Câu chuyện về nét đẹp văn hóa người Tràng An

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” 

Trải qua hơn ngàn năm hình thành và phát triển, văn hóa của người Hà Nội chính  là sự kết tinh văn hóa của các vùng miền thông qua dòng người tìm về nơi đây lập thân, lập nghiệp…

 

Văn hóa người Hà Nội xưa

Nằm trong nét tổng thể của văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa dù trong bất cứ một không gian lịch sử và xã hội nào,  nó là sản phẩm của lề lối, phong tục, tập quán của một cộng đồng, một dân tộc. Văn hoá phản ánh và tác động trở lại với rất nhiều điều kiện và hoàn cảnh xã hội, kinh tế, tự nhiên cũng như từng cá nhân và năm tháng nữa. Do đó mới có văn hóa vùng,miền, địa phương, cá nhân, cũng như có văn hoá nông thôn, đô thị, có văn hoá quý tộc và bình dân…

Dù chỉ là một khía cạnh của văn hoá nói chung song văn hoá giao tiếp cũng là cả một lĩnh vực tổ hợp của nhiều yếu tố: ăn, mặc, nói năng, ứng xử… Và đối với Tràng An văn hóa ứng xử giao tiếp  từ ngàn đời  xưa đến nay  được đút kết thành hai từ: Thanh và lịch. Vì vậy mới có câu ca dao ca ngợi rằng:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

 

Chỉ bằng một câu nói ví von ngắn gọn, nhã nhặn, nhún nhường vậy thôi cũng đã cho ta thấy cái lịch lãm, tế nhị, tự tin của người Hà Nội. Những con người sống trên mảnh đất là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của nhiều vùng miền, để rồi thẩm thấu, chắt lọc và tỏa sáng. Đây cũng đồng thời là nơi tập hợp các danh nhân văn hoá, các tao nhân mặc khách ở mọi thời đại và mọi thế hệ.

 

Thanh trong lời nói…

Chính những yếu tố đó làm nên văn hoá Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn hiến. Thử hỏi làm sao người Hà Nội không thanh lịch cho được? Sự thanh lịch ấy thể hiện trước hết ở lời nói:

Người thanh tiếng nói cũng thanh

Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.

 

Cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội là ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước. Kẻ Chợ là nơi hội tụ người tứ xứ, do đó cũng là nơi chung đúc tiếng nói của bốn phương, rồi qua sàng lọc tự nhiên đã lắng đọng những gì tinh túy nhất, tiêu biểu nhất, hợp lý nhất.

Cái thanh lịch của người Hà Nội còn thể hiện trong giao tiếp xã hội. Người Hà Nội với vốn từ giàu có, lại biết sử dụng đúng nơi đúng chỗ, hợp cảnh, hợp tình, tạo nên một phong cách riêng không pha trộn vừa hào hoa, nhã nhặn, vừa lịch lãm nhún nhường.

Trong quan hệ với bạn bè, khách khứa, người Hà Nội bao giờ cũng có một thái độ hiếu khách truyền thống, nồng nhiệt mà không thô bạo, niềm nở mà không suồng sã. Khi khách đến nhà, người chủ dù bận việc cũng phải đứng dậy mời chào. Nếu đang mặc quần áo ngắn, quần cộc, áo cánh thì phải “xin lỗi” khách, mà mặc quần áo dài nghiêm chỉnh rồi mới tiếp khách. Trong cách pha trà đãi khách của người Hà Nội cũng thể hiện trình độ và sự tinh tế riêng. Chè để đãi khách bao giờ cũng là chè ngon, có nhà cẩn thận còn đem ướp sen, nhài hay hoa ngâu để tăng thêm hương vị.

 

Lịch trong ẩm thực

Trong ăn uống của người Hà Nội cũng có những nét khác biệt và thể hiện một trình độ thẩm mỹ hay nói đúng hơn là năng khiếu trong việc chế biến món ăn. Chỉ cần quan sát mâm cơm ngày tết hay mâm cơm khách của người Hà Nội là thấy được tính lịch sự và chu đáo trong đó. Trong một mâm bao giờ cũng có rất nhiều món, mỗi món một chút, mỗi món cho một khẩu vị riêng. Đặc biệt, cách bài trí các món ăn đều được trình bày rất đẹp và hấp dẫn.

Khi ăn uống, người Hà Nội bao giờ cũng giữ nề nếp “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và luôn luôn thận trọng, ý tứ khi trong mâm có người già cao tuổi hay khách khứa. Khi đi ăn tiệm thì cũng rất sành điệu để tìm nơi, tìm vị, chọn thời, chọn cơ, mà đã hợp với nơi nào thì thuỷ chung với nơi đó. Chính chất sành điệu trong ăn uống ấy mà người Hà Nội đã làm ra biết bao món ăn nổi tiếng và trở thành đặc sản chốn Thượng Kinh: phở, bún thang, chả cá, cốm vòng, rươi…

Tóm lại, đó chính là nếp sống thuần hậu, khiêm nhường, thanh lịch của người Thăng Long – Hà Nội mà xưa kia Phạm Đình Hổ từng ca ngợi trong Vũ Trung tuỳ bút. Ông cho biết vào thời ông còn nhỏ, tức thời Lê Cảnh Hưng: “Phong tục chuộng thói trung hậu, mọi người hằng ngày giao tiếp với nhau có ý khoan dung, bình dị, giữ thói khiêm nhường. Nếu ai có điều gì sằng bậy, thì chỉ sợ người ta biết mà chê cười. Đến như những kẻ thân quan, quốc thích và những kẻ con em vô lại rong chơi, cũng không dám công nhiên làm càn. Nếu có kẻ nào không theo lễ phép mà làm sằng, thì những bậc phụ lão nhà lương gia lại ngầm đem chuyện ấy để răn bảo con cháu”.

 

Từ ngàn xưa, người Thăng Long – Hà Nội đã có nếp sống “có lịch có lề”. Đó chính là truyền thống văn minh – văn hiến ngàn năm trong thế ứng xử của người Hà Nội.

Nguồn: Tổng hợp

 

Xổ số miền Bắc