Đánh giá xếp hạng giáo viên theo bậc: Cần thực tế và công bằng

.

Nhiều giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đang quan tâm đến dự thảo lần 2 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Một nội dung rất đáng chú ý trong dự thảo thông tư này là việc giáo viên của từng bậc học sẽ được phân thành các hạng từ hạng I đến hạng III.

Giáo viên Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh cùng học sinh trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: Công Nghĩa

Giáo viên Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh cùng học sinh trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: Công Nghĩa

Hiệu trưởng một số trường phổ thông cho rằng, việc xét thăng hạng giáo viên theo từng cấp độ thể hiện sự đánh giá về phẩm chất năng lực, thành quả phấn đấu trong quá trình công tác. Tuy nhiên, nếu áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá và xếp loại giáo viên thì lại là vấn đề không hề dễ dàng, thậm chí còn dẫn đến sự thiếu công bằng, khách quan trong đánh giá, xếp hạng giáo viên.

* Không dễ xếp hạng giáo viên

Theo hướng dẫn tổ chức đánh giá, xếp hạng giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập từ bậc tiểu học, THCS, THPT sẽ có những tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể. Trong đó, 4 tiêu chuẩn để đánh giá xếp hạng giáo viên gồm: chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, về đào tạo bồi dưỡng, về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Ngoài 4 tiêu chuẩn nói trên, còn có đến 17 tiêu chí nhỏ khác nhau được áp dụng. Giáo viên chỉ cần thiếu các tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ không được đánh giá xếp hạng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên trong quá trình công tác nếu thời gian qua không được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phấn đấu trong công tác.

Là cán bộ quản lý lâu năm trong ngành Giáo dục, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang cho rằng, việc đánh giá xếp loại giáo viên theo từng cấp độ như trong dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến là cần thiết. Việc làm này sẽ góp phần khuyến khích giáo viên phấn đấu tốt hơn trong chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp, từ đó sẽ tác động đến chất lượng dạy và học. Giáo viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp, được ghi nhận bằng kết quả công tác cụ thể sẽ được tăng lương sớm và hưởng mức lương cao hơn. Còn giáo viên thiếu ý chí phấn đấu sẽ phải chấp nhận công sức phù hợp, tránh tình trạng cào bằng, đến hẹn lại tăng lương.

Tuy nhiên, cô Đỗ Thị Cao Sang cho rằng, việc đánh giá xếp hạng giáo viên sẽ khó thực hiện, vì chưa sát với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên nên có thể phải xem xét điều chỉnh lại. Chẳng hạn tiêu chuẩn 1 về chuyên môn nghiệp vụ, quy định giáo viên phải tham gia kiểm tra hồ sơ, sổ sách của giáo viên. Thực tế chỉ có những tổ trưởng tổ chuyên môn mới làm những công việc này, còn những giáo viên bình thường chủ yếu làm công tác dạy học thuần túy. Nếu cử giáo viên bình thường ngồi vào vị trí tổ trưởng tổ chuyên môn cho có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí thì không thể vì phải đúng người, đúng việc và thực chất.

Cô Phạm Thị Hải, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Du (TT.Định Quán, H.Định Quán) cho rằng, những tiêu chuẩn, tiêu chí xét thăng hạng giáo viên chưa phù hợp và chưa công bằng. Các phần việc trong các tiêu chuẩn, tiêu chí này thường được phân công cho giáo viên là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trong nhà trường, còn giáo viên thông thường thì lấy gì để xét vì họ không được tiếp cận với những công việc mà hướng dẫn của Bộ GD-ĐT quy định. Hoặc có những giáo viên lớn tuổi, dù trình độ chuyên môn “cứng” nhưng chỉ vì thiếu các chứng chỉ nào đó, hoặc chưa đủ thâm niên “giữ hạng” trước đó mà không được xét, thậm chí còn bị “tụt hạng” cũng là một thiệt thòi.

* Nhiều tâm tư khi xét thăng hạng

Theo một số hiệu trưởng các trường phổ thông, dù hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có hướng dẫn đánh xếp hạng giáo viên mới, chỉ trong quá trình lấy ý kiến nhưng đang tạo ra nhiều lo lắng cho giáo viên. Chẳng hạn, khi bỏ cách tính lương theo thâm niên công tác để tính lương theo thứ hạng thì một giáo viên có thâm niên cao chưa chắc đã bằng với lương của một giáo viên có thâm niên thấp nhưng đủ các điều kiện và được thăng hạng. Điều này dễ xảy ra tâm tư trong đội ngũ giáo viên trong một đơn vị công tác.

Đánh giá một giáo viên đúng với trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục là câu chuyện không hề đơn giản. Việc đánh giá không thể cào bằng vì sẽ triệt tiêu đi đam mê, tâm huyết và quá trình phấn đấu, không tạo ra những nhân tố mới trong môi trường giáo dục. Nếu xem xét, đánh giá một cách máy móc theo những thông tư, quy định mang tính cứng nhắc, chưa đủ cơ sở thực tế sẽ lại thiếu đi sự công bằng.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (P.Xuân An, TP.Long Khánh) Lê Thị Phương Thủy cho rằng, quy định xếp hạng giáo viên có thể lợi cho giáo viên mới vào nghề, còn giáo viên có thâm niên nhưng không đủ điều kiện để xếp hạng thì sẽ vẫn phải nhận lương theo quy định cũ, thậm chí nếu cho thêm thời gian phấn đấu vẫn không đạt các tiêu chuẩn để xếp hạng, thì có thể bị đưa vào nhóm cần tinh giản biên chế, trong khi trường lại đang thiếu giáo viên. Thời gian qua, nhà trường rất quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tuy nhiên nếu xét các tiêu chuẩn và tiêu chí mới, vẫn có tới 1/3 số giáo viên không đủ điều kiện để xếp hạng.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Biên Hòa cho rằng: “Có nhiều cách khác để đánh giá, xếp hạng giao viên mà không cần quy định chi tiết như Bộ GD-ĐT đang thực hiện. Để đánh giá xếp hạng giáo viên một cách tương đối chuẩn xác, có thể cứ khoảng 3 năm, tỉnh nên tổ chức một kỳ thi xét thăng hạng giáo viên. Các câu hỏi trong đề thi ngoài kiến thức chuyên môn thì mở rộng sang kiến thức về xã hội, kỹ năng…, từ đó sẽ khuyến khích giáo viên tăng cường tự bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghiệp vụ cho mình. Bởi thực tế nhiều bằng cấp, chứng chỉ để được xếp hạng giáo viên hiện nay còn mang tính hình thức”.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) VŨ MINH ĐỨC cho biết, tháng 9-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó Điều 28 của nghị định quy định viên chức được phân hạng. Từ những ý kiến phản hồi về khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đang tiếp thu thêm nhiều ý kiến của đội ngũ nhà giáo cả nước để có những sửa đổi phù hợp với thực tế về quy định xếp hạng giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập trên cả nước.

Công Nghĩa