Con tôi mất ‘học sinh xuất sắc’ vì tiêu chí mập mờ, cảm tính

Con tôi kiểm tra cuối kỳ được 10 điểm Toán, 9 điểm Tiếng Việt, nhưng vẫn bị xếp chung nhóm với một vài bạn học kém nhất lớp.

Tôi là một phụ huynh có con đang học lớp 2 tại Hà Nội. Trường con tôi vừa kết thúc đánh giá tổng kết năm học 2021-2022. Đánh giá kết quả học tập với học sinh, đòi hỏi sự nghiêm cẩn, công tâm, đề cao tính nhân văn trong việc đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh cũng như khuyến khích, động viên học sinh hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, thực tế, tôi nhận thấy việc đánh giá kết quả học tập theo quy định mới còn nhiều bất cập, không sát với thực tế năng lực, đặc biệt tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh.

Việc đánh giá kết quả học tập khối lớp 1 và lớp 2 năm học 2021-2022 thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:

– Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;

– Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;

– Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;

– Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.

Trong số các tiêu chí làm căn cứ đánh giá kết quả học tập đối với học sinh khối lớp 1 và lớp 2, chỉ có điểm số bài kiểm tra định kỳ môn Toán và Tiếng Việt là tiêu chí định lượng, các tiêu chí khác nặng về cảm tính. Việc kết hợp các tiêu chí để hình thành mức đánh giá chung cũng chưa đảm bảo yêu cầu khách quan, nhân văn dẫn đến những tình huống nhiều học sinh cảm thấy không thuyết phục.

>> Nỗi buồn giấy khen tiểu học

Con tôi kiểm tra cuối học kỳ II đạt 10 điểm môn Toán, 9 điểm môn Tiếng Việt. Nhưng đánh giá kết quả học tập của con chỉ đạt mức Hoàn thành vì môn Giaó dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm chỉ được đánh giá Hoàn thành, trong khi các tiêu chí khác đều đạt Hoàn thành tốt.

Như vậy, con tôi chỉ được đánh giá cùng mức với một vài bạn học kém nhất lớp, dù thực tế con là một trong số ít bạn học tốt nhất, hăng hái phát biểu, đóng góp tích cực cho bài thao giảng trực tuyến đạt giỏi cấp trường của giáo viên chủ nhiệm, tự giác học tập, được các bạn trong lớp quý mến, nhiều lần được giáo viên chủ nhiệm tặng “sao”. Một kết quả không thể bẽ bàng hơn!

Năm học 2021-2022 là một năm đặc biệt vì dịch Covid-19 kéo dài. Trong nhiều tháng học trực tuyến, con tôi tham gia đầy đủ tất cả các tiết của tất cả các môn nói chung và môn Giáo dục thể chất nói riêng, nhiều lần cũng được thầy giáo thể dục khen.

Từ ngày 6/4, học sinh Tiểu học các quận nội thành Hà Nội đi học trực tiếp. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, gia đình tôi chưa kịp bố trí việc đưa đón con đến trường nên xin phép cho con ở nhà khoảng hai tuần, tiếp tục học qua video. Và nguyên nhân con không được đánh giá mức Hoàn thành tốt môn Giáo dục thể chất là do nghỉ quá nhiều (dù tôi vẫn cho con học qua video như trong thời gian học trực tuyến).

Nhận thông báo đánh giá kết quả học tập, con tôi rất buồn bởi trong lớp có hơn mười bạn đạt Hoàn thành xuất sắc. Với thực tế nêu trên, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra phương pháp đánh giá sát thực tế hơn, tránh tác động xấu tới tâm lý học sinh, hạn chế tiêu cực có thể phát sinh do những tiêu chí mập mờ, cảm tính.

Xuân Trường

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Xổ số miền Bắc