý 3/2022 ghi nhận giá trị tài sản dài hạn tăng 12.74%, trong đó tài sản cố định đóng góp chủ yếu vào đà tăng với mức tăng 34.52% so với cùng kỳ.

Về nguồn vốn

  • Nợ phải trả của công ty đã tăng 11.28% so với cùng kỳ. Về nợ ngắn hạn, tài khoản phải trả người bán ghi nhận con số tăng trưởng 34%. Tuy nhiên tổng thể nợ ngắn hạn của FPT chỉ tăng 10.84%. Lý do bởi tỷ trọng nghĩa vụ tài chính của công ty chủ yếu nằm ở vay nợ ngắn hạn, chiếm 29.49% tổng tài sản.
  • Vốn chủ sở hữu của FPT đạt 24,055 tỷ đồng, tăng 18.36% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng đến từ các hoạt động tăng vốn của công ty qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu và lợi nhuận giữ lại được duy trì tăng 14% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu vốn và khả năng thanh toán

  • Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy của FPT cũng tương đối cao, với tỷ lệ nợ/tổng tài sản đạt 56.39%. Trong đó, tỷ lệ nợ/tổng tài sản đạt 37% và tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 103%. Trong số đó, chủ yếu là các khoản nợ vay tài chính ngắn hạn.
  • Về chỉ số thanh toán, chỉ số thanh toàn hiện hữu của FPT vẫn đang duy trì ở một mức ổn 1.27 lần so với cùng kỳ. Chỉ số thanh toán nhanh của công ty ngược lại ghi nhận sự suy giảm nhẹ về 1.11 lần do công ty ghi nhận giảm 31% lượng tiền mặt.

Tình hình dòng tiền

  • Về hoạt động kinh doanh, dòng tiền của FPT vẫn duy trì một cách ổn định, ghi nhận 3,016 tỷ đồng. Số tiền này không có quá nhiều đột biến so với cùng kỳ. Ngược lại, dòng tiền đầu tư của FPT đã có sự suy giảm so với cùng kỳ. Cụ thể FPT trong quý 3/2022 chỉ chi khoảng 907 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư.
  • Quý 3/2022 FPT chi ròng 3,782 tỷ vào hoạt động tài chính. Điều này đến từ việc FPT đã tất toán 26,855 tỷ đồng nợ gốc và lãi của doanh nghiệp.

Nhận xét

Tính đến quý 3 năm 2022, tình hình kinh doanh của FPT vẫn duy trì mức tăng trưởng bền vững. Biên lợi nhuận của FPT vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao dù cho môi trường lãi suất và vĩ mô trong năm 2022 có nhiều biến động. Mảng công nghệ thông tin vẫn tiếp tục mang lại doanh thu lớn cho FPT, chiếm 47% cơ cấu lợi nhuận.

Tình hình tài chính của FPT cũng không có quá nhiều sự đổi mới, FPT vẫn duy trì tỷ lệ đòn bẩy tương đương với thời kỳ trước. Tuy nhiên công ty cũng đang có xu hướng hạ bớt tỷ trọng vốn vay khi mà mức tăng trưởng nợ vay ngắn và dài hạn trong quý 3/2022 chỉ ở mức xấp xỉ 1 – 2%. Điều này dự kiến sẽ giúp FPT giảm bớt gánh nặng về nợ vay trong hoạt động kinh doanh dài hạn.

Mở tài khoản chứng khoán VPS – Đồng hành cùng Đầu Tư Từ Đâu để luôn được cập nhật các mã cổ phiếu khỏe nhất thị trường

Xem chi tiết tại Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu

Cập nhật BCTC cổ phiếu FPT Q2/2022

Kết quả kinh doanh

Theo báo cáo KQKD từ FPT, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 2/2022 có những điểm đáng chú ý như sau:

kết quả kinh doanh quý 2.2022 FPTkết quả kinh doanh quý 2.2022 FPT

  • Doanh thu thuần quý 2/2022 của FPT đạt 10.096 tỷ đồng, tăng 16,82% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận gộp cũng có mức tăng tương tự như doanh thu với +16% so với quý 2/2021.
  • Doanh thu hoạt động tài chính của FPT tăng khá đột biến với +110,4% so với quý 2 năm trước nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính giảm nhẹ -6,91%, trong khi các chi phí hoạt động như bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 22,4% và 25%.
  • Lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của FPT đạt 1.562 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021
  • Các chỉ số về khả năng sinh lời của FPT vẫn duy trì tương đối ổn định: biên lợi nhuận gộp đạt 39,7% và gần như không thay đổi so với quý 2/2021, chỉ số ROE (theo quý) đạt 5.4% và có cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình tài chính

Tình hình tài chính FPT quý 2.2022Tình hình tài chính FPT quý 2.2022

Về mặt tài sản

  • Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của FPT đạt 56.296 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,8% so với đầu năm.
  • Xét về cơ cấu thì đầu tư tài chính ngắn hạn (với phần lớn là khoản tiền gửi có kỳ hạn) và tài sản cố định là các khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,2% và 18,9%. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm nhẹ 3,6% so với đầu năm và chiếm 9,3% tổng tài sản. Hàng tồn kho tăng khá mạnh +46,5%, tuy nhiên do chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tài sản của FPT nên việc hàng tồn kho tăng mạnh này cũng chưa đáng ngại.

Về mặt nguồn vốn

  • Tổng nợ phải trả tăng nhẹ +1,9% so với đầu năm, trong đó, phải trải người bán giảm mạnh 13%, các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu) tăng 6,6% và chiếm 38,8% tổng nguồn vốn.
  • Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/6 của FPT ở mức 23.412 tỷ đồng, tăng nhẹ 9.3% so với đầu năm, mức tăng này chủ yếu do công ty phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức.

Về cơ cấu vốn và khả năng thanh toán

  • Các hệ số thanh toán của FPT tuy không quá cao về con số tuyệt đối nhưng đang được duy trì khá ổn định theo thời gian: hệ số thanh toán ngắn hạn ở mức 1,22 lần, hệ số thanh toán nhanh ở mức 1,15 lần.
  • Về cơ cấu vốn, FPT sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức trung bình với tỷ số nợ trên tổng tài sản vào khoảng 58,4%. Về tỷ trọng thì các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đang chiếm đa số với hơn 35% tổng nguồn vốn.

Tình hình dòng tiền

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình lưu chuyển tiền tệ của FPT có những điểm đáng chú ý sau:

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần ở mức âm 208 tỷ so với mức dương 331 tỷ của cùng kỳ năm 2021 khiến cho tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6/2022 giảm 3,6% so với thời điểm đầu năm
  • Xét về cơ cấu thì dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn ở mức dương 197 tỷ nhưng có sự sụt giảm rất mạnh so với mức dương 1.319 của cùng kỳ năm trước. Mặc dù hoạt động kinh doanh của công ty có lãi tốt, tuy nhiên do công ty tăng cường thanh toán các khoản nợ phải trả cũng như mua hàng tồn kho nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh giảm sút nhiều.

Đánh giá

Hoạt động kinh doanh của FPT trong quý 2/2022 cũng như 6 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trên 20%. Các chỉ số tài chính về khả năng sinh lời như biên lợi nhuận gộp, ROE, ROA tuy không đột phá nhưng vẫn giữ ổn định ở mức cao theo thời gian.

Về tình hình tài chính thì FPT đang duy trì một cơ cấu nguồn vốn khá trung tính, đòn bẩy tài chính ở mức độ vừa phải. Tuy công ty đang khá phụ thuộc vào nguồn vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (chiếm 35% tổng nguồn vốn), nhưng với lượng tiền mặt lớn với khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn) đang chiếm đến hơn 38% tổng tài sản, cho nên thanh khoản của công ty vẫn khá dồi dào, đủ để thanh toán các khoản nợ cũng như tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch

Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.


Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.

Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636

Like this:

Like

Loading…

Xổ số miền Bắc