Cho con học trường quốc tế là đầu tư may rủi

Tôi ý kiến với tư cách người từng học trường chuyên, tốt nghiệp ĐH và lấy bằng Thạc sĩ ở một trường châu Âu trong top 100 thế giới.

(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)

Gần đây có rất nhiều bài viết về vấn đề chọn trường công hay trường quốc tế cho con em, nên tôi cũng muốn chia sẻ góc nhìn của bản thân. Tôi xin phân tích vấn đề này từ quan điểm của một người đã học trường chuyên, lớp chọn ở trường công Việt Nam suốt 12 năm, tốt nghiệp đại học và thạc sĩ ở châu Âu trong trường top 100 thế giới.

Hiện giờ, gia đình tôi đang định cư ở châu Âu. Bé nhà tôi sắp chào đời và đến năm sau mới đi nhà trẻ, nhưng bố mẹ đã mất gần 11 tháng để đi thăm quan và chọn trường nhóm 0 đến 4 tuổi cho con. Đúc kết của tôi là: chọn trường cho con thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện của gia đình và mục đích phát triển dài hạn của con trẻ. Trường công có thể là đáp án cho gia đình này nhưng lại sai hoàn toàn cho gia đình khác và ngược lại.

Vài vấn đề mà tôi thấy mọi người hay tranh luận nhất:

Chất lượng của trường công có tốt hơn trường quốc tế?

Việt Nam chưa có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hay xếp hạng của các trường dưới đại học. Ngay cả bảng đánh giá của thế giới cho các trường đại học như THE hay QS cũng bao gồm các yếu tố khác nhau nên tùy yếu tố mà bạn nhìn vào, kết quả ra sẽ khác nhau. Nếu các bạn lấy số giải quốc gia hay quốc tế làm tiêu chí đánh giá thì trường công khả năng cao sẽ thắng (dù có khi trường quốc tế không tham dự những giải này). Nếu các bạn lấy số lượng học sinh đi du học hoặc lương trung bình của học sinh sau tốt nghiệp làm tiêu chí thì khả năng trường quốc tế thắng rất cao. Nếu bỏ qua nghiên cứu dựa vào số liệu mà chỉ nói về cảm tính (nhận xét của phụ huynh và học sinh về trường) thì ít có thông tin được công khai ở Việt Nam.  

>> ‘Học phí nửa tỷ đồng không đắt để con thành công dân toàn cầu’

Chất lượng trường quốc tế có đáng với số tiền bỏ ra?

Trước khi thắc mắc câu hỏi này, bạn nên tự hỏi mình có đủ khả năng chi trả số tiền đấy hay không đã. Chỉ có người có khả năng chi trả thì mới có thể nói nó có đáng hay không đáng mà thôi. Người kiếm vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi tháng thì tiền học trường quốc tế chẳng đáng bao nhiêu nên họ dễ dàng đồng ý. Người không trả nổi thì chẳng bao giờ nghiên cứu kỹ phong cách giáo dục của trường quốc tế cả, nên làm sao đưa ra lựa chọn khách quan được?

Để chọn trường cho con mình, chúng tôi chọn ra bốn trường dựa trên nhận xét của phụ huynh rồi hẹn lịch thăm quan và nói chuyện với hiệu trưởng từng trường để xem phương pháp dạy của các trường ra sao? Nhiều yếu tố như: cơ sơ vật chất thế nào, có gần rừng hay không, bao nhiêu trẻ cho một giáo viên, một ngày trẻ ra sân chơi mấy lần, hệ thống an ninh, ăn uống ra sao, một năm họp phụ huynh mấy lần, ngôn ngữ dạy ở trường là gì (tiếng bản địa, tiếng Anh, hay cả hai)… được chúng tôi suy xét. Nếu mỗi yếu tố gia đình lại đòi hỏi hơn một chút thì chi phí đương nhiên sẽ lên cao hơn nhiều.  

Học sinh trường quốc tế không học giỏi như trường công?

Một ngày của mỗi người đều chỉ có 24 tiếng, nếu bạn học cái này thì đương nhiên không có thời gian để học cái kia. Học sinh trường công dành thời gian để “cày” sách vở. Tôi học trường chuyên, lớp chọn nên ngay từ 9 tuổi đã quen với việc ở lại trường học đội tuyển buổi chiều để đi thi giành giải cho trường. Một ngày của tôi bắt đầu từ 6h30 đến 23-24h đêm là chuyện bình thường cho việc học, học và học. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi không có thời gian để xem phim hoạt hình, chơi với các bạn hàng xóm, đi công viên và nhiều thứ khác.

Để chuẩn bị cho tôi đi du học, bố mẹ cũng phải cố gắng xếp thêm thời gian để dạy tôi cách sống độc lập như rửa bát, nấu cơm, dọn nhà, quản lý tiền bạc… Cuối cùng, một đứa trẻ như tôi có một lịch sinh hoạt bận rộn không kém gì người lớn. Lớn lên, tôi không thấy mình sử dụng nhiều kiến thức đã bị nhồi trong đầu trên ghế nhà trường ở Việt Nam. Những thứ như kỹ năng giao tiếp, ứng xử cộng đồng, làm việc nhóm, hiểu biết về pháp luật… tôi đều phải vội vàng bổ sung trong khi học đại học.

Giá như khi còn bé, tôi có thể giảm giờ học những thứ quá cao siêu, không dùng trong cuộc sống, để học kỹ năng mềm thì tốt biết bao. Kỹ năng mềm học đã khó và để trở thành một chuyên gia được lại càng khó, nên một đứa trẻ được dạy từ bé sẽ dễ tiếp thu và có nhiều thời gian để thực tập hơn. Một môi trường với 50 đứa trẻ trong một lớp thì chuyện giáo viên dạy và hướng dẫn những kỹ năng này cho học sinh là không thể. Giáo dục thể chất, nữ công gia chánh và giáo dục công dân cũng bị coi thường rất nhiều. Đáng tiếc là ba bộ môn này lại rất cần thiết để giữ được một cơ thể và tâm hồn khỏe khoắn, lành mạnh.  

>> Con tôi không học trường quốc tế vẫn giành học bổng 90% tại Mỹ

Học sinh trường quốc tế kém nên không xin được học bổng?

Chị họ tôi đã từng nói đùa rằng các trường nên trao thêm học bổng “tấm gương giàu vượt cám dỗ” chứ học bổng “tấm gương nghèo vượt khó” thì bình thường quá. Con cái gia đình khá giả có mấy khi lên báo để nói tôi giành giải này, giải nọ, học trường nọ, trường kia, hay mỗi tháng tôi kiếm bao nhiêu tiền? Xã hội coi người giàu thành công là đương nhiên vì anh có điều kiện sẵn rồi.

Học bổng đa phần là để khuyến học, tạo điều kiện cho tất cả có cơ hội tiếp cận nguồn giáo dục tốt. Cùng kết quả học tốt như nhau, đương nhiên nhà trường sẽ ưu tiên cho em ít điều kiện hơn để có tiền đi học. Nói trắng ra là đa phần học bổng là dành cho nước nghèo và người nghèo nên con em nhà giàu khỏi nghĩ đến làm gì.  

Nói tóm lại, học trường quốc tế là một khoản đầu tư cho giáo dục. Đã là đầu tư thì luôn có may rủi, lỗ lãi. Đầu tư rủi ro cao, khả năng lãi càng cao. Phụ huynh nên là nhà đầu tư thông minh dựa vào tài chính của gia đình, khả năng của mỗi đứa trẻ và kế hoạch lâu dài của gia đình.

>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.

Mèo Già

Xổ số miền Bắc