Đề cương Văn hóa Việt Nam: Triết lý sống để thế hệ thanh niên, sinh viên rèn luyện và tu dưỡng

Di sản văn hóa quý báu

Đề cương văn hóa Việt Nam và sứ mệnh, trách nhiệm của thanh niên sinh viên Việt Nam ngày nay -0
Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà giáo Trần Anh Thơ

Đề cương văn hóa Việt Nam là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Giá trị lịch sử của Đề cương văn hóa Việt Nam như một bản Cương lĩnh văn hóa của Đảng, phản ánh đúng quy luật phát triển văn hóa của dân tộc phù hợp với tiến trình phát triển văn hóa nhân loại nói chung và đặc điểm của cách mạng Việt Nam nói riêng.

Cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của bản Đề cương vẫn còn nguyên giá trị bởi 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Cùng với đó, là 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được nêu ra: Dân tộc, khoa học, đại chúng cùng 6 nhiệm vụ trọng tâm (Nghị quyết số 33 – NQ/TW). Đề cương có giá trị và tính hiện thực là bởi đã đề ra việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; kế thừa và cụ thể hóa Đề cương văn hóa Việt Nam về mặt lý luận, bao quát khá đầy đủ lĩnh vực văn hóa như tư tưởng, đạo đức, lối sống, di sản văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học, nghệ thuật, thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa với thế giới, thể chế và thiết chế văn hóa. Những giá trị nêu trên là hồn cốt, sức sống, bản sắc, truyền thống của con người Việt Nam và luôn được bảo lưu, gìn giữ và phát triển; đóng góp trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa ở khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới, tạo nên diện mạo văn hóa chung của nhân loại là cùng biết chung sống, cùng hợp tác, cùng làm việc, cùng học tập; hạnh phúc cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia.

Có thể thấy, Đề cương văn hóa Việt Nam đã đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cách mạng, định hướng sự phát triển và phát huy vai trò của văn hóa, trang bị vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng trên mặt trận văn hóa và là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ quân, dân ta, giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà, hăng hái tham gia cách mạng. Bối cảnh ra đời của Đề cương đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người, đặc biệt với thanh niên, sinh viên Việt Nam

Thanh niên, sinh viên đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa đề cương

Với tầm nhìn về con người và nghĩa vụ con người, Đề cương văn hóa Việt Nam đã sớm đưa ra nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, chính trị – xã hội lành mạnh, là nơi con người sinh sống, giao lưu và hành xử với nhau, cùng hợp tác, nâng cao chất lượng sống, chất lượng học tập và hoạt động văn hóa. Con người có nhiều kiến thức để học, để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, từ đó làm nổi bật cốt cách phong nhã, làm phong phú hơn phong cách sống của chính mình. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xét cả lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa là những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc, nhân văn, nhân ái và tiến bộ”. Một lần nữa khẳng định, con người trong xã hội hiện đại càng phải biết bảo lưu, gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, mà mỗi cá thể là một hình ảnh thu nhỏ của nền văn hóa dân tộc. 

Đề cương về Văn hóa Việt Nam không chỉ soi đường cho quốc dân đi mà còn như một triết lý sống để thế hệ thanh niên sinh viên Việt Nam rèn luyện và tu dưỡng. Đặc biệt, trong giai đoạn Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ,… những chủ nhân tương lai của đất nước cần trở thành lực lượng xung kích đi đầu trên mọi lĩnh vực, là lớp người “xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chúng ta tự hào về những thành tựu và di sản cha ông ta để lại, đồng thời cần có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu và phát triển phù hợp với xu thế thời đại. 

Cho đến nay, Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn là di sản văn hóa quý báu để chấn hưng dân tộc, soi đường quốc dân đi. Để hiện thực hóa đề cương đòi hỏi sự đồng lòng và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó thế hệ thanh niên sinh viên đóng một vai trò quan trọng. Phát huy vai trò sức mạnh của văn hóa, gìn giữ những bản sắc tinh túy của văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm của quá khứ mà còn là trách nhiệm với tương lai sau này. 

Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà giáo Trần Anh Thơ

Thế hệ thanh niên, sinh viên cần xác định được trọng trách, sứ mệnh cao cả của mình, đó là khát khao vươn tới đỉnh cao của khoa học kỹ thuật và làm chủ công nghệ cao phụng sự đất nước; khát khao xây dựng và phát triển đất nước thông qua các kỹ năng tinh xảo của mình nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho quốc gia; khát vọng xây dựng một xã hội hạnh phúc cho người lao động, trẻ em và thanh niên Việt Nam trong môi trường chính trị – xã hội lành mạnh do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; khát vọng tự hoàn thiện mình để trở thành người công dân Việt Nam có ích, có trách nhiệm với quốc gia, đồng bào.

Về trách nhiệm, các thanh niên Việt Nam cần gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân; tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, xã hội. Tích cực tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt, thế hệ trẻ cần đúc rút cho bản thân những triết lý sống cá nhân đúng đắn, sâu sắc. Cần biết cách tự học, học suốt đời để không ngừng sáng tạo, học để biết, để thấu hiểu, làm việc, để chung sống trong hòa bình và phát triển. Tư duy tiếp bước tư duy để đi tới cùng một việc bằng niềm tin và sự kiên định nhẫn nại. Cần tích cực rèn luyện các kỹ năng đáp ứng nhu cầu cao của xã hội, trước nhất là kỹ năng sống (kỹ năng sinh tồn, kỹ năng nhân cách, kỹ năng chuyên môn, làm việc, lãnh đạo,…) và kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, thực hành xã hội, kỹ năng khám phá năng lực bản thân, tư duy sáng tạo, xác định mục tiêu, lập kế hoạch và quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết khủng hoảng). 

Xổ số miền Bắc