[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu HDB (HDBank)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 cổ phiếu HDB

Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa vào các thông tin trên báo cáo tài chính, có thể rút ra mốt số điểm nổi bật trọng hoạt động kinh doanh của HDBank trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của HDB

  • Trong quý 4/2022, tổng thu nhập hoạt động của HDBank đạt mức 5.869 tỷ đồng, tăng tích cực (+26,8%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp chủ yếu thuộc về mảng tín dụng khi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên 30% so với cùng kỳ. Thu thuần từ mảng dịch vụ ngân hàng cũng có mức tăng khả quan (+10,7%), nhưng ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh, chịu lỗ lần lượt 66 tỷ và 4 tỷ trong kỳ.
  • Về mặt chi phí, HDBank ghi nhận 2.671 tỷ đồng chi phí hoạt động trong quý 4, tăng mạnh 61,2% so với cùng kỳ, trong khi, chi phí dự phỏng rủi ro được tiết giảm hơn 4%. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, HDB thu về 1.799 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 13,2% so với quý 4/2021.
  • Hoạt động kinh doanh của HDBank cũng duy trì được sự ổn định và tích cực trong cả năm 2022. Mặc dù các chi phí hoạt động và chi phí dự phòng tăng đáng kể, nhưng bù lại thu nhập từ các mảng kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng tăng rất tốt đã giúp lợi nhuận trong năm 2022 của HDBank có mức tăng khá cao (+27,2%) so với năm trước. Đồng thời Ngân hàng cũng đã hoàn thành vượt 5% chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2022.

Tình hình tài sản và nguồn vốn

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của HDB

Về mặt tài sản

  • Tại ngày 31/12/2022, HDBank ghi nhận quy mô tổng tài sản ở mức 416.273 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng hợp nhất (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) tại cuối năm đạt mức 268.157 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của HDBank trong năm 2022 đạt 25,6%, cao hơn khá nhiều so với tăng trung bình 14,5% của toàn ngành ngân hàng, đồng thời phù hợp với mức room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước phân bổ.
  • Tổng giá trị các khoản nợ xấu tại cuối năm 2022 của HDB ở mức  4.404 tỷ đồng, tuy đã tăng 31,1% nhưng mức tăng này chỉ tương đương với tăng trưởng dư nợ cho vay nên tỷ lệ nợ xấu của HDBank đã được giữ ổn định quanh mức 1,7%, chỉ nhích nhẹ so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của HDBank trong năm 2022 vẫn chưa được cải thiện chỉ ở mức trung bình, hơn 70%.

Về mặt nguồn vốn

  • Kết thúc năm 2022, số dư  tiền gửi huy động từ khách hàng tại HDB đạt 215.797 tỷ đồng, tăng hơn 17,7% so với thời điểm đầu năm, đây cũng là một mức tăng khá ấn tượng so với mặt bằng chung của ngành. Tuy vậy, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của HDB vẫn còn khá thấp, chỉ đạt 10,6% ở cuối quý 4, đồng thời cũng giảm so với mức 13,6% của đầu năm.
  • Tại thời điểm cuối năm 2022, quy mô vốn chủ sở hữu của HDBank ở mức 38.995 tỷ đồng, tăng 26,6% kể từ đầu năm. Mức tăng của vốn chủ sở hữu chủ yếu do đóng góp của nguồn lợi nhuận chưa phân phối khi kết quả kinh doanh của Ngân hàng tăng trưởng khá tích cực trong năm 2022. Ngoài ra, trong năm, Ngân hàng cũng đã phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 26%, lên mức 25.303 tỷ đồng.

Nhận xét

Trong quý 4/2022, kết quả kinh doanh của HDBank bị ảnh hưởng phần nào do chi phí hoạt động tăng cao, cộng với thu nhập từ các hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nhờ lực kéo từ hoạt động tín dụng vẫn tích cực, công với chi phí dự phòng rủi ro được tiết giảm đã giúp lợi nhuận sau thuế quý 4 của HDB duy trì được mức tăng trưởng khả quan (+13,2%) so với cùng kỳ.

Sự tích cực cũng được duy trì gần như xuyên suốt cả năm 2022. Cụ thể hai hoạt động cốt lõi là cho vay tín dụng và dịch vụ ngân hàng tăng trưởng cao đưa tổng thu nhập hoạt động cả năm tăng trên 30%. Đồng thời lợi nhuận sau thuế năm 2022 của HDBank cũng tăng khá cao 27,2% so với năm trước. Các chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh như ROA đạt 2,1% và ROE đạt 23,5% và tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu của ngành ngân hàng.

Quy mô tài sản trong năm 2022 của HDBank cũng tăng trưởng tốt, đặt biệt là tăng trưởng cho vay đạt mức 25,6%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành. Chất lượng tài sản đã được giữ ổn định, thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu hợp nhất chỉ giao dộng quanh mức 1,7%. Khả năng huy động vốn cũng là một điểm sáng trong hoạt động của HDB khi số dư tiền gửi khách hàng đã tăng 17,7%, gấp nhiều lần so với mức trung bình ngành khoảng 6% trong năm vừa qua. Tuy vậy, Ngân hàng vẫn cần cải thiện thêm về mặt tiền gửi không kỳ hạn khi tỷ lệ CASA còn khá thấp chỉ hơn 10%, đã phần nào ảnh hưởng không tốt đến chi phí lãi huy động.

cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 cổ phiếu HDB

Về mặt kết quả kinh doanh

Theo các thông tin trên báo cáo tài chính, hoạt động kinh doanh của HDBank trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 có những điểm đáng chú ý như sau:

  • Trong quý 3/2022, hoạt đống tín dụng của HDB tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định từ các quý trước. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý 3 đạt 4.485 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Biên thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục duy trì ở mức cao với trên 5%.
  • Các mảng kinh doanh ngoài tín dụng của HDBank nhìn chung vẫn tích cực. Hoạt động dịch vụ tài chính mang lại cho Ngân hàng 693 tỷ đồng thu nhập thuần trong quý 3, tăng hơn 110% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động ngoại hối đạt 97 tỷ đồng, tăng khá đột biến 362% so với quý 2 năm 2021.
  • Về mặt chi phí, HDBank nghi nhận 2.001 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng 41,7% so với cùng kỳ, nhưng do tổng thu nhập hoạt động cũng tăng khá tốt với +45,6% nên tỷ lệ CIR của HDB được duy trì ổn định ở mức 37%. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của HDBank trong quý 3 ở mức 681 tỷ đồng, tiếp tục tăng khá mạnh (+69%) so với cùng kỳ.
  • Sau khi tổng hợp các khoản thu nhập và chi phí, HDBank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt mức 2.712 tỷ đồng, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng thu về 8.016 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và đã hoàn thành 82% kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm.

Tình hình tài sản và nguồn vốn

Về mặt tài sản

  • Tại ngày 30/9/2022, HDBank ghi nhận quy mô tổng tài sản ở mức 399.152 tỷ đồng, tăng 6,5% so với thời điểm đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng hợp nhất (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) tại cuối quý 2 đạt mức 251.948 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của HDBank kể từ đầu năm đã đạt 18,1%, cao hơn khá nhiều so với trung bình gần 11% của toàn ngành ngân hàng. Tổng giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức 5.450 tỷ đồng, giảm 46% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng nhỏ 2,1% so với tổng dư nợ tín dụng.
  • Tại ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu hợp nhất của HDBank ở mức 3.791 tỷ đồng, tăng 12,8% so với thời điểm đầu năm cũng như tăng 19,7% so với cuối quý trước . Theo đó, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất bị kéo lên mức 1,5%, tăng đáng kể so với mức 1,33% tại cuối quý 2 nhưng vẫn thấp hơn so với mức 1,65% hồi đầu năm. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu tại cuối quý 3/2022 ở mức 81%, giảm 12 điểm phần trăm so với cuối quý 2 trong bối cảnh nợ xấu tăng khá nhanh.

Về mặt nguồn vốn

  • Tổng tiền gửi huy động từ khách hàng của HDB đạt 207.781 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với thời điểm đầu năm. Tuy vậy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của HDB vẫn khá thấp, chỉ đạt 11,3% ở cuối quý 3, đồng thời cũng giảm so với mức 12,3% của quý trước.
  • Tại thời điểm cuối quý 3, quy mô vốn chủ sở hữu của HDBank ở mức 37.163 tỷ đồng, tăng 20,6% kể từ đầu năm. Mức tăng của vốn chủ sở hữu chủ yếu do đóng góp của nguồn lợi nhuận chưa phân phối khi kết quả kinh doanh của Ngân hàng tăng trưởng khá tích cực trong 9 tháng đầu năm. Cũng theo báo cáo từ phía Ngân hàng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của HDBank theo chuẩn Basel II tại cuối quý 3 đạt 15,3% và tiếp tục nằm trong nhóm các nhân hàng có hệ số CAR cao nhất.

Nhận xét

Trên phương diện kết quả kinh doanh, HDBank tiếp tục duy trì các mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực và ổn định trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm với lần lượt +43,4% và +31,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động tín dụng vẫn là điểm sáng và động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh hơn 18% cộng với biên thu nhập lãi thuần (NIM) được duy trì ở mức cao trên 5% đã giúp cho thu nhập thuần từ hoạt động cho vay của HDBank tăng hơn 35% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài tín dụng như dịch vụ tài chính, kinh doanh ngoại hối cũng có mức tăng trưởng cao, góp phần hỗ trợ cho lợi nhuận kinh doanh nói chung.

Sau khi được cải thiện tốt trong quý 2 thì chất lượng các khoản cho vay của HDBank lại có phần đi xuống trong quý 3 lại có phần đi xuống. Tổng giá trị nợ xấu tăng gần 20% so với cuối quý 2 đã kéo tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3 tăng lên mức 1,5% so với mức 1,33% của quý 2. Tuy vậy, HDBank vẫn tiếp tục duy trì được tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao và nằm trong tốp đầu của ngành ngân hàng. Đây sẽ là cơ sở tốt hỗ trợ cho Ngân hàng kiểm soát rủi ro cũng như giúp HDB có cơ hội được cấp room tín dụng cao hơn mức trung bình của ngành trong tương lai.

cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 2 cổ phiếu HDB

Kết quả kinh doanh HDBank quý 2/2022

Theo các thông tin trên báo cáo kết quả kinh doanh, kết quả hoạt động của HDBank trong quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2022 có những điểm đáng chú ý như sau:

  • Trong quý 2/2022, hoạt động tín dụng của HDBank mang lại khoản thu nhập lãi thuần ở mức 4.551 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước. Biên thu nhập lãi thuần (NIM) đạt mức 5,1%, tiếp tục có sự mở rộng so với quý trước cũng như cùng kỳ năm 2021.
  • Các mảng hoạt động ngoài tín dụng của HDBank cũng ghi nhận thu nhập thuần tăng trưởng tích cực trong quý 2. Trong đó, hoạt động dịch vụ mang lại 835 tỷ đồng thu nhập thuần (tăng 53,5%), hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 90,5% và đóng góp 80 tỷ đồng thu nhập thuần…
  • Về mặt chi phí, Trong quý 2/2022, HPBank ghi nhận 2.033 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí cho ngân viên tăng. Ngoài ra, Ngân hàng cũng tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng với 772 tỷ đồng, tăng mạnh 61,5% so với cùng kỳ năm 2021.
  • Sau khi tổng hợp các khoản thu nhập và chi phí, HDBank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt mức 2.776 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng ở mức 26,5%, đạt 4.193 tỷ đồng.

Tình hình tài chính

Về mặt tài sản

  • Tại ngày 30/6/2022, HDBank ghi nhận quy mô tổng tài sản đạt mức 384.267 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với thời điểm đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng của tại cuối quý 2 đạt mức 244.943 tỷ đồng, trong đó có 237.688 tỷ đồng cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm 7.255 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của HDBank kể từ đầu năm đạt 14,8%, cao hơn khá nhiều so với trung bình 9,35% của toàn ngành ngân hàng.
  • Tại thời điểm cuối quý 2, tổng nợ xấu hợp nhất của HDBank ở mức 3.166 tỷ đồng, giảm gần 6% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được kéo giảm xuống mức 1,33% so với 1,65% hồi đầu năm. Ngoài ra, Ngân hàng cũng vẫn tích cự trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 6 tháng đầu năm, từ đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu được nâng lên mức 93%, so với 73% của đầu năm.

Về mặt nguồn vốn

  • Tổng tiền gửi huy động được (bao gồm cả phát hành giấy tờ có giá) của HDBank tại thời điểm cuối quý 2/2022 được ghi nhận ở mức 251.624 tỷ đồng tăng khá mạnh với hơn 11% kể từ đầu năm. Tuy nhiên tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của HDBank vẫn tương đối thấp với 12,3%, và có xu hướng giảm so với thời điểm đầu năm.
  • Tại thời điểm cuối quý 2, quy mô vốn chủ sở hữu của HDBank ở mức 35.367 tỷ đồng, tăng gần 15% so với đầu năm. Mức tăng của vốn chủ sở hữu chủ yếu đến từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối khi kết quả kinh doanh của Ngân hàng tăng trưởng khá tích cực trong 6 tháng đầu năm. Cũng theo báo cáo từ phía Ngân hàng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của HDBank theo chuẩn Basel II tại cuối quý 2 đạt 14,9%, tiếp tục nằm trong nhóm các nhân hàng có hệ số CAR cao nhất.

Nhận xét

Về mặt kết quả kinh doanh, lợi nhuận của HDBank tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định và tích cực trong quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm với lần lượt +32,6% và +26,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tín dụng vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi và động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của HDB. Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh hơn 14% cộng với biên thu nhập lãi thuần (NIM) được cải thiện giúp cho thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng của HDBank tăng hơn 25%. Ngoài ra, thu nhập từ các hoạt động ngoài tín dụng như dịch vụ tài chính, kinh doanh ngoại hối cũng có mức tăng trưởng cao, góp phần hỗ trợ cho lợi nhuận kinh doanh nói chung.

Chất lượng của tài sản và các khoản cho vay được cải thiện cũng một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của HDBank. Tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm xuống 1,33% từ mức 1,65% hồi đầu năm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng được nâng lên mức 93%. Ngoài ra, HDBank vẫn tiếp tục duy trì được tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao và nằm trong tốp đầu của ngành ngân hàng. Đây sẽ là cơ sở tốt hỗ trợ cho Ngân hàng kiểm soát rủi ro cũng như có khả năng mở rộng thêm hoạt động tín dụng.

THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch

Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.


Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.

Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636

BÀI PHÂN TÍCH MỚI NHẤT:

Like this:

Like

Loading…