Đánh giá “Missing”: hồi hộp từng giây phút, phim đáng xem nhất tại rạp lúc này

Nếu bạn hỏi phim nào đáng xem nhất tại rạp bây giờ, mình sẽ không ngần ngại gợi ý ngay Missing (Mất tích). Bộ phim sẽ mang đến gần 2 tiếng giải trí “ăn đứt” bom tấn Ant-Man 3 của Marvel Stuidios. Đảm bảo xứng đáng từng đồng tiền vé bỏ ra.

Phim được sản xuất bởi hãng Sony Pictures và là hậu truyện của Searching năm 2018, đến từ bộ đôi biên kịch kiêm đạo diễn Will Merrick và Nick Johnson. Tuy nhiên, nội dung độc lập chứ không liên hệ với nhau. Nếu chưa xem Searching thì bạn cũng không cần lo lắng mà cứ vô tư ra rạp xem Missing. Thấy Missing hay quá thì có thể tìm Searching sau, dám cá lúc ấy bạn sẽ thấy “hối hận” vì đã không biết đến Searching sớm hơn.

Câu truyện của Missing tập trung vào 2 mẹ con June và Grace. Sau khi người cha người chồng qua đời, cả 2 dọn tới sống ở Los Angeles. Tình cảm giữa 2 mẹ con dần phai nhạt kể từ đó, thường xuyên cãi vã và bất đồng quan điểm. Vì cô đơn, mẹ Grace lên mạng xã hội hẹn hò để tìm kiếm 1 bạn trai mới, trong khi cô con gái June ngày càng nổi loạn, chỉ biết tụ tập đàn đúm với bạn bè. Bất ngờ 1 ngày, mẹ cô biến mất trong chuyến đi du lịch tới Columbia và câu chuyện bắt đầu.

Bộ phim có phong cách screenlife tức hầu hết diễn biễn được quay lại qua màn hình thiết bị điện tử, như laptop, smartphone, camera giám sát an ninh,… Nó mang tới cảm giác gần gũi và chân thực hơn cho người xem.

Điểm mạnh của Missing nằm ở phần kịch bản cực kì kịch tính. Với kinh nghiệm sản xuất Searching đã rất thành công, đội ngũ sản xuất mang tới 1 câu chuyện đầy những tình tiết lắt léo, “dắt mũi” người xem từ đầu đến cuối. Bạn không thể biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước, những sự việc mà bạn tin là thật nhanh chóng bị “bẻ lái” ngay sau đó, đôi khi phủ nhận hoàn toàn. Liên tục những màn lật kèo lắt léo đặc trưng của thể loại giật gân dần khiến người xem bị cuốn vào câu chuyện.

Bầu không khí kịch tính càng được tăng thêm bởi phần âm thanh lồng ghép rất phù hợp. Khiến khán giả nín thở dõi theo từng thao tác của nhân vật. Liên tục thắt nắt rồi gỡ nút, lâm vào bế tắc rồi lại tìm thấy lối ra, thử và sai,… Từng chi tiết được cài cắm rải rác buộc khán giả phải tập trung tối đa tế bào thần kinh, bỏ lỡ chỉ chục giây thôi cũng có thể bỏ lỡ luôn manh mối nào đó.

Đánh giá “Missing”: hồi hộp từng giây phút, phim đáng xem nhất tại rạp lúc này 

Và trót phải ra ngoài đi vệ sinh thì đúng là 1 thảm họa vì có thể không hiểu tại sao lại xảy ra chuyện tiếp theo.

Sử dụng các thiết bị điện tử và phần mềm, dịch vụ công nghệ làm công cụ kể chuyện, Missing sẽ dễ hiểu và gần gũi hơn nếu bạn đã biết về những thao tác mà nhân vật thực hiện. Hiểu biết tiếng Anh là 1 lợi thế nhỏ vì giao diện của các trang web và ứng dụng đều là tiếng Anh. Đó đều là những thứ rất quen thuộc với chúng ta như Facebook, Gmail, Google Maps, Instagram, Siri,…

Và nếu là 1 người yêu thích công nghệ, bạn chắc chắn càng thích Missing hơn. 

Một điểm cộng khác là thông điệp và lời thoại. Thoại rất tự nhiên còn thông điệp truyền tải lại vô cùng dễ hiểu, không hề giáo điều hay dập khuôn. Đơn giản chỉ là sự gắn kết gia đình, giữa những người xa lạ trên mạng giúp đỡ nhau, học cách xin lỗi khi làm tổn thương người khác,… Ngoài ra, vì có yếu tố công nghệ xuyên suốt, bộ phim cũng giống 1 lời nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm của đám đông mạng xã hội, của sự lơ là cảnh giác trong bảo mật thông tin cá nhân,…

Điểm trừ của phim cũng có nhưng không quá ảnh hưởng đến trải nghiệm. Thứ nhất nằm ở phụ đề có 1 số chỗ màu trắng bị lẫn với giao diện nền web trên màn hình, khiến khán giả có thể không đọc được thông tin quan trọng. Tiếp theo, hệ thống bảo mật của Google dường như đã bị các nhà sản xuất hạ thấp so với tiêu chuẩn ngày nay. Việc truy cập vào tài khoản người khác không đến mức dễ dàng như trong phim.

Đánh giá “Missing”: hồi hộp từng giây phút, phim đáng xem nhất tại rạp lúc này 

Nhịp phim dồn dập, có thể khiến một số người không theo kịp diễn biến. Do vậy, tốt nhất để hiểu phim 1 cách mạch lạc, bạn cần thu thập thông tin được cung cấp và xâu chuỗi các sự việc liên tục để hình dung ra bức tranh tổng thể. Trong quá trình xem phim, không thiếu những thời điểm bạn vỡ òa “ồ” lên hoặc bất ngờ trước những điều không lường trước được, đừng để xao nhãng khiến bản thân không kịp nắm bắt chuyện gì đã xảy ra.

Cuối cùng, lưu ý một chút là Missing tạo ra bầu không khí cực kì căng thẳng và gay cấn. Nếu có thể thì cũng không cần mua bỏng nước làm gì, vì chưa chắc đã có thời gian cho bỏng nước đâu! Phim chẳng có quãng nghĩ nào hết. Một khi đã bị cuốn vào hành trình tìm mẹ của nhân vật chính, đừng nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi! Phim gần 2 tiếng mà ra khỏi rạp vẫn còn thấy ngắn…

Tin mình đi, đây chắc chắn là sự lựa chọn đáng giá hơn Ant-Man 3 lúc này.

>>> “Ant-Man 3” là báo động đỏ cho Marvel Studios.

Xổ số miền Bắc