Để định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam

Du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20 – 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.

de dinh vi thuong hieu du lich van hoa viet nam

Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Một nét văn hóa đặc trưng, thu hút khách du lịch

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, vai trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn, vì không chỉ làm tăng thêm việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Mà quan trọng hơn, đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch, khi du lịch được đưa vào chiến lược phát triển. Văn hóa du lịch trở thành một phương tiện quan trọng hỗ trợ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển công nghiệp văn hóa.

Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, nhiều điểm đến có di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là “điểm phải đến” của khách du lịch, như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Con đường di sản miền Trung, Các cố đô Việt Nam, Con đường xanh Tây Nguyên…

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch văn hóa vẫn hạn chế. Đặc biệt là các sản phẩm về công nghiệp văn hóa chưa phát triển nhiều để phục vụ cho nhu cầu du lịch. Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.

Giới thiệu sản phẩm du lịch theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trải nghiệm văn hóa làng nghề, miệt vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang), thử làm người quan họ ở Thổ Hà (Bắc Giang), bà Lê Thị Thu Trang, Giám đốc khối quản lý điểm đến SGO DMC, Công ty SGO Travel nhấn mạnh về sự hợp tác, kết nối giữa cán bộ văn hoá, người dân địa phương và doanh nghiệp lữ hành trong khảo sát, nghiên cứu thực địa, sáng tạo sản phẩm du lịch văn hoá có chiều sâu, mang tính trải nghiệm cao.

Dựa vào những chất liệu văn hoá đa dạng, phong phú của Bắc Giang, SGO Travel tập trung khai thác và đưa những câu chuyện văn hoá vào sản phẩm du lịch: Theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tour 1 ngày “Hà Nội – Tây Yên Tử” đưa du khách trải nghiệm hành trình lịch sử đầy cảm xúc trên “con đường hoằng dương thuyết Pháp” của vua Trần Nhân Tông và các đồ đệ vào hơn 700 năm trước. Đây là con đường hành hương đầy ý nghĩa về vùng thánh địa của thiền phái Trúc Lâm. Xuất phát tại Hoàng thành Thăng Long, qua chùa Vĩnh Nghiêm (nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hoằng dương thuyết pháp) và cuối cùng là đến với đỉnh thiêng Yên Tử. Đặc biệt, tại chùa Vĩnh Nghiêm – cũng chính là nơi đang lưu giữ hơn 3.050 mộc bản từ thế kỷ 16-19, du khách còn được tìm hiểu về một trong những di sản văn hóa của nhân loại đã được UNESCO công nhận và trải nghiệm in mộc bản cho riêng mình.

Để có một hành trình kết nối văn hóa – tâm linh – trải nghiệm, giúp du khách tận hưởng đầy đủ, trọn vẹn cả về kiến thức và thỏa mãn cả về cảm xúc cùng trải nghiệm nghe – nhìn – tương tác, doanh nghiệp này phải mất cả tháng trời đi lại, trải nghiệm tại đây, bà Lê Thị Thu Trang chia sẻ thêm.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, để giới thiệu, tôn vinh văn hoá Việt Nam trong phát triển du lịch, rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành và các địa phương.

Nhấn mạnh về trách nhiệm của các bên liên quan, ông Vũ Thế Bình đề xuất Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa trong cải thiện cơ sở hạ tầng, bảo tồn di sản, phát triển bản sắc văn hóa vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất du lịch. Song song với đó, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển du lịch văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Chú trọng đào tạo nhân lực cho du lịch văn hóa; xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, tình nguyện viên du lịch văn hóa để cung cấp cho khách du lịch thông tin về truyền thống văn hóa, lịch sử, lễ hội… của khu vực. Đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến du lịch văn hóa.

Xổ số miền Bắc