Đánh giá Canon R – kẻ đến sau trong cuộc đua mirrorless
Ra đời khá muộn, Canon R vẫn sở hữu chất lượng ảnh và những trang bị đáng gờm có thể gây sức ép cho các đối thủ giàu kinh nghiệm như Sony và Fujifilm trong mảng mirrorless.
Mục lục bài viết
Dù khá muộn, Canon R vẫn sở hữu những trang bị đáng gờm có thể gây sức ép lớn cho đối thủ từ Sony và Fujifilm.
Tháng 10/2013, Sony ra mắt bộ đôi máy ảnh mirrorless đầu tiên sử dụng cảm biến full-frame (tương đương khổ film 35mm) là Sony a7 và a7R. Bộ đôi này nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Nhờ hai model a7 và a7R, tên tuổi của Sony đã được đẩy lên một tầm cao mới. Hiện hãng đang đứng đầu trong thị phần máy ảnh không gương lật.
Sau 5 năm Sony ra mắt a7, người yêu nhiếp ảnh vẫn không thể hiểu được tại sao Canon – đối thủ của Sony – đến giờ vẫn chưa ra mắt một chiếc máy ảnh không gương lật cảm biến khổ lớn nào. Suốt thời gian dài, hãng chỉ loay hoay với dòng EOS M cảm biến crop.
Đáp lại điều này, tháng 9/2018, Canon chính thức ra mắt Canon R – máy ảnh không gương lật khổ film 35 mm đầu tiên của hãng. Theo The Verge, máy có giá bán dự kiến khoảng 55 triệu đồng cao hơn Sony a7 III, đối thủ cạnh tranh trực tiếp 6 triệu đồng.
Mirrorless không nhất thiết phải nhỏ?
Lần đầu cầm trên tay Canon EOS R, dù có kích thước gần bằng Sony a7 nhưng tôi thật sự không cảm nhận được yếu tố nhỏ gọn của một chiếc máy ảnh không gương lật. Máy trông có vẻ to, dày hơn các sản phẩm khác cùng phân khúc như Sony a7 III. Sự chênh lệch này khoảng dưới 10% cho các thông số kích thước dài, rộng, cao.
Bù lại sự to lớn là cảm giác cầm thật sự thoải mái. Không như thiết kế vuông vức, sắc cạnh của các sản phẩm khác, Canon R có hình dáng công thái học giúp người chụp thời gian dài vẫn cảm thấy thoải mái khi cầm máy. Tôi có cơ hội trải nghiệm thiết bị này 4 ngày tại Tokyo. Mỗi ngày tôi thường đi bộ từ con phố này sang con phố khác để chụp ảnh. Không dùng dây đeo máy nhưng cầm Canon R tôi vẫn không có cảm giác quá đau tay dù máy khá nặng.
Khối lượng tổng không đến từ máy mà tới từ ống kính. Ống kính của Canon khiến tôi khá choáng ngợp bởi kích thước. Hiện Canon R có 4 ống kính gồm 35 mm F/1.8, 50 mm F/1.2, 28-70 mm F/2.0 và 24-105 mm F/4.
Trong 4 tùy chọn trên, ống kính 35 mm và 24-105 mm có kích thước nhỏ nhất. Theo tôi hai ống này được thiết kế cho người dùng thường xuyên di chuyển, chụp ảnh đường phố…
Với hai ống kính còn lại, Canon tập trung vào nhóm người chụp ảnh chuyên nghiệp, đòi hỏi cao về độ mở ống kính và chất lượng. Ống 28-70 mm là một trong số những ống đa dụng được hầu hết hãng máy ảnh sử dụng. Tuy vậy khẩu độ thường chỉ dừng lại ở F/2.8.
Việc Canon nâng lên mức F/2.0 khiến kích thước ống kính to hơn nhưng bù lại có nhiều lợi thế về khả năng nhận sáng và hiệu ứng xóa phông. Với sự khởi đầu mới mẻ, 4 ống kính này đáp ứng phần lớn nhu cầu chụp ảnh từ chân dung, đường phố đến phong cảnh không quá rộng.
Thế mạnh lớn nhất của Canon R so với các sản phẩm khác là công ty máy ảnh này có một hệ sinh thái rộng lớn với 165 ống kính EFS. Chỉ với một ngàm chuyển, Canon R đã có thể có đa dạng nguồn ống kính.
Có kích thước khác tương đồng nhưng ống 28-70 mm của Canon lại có khẩu độ lớn hơn 1 stop. Ảnh: Camerasize.
Việc dùng ngàm chuyển khiến độ dày của máy tăng lên cũng được hãng tính toán khá kỹ lưỡng. Khoảng cách từ ống kính đến cảm biến của Canon là 20 mm. Điều này giúp việc lắp thêm ngàm chuyển không ảnh hưởng quá lớn đến kích thước của máy. Cùng với đó, khoảng cách ngắn giúp chất lượng ảnh tốt hơn.
Nếu từng sử dụng Canon, khi mua EOS R, người dùng sẽ có thể tận dụng lại những ống kính đã có mà không lo thay đổi chất lượng hay tốc độ lấy nét.
Nhiều cách thức tương tác
Khác với DLSR, từng diện tích nhỏ nhất trên máy không gương lật đều phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Canon bố trí thêm cho EOS R 3 hình thức tương tác mới gồm vuốt màn hình cảm ứng để thay đổi điểm lấy nét, thanh trượt cảm ứng và vòng ống kính.
Tôi có thể chọn điểm lấy nét trên màn hình cảm ứng rất tiện.
Người dùng có thể thay đổi hình thức tương tác theo ý muốn khá dễ dàng. Tôi thường gán vòng ống kính cho tính năng thay đổi ISO, thanh vuốt cảm ứng (ngón cái) để tùy chỉnh tốc độ và bánh lăn phía trước (ngón trỏ) để chỉnh khẩu độ. Tuy vậy, khi nghĩ đến vòng xoay phía trên ống kính, tôi thường liên tưởng đến khẩu độ nhưng Canon lại không cho phép gán tính năng này vào vòng.
“Đây chỉ là thiếu sót về phần mềm, trong những bản cập nhật firmware tiếp theo chúng tôi sẽ bổ sung”, Giám đốc sản phẩm của Canon nói với tôi khi nhận được phàn nàn này.
Tính năng vuốt màn hình cảm ứng để chọn điểm lấy nét khiến tôi ấn tượng nhất. Cảm giác vuốt chọn điểm khá giống với việc sử dụng di động, giúp người dùng có thể làm quen ngay lập tức.
Máy ảnh mirrorless loại bỏ tấm gương phản chiếu trong khung ngắm để tiết kiệm diện tích. Thay vào đó các hãng sử dụng ống ngắm điện tử EVF để thay thế. Với Canon R, trải nghiệm ngắm trên ống ngắm điện tử OLED, có độ phân giải 3,69 triệu điểm ảnh cho hình ảnh mịn, nét, màu sắc tốt. Ống ngắm này có độ phản hồi ở mức khá có thể đáp ứng nhu cầu chụp thể thao cơ bản.
Tuy vậy các tùy chọn nhìn của ống kính này khá hạn chế và phải tùy chỉnh sâu trong menu. Canon chỉ cho phép chọn ngắm bằng EVF hoặc cả EVF và màn hình. Trong trường hợp muốn tiết kiệm pin, tôi không thể tắt cả hai loại ngắm này.
Với Fujifilm, tôi có thể tùy chỉnh chỉ EVF, chỉ màn hình, hoặc cảm biến mắt. Nghĩa là khi tôi đưa mắt lên ống ngắm EVF mới mở. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể pin mà tôi có thể luôn để máy chế độ chờ. Tôi hy vọng Canon sẽ cải thiện điều này ở các bản cập nhật tiếp theo.
Quay 4K tương đương EOS M50
Sở dĩ nói vậy vì khi quay 4K, EOS R sẽ chuyển sang định dạng crop. Canon EOS R quay phim 4K cũng bị giới hạn tốc độ là 30 fps tương tự Sony a7 III, nhưng làm việc ở chế độ 1080p tệ hơn với tốc độ chỉ 60 fps trong khi a7 III đạt tốc độ 120 fps dễ dàng. Chiếc máy ảnh của Canon chỉ đạt 120 fps khi quay 720p.
Dù vậy Canon EOS R sở hữu màn hình xoay lật linh hoạt thích hợp cho nhiều góc máy. Bên cạnh đó máy có khả năng lấy nét theo Canon là nhanh nhất hiện nay với công nghệ Dual Pixel. EOS R có 5.655 điểm lấy nét, phủ rộng khắp khung hình giúp bám nét chủ thể tốt hơn khi quay.
Màn hình xoay lật giúp Canon có ưu điểm cạnh tranh hơn Sony ở khoảng quay phim.
Canon EOS R không có tính năng chống rung trên thân máy. “Nếu trang bị chống rung trên thân máy, các đời máy cũ hơn sẽ không thể chống rung. Nhưng chống rung trên ống kính có thể giải quyết vấn đề này”, đại diện ngành hàng máy ảnh Canon chia sẻ với tôi. Tuy vậy, những ống kính chống rung đời mới của Canon lại có mức giá khá cao.
Canon cho biết EOS R có thể chụp liên tiếp đến 8 fps nhưng đáng tiếc là vẫn còn gặp nhiều giới hạn. Trên thực tế máy chỉ chụp được 5 fps và 3 fps khi bật Focus Tracking.
Canon EOS R có màn hình LCD phía sau máy rất lớn với độ phân giải 2,1 triệu điểm ảnh, gấp đôi các đối thủ khác trong phân khúc. Vì vậy xem ảnh trên Canon EOS R khá thích. Nhưng đây cũng chính là nhược điểm của máy. Nó khiến model có thời lượng chụp ảnh cho một viên pin chỉ 340 tấm, bằng một nửa so với các dòng máy khác.
Ảnh mềm mại, phù hợp hậu kỳ
Thừa hưởng nét ảnh mềm mại đặc trưng của Canon, EOS R phù hợp cho việc chụp chân dung. Nếu không muốn chỉnh sửa, người dùng có thể sử dụng các profile màu bên trong phần cài đặt. Với tùy chọn phong cảnh, tôi nhận được những bức ảnh với độ tương phản khá cao và màu sắc đậm. Tuy nhiên nếu có người trong bức ảnh, màu da vẫn không bị đẩy lên quá mức gây khó chịu.
Ở ISO 6.400 điều kiện ánh sáng yếu, ảnh từ Canon EOS R gần như không bị nhiễu hạt.
Về độ nét, cảm biến hình ảnh độ phân giải 30.1 MP của EOS R đáp ứng tốt từ nhu cầu ảnh đời thường đến thời trang, quảng cáo.
Việc Canon hướng EOS R đến các khách hàng phân khúc cao còn thể hiện qua mức giá. Dù mới ra mắt sản phẩm không gương lật fullframe đầu tiên nhưng Canon đã định hình sản phẩm thuộc phân khúc cao. Máy chênh lệch 300 USD so với các hãng khác.
Từ nhu cầu chuyên nghiệp này đưa EOS R đến xu hướng màu gốc nhẹ nhàng phù hợp cho hậu kỳ. File ảnh có kích thước trên 10 MB, chứa nhiều thông tin để chỉnh sửa. Mức cứu sáng của ảnh chụp từ Canon R có thể kéo khoảng 2,5 stop nhưng vẫn giữ được các chi tiết ảnh.
Khả năng khử noise của máy cũng thuộc hàng ấn tượng. Với ISO mở rộng 102.400 giúp máy chụp được hầu hết điều kiện ánh sáng. Trong đó, mức ISO 6.400 ở tất cả các điều kiện sáng đều không có hiện tượng nhiễu hạt.
Có nên mua Canon EOS R?
Nếu là người dùng các dòng máy DSLR của Canon, sở hữu sẵn kho ống kính đa dạng hoặc người mới muốn tìm một sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao thì Canon EOS R là sự lựa chọn ổn. Bên cạnh đó, mức giá khá chênh lệch của EOS R cũng hướng đến nhóm khách hàng chụp thương mại.
Nếu bạn đã trung thành với Sony Alpha thì A7 III tiếp tục là lựa chọn tốt. Với người dùng cần một chiếc máy gọn nhẹ cho nhu cầu du lịch, có chất trẻ trung thì Canon EOS M50 đáp ứng đủ đầy. Bên cạnh đó, Fujifilm X-T2, X-T20 cũng là những cái tên đáng nhắc đến với nét cổ điển, nhỏ gọn đặc trưng.
Những ảnh chụp từ Canon EOS R