Đầu xuân Canh Tý, tìm hiểu ý nghĩa sâu xa trong bức tranh dân gian ‘Đám cưới chuột’
(VTC News) –
Ngoài bánh, mứt, dưa hành, câu đối đỏ…nhiều gia đình Việt thường mua tranh Đông Hồ để trang trí nhà dịp Tết. Tranh dân gian “Đám cưới chuột” (còn có tên gọi Trạng chuột vinh quy) là một trong số những tranh độc đáo của làng tranh Đông Hồ với hương xuân, sắc Tết và cả hồn dân tộc gửi gắm những ước vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đạo bình an.
Bức tranh diễn tả đám cưới “quan trạng chuột” khá long trọng, đông vui. Giữa không khí kèn- trống, cờ quạt, mũ mão- cân đai, “chuột anh” cưỡi ngựa hồng đi trước, “chuột nàng” ngồi kiệu theo sau. Lũ lượt theo hầu hạ, đón rước là đông đảo họ hàng nhà chuột.
Tuy vậy, nếu nhìn kỹ bức tranh, người xem tranh sẽ thấy vẻ sợ hãi, thấp thỏm, ngó trước, nhìn sau của họ nhà chuột. Góc bên phải bức tranh là mèo già với dáng điệu hung tợn như đang gầm gừ, ra oai dọa dẫm…Trước mặt mèo già là “đại diện” họ nhà chuột đang cống nộp chim câu, cá chép.
Tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”.
Đáng lưu ý, những chữ Hán in trên bức tranh như: Miêu (mèo), Tống lễ (lễ biếu), Tác nhạc (tấu nhạc), Lão thử (con chuột), Thủ thân (giữ mình), Chủ hôn (đứng đầu hôn lễ), Ngênh hôn (đón dâu)… Bất giác, người xem tranh lại nhớ đến câu:
“Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm, mua cá giỗ cha chú mèo”.
Là người tâm huyết với dòng tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh chia sẻ ý nghĩa vốn có của bức tranh: Chuột – Mèo vốn là đại diện “hai dòng họ” có mối thâm thù truyền kiếp. Chuột vốn sợ mèo. Muốn thoát khỏi nanh vuốt của mèo già; muốn tổ chức ngày vui của mình được trọn vẹn, họ nhà chuột phải bày đặt đủ thứ lễ vật để kính biếu mèo già.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng bên bức tranh “Đám cưới chuột”.
“Ý tưởng sâu xa của ‘Đám cưới chuột’ là chất châm biếm, đả kích sâu cay, lên án, tố cáo tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô, hối lộ, ăn của đút lót của bọn quan lại phong kiến thống trị.
‘Đám cưới chuột’ cũng là tiếng cười hóm hỉnh, lời mỉa mai cay nghiệt của những người ‘dân đen’ đối với những kẻ tự xưng là ‘đấng phụ mẫu chi dân’. Đồng thời, đây cũng là ‘nụ cười Xuân’ bình dân nhưng không kém bác học, đầy ý vị và đậm không khí Xuân”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết.
Với ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất dân gian và kỹ thuật in tranh độc đáo, các nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ đã tạo nên “Đám cưới chuột” phản ánh một cách sinh động, chân thực cuộc sống xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Người xưa hay dùng hình tượng Chuột – Mèo để ám chỉ, đả kích, tố cáo quan lại thống trị. Không chỉ có ở tranh dân gian Việt Nam, hình tượng này cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, như Đức, ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ…
Tranh dân gian “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ – Việt Nam vẫn là một trong số những bức tranh đẹp và có nét độc đáo riêng.
“Đám cưới chuột” không theo kiểu bố cục hàn lâm và Luật viễn cận (xa-gần) của châu Âu, mà bố cục bình đồ dân gian. Bức tranh phân làm 2 tuyến. Tuyến trước (gần) là chuột anh, chuột nàng và quân sĩ theo hầu. Tuyến sau (xa) là “phái đoàn họ nhà chuột” đi “lót tay” cho lão mèo già.
Bố cục hai tuyến gần như cân bằng trên – dưới nhưng vẫn không bị “phạm luật” cắt đôi bức tranh. Mèo già mặc dù được bố trí ở góc trên bức tranh, song đây là nhân vật trung tâm nên vẫn được các tác giả dân gian tập trung tạo thành “điểm vàng” của tranh.
Anh Nguyễn Đức Tám chế tác bản khắc gỗ để in tranh.
Chất liệu tạo nên tranh dân gian Đông Hồ cũng đậm chất dân dã: Ván khắc tranh được làm bằng gỗ thị còn giấy in tranh là loại giấy dó (làm từ cây dó); màu in tranh chế từ các loài thảo mộc, khoáng sản…Bảng màu trong tranh “Đám cưới chuột” giản dị với màu vàng của hoa hòe, màu xanh của lá chàm, màu trắng chế từ vỏ con điệp.
Chỉ với những chất liệu dân dã, quê mùa trên, các nghệ nhân của làng Đông Hồ tạo cho “Đám cưới chuột” trở thành bức tranh Tết độc đáo và đậm không khí Xuân.
Năm Canh Tý treo tranh “Đám cưới chuột” mong một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đạo bình an.
Ông Nguyễn Đăng Tâm, thế hệ thứ 21 trong một gia đình có truyền thống làm nghề tranh dân gian Đông Hồ và 29 năm làm nghề tranh này cho biết: “Trong tranh dân gian ‘Đám cưới chuột’ là một đề tài xã hội. Các nghệ nhân đã dùng hình ảnh đối lập nhau giữa con mèo và con chuột là hai giai cấp không hòa đồng với nhau được.
Có mèo thì ắt hẳn sẽ có chuột. Con mèo tượng trưng cho tầng lớp thống trị, còn chuột thì tượng trưng cho tầng lớp bị trị. Chú rể chuột muốn đón được cô dâu thì phải ‘cống’ chim, ‘cống’ cá cho mèo. Tại sao lại phải như vậy? Đây chính là một hình thức hối lộ”.
“Tranh Đông Hồ tồn tại khoảng 500 năm nay nhưng ‘Đám cưới chuột’ luôn là một đề tài nóng bỏng. Năm 2020 là năm Canh Tý, năm con chuột nên số lượng tranh bán được nhiều hơn hẳn các tranh khác”, ông Tâm chia sẻ thêm.
Tiến Dũng – Văn Chương
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo