Chuyên đề “Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh”
Đến sự buổi tập huấn có Ban Giám Hiệu nhà trường và đầy đủ các đồng chí giáo viên của tổ KHTN và tổ KHXH.
Được sự phân công của BGH nhà trường, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hằng triển khai phần “Kĩ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan”; đồng chí Vũ Văn Thanh triển khai phần “ Xây dựng đề kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực của học sinh”
Với nội “Kĩ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan”, chuyên đề nêu rõ nguyên tắc viết câu hỏi theo đúng yêu cầu của các thông số kỹ thuật trong ma trận chi tiết đề thi đã phê duyệt, chú ý đến các qui tắc nên theo trong quá trình viết câu hỏi. Câu hỏi không được sai sót về nội dung chuyên môn. Câu hỏi có nội dung phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, không vi phạm về đường lối chủ trương, quan điểm chính trị của Đảng CSVN, của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Câu hỏi chưa được sử dụng cho mục đích thi hoặc kiểm tra đánh giá trong bất cứ trường hợp nào trước đó…Chuyên đề cũng đã chỉ rõ kĩ thuật viết phần dẫn, kĩ thuật viết phương án lựa chọn và lưu ý đối với các phương án nhiễu. Chỉ rõ một số sai sót giáo viên hay mắc phải trong quá trình ra đề và có ví dụ minh họa cụ thể các đề kiểm tra của các thầy cô nộp về ngân hàng đề thi của nhà trường.
Về nội dung “đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, đồng chí Vũ Văn Thanh đã nêu rõ các dạng bài tập đánh giá năng lực học sinh gồm các bài tập tái hiện, bài tập vận dụng, bài tập giải quyết vấn đề và dạng bài tập gắn với bối cảnh, tình huống thực tiễn. Với mỗi dạng bài tập đều có ví dụ minh họa và phân tích việc ra đề theo định hướng nội dung và ra đề theo định hướng phát triển năng lực khác nhau ở điểm nào và năng lực hình thành với câu hỏi tương ứng. Phân tích một số đề kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực của học sinh để thấy được sự khác biệt với đề đánh giá theo nội dung kiến thức. Chuyên đề cũng nêu rõ giáo viên có quyền chủ động trong việc kiểm tra đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, chú trọng đánh giá thường xuyên qua các hoạt động trên lớp, qua kết quả thực hiện dự án, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, thực hành… kết hợp sự đánh giá của GV đối với HS, HS đối với HS và cả PH đối với HS…Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc việc ra đề thi theo ma trận bao gồm câu hỏi trắc nghiệm và tự luận theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao…Trong đó chú trọng việc ra đề theo hướng “mở”.
Qua chuyên đề, các thầy cô tham dự đã lĩnh hội được những nội dung cơ bản về việc viết câu hỏi kiểm tra và ra đề kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Từ đó các thầy cô sẽ áp dụng vào việc ra đề kiểm tra cuối học kì I để việc đổi mới kiểm tra, đánh giá được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.
Một số hình ảnh của buổi chuyên đề