Cơ hội và thách thức khi áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam – Trường Đại học Trưng Vương

TÓM TẮT: Với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kế toán, tạo dựng công cụ quản lý hiệu quả, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế của đất nước, đồng thời đưa kế toán Việt Nam tiến gần hơn với sự phát triển của Kế toán trên thế giới, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/03/2020 về việc Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam với lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) một cách cụ thể. Bài viết sẽ tổng hợp, phân tích một số những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam trong lộ trình áp dụng IFRS.

1. Đặt vấn đề

IFRS là một bộ chuẩn mực kế toán được thiết kế và phát triển bởi một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được gọi là Hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB). IFRS ra đời cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng. IFRS tập trung vào các hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập báo cáo tài chính hơn là thiết lập các quy tắc lập báo cáo ngành cụ thể. Bộ chuẩn mực quốc tế IFRS có thể xem là sự thay đổi về chuẩn mực kế toán lớn nhất trong thời đại, là một điều hết sức cần thiết đối với các công ty lớn có các chi nhánh tại các quốc gia khác nhau. Đến nay IFRS đã trở thành ngôn ngữ kế toán chung phổ biến nhất trên toàn cầu.

Với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kế toán, tạo dựng công cụ quản lý hiệu quả, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế của đất nước, đồng thời đưa kế toán Việt Nam tiến gần hơn với sự phát triển của kế toán trên thế giới, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/03/2020 về việc Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam. Với đề án này, Bộ Tài chính đã đưa ra lộ trình áp dụng IFRS với từng mốc thời gian và nội dung công việc tương đối cụ thể đối với các loại hình DN khác nhau.

2. Lộ trình áp dụng IFRS ở Việt Nam

Như chúng ta đã biết, hiện nay bộ các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (“IFRS”) bao gồm hơn 40 chuẩn mực, trong đó có một số chuẩn mực mới được ban hành và áp dụng trong một vài năm gần đây như IFRS 9 – Công cụ tài chính, IFRS 15 – Doanh thu từ các hợp đồng khách hàng, IFRS 16 – Thuê tài sản, trong khi 26 Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (“VAS”) hiện nay được soạn thảo và ban hành trong giai đoạn từ 2001-2005. Do vậy, đang có một sự khác biệt rất lớn giữa VAS và IFRS, và để có thể đưa IFRS vào áp dụng được một cách thực sự ở Việt Nam, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn để có thể biên soạn đầy đủ bộ IFRS và các tài liệu hướng dẫn áp dụng IFRS bằng tiếng Việt của phía cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm ban hành chuẩn mực và các quy định về báo cáo tài chính, cũng như từ phía các đơn vị là đối tượng áp dụng IFRS ở các giai đoạn tự nguyện và bắt buộc.

Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam theo Quyết định số 345/QĐ-BTC được ban hành ngày 16/03/2020 đã đưa ra lộ trình để Việt Nam triển khai áp dụng IFRS với 3 giai đoạn theo từng mốc thời gian, nội dung cụ thể như sau:

 
Giai đoạn chuẩn bị
Giai đoạn 1
Giai đoạn 2
Thời gian
Năm 2020 – 2021
Năm 2022 – 2025
Sau năm 2025

Nội dung
1. Xây dựng và ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.
1. Bộ Tài chính khuyến khích các DN có nhu cầu và đủ nguồn nhân lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS.
1. Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính.

2. Dịch thuật, soát xét, xây dựng và ban hành bản dịch IFRS sang tiếng Việt, đồng thời trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cách thức áp dụng IFRS.
2. IFRS được áp dụng để lập báo cáo tài chính hợp nhất đối với: các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, các công ty mẹ là công ty niêm yết, các công ty đại chúng có quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ khác.
2. IFRS được áp dụng để lập báo cáo tài chính  hợp nhất đối với: các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, các công ty mẹ là công ty niêm yết, các công ty đại chúng có quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ khác.

3. Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các DN
3. IFRS được áp dụng để lập báo cáo tài chính riêng đối với DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài.
3. IFRS được áp dụng để lập báo cáo tài chính riêng đối với DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài.

 

Tính đến thời điểm hiện nay, nội dung Xây dựng và ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam trong giai đoạn chuẩn bị đã được thực hiện và được Bộ Tài chính thông qua.

3. Cơ hội và thách thức

Theo Kết quả thống kê của IFRS.org, đến tháng 4/2018 có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ (87%) trong 166 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã bắt buộc sử dụng chuẩn mực IFRS. Phần lớn trong nhóm 22 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại đã cho phép hoặc đang trong lộ trình triển khai áp dụng IFRS, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh IFRS trở nên phổ biến thì Việt Nam cũng đã bước đầu đưa ra được lộ trình áp dụng IFRS riêng. Việc áp dụng IFRS sẽ mở ra một cơ hội phát triển, đồng thời cũng mang lại những thách thức nhất định cho kế toán nói riêng và sự phát triển của các DN nói chung.

3.1. Cơ hội khi áp dụng IFRS

Thứ nhất, Việc áp dụng IFRS sẽ đánh dấu bước chuyển mình lớn của kế toán Việt Nam, thúc đẩy kế toán Việt Nam phát triển tiệm cận hơn với sự phát triển của kế toán trên thế giới. Việc đưa ra lộ trình sẽ giúp các DN hoạt động tại Việt Nam có  định hướng phát triển phù hợp, đặc biệt là phát triển đội ngũ kế toán. Kế toán Việt Nam cho thấy sự chững lại khá lâu so với tốc độ phát triển của kế toán thế giới khi báo cáo tài chính của các DN tại Việt Nam hiện vẫn đang áp dụng theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được Bộ Tài chính ban hành thành 5 đợt, từ năm 2001 đến năm 2005 với 26 chuẩn mực.

Với sự thay đổi về thể chế kinh tế trong nước khi gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và sự thay đổi trong hệ thống IFRS trong giai đoạn hiện nay, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là những giao dịch của nền kinh tế thị trường mới phát sinh chưa được VAS giải quyết thấu đáo. Việc ghi nhận và đánh giá tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý, ghi nhận tổn thất tài sản, việc kế toán các công cụ tài chính phái sinh cho mục đích kinh doanh và phòng ngừa rủi ro… chưa được VAS hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, IFRS với những chuẩn mực về xác định giá trị hợp lý sẽ cho phép DN và người sử dụng báo cáo tài chính có cái nhìn hợp lý và xác thực hơn về tình hình tài chính, hoạt động và giá trị hiện tại của DN.

Thứ hai, việc áp dụng ngôn ngữ kế toán toàn cầu IFRS giúp các giao dịch tài chính quốc tế giảm thiểu chi phí và tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao được chất lượng quản trị và thông tin. Đồng thời, DN có thể gia tăng lợi nhuận nhiều hơn, thu hút đầu tư, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh. Áp dụng IFRS sẽ giúp cho các đối tác, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, có thể tìm hiểu, so sánh, đánh giá các thông tin tài chính của đơn vị theo cùng một ngôn ngữ, chuẩn mực chung của quốc tế để từ đó có thể đưa ra các quyết định kinh doanh hay đầu tư một cách phù hợp. Thực tế, để tiếp cận được các nguồn vốn trên thị trường vốn quốc tế thì việc lập và trình bày các báo cáo tài chính theo IFRS gần như là một yêu cầu bắt buộc.

Việc áp dụng IFRS cũng các DN có thể dễ dàng so sánh, đánh giá các hoạt động và tình hình tài chính của họ một cách chính xác hơn. Qua đó, họ có thể xây dựng cách nhìn sâu sắc hơn về khách hàng, nhà cung cấp cũng như đối thủ cạnh tranh — đặc biệt là đa số đối thủ đến từ các quốc gia đã áp dụng IFRS. Điều này sẽ là tiền đề để các DN của Việt Nam hòa nhập, vững bước hơn trên sân chơi kinh tế của khu vực và quốc tế.

Thứ ba, ngôn ngữ kế toán toàn cầu IFRS giúp cho kế toán Việt Nam tìm được tiếng nói chung với Kế toán quốc tế, qua đó giúp cho nguồn nhân lực phục của ngành dịch vụ kế toán của Việt Nam có cơ hội phát triển cơ hội nghề nghiệp của mình, tăng khả năng thích nghi với các môi trường làm việc tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành nghề Kế toán. Với nguồn cung kế toán dồi dào như hiện nay, nếu việc áp dụng ngôn ngữ kế toán toàn cầu IFRS thành công, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu lao động kế toán cho các nước trong khu vực và quốc tế.

3.2. Thách thức khi áp dụng IFRS

Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực ở đây không chỉ giới hạn ở đội ngũ các nhân viên kế toán của các doanh nghiệp là đối tượng áp dụng IFRS, mà bao gồm cả lãnh đạo của các công ty này, vì họ là người chịu trách nhiệm phê duyệt báo cáo tài chính.

Các doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ phải thành lập một nhóm dự án triển khai IFRS riêng biệt, bao gồm những nhân viên được đào tạo chuyên sâu về IFRS bởi vì sẽ rất khó khăn cho đội ngũ kế toán hiện thời của các doanh nghiệp áp dụng IFRS vừa phải thực hiện công tác kế toán theo VAS (trong giai đoạn chuyển đổi) vừa phải đi học về IFRS để có thể tự mình hạch toán kế toán và trình bày báo cáo theo IFRS. Ngoài ra, các nhân sự được giao triển khai IFRS cũng cần phải đạt được một trình độ tiếng Anh khá cao để có thể tự mình nghiên cứu các quy định và diễn giải của IFRS trong trường hợp các hướng dẫn IFRS bằng tiếng Việt chưa được ban hành một cách đầy đủ.

Ngoài ra, theo Quyết định số 345/QĐ-BTC, Các doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ thực hiện lập báo cáo tài chính theo hợp nhất theo IFRS, điều này có nghĩa là các công ty con, công ty liên kết của họ cũng sẽ phải lập các bộ báo cáo thông tin tài chính cho mục đích lập báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ theo IFRS. Do vậy, các công ty con, công ty liên kết này cũng cần phải tuyển dụng và đào tạo các cán bộ kế toán có khả năng lập các bộ thông tin tài chính cho mục đích hợp nhất theo IFRS.

Nói đến nguồn nhân lực cần trang bị kiến thức chuyên sâu về IFRS không thể không kể đến đội ngũ các kiểm toán viên, những người sẽ trực tiếp tham gia vào các cuộc kiểm toán các báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS của các công ty áp dụng tự nguyện và bắt buộc IFRS ở Việt Nam. Hiện nay, đa số các kiểm toán viên được đào tạo chuyên sâu về IFRS đều nằm ở các công ty kiểm toán thuộc các công ty kiểm toán lớn vì họ có nhiều khách hàng đã áp dụng IFRS, và một số ở các công ty kiểm toán là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế khác. Thậm chí ngay cả trong các công ty kiểm toán lớn, số lượng nhân viên kiểm toán tham gia vào các cuộc kiểm toán bộ báo cáo tài chính hoàn chỉnh được lập theo IFRS cũng không phải là nhiều, vì nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được yêu cầu lập các bộ báo cáo gửi tập đoàn lập theo IFRS thay vì lập bộ báo cáo tài chính hoàn chỉnh theo IFRS. Như vậy có thể thấy là hiện nay số lượng các nhân viên kiểm toán có kiến thức chuyên sâu về IFRS cũng còn rất ít, không đủ để đáp ứng yêu cầu của thị trường khi mà giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS bắt đầu từ năm 2025. Các doanh nghiệp kiểm toán cũng cần phải bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo cho nhân viên của mình để có thể sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng kiểm toán trong một vài năm tới.

Hệ thống công nghệ thông tin

Để có thể lập báo cáo tài chính theo IFRS, tối thiểu ở cấp độ Công ty mẹ, các doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ phải thiết lập và duy trì một hệ thống phần mềm và sổ sách kế toán theo IFRS.

Khó khăn đối với Việt Nam là trong giai đoạn đầu, các Doanh nghiệp sẽ tiếp tục lập báo cáo tài chính riêng theo VAS và chỉ thực hiện lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS, điều đó có nghĩa là họ sẽ phải duy trì song song 2 hệ thống tài khoản kế toán, sổ sách kế toán riêng biệt theo VAS và IFRS.

Trong giai đoạn chuyển đổi ban đầu, các doanh nghiệp có 2 lựa chọn:

Lựa chọn 1: Lập các bút toán chuyển đổi từ VAS sang IFRS một cách thủ công chỉ để phục vụ cho mục đích lập báo cáo tài chính theo IFRS trên cơ sở báo cáo tài chính theo VAS. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian đầu, bởi vì giữa VAS và IFRS có sự khác biệt rất lớn, cho nên việc chuyển đổi thủ công sẽ  không khả thi sau 2-3 năm khi mà số lượng giao dịch ngày càng nhiều lên qua các năm.

Lựa chọn 2: Triển khai một hệ thống phần mềm kế toán có khả năng phục vụ công tác hạch toán kế toán theo IFRS song song với việc hạch toán kế toán theo VAS trong giai đoạn chuyển đổi và áp dụng tự nguyện, tiến tới chỉ áp dụng duy nhất một hệ thống kế toán theo IFRS. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải phát sinh thêm khá nhiều chi phí cho việc thay đổi phần mềm kế toán hiện tại hoặc mua một phần mềm kế toán mới có thể đồng thời đáp ứng cả hai yêu cầu hạch toán kế toán VAS và IFRS. Đồng thời, trong giai đoạn này, đội ngũ kế toán sẽ phải làm việc với cường độ cao hơn do phải đồng thời thực hiện ghi sổ kế toán theo 2 hệ thống kế toán khác nhau, ngoài ra còn phải thực hiện nhiều công việc đối chiếu giữa số liệu báo cáo tài chính theo IFRS với số liệu kế toán cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ảnh hưởng tiêu cực đến báo cáo tài chính khi áp dụng IFRS lần đầu tiên

Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, những bài báo viết về những lợi ích của việc áp dụng IFRS, và đó cũng chính là cơ sở mà Chính phủ Việt Nam xây dựng đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là, khi lập báo cáo tài chính năm đầu tiên theo IFRS, nhiều doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực đến báo cáo tài chính do có sự khác biệt lớn giữa VAS hiện tại và IFRS. Ví dụ:

Tổn thất tài sản: Theo quy định của Chuẩn mực Kế toán Quốc tế số 36 (IAS 36) – Tổn thất tài sản, nếu giá trị ghi sổ của tài sản của một doanh nghiệp cao hơn giá trị có thể thu hồi của tài sản đó thì doanh nghiệp phải ghi nhận khoản Dự phòng tổn thất tài sản ngay vào báo cáo thu nhập toàn diện trong kỳ. Ở Việt Nam hiện nay chưa có Chuẩn mực kế toán tương đương với IAS 36. Do vậy đây sẽ là một chuẩn mực có thể có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với báo cáo tài chính IFRS lần đầu tiên của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc có các công ty con hoặc bộ phận hoạt động thua lỗ, những dấu hiệu cho thấy là tài sản của họ có thể bị tổn thất. Ví dụ: Một Công ty mẹ A lựa chọn lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS lần đầu tiên cho năm kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2023. Công ty A có một công ty con B hiện đang kinh doanh không tốt, mỗi năm Công ty B ghi nhận một khoản lỗ 10 tỷ VND. Báo cáo tài chính hợp nhất theo VAS của Công ty mẹ A chỉ ghi nhận khoản lỗ 10 tỷ VND/năm của công ty con. Tuy nhiên, nếu áp dụng IAS 36, giả sử giá trị ghi sổ của các tài sản của Công ty con B tại ngày 1 tháng 1 năm 2021 (ngày chuyển đổi sang IFRS của Công ty A) cao hơn giá trị có thể thu hồi của các tài sản liên quan là 100 tỷ VND. Như vậy, khi lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS lần đầu tiên, Công ty mẹ A sẽ phải lập tức ghi nhận khoản lỗ do tổn thất tài sản ở công ty con B là 100 tỷ VND vào số dư lợi nhuận chưa phân phối tại ngày chuyển đổi sang IFRS là ngày 1 tháng 1 năm 2021.

Thuê tài sản: Theo quy định của VAS 06 – Thuê tài sản, các tài sản thuê hoạt động không được ghi nhận tên bảng cân đối kế toán. Còn theo quy định của IFRS 16 – Thuê tài sản, thì các khoản thuê hoạt động sẽ được ghi nhận ngay trên báo cáo tình hình tài chính của doanh nghiệp như là Quyền sử dụng tài sản và Nợ thuê phải trả. Đối với những doanh nghiệp có các tài sản thuê hoạt động với các bên cho thuê ở nước ngoài, khoản nợ thuê phải trả sẽ được coi là một khoản nợ tài chính có gốc bằng ngoại tệ, và theo quy định về báo cáo tài chính, khoản nợ tài chính có gốc bằng ngoại tệ này sẽ phải được đánh giá lại theo tỷ giá thực tế tại doanh nghiệp lập báo cáo tài chính. Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không, việc áp dụng IFRS 16 sẽ có ảnh hưởng cực kỳ lớn vì phần nhiều máy bay trong đội tàu bay của họ đều là các máy bay thuê hoạt động với tiền thuê phải trả bằng ngoại tệ. Giả sử số dư trung bình của tài khoản thuê hoạt động của đội tàu bay của một hãng hàng không trong năm 2023 là 1 tỷ USD,  và trong năm 2023 VND giảm giá so với USD là 100 VND, biến động tiêu cực này sẽ làm cho doanh nghiệp phải gánh chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 100 tỷ VND. Do các Công ty sẽ lập báo cáo tài chính riêng theo VAS, còn báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS, sẽ có tình huống xảy ra là báo cáo riêng theo VAS thì doanh nghiệp có lãi, còn báo cáo hợp nhất theo IFRS sẽ bị lỗ, và doanh nghiệp sẽ không thể phân chia lợi nhuận cho các cổ đông, bởi vì theo quy định của Việt Nam, phần lợi nhuận sau thuế dùng để chia cổ tức sẽ được tính trên số nhỏ hơn giữa báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất.

Công tác chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS lần đầu tiên

Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC thì Giai đoạn chuẩn bị sẽ diễn ra từ năm 2020 đến hết năm 2021, sau đó Giai đoạn áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến hết năm 2025.

Có thể hiểu là, Giai đoạn chuẩn bị là thời gian để Bộ Tài chính tiến hành biên soạn và đưa ra hướng dẫn về IFRS bằng tiếng Việt, và chưa bao gồm thời gian để cho các doanh nghiệp tìm hiểu về IFRS, tuyển dụng và đào tạo nhân sự về IFRS. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các doanh nghiệp triển khai áp dụng IFRS lần đầu tiên sẽ phải mất ít nhất 2-3 năm cho công tác đào tạo và chuẩn bị số liệu cho báo cáo tài chính lập theo IFRS lần đầu tiên.

Theo quy định của IFRS 1 – Lần đầu tiên áp dụng lập báo cáo tài chính theo IFRS:

– Doanh nghiệp lập và trình bày một báo cáo về tình hình tài chính theo IFRS đầu kỳ tại ngày chuyển đổi sang IFRS. Doanh nghiệp sẽ áp dụng nhất quán các chính sách kế toán trong báo cáo về tình hình tài chính theo IFRS đầu kỳ và trong tất cả các kỳ được trình bày trong bộ báo cáo tài chính theo IFRS đầu tiên.

– Báo cáo tài chính của doanh nghiệp áp dụng IFRS lần đầu sẽ bao gồm ba (03) báo cáo về tình hình tài chính, hai (02) báo cáo thu nhập toàn diện, hai (02) báo cáo lưu chuyển tiền tệ, hai (02) báo cáo biến động vốn chủ sở hữu và các thuyết minh có liên quan (IFRS1.21). Ví dụ: Công ty A dự định sẽ lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên cho năm kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2023. Công ty A trình bày báo cáo tài chính với 1 năm số liệu so sánh. Sơ đồ dưới đây mô tả những thời điểm chính và các kỳ liên quan đến việc Công ty A áp dụng IFRS lần đầu tiên:

– Nếu một doanh nghiệp quyết định áp dụng tự nguyện IFRS lần đầu tiên cho năm kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2023 thì sẽ phải chuyển đổi số liệu báo cáo tài chính bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2022. Điều đó có nghĩa là, kể từ ngày hôm nay, họ chỉ có hơn 1 năm chuẩn bị cho tất cả các hoạt động như tuyển dụng và đào tạo nhân sự kế toán chuyên về IFRS, thiết lập và triển khai phần mềm kế toán cho mục đích lập báo cáo tài chính theo IFRS, xác định các khác biệt lớn giữa VAS và IFRS để lên lộ trình chuyển đổi số dư đầu kỳ sang IFRS. Khoảng thời gian này là rất ngắn để chuyển đổi sang IFRS, do vậy, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng khi lên lộ trình cho việc áp dụng  IFRS lần đầu tiên.

Những yếu tố cơ bản cho việc chuyển đổi thành công sang IFRS

Từ những phân tích trên đây, và từ những kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công từ các chuẩn mực kế toán trong nước sang IFRS, chúng tôi cho rằng để có thể chuyển đổi hiệu quả và thành công sang IFRS, các doanh nghiệp cần chú ý đến một số điểm cơ bản như sau:

– Bắt đầu sớm: Các doanh nghiệp cần lên lộ trình chuyển đổi sang IFRS ngay khi có quyết định chuyển đổi để có thể đề ra những kế hoạch thay đổi về quy trình kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và nguồn lực tài chính cho việc chuyển đổi IFRS thay vì đợi đến năm lập báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên;

– Cần thiết lập một đội dự án chuyển đổi sang IFRS trong đó người lãnh đạo dự án phải là một trong những thành viên của ban lãnh đạo doanh nghiệp, và có sự tham gia của các phòng ban chính trong doanh nghiệp, như kế toán, kinh doanh, pháp chế, công nghệ thông tin v.v.

– Cần thực hiện đánh giá tác động của việc chuyển đổi sang IFRS ở tất cả các đơn vị trong tập đoàn có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ để có thể có kế hoạch đào tạo kế toán của các công ty này lập bộ báo cáo tài chính theo IFRS phục vụ cho mục đích hợp nhất báo cáo của công ty mẹ;

– Tổ chức đào tạo một đội ngũ kế toán có kiến thức về IFRS ở cả công ty mẹ và các công ty con trọng yếu trong tập đoàn;

– Làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán có nhiều kinh nghiệm về kiểm toán báo cáo tài chính hoàn thiện theo IFRS để có được sự hỗ trợ kịp thời đối với những vấn đề kỹ thuật trọng yếu khi lập báo cáo tài chính theo IFRS.

4. Kết luận

Việc ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam với những lộ trình cụ thể trong việc áp dụng toàn bộ hay từng phần có điều chỉnh phù hợp với Việt Nam ghi nhận những cố gắng và nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán, tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực hiệu quả công tác quản trị, điều hành quản lý DN, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước đối với các DN trong giai đoạn phát triển kinh tế mới của đất nước. Việc chỉ rõ lộ trình áp dụng IFRS sẽ giúp các DN Việt Nam có định hướng để chuẩn bị nguồn lực Kế toán trong tương lai. Tuy nhiên, do IFRS vẫn tiếp tục vận động và thay đổi trong quá trình áp dụng trên thế giới, nên Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức, DN để liên tục có những thay đổi phù hợp với Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần phối hợp với các cơ quan nhà nước, các hội nghề nghiệp, các tổ chức khác hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các DN áp dụng IFRS thông qua những văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để IFRS nhanh chóng được triển khai thực hiện ở các DN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC, Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, ban hành ngày 16 tháng 03 năm 2020.

2. Lê Vũ Trường -FCCA, CPA Australia Đinh Minh Tuấn – ACCA, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, Áp dụng IFRS ở Việt Nam – Cơ hội và thách thức, link: http://ifrsvietnam.vn/tin-tuc/nghien-cuu-trao-doi-72/ap-dung-ifrs-o-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-180.html

3. https://www.pwc.com/vn/vn/publications/vietnam-publications/ifrs-vas.html

4. https://vietsourcing.edu.vn/public/ke-toan-kiem-toan/ifrs-cac-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te.html

TS Nguyễn Thu Hương – Trường Đại học Trưng Vương

Xổ số miền Bắc