Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kiên Giang – Đẩy mạnh phối hợp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh Kiên Giang

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội kỷ niệm 282 năm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 – 2018) tại thành phố Hà Tiên

Quảng cáo là một ngành công nghiệp văn hóa mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần của xã hội. Từ năm 2017 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục triển khai thực hiện quản lý hoạt động quảng cáo theo quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Từ năm 2018, việc thực hiện “Đề án tổng thể quảng cáo ngoài trời và xây dựng, lắp đặt bảng chỉ dẫn các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2040” đã tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quảng cáo phát triển; đồng thời, còn tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện tốt về hoạt động tuyên truyền, quảng cáo. Đến nay, tại thành phố Phú Quốc đã có 4 đơn vị được chấp thuận chủ trương đầu tư quy hoạch quảng cáo; các huyện, thành phố còn lại, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng một số sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện quy hoạch.

Đối với ngành Điện ảnh, tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường đổi mới hoạt động Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng để mở rộng hoạt động phục vụ, tăng doanh thu, tạo nguồn đầu tư cho hoạt động phát hành phim và chiếu bóng. Từ năm 2017 đến nay, tổng kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách cho hoạt động phát hành phim và chiếu bóng hơn 10,2 tỷ đồng. Tổng doanh thu 20,7 tỷ đồng, trong đó phim trong nước 11,9 tỷ đồng, phim nước ngoài 8,7 tỷ đồng; tổng số phim chiếu rạp là 535 phim, trong đó có 145 phim trong nước và 390 phim nước ngoài; phục vụ gần 417.000 lượt người xem trên địa bàn tỉnh.

Đoàn Nghệ thuật Khmer phục vụ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XII năm 2018 tại huyện Gò Quao

Biểu diễn nghệ thuật vừa là một ngành công nghệ văn hóa vừa là hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống các dân tộc, tạo ra nhiều tác phẩm đặc trưng, chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống. Nhiều năm qua, tỉnh đã tăng cường các cuộc biểu diễn giao lưu của các đoàn nghệ thuật trong tỉnh với các tỉnh bạn nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đoàn Nghệ thuật Khmer và Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang dàn dựng nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật tổng hợp, tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân cùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tham gia các hội thi, liên hoan khu vực và toàn quốc đạt nhiều kết quả. Từ năm 2017 đến nay, hai đoàn nghệ thuật tổ chức được 348 chương trình biểu diễn; Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức và phối hợp tổ chức 341 chương trình nghệ thuật, giao lưu văn hóa, văn nghệ, triển lãm, trưng bày tranh, ảnh phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh.

Thời gian qua, các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tại địa phương phát triển khá tốt về chất lượng tác phẩm cũng như quy mô; tuy nhiên, vẫn tập trung chủ yếu ở thành phố Rạch Giá và các địa phương có ưu thế về du lịch như: Thành phố Phú Quốc, huyện Kiên Hải, thành phố Hà Tiên. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật. Công tác triển khai, tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã góp phần thúc đẩy sự phát triển về chất lượng cũng như hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước. Từ năm 2017 đến đầu năm 2022, tỉnh đã cấp 18 giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật).

Hội Văn học và Nghệ thuật tỉnh hàng năm đều tổ chức triển lãm về mỹ thuật, nhiếp ảnh, tổ chức cho các văn nghệ sĩ trong tỉnh đi thực tế các địa phương trong và ngoài tỉnh để sáng tác. Hàng năm, nhân dịp các lễ hội truyền thống như Lễ hội Nguyễn Trung Trực, Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer…, các đơn vị như: Bảo tàng tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh và các Công ty tổ chức sự kiện đều tổ chức triển lãm và giới thiệu làng nghề truyền thống, những tranh, ảnh, hiện vật có liên quan đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân tỉnh Kiên Giang. Một số sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương như: Rượu Đường Xuồng, khóm Cầu Đúc, tiêu Vĩnh Hòa Hưng Bắc, các loại trái cây khác,… và các sản phẩm nông thủy sản, mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng, ngành nghề truyền thống của tỉnh. Tổng ngân sách đầu tư cho hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm từ 2017 đến nay hơn 1,1 tỷ đồng; đã tổ chức 44 sự kiện, trong đó mỹ thuật 3 cuộc, nhiếp ảnh 9 cuộc, triển lãm 32 cuộc.

Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Kiên Giang – Đất nước – Con người” tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực năm 2018

Văn hóa là cơ sở nền tảng để xây dựng sản phẩm du lịch, tạo động lực để phát triển kinh tế du lịch. Kiên Giang định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển du lịch: Giai đoạn từ 2017 – tháng 10/2022, tỉnh đã đón và phục vụ trên 37 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt; doanh thu đạt hơn 65.000 tỷ đồng. Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù hiện có để phục vụ cho phát triển du lịch, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch hội nghị cao cấp; tham quan công viên động vật hoang dã; tham quan và mua sắm tại trang trại nuôi trồng và cửa hàng sản phẩm ngọc trai; tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo; trải nghiệm tại các công viên chuyên đề. Thực hiện đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới chủ yếu là dựa vào thế mạnh về tài nguyên du lịch, tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng lên. Phát triển đa dạng các tuyến du lịch, các loại hình du lịch ven biển, các đảo,… Đồng thời rà soát tài nguyên du lịch làm cơ sở xây dựng sản phẩm đặc thù; hình thành tour, tuyến để thu hút khách du lịch. Một số lễ hội được quan tâm đầu tư nâng cấp, đã thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan.1

Những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đến địa phương, báo, đài, các tổ chức xã hội,… tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, các trang thông tin điện tử của các cơ quan, sở, ban, ngành và các địa phương nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vị trí, vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, nhất là vận động đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương. Thông qua công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về nội dung, ý nghĩa thiết thực của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thu hút được sự quan tâm của xã hội, thu hút các nguồn lực trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa và phát triển thể thao của các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực và hiệu quả vào GRDP của tỉnh, cũng như tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Việc khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của thị trường văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, sẽ góp phần thúc đẩy chiến lược hợp tác phát triển ngành công nghiệp này của Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng với thị trường quốc tế.

Trong những năm tiếp theo, Kiên Giang sẽ xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp văn hóa tỉnh Kiên Giang với tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu./.

Ngọc Thắm

——————————————————–

1 Như: Lễ kỷ niệm ngày hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá); Lễ kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (Hòn Đất); Lễ hội Óoc-om-bok (Gò quao); Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các và du lịch Hà Tiên, Lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu, lễ giỗ bà Mạc Mi Cô (Hà Tiên); Lễ hội Nghinh Ông, Kiên Hải…

Xổ số miền Bắc